KINH 361. ĐA VĂN ĐỆ TỬ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có Tỳ-kheo đa văn. Vậy Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ-kheo đa văn?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp. Cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo :
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo nào nghe pháp già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Tỳ-kheo đa văn. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Tỳ-kheo đa văn. Đó là Như Lai tuyên bố về Tỳ-kheo đa văn.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe [100c] những điều Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 362. THUYẾT PHÁP TỲ KHEO[2]
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Gọi là Tỳ-kheo thuyết pháp[3], vậy thế nào là Tỳ-kheo thuyết pháp? Như Lai tuyên bố như thế nào là một Tỳ-kheo thuyết pháp?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp. Cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào nói về già, bệnh, chết, khiến sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó là Tỳ-kheo thuyết pháp. Cũng vậy, nói các pháp sanh, thủ, hữu, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, khiến sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là Tỳ-kheo nói pháp. Các Tỳ-kheo, đó là Như Lai nói về Tỳ-kheo nói pháp.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 363. THUYẾT (2)[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, sở y của pháp. Cúi xin vì chúng con mà nói; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Nếu Tỳ-kheo nào đối với già, bịnh, chết mà sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, đó gọi là hướng đến pháp tùy pháp. Cũng vậy, từ sanh cho đến hành, mà sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận, đó gọi là hướng đến pháp tùy pháp. Các Tỳ-kheo, đó cũng gọi là Như Lai thi thiết sự hướng đến pháp tùy pháp.”
KINH 364. THUYẾT PHÁP[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Gọi là ‘Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại[8].’ Vậy thế nào là Như Lai nói về Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Cúi xin vì chúng con mà nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành. Vậy thế nào là Tỳ-kheo Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại?”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe, hãy suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói. Tỳ-kheo đối với già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là Tỳ-kheo Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[101a6] KINH 365. TỲ-BÀ-THI[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Đức Phật Tỳ-bà-thi[10] khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng vẻ chuyên cần tinh tấn thiền định tư duy, suy nghĩ như vầy: ‘Tất cả thế gian đều hãm vào trong sanh tử, tự sanh, tự chín, tự diệt, và tự chìm mất[11], nhưng những chúng sanh này chẳng biết như thật con đường xuất thế gian, vượt qua khỏi già chết.’ Ngài liền tự quán sát: ‘Do duyên gì mà có già chết này?’ Ngài quán sát tư duy chân chánh, đạt được hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do có sanh nên có già chết này; do duyên sanh nên có già chết.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘ Do duyên gì nên có sanh này?’ Ngài lại tư duy chân chánh, đạt được hiện quán như thật[12], biết rằng: ‘Do duyên hữu nên có sanh.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘Do duyên gì nên có hữu?’ Ngài lại tư duy chân chánh, phát khởi hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do có thủ nên có hữu.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘Do duyên gì nên có thủ?’ Ngài lại tư duy chân chánh, phát khởi hiện quán như thật, quán sát thấy chấp thủ pháp, đắm trước vị, tham luyến, ái được tăng trưởng do duyên xúc. Nên biết, duyên ái nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, não, khổ, [101b] và như vậy là tập khởi khối lớn thuần khổ. Ví như nhờ vào dầu và tim đèn nên đèn sáng. Nếu người kia lúc nào cũng châm thêm dầu và khơi tim, đèn kia luôn sáng, thắp sáng không ngừng.’ Chi tiết như thí dụ về cái thành trước đây[13].”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như Phật Tì-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tì-thấp-bà-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-mâu-ni, Phật Ca-diếp[14] đều nói chi tiết như trên.
KINH 366. TU TẬP[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện tu tập thiền định, tư duy, nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Tỳ-kheo cần phải tinh tấn siêng năng phương tiện thiền định, tư duy, khiến nội tâm tĩnh lặng, hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết được hiển hiện như thật; sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết được hiển hiện như thật. Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành được hiển hiện như thật; sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành được hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 367. TAM-MA-ĐỀ[16]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nên tu vô lượng tam-ma-đề,[17] chuyên cần tinh tấn cột niệm tu vô lượng tam-ma-đề, khi đã chuyên cần tinh tấn cột niệm rồi, sẽ hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết hiển hiện như thật, cho đến hành hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 368. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Thuở xưa Đức Phật Tỳ-bà-thi, khi chưa thành Chánh giác, trụ chỗ Bồ-đề[19] không bao lâu thì thành Phật. Ngài đi đến dưới bóng cây Bồ-đề, trải cỏ làm tòa, ngồi kiết già, ngồi thẳng, chánh niệm. Ngồi suốt bảy ngày, đối với mười hai duyên khởi, quán sát thuận nghịch như vầy: ‘ Do cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi; duyên vô minh nên có hành… cho đến, duyên sanh nên có già chết và tụ tập khối lớn thuần khổ và, khối lớn thuần khổ diệt.”
Đức Phật Tì-bà-thi [101c] sau bảy ngày ngồi một chỗ, từ tam-muội tỉnh giác nói kệ này:
Các pháp sanh như thế,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết pháp nhân duyên sanh.
Nếu biết nhân sanh khổ,
Biết các thủ diệt tận,
Biết pháp nhân duyên diệt,
Biết hữu lậu diệt tận.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết có nhân sanh khổ.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết các thủ diệt hết.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết pháp nhân duyên diệt.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết hết các hữu lậu.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Chiếu sáng khắp thế gian,
Như mặt trời giữa không,
Phá tan các quân ma,
Biết giải thoát kết sử.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như Phật Tì-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tì-thấp-ba-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca-mâu-ni, Phật Ca-diếp[21] cũng nói như vậy.
KINH 369. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (2)[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở chỗ cây Bồ-đề lớn,[23] bên bờ sông Ni-liên-thuyền, tại Uất-tì-la[24], sau đó một thời gian ngắn Ngài thành Chánh giác. Ngài đến dưới bóng cây Bồ-đề trải cỏ làm tòa, ngồi kiết già, chánh thân, chánh niệm. Nói đầy đủ như trên.
KINH 370. THỰC[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm;[26] hai là thức ăn tế bằng xúc chạm;[27] ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Bốn loại thức ăn này do cái gì nhân, cái gì tập, cái gì sanh, cái gì chuyển[28]? Bốn loại thức ăn này do ái là nhân, ái là tập, [102a] ái sanh, ái chuyển. Ái này do cái gì nhân, cái gì tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Ái do thọ là nhân, thọ là tập, thọ sanh, thọ chuyển. Thọ này do cái gì nhân, cái gì tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Thọ do xúc là nhân, xúc là tập, xúc sanh, xúc chuyển. Xúc này do cái gì nhân, cái gì tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Xúc do sáu nhập xứ là nhân, sáu nhập xứ là tập, sáu nhập xứ sanh, sáu nhập xứ chuyển. Khi sáu nhập xứ tụ tập thì xúc tụ tập, xúc tụ tập thì thọ tập, thọ tập thì ái tập, ái tập thì thức ăn tập. Do thức ăn tập nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não khổ ở đời vị lai tập, như vậy tập khởi khối lớn thuần khổ. Ngược lại nếu sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thức ăn diệt. Do thức ăn diệt nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai cũng diệt, khối lớn thuần khổ diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Đại chánh, kinh 162.
[2] Đại chánh, kinh 163. Pāli, S. 12. 16. Dhammakathika.
[3] Pāli: dhammakathiko.
[4] Đại chánh, kinh 164. S. 12. 16. Dhammakathika.
[5] Pháp thứ pháp hướng: Pháp tùy pháp hành. Pāli: dhammānudhammā-paṭipanno.
[6] Bản Hán, hết quyển 14.
[7] Đại chánh, quyển 15, kinh 365. Pāli, S. 12. 16. Dhammakathika.
[9] Đại chánh, kinh 366. S. 12. 4-9. Vipassī.
[10] Tỳ-bà-thi 毘婆尸. Pāli: Vipassī.
[11] Pāli: kicchaṃ vatāyaṃ loko āpanno jāyati ca jīyati ca mīyati ca cavati ca uppajjati ca, quả thật thế gian này bị rơi hãm vào trong khổ nạn, sinh ra, già cỗi, chết, tiêu vong, rồi tái sinh.
[13] Xem kinh 325.
[15] Đái chánh, kinh 367. S. 12. 83. Sikkhā; 84. yoga.
[16] Đại chánh, kinh 368. Pāli, xem kinh 366.
[17] Vô lượng tam-ma-đề 無量三摩提. Xem kinh 209.
[18] Đại chánh, kinh 369. Cf. Pāli, S. ii, 5; D. ii. 30.
[19] Bồ-đề sở 菩提所: tức Bồ-đề đạo tràng.
[20] Phạm chí 梵志: Bà-la-môn, chỉ đức Phật.
[21] Xem cht. kinh 366.
[22] Đại chánh, kinh 370.
[23] Đại Bồ-đề sở 大菩提所: đại đạo tràng.
[24] Uất-tì-la Ni-liên-thiền hà 鬱毘羅尼連禪河. Pali: sông Nerañjarā, ở thôn Uruvelā, chỗ Phật tắm trước khi thành đạo.
[25] Đại chánh, kinh 317. Pāli, 12. 11. Āhāra.
[26] Thô đoàn thực麤摶食; xem Trường No 1(30.8): đoàn thực có hai loại: thô và tế hoạt 摶細滑食. Trung No 26(29), cũng nói đoàn thực có hai loại, thô và tế 摶食粗細. Pāli cũng nhất trí: kabaliṅkāro āhāro oḷāriko vā sukkumo. Riêng kinh này phân biệt thô đoàn thực với tế xúc thực.
[27] Tế xúc thực細觸食, xem cht. 2 trên.