KINH 481. HỶ LẠC[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đang mùa hạ an cư, gia chủ Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Phật vì gia chủ, bằng nhiều hình thức mà thuyết pháp, khai thị, soi sáng, chỉ dạy, làm cho hoan hỷ. Sau khi được Phật khai thị, soi sáng, chỉ giáo, làm cho hoan hỷ, gia chủ đứng dậy sửa lại y phục, đảnh lễ sát chân Phật, rồi chấp tay, bạch Phật:
“Cúi xin Thế Tôn và đại chúng từ bi thọ nhận lời thỉnh nguyện của con, trong ba tháng hạ, con cúng dường, y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ.”
Bấy [123a] giờ đức Thế Tôn yên lặng nhận lời.
Khi ấy Cấp Cô Độc biết Phật đã yên lặng nhận lời rồi, đứng dậy từ giã trở về nhà mình. Qua ba tháng, ông đến chỗ Phật, lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Phật bảo Cấp Cô Độc:
“Lành thay, gia chủ! Ông ba tháng đã cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông nhờ vào sự trang nghiêm tịnh trị thượng đạo[2] này, mà ở đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng hiện tại Ông không nên mặc nhiên thụ hưởng sự an lạc này, Ông phải tinh tấn lúc nào cũng học, để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly. ”
Bấy giờ, gia chủ Cấp Cô Độc nghe Phật dạy như vậy, tùy hỷ hoan hỷ, đứng dậy đảnh lễ ra về.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi giữa đại chúng, biết ông Cấp Cô Độc đã về rồi, liền bạch Phật:
“Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Khéo vì gia chủ Cấp Cô Độc thuyết pháp khích lệ ông Cấp Cô Độc rằng: ‘Ông ba tháng đã cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông nhờ vào sự tịnh trị thượng đạo này, mà ở đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng hiện tại Ông không nên mặc nhiên thụ hưởng phước báo này, Ông phải tinh tấn lúc nào cũng học, để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly.’
“Bạch Thế Tôn, giả sử Thánh đệ tử học để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly, có thể viễn ly năm pháp, phải tu tập viên mãn năm pháp.
“Thế nào là viễn ly năm pháp? Đoạn trừ hỷ được nuôi lớn bởi dục, đoạn trừ ưu được nuôi lớn bởi dục, đoạn trừ xả được nuôi lớn bởi dục; đoạn trừ hỷ được nuôi lớn bởi pháp bất thiện, đoạn trừ ưu được nuôi lớn bởi pháp bất thiện. Đó gọi là năm pháp viễn ly.
“Thế nào là tu tập viên mãn năm pháp? Đó là tùy hỷ, hoan hỷ, khinh an[3], lạc và nhất tâm.”
Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Đúng thế, đúng thế ! Thánh đệ tử học để thành tựu và tự thân tác chứng hỷ lạc do viễn ly, có thể viễn ly năm pháp, cần tu tập viên mãn năm pháp..”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 482. VÔ THỰC LẠC[4]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có niệm có thực vị, có niệm không thực vị[5], có niệm vừa không thực vị vừa có thực vị. Có lạc có thực vị, có lạc không thực vị, có lạc vừa không thực vị vừa có thực vị. Có xả có thực vị, có niệm không thực vị, có xả vừa không thực vị vừa có thực vị. Có giải thoát có thực vị, có giải thoát không thực vị, có giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị.
“Thế nào là niệm có thực vị? Niệm[6] sinh ra do năm dục làm nhân duyên.
“Thế nào là niệm không thực vị? Tỳ-kheo ly [123b] dục, ly pháp ác bất thiện; có tầm, có tứ, có hỷ lạc do viễn ly sanh, thành tựu và an trụ sơ thiền. Đó gọi là niệm không thực vị.
“Thế nào là niệm vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ-kheo có tầm, có tứ, nội tỉnh nhất tâm; không tầm, không tứ, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và trụ nhị thiền. Đó gọi là niệm vừa không thực vị vừa có thực vị.
“Thế nào là lạc có thực vị? Lạc, hỷ, do năm dục làm nhân duyên sinh ra. Đó gọi là lạc có thực vị.
“Thế nào là lạc không thực vị? Dứt có tầm có tứ, nội tỉnh nhất tâm; không tầm, không tứ, có hỷ lạc do định sinh. Đó gọi là vô thực lạc.
“Thế nào là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ-kheo lìa hỷ, tham, an trụ xả tâm với chánh niệm, chánh tri, trụ an lạc, điều mà Thánh nói là xả. Đó gọi là lạc vừa không thực vị vừa có thực vị.
“Thế nào là xả có thực vị? Xả do ngũ dục làm nhân duyên sinh ra. Đó gọi là xả có thực vị.
“Thế nào là xả không thực vị? Tỳ-kheo lìa hỷ tham, an trụ xả tâm, với chánh niệm, chánh tri, an trụ lạc, điều Thánh nói xả, thành tựu và an trú tam thiền. Đó gọi là xả không thực vị.
“Thế nào là xả vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ-kheo xa lìa khổ, dứt lạc; ưu và hỷ trước đã dứt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh, nhất tâm, thành tựu và an trụ tứ thiền. Đó gọi là vừa không thực vị vừa có thực vị.
“Thế nào là giải thoát có thực vị? Hành cùng đi với sắc[7].
“Thế nào là vô thực giải thoát? Hành cùng đi với vô sắc.
“Thế nào là giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị? Tỳ-kheo kia, giải thoát với tâm không nhiễm tham dục, không nhiễm sân nhuế, ngu si. Đó gọi là giải thoát vừa không thực vị vừa có thực vị.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 483. BẠT-ĐÀ-LA[8]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Bạt-đà-la[9] và Tôn giả A-nan đều ở vườn Cấp Cô Độc rừng cây Kỳ-đà. Khi ấy Tôn giả A-nan đi đến chỗ Tôn giả Bạt-đà-la. Sau khi thăm hỏi sức khỏe xong, ngồi xuống một bên, Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Bạt-đà-la:
“Thế nào gọi là thấy đệ nhất[10]? Thế nào là nghe đệ nhất? Thế nào là lạc đệ nhất? Thế nào là tưởng đệ nhất? Thế nào là hữu đệ nhất[11]?”
Tôn giả Bạt-đà-la nói với Tôn giả A-nan:
“Có Phạm thiên, là đấng tự tại, tạo tác, biến hóa như ý, là cha của thế gian. Thấy được Phạm thiên thì gọi đó là cái thấy đệ nhất.
“Này A-nan, có chúng sanh có hỷ lạc do viễn ly sanh thấm nhuần, khắp mọi nơi, mọi nơi đều cảm giác thân hoan toàn [123c] sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy bởi hỷ lạc phát sanh do viễn ly. Chúng sanh này, sau khi xuất định, xướng lên giữa đại chúng: ‘Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc do viễn ly sanh này! Vô cùng tịch tĩnh thay, hỷ lạc do viễn ly sanh này!’ Nghe được âm thanh này, đó gọi là cái nghe đệ nhất.
“Lại nữa A-nan, nếu có chúng sanh ở nơi thân này có lạc do đã lìa hỷ thấm nhuần, khắp mọi nơi, mọi nơi đều cảm giác thân hân hoan toàn sung mãn, không chỗ nào là không tràn đầy bởi lạc do đã lìa hỷ này. Đó gọi là lạc đệ nhất.
“Thế nào là tưởng đệ nhất? Này A-nan, có chúng sanh vượt qua tất cả thức xứ, nhập vô sở hữu, thành tựu và an trụ vô sở hữu xứ. Nếu khởi lên tưởng này, gọi là tưởng đệ nhất.
“Thế nào là hữu đệ nhất? Lại nữa A-nan, có chúng sanh vượt qua tất cả vô sở hữu xứ, thành tựu và an trụ phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu khởi hữu này, gọi là hữu đệ nhất.”
Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Bạt-đà-la:
“Có nhiều người thấy như vậy, nói như vậy. Vậy thì Tôn giả cũng giống họ, đâu có khác gì? Tôi dùng phương tiện hỏi Tôn giả, Tôn giả hãy lắng nghe, tôi sẽ vì Tôn giả mà nói. Theo như cái được quán sát này, mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái thấy đệ nhất. Theo như điều được nghe mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là cái nghe đệ nhất. Theo như lạc được phát sanh mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là lạc đệ nhất. Theo như điều được tưởng mà lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là tưởng đệ nhất. Như thực quán sát, lần lượt diệt tận các lậu, đó mới gọi là hữu đệ nhất.”
Bấy giờ, hai vị chánh sĩ sau khi bàn luận xong, đứng dậy cáo từ.

KINH 484. ƯU-ĐÀ-DI [12]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà thành Vương Xá. Bấy giờ vua Bình-sa[13] đi đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Tôn giả Ưu-đà-di:
“Đức Thế Tôn nói có bao nhiêu thọ?”
Tôn giả Ưu-đà-di đáp:
“Tâu Đại vương, Thế Tôn nói ba thọ: thọ khổ, thọ lạc thọ không khổ không lạc.”
Vua Bình sa bạch Tôn giả Ưu-đà-di:
“Chớ nói như vậy, rằng ‘Thế Tôn nói ba thọ là thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc.’ Nhưng đúng ra phải nói có hai thọ là thọ khổ, và thọ lạc, còn thọ không khổ không lạc là tịch diệt.”
Nói ba lần như vậy.”
Tôn giả Ưu-đà-di không thể xác lập ba thọ với vua, và vua cũng không [124a] thể xác lập hai thọ. Cả hai cùng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đà-di bạch lại với Phật những sự việc trên một cách đầy đủ:
“Con cũng không thể xác lập được ba thọ, và vua cũng không thể xác lập được hai thọ; nên nay chúng con cùng đến hỏi Thế Tôn, xin quyết định nghĩa này, là có mấy thọ?”
Phật bảo Tôn giả Ưu-đà-di:
“Ta có khi nói một thọ, có khi nói hai thọ, hoặc có khi nói ba, bốn, năm, sáu, mười tám, ba mươi sáu, cho đến một trăm lẻ tám thọ, hoặc có khi nói vô lượng thọ.
“Ta nói một thọ như thế nào? Như nói, ‘Những gì là thọ đều là khổ.’ Đó gọi là Ta nói có một thọ.
“Ta nói hai thọ như thế nào? Là nói, ‘Thân thọ và tâm thọ.' Đó gọi là có hai thọ.
“Thế nào là ba thọ? Thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc.
“Thế nào là bốn thọ? Thọ hệ thuộc Dục giới, thọ hệ thuộc Sắc giới, thọ hệ thuộc Vô sắc giới, và thọ không hệ thuộc.
“Thế nào là nói năm thọ? Lạc căn, hỷ căn, khổ căn, ưu căn và xả căn. Đó gọi là năm thọ.
“Thế nào là sáu thọ? Thọ sinh từ nhãn xúc, thọ sinh từ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Đó gọi là sáu thọ.
“Thế nào là mười tám thọ? Thọ, theo sáu hỷ hành, sáu ưu hành, và sáu xả hành. Đó gọi là mười tám thọ.
“Thế nào là ba mươi sáu thọ? Hỷ y sáu tham trước, hỷ y sáu ly tham, ưu y sáu tham trước, ưu y sáu ly tham; xả y sáu tham trước, xả sáu ly tham. Đó gọi là ba mươi sáu thọ.
“Thế nào là một trăm lẻ tám thọ? Ba mươi sáu thọ quá khứ, ba mươi sáu thọ vị lai, và ba mươi sáu thọ hiện tại. Đó gọi là một trăm lẻ tám thọ.
“Thế nào là vô lượng thọ? Như nói thọ này, thọ kia v.v… Này Tỳ-kheo, như vậy gọi là vô lượng thọ.
“Này Ưu-đà-di, Ta bằng nhiều hình thức như vậy nói như thật nghĩa của thọ. Thế gian không hiểu, nên tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau, trọn không nắm được nghĩa chân thật trong pháp luật của Ta, để tự dừng lại.
“Này Ưu-đà-di, nếu đối với nghĩa của nhiều loại thọ mà Ta đã nói đây, hiểu biết như thật, không khởi tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau; với tranh luận đã khởi lên hay chưa khởi lên, có thể bằng pháp luật này mà ngăn ngừa, khiến cho nó đình chỉ.
“Nhưng này Ưu-đà-di, có hai thọ: thọ dục và thọ ly dục. Thế nào là thọ dục? Thọ do nhân duyên năm công đức của dục sinh ra, đó gọi là thọ dục. Thế nào là thọ ly dục? Tỳ-kheo ly [124b] dục và pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu và an trụ sơ Thiền, đó gọi là thọ ly dục.
“Nếu có người nói: ‘Chúng sanh nương vào sơ thiền này, chỉ có đây là lạc, ngoài ra không còn gì khác.’ Điều này không đúng. Vì sao? Vì còn có cái lạc thù thắng hơn cái lạc này. Đó là gì? Tỳ-kheo lìa có tầm, lìa có tứ, nội tịnh, có hỷ lạc do định sanh, thành tựu và an trụ nhị thiền, đó gọi là lạc thù thắng. Như vậy, cho đến, phi tưởng phi phi tưởng xứ, càng lên càng thù thắng hơn.
“Nếu có người nói: ‘Chỉ có những xứ này, cho đến, phi tưởng phi phi tưởng là cực lạc, không còn chỗ nào khác.’ Như vậy cũng lại không đúng. Vì sao? Vì còn có cái lạc thù thắng hơn những nơi này nữa. Đó là gì? Tỳ-kheo vượt qua tất cả phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng thành tựu, đó là cái lạc thù thắng hơn cái lạc trên.
“Nếu có kẻ xuất gia dị học nói: ‘Sa-môn Thích tử chỉ nói đến tưởng thọ diệt, và cho là đã đến chỗ tận cùng của lạc,’ thì điều này không đúng. Vì sao? Vì đây không phải là danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn đã nói. Danh nghĩa thọ lạc mà Thế Tôn nói là, như nói: ‘Này Ưu-đà-di, có bốn thứ lạc. Những gì là bốn? Đó là lạc ly dục, lạc viễn ly, lạc tịch diệt, và lạc Bồ-đề.’”
Phật nói kinh này xong, Ưu đa di và vua Bình sa nghe những gì đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

KINH 485. NHẤT PHÁP (1)[14]

Tôi nghe như vầy.
Một thời Phật trú tại thành Vương Xá, trong Can-lan-đà Trúc viên.
Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có một pháp làm sanh sự chân chánh yểm ly, không ham muốn, xả bỏ, đạt đến chỗ diệt tận các lậu. Đó là, tất cả chúng sanh đều do thức ăn mà tồn tại.
“Lại có hai pháp; đó là danh và sắc.
“Lại có ba pháp; đó là ba thọ.
“Lại có bốn pháp; đó là bốn loại thức ăn.
“Lại có năm pháp; đó là năm thủ uẩn.
“Lại có sáu pháp; đó là sáu nội ngoại xứ.
“Lại có bảy pháp; đó là bảy thức trụ.
“Lại có tám pháp; đó là tám pháp thế gian.
“Lại có chín pháp; đó là chín cư trú của chúng sanh.
“Lại có mười pháp; đó là mười nghiệp đạo.
“Đối với mười pháp này mà sanh yểm ly, không ham muốn, xả bỏ, đạt đến dứt sạch các lậu. ”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 486. NHẤT PHÁP (2)[15]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với một pháp, mà sinh chân chán nhàm [124c] tởm, không ưa, xả bỏ, sẽ chứng đắc lậu tận. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.
“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó là năm thủ uẩn. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại xứ. Lại có bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là chín chỗ cư ngụ của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp đạo. Đối với mười pháp này, thật sự nhàm tởm, không ưa, xả bỏ, sẽ đến chỗ tận cùng khổ biên, và giải thoát khỏi khổ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 487. NHẤT PHÁP (3)[16]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với một pháp, mà quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ tận trừ các lậu hoặc. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.
“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó là năm thủ uẩn. Lại có sáu pháp, đó là sáu nội, ngoại xứ. Lại có bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là chín chỗ cư trú của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp đạo. Đối với mười pháp này, chơn chánh quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ diệt trừ hết các lậu.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 488. NHẤT PHÁP (4)[17]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với một pháp, mà quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ đến chỗ tận cùng của khổ biên và, giải thoát khỏi khổ. Đó là, tất cả chúng sanh do thức ăn mà tồn tại.
“Lại có hai pháp, đó là danh và sắc. Lại có ba pháp, đó là ba thọ. Lại có bốn pháp, đó là bốn thực. Lại có năm pháp, đó là năm thủ uẩn. Lại có sáu pháp, đó là lục nội, ngoại xứ. Lại có bảy pháp, đó là bảy thức trụ. Lại có tám pháp, đó là tám pháp thế gian. Lại có chín pháp, đó là chín [125a] cư trú của chúng sanh. Lại có mười pháp, đó là mười nghiệp đạo. Đối với mười pháp này, chơn chánh quán sát vô thường, quán sát biến đổi, quán sát ly dục, quán sát diệt tận, quán sát xả ly, sẽ đến chỗ tận cùng của khổ biên và, giải thoát khỏi khổ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. [18]

 

TỤNG IV. ĐỆ TỬ SỞ THUYẾT[19]

9. TƯƠNG ƯNG XÁ-LỢI-PHẤT [20]

[126a7] KINH 489. DIÊM-PHÙ-XA[21]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại xóm Na-la,[22] nước Ma-kiệt-đề.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng ở xóm Na-la, Ma-kiệt-đề.
Khi ấy, có xuất gia ngoại đạo tên là Diêm-phù-xa,[23] là bạn cũ của Xá-lợi-phất,[24] đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất. Sau khi cùng nhau thăm hỏi sức khỏe, ông ngồi xuống một bên, hỏi Xá-lợi-phất:
“Trong pháp luật của Hiền Thánh có việc gì khó?”[25]
Xá-lợi-phất bảo Diêm-phù-xa:
“Chỉ có xuất gia là khó.”
“Xuất gia, cái gì là khó?”
Đáp:
“Ái lạc[26] khó.”
“Ái lạc cái gì là khó?”
Đáp:
“Thường tu tập thiện pháp là khó.”[27]
1. Diêm-phù-xa lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành[28] nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, thiện pháp tăng trưởng không?”
Đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.”
Diêm-phù-xa nói:
“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, đây là con đường tốt đẹp, đây là sự thực hành tốt đẹp, nếu được tu tập, tu tập nhiều, đối với các pháp thiện thường tu tập để tăng trưởng. Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu người xuất gia luôn luôn tu tập con đường này, chẳng bao lâu sẽ nhanh chóng diệt tận được các hữu lậu.”
Khi ấy hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
Tương tự như kinh trên, với những câu hỏi của Diêm-phù-ca, gồm 40 kinh.[29]
2. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[30]
“Thế nào là vị khéo thuyết pháp? Thế nào là vị chánh hướng trong đời?[31] Thế nào là vị Thiện Thệ trong đời?”[32]
“Nói là Niết-bàn; vậy thế nào là Niết-bàn?”
Xá-lợi-phất nói:
“Nếu thuyết pháp mà điều phục dục tham, điều phục sân nhuế, điều phục ngu si; đó gọi là vị khéo thuyết pháp. Nếu hướng đến sự điều phục dục tham, hướng đến sự điều phục sân nhuế, hướng đến sự điều phục ngu si; đó gọi là chánh hướng. Nếu tham dục đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; sân nhuế và ngu si đã bị đoạn tận, đã được biến tri không dư tàn; đó gọi là Thiện Thệ.”
Lại hỏi:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, có thể phát khởi Thiện Thệ?”[33]
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định.”
[126b] Sau khi hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
3. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[34]
“Nói là Niết-bàn; thế nào là Niết-bàn?”
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
“Niết-bàn là sự đoạn tận vĩnh viễn tham dục; sự đoạn tận vĩnh viễn sân nhuế, ngu si; sự đoạn tận vĩnh viễn tất cả các phiền não. Đó gọi là Niết-bàn.”
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, thường tu tập, chứng đắc Niết-bàn chăng?”
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định.”
Sau khi hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
4. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[35]
“Vì sao ở chỗ Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Vì để đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân nhuế, đoạn trừ ngu si nên ở chỗ Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh.”[36]
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đoạn được tham dục, sân nhuế, ngu si không?”
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định.”
Sau khi hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
5. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[37]
“Nói là hữu lậu đã đoạn tận. Vậy thế nào là hữu lậu đã được đoạn tận?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Hữu lậu có ba,[38] đó là dục hữu lậu, hữu hữu lậu, và vô minh hữu lậu. Ba thứ hữu lậu này đã trừ hết, không còn sót, nên gọi là hữu lậu đã được đoạn tận.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, các lậu trừ hết không.”
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến đến chánh định.”
Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả.
6. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[39]
“Nói là A-la-hán; vậy thế nào là A-la-hán?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Tham dục, sân nhuế, ngu si đã trừ sạch không còn sót, gọi là A-la-hán.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, chứng đắc A-la-hán không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
7.Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Nói là A-la-hán; vậy thế nào là A-la-hán?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn diệt tận không còn sót, đó gọi là A-la-hán.”
Lại hỏi:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà [126c] tu tập, tu tập nhiều, chứng đắc A-la-hán không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
8. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[40]
“Nói là vô minh; vậy thế nào là vô minh?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Nói là vô minh, là không biết tiền tế, không biết hậu tế, không biết tiền, hậu, trung tế;[41] không biết Phật, Pháp, Tăng; không biết khổ, tập, diệt, đạo; không biết thiện, bất thiện và vô ký; không biết trong, không biết ngoài. Nếu đối với những sự này hay sự kia mà không biết, bị ám chướng thì đó gọi là vô minh.”[42]
Diêm-phù-xa nói với Xá-lợi-phất:
“Đây là khối u ám vĩ đại.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều,  đoạn trừ vô minh không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
9. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Gọi là hữu lậu, vậy thế nào là hữu lậu?”
Như trên đã nói.[43]
10. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[44]
“Nói là hữu; vậy thế nào là hữu?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Hữu có ba, đó là dục hữu, sắc hữu, và vô sắc hữu.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
 “Có con đường nào, có hướng đến nào để tu tập, và khi tu tập nhiều thì có thể đoạn trừ những hữu này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
11. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[45]
“Nói là hữu thân;[46] vậy thế nào là hữu thân?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Hữu thân, đó là năm thủ uẩn. Thế nào là năm thủ uẩn? Đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào, để đoạn trừ hữu thân này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
12. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[47]
“Nói là khổ; vậy thế nào là khổ?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Khổ là chỉ cho sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ân ái xa cách nhau khổ, oán ghét gặp nhau khổ, những gì cầu không được khổ, lược nói về khổ của năm thủ uẩn; đó gọi là khổ.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ [127a] những khổ này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
13. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[48]
“Nói là lưu;[49] vậy thế nào là lưu?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Lưu là chỉ cho dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những lưu này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
14. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[50]
“Nói là ách;[51] vậy thế nào là ách?”
Ách cũng nói như lưu.
15. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[52]
“Nói là thủ;[53] vậy thế nào là thủ?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Thủ có bốn, đó là dục thủ, ngã thủ, kiến thủ, và giới thủ.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những thủ này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
16. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[54]
“Nói là hệ phược;[55] vậy thế nào là hệ phược?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Phược có bốn, đó là tham dục phược, sân nhuế phược, giới thủ phược, và ngã kiến phược.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
 “Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những phược này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
17. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[56]
“Gọi là kết, vậy thế nào là kết?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Kết có chín,[57] đó là ái kết, nhuế kết, mạn kết, vô minh kết, kiến kết, tha thủ kết,[58] nghi kết, tật kết, và xan kết.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào để mà tu tập, tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những kết này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
18. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[59]
“Gọi là sử, vậy thế nào là sử?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Sử có bảy, đó là tham dục sử, sân nhuế sử, hữu ái sử, mạn sử, vô minh sử, kiến sử và nghi sừ.”[60]
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, [127b] có sự thực hành nào để có thể tu tập, và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ những sử này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
19. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[61]
“Gọi là dục, vậy thế nào là dục?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Dục là, đối với sắc được nhận thức bởi mắt đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ nghĩ, mà đam mê sắc. Tiếng được nhận thức bởi tai, hương bởi mũi, vị bởi lưỡi, xúc bởi thân đáng yêu, đáng thích, đáng nghĩ nhớ, nhiễm đắm xúc.
“Này Diêm-phù-xa, năm phẩm chất này không phải là dục. Nhưng dục chỉ do giác tưởng tư duy.”
Bấy giờ, Xá-lợi-phất liền nói bài kệ:
Tất cả sắc thế gian,
Không phải ái dục sử,[62]
Duy chỉ là giác tưởng,
Đó chính là người dục.[63]
Bao nhiêu hiện sắc này,
Thường ở tại thế gian,
Điều phục tâm ái dục,
Đó là người thông tuệ.
Diêm-phù-xa hỏi lại Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập, và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được những dục này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
20. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Gọi là cái, vậy thế nào là cái?”[64]
Xá-lợi-phất đáp:
“Cái có năm, đó là tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo hối cái, và nghi cái.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập, và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được những cái này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
21. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[65]
“Gọi là sự nghỉ ngơi, vậy thế nào là sự nghỉ ngơi?”[66]
Xá-lợi-phất đáp:
“Sự nghỉ ngơi là sự đoạn trừ ba kết sử.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể tu tập, và khi tu tập nhiều, có thể đoạn trừ được ba kiết sử này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
22. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[67]
“Nói là người đạt đến chỗ nghỉ ngơi;[68] vậy thế nào là người đạt đến chỗ nghỉ ngơi?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Người đạt đến sự nghỉ ngơi là người mà ba kiết sử đã bị đoạn, đã được biết.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào để có thể đoạn trừ được ba kết sử này không?”
Tôn giả [127c] Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
23. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng,[69] vậy thế nào là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng là đã vĩnh viễn đoạn tận tham dục, sân nhuế, và ngu si.[70] Đó gọi là đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng.”[71]
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều thì có thể đạt đến sự nghỉ ngơi tối thượng không?”
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
24. Diêm-phù-xa hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:[72]
“Gọi là đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng;[73] vậy thế nào là được chỗ dừng nghỉ bậc thượng?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng là đối với tham dục vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn; đối với sân nhuế, ngu si, vĩnh viễn đã đoạn, đã biết không dư tàn. Đó gọi là chỗ dừng nghỉ bậc thượng.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, có thể đạt đến chỗ nghỉ ngơi tối thượng không?”
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
25. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Nói là thanh lương,[74] vậy thế nào là thanh lương?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Thanh lương là năm hạ phần kết đã trừ sạch, tức là thân kiến, giới thủ, nghi, tham dục, và sân nhuế.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, có thể đoạn trừ năm hạ phần kết này, để đạt đến thanh lương không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
26. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[75]
“Gọi là người đã được thanh lương, vậy thế nào là người đã được được thanh lương?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Người mà năm hạ phần kết, đã đoạn tận, đã biến tri, đó gọi là người đã được thanh lương.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, được thanh lương không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
27. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Gọi là thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là thanh lương bậc thượng?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Thanh lương bậc thượng là tham dục, sân nhuế, ngu si đã vĩnh viễn trừ sạch không còn; tất cả mọi thứ phiền não đã vĩnh viễn trừ sạch không còn. Đó [128a] gọi là thanh lương bậc thượng.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất:
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, đạt được thanh lương bậc thượng không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
28. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Nói là người đạt được thanh lương bậc thượng, vậy thế nào là người đạt được thanh lương bậc thượng?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Người đạt được thanh lương bậc thượng là người mà tham dục đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn; đối với sân nhuế, và ngu si đã vĩnh viễn đoạn trừ, vĩnh viễn biến tri không dư tàn. Đó gọi là người đạt được thanh lương bậc thượng.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, được thanh lương bậc thượng này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
29. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:[76]
“Gọi là ái, vậy thế nào là ái?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Ái có ba, đó là dục ái, sắc ái, và vô sắc ái.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, có thể diệt trừ được ba ái này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
30. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Gọi là nghiệp đạo,[77] vậy thế nào là nghiệp đạo?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Nghiệp đạo, đó là mười nghiệp đạo bất thiện, tức sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham dục, sân nhuế, và tà kiến.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào để diệt trừ mười nghiệp đạo này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
31. Diêm-phù-xa hỏi Xá-lợi-phất:
“Gọi là ô uế, vậy thế nào là ô uế?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Uế có ba, đó là tham dục, sân nhuế, và ngu si.”
Lại hỏi Xá-lợi-phất :
“Có con đường nào, có sự thực hành nào mà tu tập, tu tập nhiều, có thể trừ được ba uế này không?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Có, đó là Thánh đạo tám chi, từ chánh kiến cho đến chánh định.”
 Hai vị chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người từ chỗ ngồi đứng dậy từ giả nhau.
Như kinh uế, cũng vậy các kinh nói về [32] cáu bẩn, [33] cáu ghét, [34] gai nhọn, [35] luyến, và [36] hệ phược cũng như vậy.

KINH 490. SA-MÔN XUẤT GIA SỞ VẤN[78]

Như kinh Diêm-phù-xa hỏi, kinh Sa-môn xuất gia hỏi cũng như vậy.



[1] Đại chánh, kinh 482. Tham chiếu, Pāli, a. 5, 176. Pīti.
[2] Nghĩa là, trang nghiêm và chỉnh sửa con đường sanh thiên.
[3] Nguyên Hán: ỷ tức 猗息.
[4] Đại chánh, kinh 483. Lạc phi vật chất. Pāli, S. 36. 29. Nirāmisaṃ.
[5] Thực niệm vô thực niệm 有食念無食念. Pāli: atthi sāmisā pīti atthi nirāmisā pitī, có hỷ do vật dục, có hỷ phi vật dục.
[6]. S 36. 29: pīti, hỷ.
[7]. Sắc câu hành. Pāli: rūpappaṭisaṃyutto vimokkho, giải thoát liên hệ với sắc.
[8] Đại chánh, kinh 44. Pāli, A. 5. 170. Bhaddaji.
[9]. Bạt-đà-la 跋陀羅. Pāli: Bhaddaji.
[10]. Kiến đệ nhất 見第一. Pāli: dassānaṃ aggaṃ, tối thượng trong những cái được thấy.
[11]. Hữu đệ nhất 有第一, chỉ cõi trời Hữu đảnh. Pāli: bhavānaṃ aggaṃ, tối thượng trong các hữu.
[12] Đại chánh, kinh 485. S. 36. 19. Pañcakaṅgo.
[13]Bình-sa vương 瓶沙 (Pāli: Bimbisāra); vua nước Ma-kiệt-đà. S. 36. 19: Pañcakaṅgako thapati (Ngũ chi vật chủ), một người thợ mộc.
[14] Đại chánh, kinh 486.
[15] Đại chánh, kinh 487.
[16] Đại chánh, kinh 488.
[17] Đại chánh, kinh 489.
[18] Bản Hán, hết quyển 17. Cuối quyển, có phần phụ lục, chép kinh Đại chánh 455 bị sót trong quyển 16. Nay đã đưa kinh này trở lịa quyển 16.
[19] Quốc dịch Tụng iv. Ấn Thuận Hội biên, Tụng vi, và ghi chú: Nguyên phụ vào Tạp nhân tụng. Nhưng nguyên trong Đại chánh đã biệt lập, đề ‘Đệ tử sở thuyết tụng đệ tứ.’ Từ quyển 18-22; phân thành 6 Tương ưng: “1. Xá-lợi-phất, 2. Mục-kiền-liên, 3. A-na-luật, 4. Đại Ca-chiên-diên, 5. A-nan, 6. Chất-đa-la.” Tương đương Pāli, các Samyutta: S.38.Jambukhādaka, S.39. Sāmaṇaḍaka, S.40. Moggalāna, 41. Citta.
[20] Chú của Ấn Thuận Hội biên (hạ): “28. Tương ưng Xá-lợi-phất, gồm 81 kinh. 72 Kinh đầu tương đương Pāli các Samyutta: S.38, S.39.” Gồm các kinh Đại chánh 490-500 (nửa đầu quyển 18).
[21] Đại chánh kinh 490. Quốc dịch, kinh số 1210; Hội biên, kinh số 1476; Phật quang, kinh số 489. Tương đương Pāli, S.38. 1-16. Nibbāna, và tiếp theo.
[22] Na-la tụ lạc 那羅聚落. Pāli: Nālakagāmaka.
[23] Diêm-phù-xa 阎浮車. Pāli: Jambukhādaka-paribbājaka.
[24] Chú giải Pāli nói ông là cháu.
[25] Đoạn đối thoại, tương đương Pāli, S.38.16 Dukkara.
[26] Ái lạc 愛樂; Pāli: abhirati, đây chỉ sự vui thú đời sống xuất gia.
[27] Bản Pāli: “Thực hành pháp và tùy pháp là khó.”
[28] Hữu đạo hữu hướng. Pāli: atthi maggo atthi paṭipadā, có đạo, và đạo tích.
[29] Thực tế bản Hán chỉ có 36.
[30] Đoạn vấn đáp, Pāli, S.38.3 Dhammavādī.
[31] Thế gian chánh hướng 世間正向. Pāli: loke suppaṭipanna, vị hành trì chân chánh, hay khéo hành trì trong đời.
[32] Thế gian Thiện Thệ 世間善逝. Pāli: loke sugata, vị đã khéo léo đi đến (Niết-bàn).
[33] Bản Pāli: “Có con đường nào dẫn đến sự dứt trừ tham dục, sân nhuế, ngu si?”
[34] Đoạn vấn đáp, Pāli S.38.1 Nibbāna.
[35] Đoạn vấn đáp, Pāli S.38.4 Kimatthi.
[36] Bản Pāli: dukkhassa pariññatthaṃ, “vì mục đích biến tri khổ.”
[37] Đoạn vấn đáp, Pāli, S.38.8 Āsavā.
[38] Bản Pāli, ba lậu: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, tayo āsvā: kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo.
[39] Đoạn vấn đáp, Pāli, S.38.2 Arahattaṃ.
[40] Đoạn vấn đáp, Pāli, S.38.9. Avijjā.
[41] Tiền tế, hậu tế, trung tế: giới hạn quá khứ tối sơ, giới hạn tận cùng vị lai, giới hạn trung gian.
[42]. Bản Pāli: dukkhe aññāṇaṃ dukkhasamudaye aññāṇaṃ dukkhanirodhe aññāṇaṃ dukkhanirodhagāminiyā paṭipadāya aññāṇaṃ, ayaṃ vuccati avijjā, “không biết khổ, không biết tập khởi của khổ, không biết sự diệt khổ, không biết con đường dẫn đến diệt khổ; đó được nói là vô minh.”
[43] Xem đoạn 5 ở trên.
[44] Đoạn vấn đáp, Pāli, S.38.13 Bhava.
[45] Đoạn vấn đáp, S.38.15 Sakkāya.
[46] Hán: hữu thân 有身, hay tự thân. Pāli, sakkāya; f. S.ii., tr. 159: katamo bhikkhave sakkāyo? pañcūpādāna-kkhandhā tassa vacanīyaṃ, “Thế nào là hữu thân?  Năm thủ uẩn, được nói là hữu thân.”
[47] Đoạn vấn đáp, Pāli, S.38.14 Dukkha.
[48] Đoạn vấn đáp, S.38.11 Ogha.
[49] Lưu 流; đây chỉ bộc lưu 瀑 流: Dòng nước lũ. Pāli: ogha.
[50] Đoạn vấn đáp, như trên.
[51] Ách 扼. Chính xác 軛, chỉ gọng cày. Pāli: cattāro yogā.
[52] Đoạn vấn đáp, S.38.12 Upādāna.
[53] Thủ 取. Pāli: cattāri upādānāni.
[54] Đoạn vấn đap, không có trong bản Pāli.
[55] Phược 縛; tức Tập dị 8, tr. 399, thân hệ 身繫, có bốn: tham thân hệ, sân, giới cấm, thử thật chấp thân hệ. Pāli, D.33: cattāro ganthā, abhijjhā kāyagantho, vyāpādo kāyagantho, sīlabbataparrāmāso kāyagantho, idaṃsaccābhiniviseso kāyagantho.
[56] Đoạn vấn đáp, bản Pāli không có.
[57] Xem Tập dị 19, tr.446a25
[58]  Tập dị 19, tr. 446b9: thủ kết 取結, “Hai thủ được gọi là thủ kết; kiến thủ và giới cấm thủ.” Pāli, parāmāsa, gồm diṭṭhiparāmāsa, sīlabbatapaāmāsa.
[59] Đoạn vấn đáp không có trong bản Pāli.
[60] Sử 使: tùy miên 隨眠. D.33, satta anusayā: kāmarāgānusayo, paṭighānusayo, diṭṭhānusayo, vicikcchānusayo, mānāusayo, bhavarāgānusayo, avijjānusayo.
[61] Đoạn vấn đáp không có trong bản Pāli.
[62] Ái dục sử 愛欲使, hay ái dục tùy miên; Pāli: kāmarāgānusaya.
[63] Hán: sĩ phu dục 士夫欲.
[64] Cái 蓋, hay triền cái. Để bản chép nhầm là dưỡng. Pāli, pañca nīvaraṇāni: kāmacchanda-, vyāpāda-, thīnamiddha-, uddhaccakukkucca.
[65] Đoạn vấn đáp, Pāli, S.38.5 Assāso.
[66] Hán: Tô tức 穌息. Pāli: assāsa, nguyên chỉ hơi thở vào, hơi thở điều hòa: trạng thái ngưng nghỉ, an ổn.
[67] Đoạn vấn đáp, như kinh trên.
[68] Đắc tô tức 得穌息. Pāli: assāsapatta.
[69] Hán:  thượng tô tức 上穌息. Pāli: paramassāsa.
[70] Pāli: assāso ... channam phassāyatanānaṃ samudayañca atthaṅgamañca assādañca ādīnavañca nissaraṇañca yathābhūtam pajānāti, đạt đến sự nghỉ ngơi là biết như thực về sự tập khởi, sự tiêu diệt, vị ngọt, tai hại, sự xuất ly của sáu xúc xứ.
[71] Pāli: ... viditvā anupādā vimutto hoti, Sau khi biết, giải thoát với sự không chấp thủ.”
[72] Đoạn vấn đáp không có trong bản Pāli.
[73] Hán: thượng tô tức xứ 上蘇息處.
[74] Thanh lương 清涼, hay trạng thái mát lạnh. Pāli: sītibhūta.
[75] Đoạn vấn đáp không có trong Pāli.
[76] Đoạn vấn đap, Pāli, S.38.10 Taṇhā.
[77] Hán: Nghiệp tích 業跡. Pāli: kammapatha.
[78] Đại chánh, kinh 491. Những câu hỏi của Sa-môn xuất gia. Nội dung gần giống các kinh trên.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.