KINH 271. KIẾN PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: “Biết thế nào, thấy thế nào, để được gọi là thấy pháp?” Suy nghĩ xong, thầy từ nơi ngồi thiền đứng dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo biết thế nào, thấy thế nào, gọi là thấy pháp?’ Nay con xin hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài giải thích cho.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói. Có hai pháp: Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức… Nói đầy đủ như trên.”
Tỳ-kheo này như lời Phật dạy, trình bài kệ:
[88b] Mắt, sắc, hai thứ duyên,
Sanh tâm và tâm pháp,
Thức, xúc cùng câu sanh,
Thọ, tưởng,… đều có nhân.
Chẳng ngã, chẳng ngã sở,
Chẳng phải phước-già-la,
Chẳng phải ma-nậu-xà,
Cũng chẳng ma-na-bà.
Đây là pháp sanh diệt,
Khổ uẩn, pháp biến dịch.
Nơi pháp này giả tưởng,
Giả lập là chúng sanh.
Na-la, ma-nậu-xà,
Cùng với ma-na-bà,
Cũng còn nhiều tưởng khác,
Đều từ khổ uẩn sanh.
Các nghiệp ái vô minh,
Uẩn tích lũy đời khác.
Sa-môn các đạo khác,
Nói về hai pháp khác.
Nếu họ nói như vậy,
Nghe rồi càng nghi hoặc.
Tham ái dứt không còn,
Vô minh lắng, diệt hẳn,
Ái sạch, các khổ dứt,
Vô thượng, Phật nói rõ.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 272. BẤT NHIỄM TRƯỚC
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Chư Thiên, người thế gian đối với sắc thì yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ. Sắc này nếu vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, Trời và Người sẽ cảm thấy rất khổ đau. Đối với tiếng, mùi, vị, xúc, pháp mà yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ; nếu các pháp này vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, Trời, Người sẽ sống trong đau khổ. Đối với sự hiện hữu của sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, Như Lai biết như thật. Vì đã biết như thật, nên đối với sắc không còn yêu thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù nếu sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, vẫn sống an vui. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, xuất ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên biết như thật. Khi đã biết như thật thì không còn ưa thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, vẫn sống an vui. Vì sao? Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh nhãn xúc; xúc làm duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc; sự tập khởi của thọ này, sự diệt tận của thọ này, vị ngọt của thọ này, sự tai hại của thọ này, xuất ly thọ này, nên biết như thật. Do nhân duyên sắc kia sự ách ngại phát sanh; ách ngại bị diệt tận, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn. Đối với sự hiện hữu của tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc. Xúc duyên thọ, hoặc khổ hoặc lạc, hoặc không khổ [88c] không lạc như vậy, đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly thọ này cũng phải biết như thật. Khi đã biết như thật rồi, pháp này làm nhân duyên sanh ra trở ngại, trở ngại ấy được dẹp bỏ, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết-bàn.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ:
Nơi sắc, thanh, hương, vị,
Xúc, pháp, sáu cảnh giới,
Một mực sinh hoan hỷ,
Ái nhiễm, tham đắm sâu.
Chư Thiên và Người đời,
Chỉ thấy đây là lạc.
Khi nó biến đổi, diệt,
Chúng trở thành khổ lớn.
Chỉ có bậc Hiền Thánh,
Thấy chúng diệt là lạc,
Cái thế gian tham đắm,
Quán sát là thù địch.
Cái Hiền Thánh thấy khổ,
Thế gian cho là lạc.
Cái thế gian thấy khổ,
Hiền Thánh thấy là lạc.
Pháp sâu xa khó hiểu,
Thế gian sanh nghi hoặc,
Chìm đắm trong tối tăm,
Mờ mịt chẳng thấy chi.
Chỉ có người trí tuệ,
Mở bày sự sáng tỏ,
Lời sâu xa như vậy,
Phi Thánh nào ai biết?
Không còn thọ thân sau,
Đạt xa lẽ chân thật.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 273. LỘC NỮU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-già tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc-nữu , đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, như đức Thế Tôn đã dạy, ‘Có người sống với người thứ hai; có người sống đơn độc một mình.’ Vậy thế nào là sống với người thứ hai? Sống đơn độc một mình?”
Phật bảo Lộc-nữu:
“Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi Như Lai nghĩa này.”
Phật bảo Lộc-nữu:
“Sắc được biết bởi mắt mà vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục . Tỳ-kheo kia thấy rồi, sanh ra hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ, càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại . Ở đây, hoan hỷ, đắm sâu hoan lạc, tham ái, ách ngại; chúng được gọi là sống với người thứ hai. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
“Này Lộc-nữu, Tỳ-kheo như vậy, dù ngay lúc ở một mình nơi vắng vẻ, cũng gọi là sống với người thứ hai. Vì sao? Hỷ ái không đoạn, không diệt. Người mà ái dục không được đoạn trừ, [89a] không được biến tri, Chư Phật Như Lai gọi là sống với người thứ hai.
“Tỳ-kheo đối với sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy mà không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc; không đắm sâu hoan lạc nên không tham ái; do không tham ái, nên không bị ách ngại. Ở đây, không hoan hỷ, không đắm sâu hoan lạc, không tham ái, không ách ngại; chúng được gọi là sống đơn độc một mình. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
“Này Lộc-nữu, Tỳ-kheo như vậy, dù ở nơi lầu các, gác cao cũng vẫn là sống đơn độc một mình. Vì sao? Tham ái đã diệt tận, đã biến tri. Người mà tham ái diệt tận, đã biến tri, Chư Phật Như Lai gọi là người sống đơn độc một mình.”
Bấy giờ Tôn giả Lộc-nữu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ tùy hỷ, đảnh lễ mà đi.
KINH 274. LỘC NỮU (2)
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở bên cạnh bờ hồ Yết-gia tại nước Chiêm-bà. Bấy giờ Tôn giả Lộc-nữu , đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Lành thay, bạch Thế Tôn! Cúi xin vì con mà nói pháp. Con nghe pháp rồi, sẽ một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Phật bảo:
“Lành thay! Lành thay! Lộc-nữu có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.”
Phật bảo Lộc-nữu:
“Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy mà hỷ lạc, tán thán, hệ lụy. Do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, nên hoan hỷ tập khởi. Do hoan hỷ tập khởi nên khổ tập khởi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
“Này Lộc-nữu, Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục vọng, Tỳ-kheo này thấy mà không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy. Do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên hoan hỷ không tập khởi. Do hoan hỷ không tập khởi nên diệt tận khổ. Các pháp tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp lại cũng nói như vậy.”
Tôn giả Lộc-nữu sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ, làm lễ lui ra.
Bấy giờ, Tôn giả Lộc-nữu nghe Phật giáo giới xong, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát.
[89b] KINH 275. PHÚ-LAN-NA
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả Phú-lâu-na đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật:
“Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì con mà thuyết pháp. Con ở nơi vắng vẻ một mình, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,... cho đến: tự biết không tái sanh đời sau nữa.”
Phật bảo Phú-lâu-na:
“Lành thay! Lành thay! Ngươi có thể hỏi Như Lai nghĩa như vậy. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy mà sanh hỷ lạc, tán thán, hệ lụy; do hỷ lạc, tán thán, hệ lụy, tâm càng hoan hỷ; do hoan hỷ, càng đắm sâu hoan lạc; đắm sâu hoan lạc mà tham ái sanh; do tham ái sanh, mà bị ách ngại. Do đó cách xa Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.
“Này Phú-lâu-na, Tỳ-kheo mắt thấy sắc vừa ý, đáng yêu, đáng vui, đáng nhớ, trưởng dưỡng dục; Tỳ-kheo kia thấy mà không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy; do không hỷ lạc, không tán thán, không hệ lụy, nên không hoan hỷ; do không hoan hỷ, nên không hoan lạc; không hoan lạc nên không tham; do không tham, mà không bị ách ngại, cho nên dần dần tiếp cận Niết-bàn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng nói như vậy.”
Phật bảo Phú-lâu-na:
“Ta đã tóm lược giáo pháp. Vậy, Phú-lâu-na, ngươi muốn an trú chỗ nào?”
Tôn giả Phú-lâu-na bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con đã được Thế Tôn tóm lược giáo giới, nay con muốn du hành trong nhân gian, đi về xứ Thâu-lô-na ở phương Tây .”
Phật bảo Phú-lâu-na:
“Người ở Thâu-lô-na phương Tây hung dữ, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng chưởi. Phú-lâu-na, nếu ngươi nghe những lời hung ác, nóng nảy, thô bạo, ưa mắng rủa, hủy nhục, ngươi sẽ như thế nào?”
Phú-lâu-na bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu người nước Thâu-lô-na phương Tây kia mà trước mặt con có những lời hung ác, mắng chửi, hủy nhục, con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na ở phương Tây này vẫn tốt lành, có trí tuệ; tuy họ ở trước mặt ta tỏ ra hung ác, thô bạo, mắng chưởi hay hủy nhục, ta vẫn chưa bị họ dùng tay để đánh hoặc ném đá.’”
Phật bảo Phú-lâu-na:
“Người Thâu-lô-na ở phương Tây này tuy hung ác, nóng nảy, thô bạo, mắng chưởi, hủy nhục đối với ngươi, ngươi có thể tránh được; nhưng nếu họ lại còn dùng tay đánh, đá ném nữa, ngươi sẽ như thế nào?”
Phú-lâu-na bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu người Thâu-lô-na ở phương Tây [89c] dùng tay đánh, hay dùng đá ném con đi nữa, con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na vẫn còn tốt lành, có trí tuệ, tuy họ dùng tay đánh, đá ném nhưng họ chẳng dùng dao gậy.’”
Phật bảo Phú-lâu-na:
“Nếu những người này dùng dao gậy để hại ngươi, ngươi sẽ như thế nào?”
Phú-lâu-na bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu những người này, lại dùng dao gậy để hại con, con nghĩ rằng: ‘Những người Thâu-lô-na này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ, tuy họ dùng dao gậy hại ta, nhưng chưa giết ta.’”
Phật bảo Phú-lâu-na:
“Giả sử những người này giết ngươi, ngươi sẽ như thế nào?”
Phú-lâu-na bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nếu những người Thâu-lô-na phương tây giết con, con nghĩ rằng: ‘Các đệ tử của Thế Tôn có người nhàm chán thân này, hoặc dùng dao tự sát, hoặc uống thuốc độc, hoặc dùng dây tự thắt cổ, hoặc gieo mình xuống hố sâu. Người Thâu-lô-na phương Tây này vẫn còn tốt lành, có trí tuệ. Đối với cái thân hủ bại của ta, chỉ tạo chút phương tiện khiến ta được giải thoát.’”
Phật bảo:
“Lành thay! Phú-lâu-na! Ngươi khéo học hạnh nhẫn nhục. Nay Ngươi có thể đến ở lại Thâu-lô-na, Ngươi nên đến đó độ cho người chưa được độ, an cho người chưa được an, người chưa được Niết-bàn khiến cho được Niết-bàn.”
Bấy giờ, Tôn giả Phú-lâu-na, sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phấn khởi, làm lễ rồi mà đi.
Sáng hôm sau Tôn giả Phú-lâu-na đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực, thọ thực xong trở ra, giao lại ngọa cụ, cầm y bát du hành đến nước Thâu-lô-na phương Tây và an cư tại đó. Tôn giả thuyết pháp cho năm trăm vị Ưu-bà-tắc, và kiến lập năm trăm Tăng-già-Lam, cúng dường các thứ giường nằm, chăn, mền đều đầy đủ; trải qua ba tháng hạ, đầy đủ tam minh, liền ở nơi ấy nhập Vô dư Niết-bàn.
KINH 276. MA-LA-CA-CỮU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Ma-la-ca-cữu đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, bạch Phật:
“Lành thay! Bạch Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp. Khi nghe pháp xong, một mình con ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến không còn tái sanh đời sau nữa.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:
“Những người trẻ tuổi, thông minh, lanh lợi, xuất gia chưa bao lâu, ở trong [90a] pháp luật của Ta còn không biếng nhác; huống chi ngươi ngày nay tuổi đã già, các căn đã suy yếu, mà ở trong pháp luật của Ta lại muốn nghe Ta giáo giới vắn tắt.”
Ma-la-ca-cữu bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con tuy tuổi già, các căn suy yếu, nhưng con vẫn còn muốn nghe Thế Tôn sơ lược chỉ dạy, nhắc nhở. Xin Thế Tôn vì con mà chỉ dạy sơ lược, nhắc nhở. Sau khi nghe pháp xong, một mình con sẽ ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tinh tấn tư duy,… cho đến: tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Ma-la-ca-cữu bạch như vậy ba lần.
Phật bảo Ma-la-ca-cữu:
“Hãy thôi đi!”
Ba lần nói như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ma-la-ca-cữu:
“Bây giờ, Ta hỏi ngươi, cứ tùy ý mà trả lời Ta.”
Phật bảo Ma-la-ca-cữu:
“Đối với sắc mà mắt chưa từng thấy, ngươi sẽ muốn thấy. Ở nơi sắc này ngươi có khởi lên dục, khởi lên ái, khởi niệm, khởi nhiễm trước không?”
Ma-la-ca-cữu đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Tai đối với tiếng, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng nói như vậy.”
Phật bảo Ma-la-ca-cữu:
“Lành thay! Này Ma-la-ca-cữu, thấy, do thấy giới hạn; nghe, do nghe giới hạn ; cảm giác, do cảm giác giới hạn; nhận thức, do nhận thức giới hạn.”
Phật nói bài kệ:
Nếu ngươi chẳng ở kia,
Kia cũng chẳng phải đây,
Cũng chẳng giữa hai bên,
Thì đây là khổ tận. ”
Ma-la-ca-cữu bạch Phật:
“Con đã hiểu, bạch Thế Tôn. Con đã hiểu, bạch Thiện Thệ.”
Phật bảo Ma-la-ca-cữu:
“Ngươi hiểu thế nào về cái nghĩa rộng rãi của pháp mà Ta đã nói lược?”
Ma-la-ca-cữu trình lên Phật bài kệ:
Nếu mắt đã thấy sắc,
Mà mất đi chánh niệm,
Ở nơi sắc được thấy,
Chấp thủ tướng yêu thích.
Ai thủ tướng yêu thích,
Tâm luôn bị trói buộc,
Khởi lên các thứ ái,
Vô lượng sắc tập sinh.
Tham dục, nhuế, hại tầm,
Khiến tâm mình thoái thất,
Nuôi lớn thêm các khổ,
Vĩnh viễn xa Niết-bàn.
Thấy sắc chẳng chấp tướng,
Tâm mình theo chánh niệm,
Không nhiễm ái, ác tâm,
Cũng chẳng sanh hệ lụy.
Không khởi lên các ái,
Vô lượng sắc tập sinh,
Tham dục, nhuế, hại tầm,
Chẳng thể hại tâm mình.
[90b] Ít nuôi lớn các khổ,
Lần lượt gần Niết-bàn.
Đấng Nhật Tôn đã nói,
Ái tận, đạt Niết-bàn.
Nếu tai nghe các tiếng,
Tâm mất đi chánh niệm,
Chấp thủ tướng âm thanh,
Giữ chặt mà không xả.
Mũi hương, lưỡi nếm vị,
Thân xúc, ý nhớ pháp,
Quên mất đi chánh niệm,
Chấp tướng cũng như vậy;
Tâm mình sanh yêu thích,
Buộc đắm bám vững chắc,
Khởi lên các thứ ái,
Vô lượng pháp tập sinh,
Tham dục, nhuế, hại tầm,
Thoái thất hại tâm mình,
Nuôi lớn các tụ khổ,
Vĩnh viễn xa Niết-bàn.
Chẳng nhiễm nơi các pháp,
Chánh trí, trụ chánh niệm,
Tâm mình chẳng nhiễm ô,
Lại cũng không thích đắm,
Chẳng khởi lên các ái,
Vô lượng pháp tập sinh,
Tham, sân, nhuế, hại tầm,
Chẳng thoái thất tâm mình,
Các khổ theo đó giảm,
Dần dần gần Niết-bàn.
Ái tận, bát-niết-bàn,
Thế Tôn đã nói thế.
“Đó gọi là con giải rộng nghĩa của pháp Phật đã lược nói.”
Phật bảo Ma-la-ca-cữu:
“Thật sự ngươi đã giải thích rộng nghĩa của nó đối với pháp Ta đã nói lược. Vì sao? Như ngươi đã nói kệ:
Nếu mắt thấy các sắc,
Quên mất đi chánh niệm,
Thì đối sắc được thấy,
Chấp thủ tướng ái niệm.
Như trên, nói đầy đủ chi tiết.
Tôn giả Ma-la-ca-cữu, sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà đi.
Tôn giả Ma-la-ca-cữu, sau khi đã giải thích rộng nghĩa của nó, đối với pháp Thế Tôn đã nói lược, rồi một mình ở chỗ vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung,… cho đến thành A-la-hán, tâm được giải thoát.
KINH 277. KINH PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có kinh pháp, mà đối với kinh pháp này các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới; dù khác với tín tâm, khác với sở thích, khác với sở văn, khác với tư duy sở hành, [90c] khác với kiến giải thẩm sát và nhẫn khả , nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Sự sanh của Ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Ngài nói rộng thêm; các Tỳ-kheo sau khi nghe sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe kỹ, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, khi mắt đã thấy sắc, có nhận biết sắc nhưng không cảm giác tham ở nơi sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt.’ Tỳ-kheo mắt đã thấy sắc, có nhận biết sắc nhưng không khởi tham ở nơi sắc, vị ấy biết như thật rằng: ‘Ta trước kia có tham ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt. Nhưng hiện tại không có tham ở nơi sắc được nhận thức bởi mắt.’ Các ngươi nghĩ sao? Ở đây, người này có do tín, do sở thích, do sở văn, do tư duy sở hành, do kiến giải thẩm sát và nhẫn khả không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, có như vậy. ”
“Quy hướng trên pháp này, có biết như thật bằng chánh trí những điều sở tri sở kiến ấy chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”
“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng nói như vậy.”
“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có kinh pháp, mà đối với kinh pháp này các Tỳ-kheo sùng kính, hướng tới; dù khác với tín tâm, khác với sở thích, khác với sở văn, khác với tư duy sở hành, khác với kiến giải thẩm sát và nhẫn khả, nhưng có thể bằng chánh trí mà nói rằng: ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 278. ĐOẠN DỤC
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Hãy đoạn dục. Sau khi đã đoạn trừ dục nơi mắt, mắt cũng được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ của nó, như chặt đầu cây đa-la, ở đời vị lai vĩnh viễn không tái sanh nữa. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 279. NHÃN SANH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu mắt sinh khởi, đình trú, chuyển sanh, xuất hiện, khổ sanh khởi, bệnh đình trú, lão, tử xuất hiện. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt tận, khổ sanh cũng diệt, bệnh dứt, tử biến mất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật [91a] đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 280. NHÃN VÔ THƯỜNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Mắt là vô thường. Nếu mắt là thường thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách, và đối với con mắt cũng có thể nói: ‘Ta muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này.’ Nhưng vì mắt là vô thường nên mắt phải chịu khổ bức bách sanh ra, và đối với mắt không thể muốn nó như thế này, hay không muốn nó như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.