KINH 111. MAO ĐOAN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như hồ nước vuông vức năm mươi do-tuần, chiều sâu cũng như vậy, với nước tràn đầy. Lại có người dùng sợi lông, dùng cọng cỏ, hay móng tay để hất nước. Này các Tỳ-kheo, ý các ngươi thế nào? Nước do người kia hất lên là nhiều hay là nước hồ nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Nước mà người kia dùng lông, dùng cỏ, hay móng tay [34b] để hất lên là rất ít, không đáng để nói. Nước hồ thì rất nhiều, gấp cả trăm ngàn vạn lần, không thể nào so sánh được.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, các khổ được đoạn trừ do thấy Thánh đế, cũng như nước hồ kia, vĩnh viễn không sanh lại trong đời vị lai.”
Khi đức Thế Tôn nói pháp này xong, bèn vào thất tọa thiền. Sau khi đức Thế Tôn vào thất, bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi trong chúng, bảo các Tỳ-kheo:
“Thật là điều chưa từng được nghe, hôm nay đức Thế Tôn khéo nói thí dụ về cái hồ! Vì sao? Thánh đệ tử đầy đủ kiến đế , đạt được quả hiện quán . Nếu kẻ phàm tục nào khởi tà kiến, thân kiến, căn bổn thân kiến, tập thân kiến, sanh thân kiến, nghĩa là che dấu những cảm giác lo âu, giữ gìn tiếc thương những điều vui mừng , nói là ngã, nói là chúng sanh, nói là kỳ đặc, kiêu căng, tự cao. Các thứ tà như vậy tất cả đều bị trừ diệt, cắt đứt cội rễ như cây đa-la bị bẻ gãy, khiến cho đời vị lai không còn tái sanh lại nữa.
“Này các Tỳ-kheo, những gì là các thứ tà kể trên bị đoạn trừ bởi Thánh đệ tử khi thấy Thánh đế, vị lai vĩnh viễn không khởi lên lại nữa?
“Phàm phu ngu si không học, thấy sắc là ngã, là khác ngã, là ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã; thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, là khác ngã, là ngã ở trong … thức, là … thức ở trong ngã.
“Thế nào thấy sắc là ngã? Chứng đắc chánh thọ biến xứ định về đất , sau khi quán, khởi lên ý nghĩ, ‘Đất tức là ngã, ngã tức là đất; ngã và đất chỉ là một chứ không phải hai, không phải khác, không phân biệt.’ Cũng vậy, chánh thọ biến xứ định về nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng , sau khi quán, khởi lên ý nghĩ, ‘ Hành tức là ngã, ngã tức là hành, chỉ là một chứ không phải hai, không phải khác, không phân biệt.’ Như vậy, ở nơi các biến xứ định, mỗi mỗi đều được chấp là ngã. Đó gọi là sắc tức là ngã.
“Thế nào là sắc khác ngã ? Nếu người kia thấy thọ là ngã; khi thấy thọ là ngã rồi thì thấy sắc là ngã sở; hoặc thấy tưởng, hành, thức tức là ngã thì thấy sắc là ngã sở.
“Thế nào là thấy sắc ở trong ngã? Thấy thọ là ngã thì sắc ở trong ngã; nếu lại thấy tưởng, hành, thức tức là ngã thì sắc ở trong ngã.
“Thế nào là thấy ngã ở trong sắc? Nếu thấy thọ tức là ngã thì nó hiện hữu trong sắc, nhập vào trong sắc, phổ biến khắp tứ chi; hay nếu thấy tưởng, hành, thức là ngã thì nó hiện hữu ở trong sắc và, biến khắp tứ chi. Đó gọi là ngã ở trong sắc.
“Thế nào là thấy thọ tức là ngã? Có sáu thọ thân. Thọ phát sanh từ xúc của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu thọ thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã, và ngã là thọ. Đó gọi là thọ tức [34c] ngã.
“Thế nào là thấy thọ khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì thọ là ngã sở; và nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì thọ là ngã sở. Đó gọi là thọ khác ngã.
“Thế nào là thấy thọ ở trong ngã? Nếu sắc là ngã, thì thọ ở trong nó; nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì thọ ở trong nó. Đó gọi là thọ trong ngã.
“Thế nào là thấy ngã ở trong thọ? Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu ở trong thọ và biến khắp toàn thân; nếu tưởng, hành, thức là ngã, thì chúng hiện hữu ở trong thọ, và biến khắp toàn thân. Đó gọi là ngã ở trong thọ .
“Thế nào là thấy tưởng tức là ngã? Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt; tưởng phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu tưởng thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã. Đó gọi là tưởng tức là ngã.
“Thế nào là thấy tưởng khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì tưởng là ngã sở; nếu thức là ngã, thì tưởng là ngã sở. Đó gọi là tưởng khác ngã.
“Thế nào là thấy tưởng ở trong ngã? Nếu sắc là ngã, thì tưởng hiện hữu ở trong nó; nếu thọ, hành, thức là ngã, thì tưởng hiện hữu ở trong chúng. Đó gọi là tưởng ở trong ngã.
“Thế nào là thấy ngã ở trong tưởng? Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu trong tưởng, và biến khắp toàn thân; và nếu thọ, hành, thức là ngã thì chúng hiện hữu trong tưởng, và biến khắp toàn thân. Đó gọi là ngã ở trong tưởng.
“Thế nào là thấy hành là ngã? Có sáu tư thân. Tư phát sanh từ xúc của mắt; tư phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu tư thân này, mỗi mỗi được thấy ngã. Đó gọi là hành tức ngã.
“Thế nào là thấy hành khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì hành là ngã sở; nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì hành là ngã sở. Đó gọi là hành khác ngã.
“Thế nào là thấy hành ở trong ngã? Nếu sắc là ngã, thì hành hiện hữu ở trong nó; nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì hành hiện hữu ở trong chúng. Đó gọi là hành ở trong ngã.
“Thế nào là thấy ngã ở trong hành? Nếu sắc là ngã, thì nó hiện hữu ở trong hành, và biến khắp toàn thân; nếu thọ, tưởng, thức là ngã, thì chúng hiện hữu ở trong hành, và biến khắp toàn thân thể. Đó gọi là ngã ở trong hành.
“Thế nào là thấy thức là ngã? Có sáu thức thân: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Sáu thức thân này, mỗi mỗi được thấy là ngã. Đó gọi là thức tức ngã.
“Thế nào là thấy thức khác ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì thức là ngã sở; nếu thấy thọ, tưởng, hành là ngã, thì thức là ngã sở. Đó gọi là thức khác ngã.
“Thế nào là thấy thức ở trong ngã? Nếu thấy sắc là ngã, thì thức hiện hữu ở trong nó; nếu thọ, tưởng, hành là ngã, thì thức ở trong chúng. Đó gọi là thức ở trong ngã.
“Thế nào là ngã ở trong thức? Nếu sắc là ngã, thì nó ở trong thức, và biến khắp toàn thân; nếu thọ, tưởng, hành [35a] là ngã thì chúng ở trong thức, và biến khắp toàn thân. Đó gọi là ngã ở trong thức.
“Như vậy, Thánh đệ tử thấy bốn Chân đế sẽ đạt được quả hiện quán , và đoạn trừ các thứ tà kiến, vĩnh viễn không khởi lên trở lại trong đời vị lai.
“Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, được tích tụ về một nơi, cần được quán như vầy: ‘Tất cả đều là vô thường, tất cả là khổ, tất cả là không, tất cả là phi ngã, không nên ái lạc, thâu lấy, chấp thủ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy, không nên ái lạc, chấp thủ, bảo trì.’ Khéo quán sát như vậy, buộc tâm an trụ, không mê mờ đối với pháp, lại luôn luôn tinh tấn quán sát, xa lìa tâm biếng nhác, thì sẽ đạt được hỷ lạc, thân tâm khinh an, tịch tĩnh, an trụ với xả ; đầy đủ các phẩm đạo, tu hành trọn vẹn, vĩnh viễn xa lìa các thứ ác; không phải không tiêu tan, không phải không tịch diệt; diệt mà không khởi, giảm mà không tăng, đoạn mà không sanh, không chấp thủ, không đắm trước, tự giác ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.”
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, sáu mươi Tỳ-kheo không khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 112. TÁT-GIÁ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở cạnh ao Di-hầu tại Tì-xá-li .
Bấy giờ, tại Tì-xá-li có một Ni-kiền Tử thông tuệ, minh triết, hiểu rõ các luận, và có sự kiêu mạn của thông minh; tích tập các luận rất rộng rãi, và trí tuệ đã đạt đến chỗ vi diệu; nói pháp cho mọi người vượt hẵn mọi luận sư. Ông thường nghĩ rằng: ‘Các Sa-môn, Bà-la-môn không ai địch lại ta. Ngay cả đến với Như Lai ta cũng có thể cùng luận bàn. Bọn luận sư nghe đến tên ta thì trán và nách đều toát mồ hôi, các lỗ chân lông đều chảy nước. Ta luận nghĩa như gió có thể đè bẹp cỏ, bẻ gãy cây, phá vỡ vàng đá, và hàng phục các loài rồng voi, huống chi là bọn luận sư ở thế gian lại có thể đương đầu với ta ư!”
Lúc này, có Tỳ-kheo tên là A-thấp-ba-thệ , sáng sớm đắp y mang bát, oai nghi tề chỉnh, mắt đoan chánh nhìn thẳng bước, vào thành khất thực. Bấy giờ, Ni-kiền tử Tát-giá có chút việc đi đến các làng xóm. Từ cửa thành ra trông thấy Tỳ-kheo A-thấp-ba-thệ, ông liền đến chỗ Tỳ-kheo hỏi:
“Sa-môn Cù-đàm vì các đệ tử nói pháp như thế nào? Dùng những pháp nào để dạy cho các [35b] đệ tử khiến cho họ tu tập?”
A-thấp-ba-thệ nói:
“Này cư sĩ Hỏa chủng , đức Thế Tôn nói pháp như vầy để dạy cho các đệ tử, khiến cho họ theo đó mà tu học. Ngài dạy các Tỳ-kheo: ‘Đối với sắc hãy quán là không có ngã; với thọ, tưởng, hành, thức, hãy quán là không có ngã. Đối với năm thủ uẩn này phải siêng năng phương tiện quán sát như là bệnh, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là giết hại, là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã.’”
Ni-kiền tử Tát-giá nghe những lời nói này, tâm không vui, liền nói rằng:
“A-thấp-ba-thệ, chắc Ông đã nghe lầm rồi! Sa-môn Cù-đàm hoàn toàn không nói những lời này. Nếu Sa-môn Cù-đàm đã nói những lời này thì đó là thứ tà kiến; tôi sẽ đến nạn vấn ông Ta (viết hoa ?) để khiến phải từ bỏ.”
Bấy giờ, Ni-kiền Tử Tát-giá đi đến các làng xóm, tại chỗ những người Li-xa đang tụ hội, nói với các Li-xa rằng:
“Hôm nay tôi có gặp vị đệ tử thứ nhất của Sa-môn Cù-đàm, tên là A-thấp-ba-thệ, cùng nhau bàn luận. Nếu đúng như lời ông ta nói, thì tôi sẽ đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng bàn luận, làm cho xoay chuyển tiến thối đều theo ý của tôi.
“Giống như người cắt cỏ, tay nắm thân chúng đưa lên rũ bỏ đi những loại tạp uế. Tôi cũng như vậy, tôi cùng với Sa-môn Cù-đàm cật vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ cốt yếu, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ đi cái tà ấy.
“Như người nấu rượu, cầm túi hèm rượu ép lấy nước tinh thuần, và bỏ đi cặn bã hèm. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa-môn Cù-đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ thuần chân, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ đi cái tà ấy.
“Như thợ dệt chiếu, dùng chiếu đựng đầy vật bẩn, nên trước khi muốn đem ra chợ bán, phải tẩy xóa những vết bẩn, loại bỏ đi những mùi hôi thối. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa-môn Cù-đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ cương lĩnh, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ các thuyết uế tạp.
“Như người huấn luyện voi của vua, dắt con voi say vào trong nước sâu, rửa thân thể nó, tứ chi, tai, mũi; toàn thân thể của nó đều được tắm rửa, trừ bỏ các thứ bụi bẩn. Tôi cũng như vậy, đi đến Sa-môn Cù-đàm nạn vấn bàn luận, tôi sẽ nắm lấy chỗ yếu lĩnh, rồi mặc ý xoay tới hay xoay lui, loại bỏ các thuyết uế tạp. Các Li-xa, các người cũng nên cùng tôi đến để xem sự hơn thua.”
Trong nhóm Li-xa có người nói rằng:
“Ni-kiền Tử Tát-giá mà có thể cùng với Sa-môn Cù-đàm bàn luận, điều này không thể xảy ra.”
Lại có người nói:
“Ni-kiền Tử Tát-giá, là người lợi [35c] căn thông tuệ, có khả năng luận bàn với Sa-môn Củ-đàm.”
Lúc này, có năm trăm Li-xa cùng Ni-kiền Tử Tát-giá đi đến chỗ đức Phật để luận bàn. Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi dưới bóng cây ở trong rừng Đại lâm, an trú nơi Thiên trụ . Giờ này có nhiều Tỳ-kheo ra khỏi phòng và đang đi kinh hành trong rừng, từ xa trông thấy Ni-kiền Tử Tát-giá đang đi đến. Đến chỗ các Tỳ-kheo, Tát-giá hỏi các Tỳ-kheo :
“Sa-môn Cù-đàm đang ở chỗ nào?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Đang ngồi dưới bóng cây trong Đại lâm, nơi ở của chư Thiên.”
Ni-kiền tử Tát-giá liền đến chỗ đức Phật, cung kính hỏi thăm, rồi ngồi sang một bên. Các gia chủ Li-xa cũng đến chỗ đức Phật, có người cung kính, có người chấp tay chào hỏi, rồi đứng sang một bên. Bây giờ, Ni-kiền Tử Tát-giá bạch Phật:
“Tôi nghe Cù-đàm nói pháp như vầy, và dạy các đệ tử như vầy: ‘Đối với sắc hãy quán là không có ngã; với thọ, tưởng, hành, thức, hãy quán là không có ngã. Đối với năm thủ uẩn này phải siêng năng phương tiện quán sát như là bệnh, như là ung nhọt, như là gai nhọn, như là giết hại, là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã.’ Có phải Cù-đàm dạy như vậy hay không? Hay đây là những lời tuyên truyền với mục đích là để hủy báng Cù-đàm chăng? Thuyết là như thuyết, hay không như thuyết? Thuyết đúng như pháp chăng? Thuyết theo thuận thứ của pháp chăng? Không có kẻ khác nào đến nạn vấn dồn vào chỗ bế tắc chăng?”
Phật nói với Ni-kiền Tử Tát-giá:
“Như những gì Ông đã nghe. Thuyết là như thuyết, là thuyết đúng như pháp, thuyết theo thuận thứ của pháp, chứ chẳng phải là hủy báng, và cũng không có nạn vấn nào khiến bị bế tắc. Vì sao? Ta đã thật sự vì các đệ tử mà thuyết pháp như vậy. Ta đã thật sự luôn luôn dạy dỗ các đệ tử để cho họ tùy thuận theo pháp giáo, khiến họ quán sắc là không ngã; thọ, tưởng, hành, thức là không ngã. Quán năm thủ uẩn này như là bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, phi ngã.”
Ni-kiền Tử Tát-giá bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, bây giờ, tôi sẽ đưa ra một thí dụ.”
Phật bảo Ni-kiền Tử Tát-giá:
“Nếu thấy thích hợp.”
“Ví như tất cả những gì được tạo tác ở thế gian đều nương trên đất; cũng vậy sắc là con người , mọi việc thiện ác đều phát sanh từ đó . Thọ, tưởng, hành, thức là con người; mọi việc thiện ác cũng đều phát sanh từ đó. Thêm một thí dụ nữa, như loài người, loài thần, cỏ thuốc, cây cối, đều nương vào đất mà được sanh trưởng; cũng vậy sắc là con người. Thọ, tưởng, hành, thức là con người.”
Phật nói:
“Này Hỏa chủng [36a] cư sĩ, Ông nói sắc là con người ; thọ, tưởng, hành, thức là con người chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng như vậy. Sắc là con người; thọ, tưởng, hành, thức là người. Ở đây tất cả mọi người đều nói như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Thôi, hãy lập luận theo luận thuyết của Ông đi, việc gì phải đem mọi người ra làm gì.”
Ni-kiền Tử Tát-giá bạch Phật:
“Sắc thật sự là con người.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Bây giờ, Ta hỏi Ông, cứ theo ý Ông mà đáp. Như quốc vương, mà trong nước mình nếu có người phạm tội, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi, hoặc đánh bằng roi, hoặc chặt tay chân. Hoặc nếu có người có công thì vua sẽ ban thưởng voi, ngựa, xe cộ, thành ấp, tài sản, bảo vật cho. Tất cả vua đều làm được, phải không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, có thể làm được như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Phàm là người chủ, ắt phải được tự tại chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng như vậy.”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Ông nói sắc là ngã; thọ, tưởng, tưởng, hành, thức là ngã, vậy có được tùy ý tự tại khiến nó như vậy hay không như vậy chăng?”
Lúc này, Ni-kiền Tử Tát-giá ngồi im.
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Nói ngay đi! Nói ngay đi! Tại sao im lặng?”
Ba lần hỏi như vậy, Ni-kiền tử vẫn cố im lặng. Ngay lúc đó thần Lực sĩ Kim cang đang ở giữa hư không, cầm chày kim cang lửa bốc mạnh hừng hực, đặt trên đầu Ni-kiền Tử Tát-giá bảo rằng: “Đức Thế Tôn đã ba lần hỏi, tại sao Ông không trả lời? Ta sẽ dùng chiếc chày Kim cương đập vỡ đầu Ông ra làm bảy mảnh.” Vào lúc ấy, nhờ vào thần lực của Phật, nên chỉ khiến cho một mình Ni-kiền Tử Tát-giá thấy Thần Kim cang mà thôi, ngoài ra không một ai thấy hết.
Ni-kiền Tử Tát-giá thấy vậy sợ hãi quá bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, không phải như vậy.”
Phật bảo Ni-kiền tử Tát-giá:
“Hãy chậm rãi suy nghĩ, sau đó mới nói rõ. Trước đây, ở giữa mọi người, Ông bảo sắc là ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng là ngã. Nhưng bây giờ lại bảo là không phải. Trước sau mâu thuẫn nhau. Trước đây, Ông thường bảo rằng sắc là ngã; thọ, tưởng, hành, thức cũng là ngã. Này Hỏa chủng cư sĩ, nay Ta hỏi Ông, sắc là thường hay là vô thường?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường có phải là khổ không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, là khổ.”
Lại hỏi:
“Vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy Đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật bảo:
“Hỏa chủng cư sĩ, Ông hãy suy nghĩ cho kỹ [36b] rồi sau mới nói.”
Lại hỏi Hỏa chủng cư sĩ:
“Nếu đối với sắc mà chưa lìa tham, chưa lìa dục, chưa lìa niệm, chưa lìa ái, chưa lìa khát, khi sắc này biến đổi, hoặc khác đi thì nó sẽ sanh ra ưu, bi, não, khổ chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng vậy.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Lại hỏi:
“Hỏa chủng cư sĩ, nếu đối với sắc mà lìa tham, lìa dục, lìa niệm, lìa ái, lìa khát, khi sắc này biến đổi, hoặc khác đi, thì kia sẽ không sanh ra ưu, bi, não, khổ chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, như thật không khác.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
“Này Hỏa chủng cư sĩ, như thân mắc các bệnh khổ, thường bị khổ câu thúc, cái khổ này không dứt, không vứt đi được, người kia được an vui chăng?”
Đáp:
“Thưa Cù-đàm, không.”
“Như vậy, này Hỏa chủng cư sĩ, khi thân mắc các bệnh khổ, thường bị khổ câu thúc, cái khổ này không dứt, không vứt đi được, thì không được an vui.
“Này Hỏa chủng cư sĩ, như người mang búa vào núi, tìm lõi cây thật chắc. Thấy cây chuối to lớn, ngay thẳng, người ấy liền chặt rễ lá và lột bẹ của nó cho đến tận cùng, mà vẫn không thấy cái lõi chắc thật. Này Hỏa chủng cư sĩ, Ông cũng như vậy, đã tự lập ra luận thuyết, nhưng nay Ta đã khéo léo tìm ra cái nghĩa chân thật của nó, mà vẫn không thấy được cái cốt lõi chân thật, nó giống như cây chuối vậy. Thế mà ở giữa mọi người, Ông dám đứng ra tuyên bố là: ‘Trong đám Sa-môn, Bà-la-môn, Ta không thấy một ai có tri kiến có thể cùng đem bàn luận với tri kiến của Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác mà không bị chiết phục.’ Và lại tự nói, ‘Ta luận nghĩa như gió có thể đè bẹp cỏ, bẻ gãy cây, phá vỡ vàng đá, và hàng phục các loài rồng voi, đến nỗi có thể khiến cho họ toát mồ hôi trán, toát mồ hôi nách, và các lỗ chân lông đều đẩm nước.’ Nay Ông đã tự luận nghĩa cho chính mình, nhưng không tự lập lại những lời lẽ khoác lác trước đây, là có thể chiết phục mọi hiện tượng này. Hiện tại Ông đã đem hết khả năng lý sự thủ đắc của mình, mà không thể làm lay động được một sợi lông của Như Lai.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn ở giữa mọi người, vén uất-đa-la-tăng bày ngực và chỉ:
“Mọi người hãy nhìn xem, có thể nào làm lay động được một sợi lông của Như Lai không?”
Lúc này, Ni-kiền Tử Tát-giá im lặng, cúi đầu, hổ thẹn, thất sắc. Khi ấy ở trong chúng có một Li-xa tên là Đột-mục-khư , từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chấp tay bạch Phật:
“Thưa Thế Tôn, cho phép con nói thí dụ.”
Phật bảo Đột-mục-khư:
“Nếu thấy hợp thời.”
Đột-mục-khư bạch Phật:
“Thưa Thế Tôn, thí như có người mang cái đấu, cái hộc vào trong một đống thóc lớn xúc ra hai, ba hộc; hiện tại Ni-kiền Tử Tát-giá cũng [36c] giống như vậy. Thưa Thế Tôn, giống như một gia chủ giàu có, nhiều của cải, bỗng nhiên phạm vào tội lỗi, nên tất cả những tài vật đó đều bị sung vào nhà vua; Ni-kiền Tử Tát-giá cũng giống như vậy, tất cả mọi sự biện tài có được của Ông, đều bị Như Lai tóm thâu hết. Giống như cạnh làng xóm, thành ấp có con sông lớn, mọi nam nữ lớn nhỏ đều vào trong dòng nước nô đùa, họ bắt lấy con cua ở trong nước bẻ gãy chân rồi đem đặt trên mặt đất; vì không có chân nên không thể trở lại dòng sông được; Ni-kiền Tử Tát-giá cũng giống như vậy, các biện tài của Ông đều bị Như Lai bẻ gãy, để rồi không bao giờ dám trở lại cùng Như Lai bàn luận đối địch nữa.”
Lúc này, Ni-kiền Tử Tát-giá vô cùng tức giận, thóa mạ Li-xa Đột-mục-khư:
“Nhà ngươi là đồ thô lỗ; không biết gì hết sao lại rống lên? Tự ta cùng Sa-môn Cù-đàm bàn luận, chứ có can hệ gì đến việc của ngươi đâu?”
Ni-kiền Tử thóa mạ Đột-mục-khư rồi, lại bạch Phật:
“Hãy gác qua những lời nói của tên hạ tiện kia đi. Bây giờ riêng tôi có điều muốn hỏi.”
Phật bảo Ni-kiền Tử Tát-giá:
“Tùy ý Ông cứ hỏi, Ta sẽ theo câu hỏi mà trả lời.”
“Vì đệ tử, Cù-đàm nói pháp như thế nào để cho họ xa lìa nghi hoặc?”
Phật bảo Hỏa chủng cư sĩ:
“Ta nói cho các đệ tử rằng: ‘Những gì thuộc về sắc, hoặc là quá khứ, hoặc là hiện tại, hoặc là vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều quán sát như thật, chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau. Và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.’ Họ học tập như vậy chắc chắn sẽ thấy được dấu vết con đường , không bị đứt mất, có thể thành tựu tri kiến nhàm chán, canh giữ cửa cam lồ. Tuy chẳng phải tất cả đều đạt được cứu cánh, nhưng tất cả đều hướng đến Niết-bàn. Đệ tử theo pháp dạy của Ta như vậy sẽ được xa lìa nghi hoặc.”
Lại hỏi:
“Thưa Cù-đàm, Ngài dạy thế nào để cho các đệ tử ở trong Phật pháp chứng đắc lậu tận, tâm vô lậu giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời hiện tại mà tự tri, tự tác chứng, biết rằng: ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa?’”
Phật bảo:
“Hỏa chủng cư sĩ, chính bằng pháp này: ‘Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều biết như thật, là chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau; và thọ, tưởng, hành, thức chúng cũng lại như vậy,’ mà đệ tử kia lúc bấy giờ thành tựu được ba thứ vô [37a] thượng: Trí vô thượng, Đạo vô thượng, Giải thoát vô thượng . Khi đã thành tựu được ba vô thượng này rồi, vị ấy đối với Đại sư mà cung kính, tôn trọng, cúng dường như là Phật, rằng: ‘Thế Tôn đã giác ngộ tất cả các pháp, rồi bằng pháp này, Ngài điều phục đệ tử khiến cho họ được an lạc, khiến cho họ được vô úy, điều phục tịch tĩnh, cứu cánh Niết-bàn. Đức Thế Tôn vì mục đích Niết-bàn nên nói pháp cho các đệ tử.’
“Này Hỏa chủng cư sĩ, các đệ tử của Ta ở trong pháp này mà chứng đắc lậu tận, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, ở ngay trong đời này mà tự tri, tự tác chứng, biết rằng: ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Ni-kiền Tử Tát-giá bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, giống như một người khỏe mạnh bị những mũi đao nhọn rơi loạn xạ vào người, họ còn có thể thoát ra được, nhưng đối với thủ thuật luận bàn của Cù-đàm, thì thật khó có thể thoát được. Như rắn nhiều nọc độc còn có thể tránh được; như lửa mạnh ở giữa đầm hoang còn có thể tránh được; voi say hung dữ cũng có thể thoát được; như sư tử đói cuồng điên, tất cả đều có thể thoát được hết, nhưng đối với trong thủ thuật luận bàn của Sa-môn Cù-đàm thì thật là khó có thể thoát được. Không phải như bọn tầm thường chúng tôi, khinh suất, lỗ mãng, luận thuyết nửa vời, mà có thể đến chỗ Cù-đàm để luận nghị được.
“Thưa Sa-môn Cù-đàm, Tì-xá-li này là nước an lạc, thịnh vượng, lại có các tháp miếu Giá-ba-lê, Tất-yêm-la-thọ, Đa-tử, và Cù-đàm có thể ở tại tháp miếu Câu-lâu-đà, hay Ba-la-thọ-trì, hay Xả-trọng-đảm, hay Lực sĩ Bảo-quan. Thế Tôn sẽ an lạc ở nước Tì-xá-li này, vì ở chỗ Thế Tôn thường được cung kính, phụng sự, cúng dường bỡi chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn cùng những người trong thế gian; và nhờ những việc làm này, sẽ khiến cho chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn luôn luôn được an lạc. Xin Ngài hãy lại nơi này, và sáng mai xin Ngài cùng đại chúng nhận bữa ăn đạm bạc của tôi.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn im lặng nhận lời mời. Ni-kiền Tử Tát-giá biết đức Thế Tôn đã nhận lời mời rồi, tùy hỷ vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Trên đường về, Ni-kiền Tử Tát-giá bảo các Li-xa:
“Ta đã thỉnh được Sa-môn Cù-đàm và đại chúng để cúng dường trai phạn, các Ông, mỗi người hãy sửa soạn một món ăn đem đến chỗ ta.”
Các Li-xa mỗi người trở về nhà họ, ngay đêm hôm đó họ sửa soạn đồ cúng dường, và sáng sớm đem đến chỗ Ni-kiền Tử Tát-giá. Sáng hôm ấy, Ni-kiền Tử Tát-giá lo rưới nước quét dọn nhà cửa, trải chỗ ngồi, chuẩn bị nước sạch, rồi sai người đến Phật [37b] thưa là đã đến giờ.
Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng đại chúng đắp y mang bát đến nhà Ni-kiền Tử Tát-giá, Ngài ngồi trước đại chúng. Ni-kiền Tử Tát-giá tự tay dâng đầy đủ đồ ăn thức uống thanh tịnh cho đại chúng. Sau khi thọ thực và rửa bát xong, Ni-kiền Tử Tát-giá biết Phật và đại chúng đã hoàn tất xong mọi việc, Ông lấy một cái ghế thấp đặt ngồi trước Phật. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì Ni-kiền Tử Tát-giá mà tùy hỷ nói kệ:
Ở trong các lễ hội,
Thờ lửa là hơn hết.
Trong kinh điển Vi-đà,
Bà-tì-đế trên hết.
Con người, vua là nhất.
Các sông, biển là hơn.
Các sao, trăng là nhất.
Ánh sáng, mặt trời nhất.
Trong mười phương trời-người,
Đẳng Chánh Giác là nhất.
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì Ni-kiền Tử Tát-giá nói đủ các thứ pháp, soi sáng, chỉ dạy, là cho an vui rồi, trở về chỗ cũ. Trên đường trở về các Tỳ-kheo cùng nhau bàn tán về việc năm trăm Li-xa đã vì Ni-kiền Tử Tát-giá mà đã sửa soạn đồ ăn thức uống cúng dường. Các Li-xa này sẽ được phước gì? Còn Ni-kiền Tử Tát-giá sẽ được phước gì?
Khi các Tỳ-kheo đã trở về trú xứ, đem cất y bát và rửa chân xong đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Trên đường về chúng con cùng nhau bàn tán về việc năm trăm Li-xa đã vì Ni-kiền Tử Tát-giá sửa soạn đồ ăn thức uống, cúng dường Thế Tôn và đại chúng. Vậy năm trăm Li-xa này sẽ được phước gì? và Ni-kiền Tử Tát-giá sẽ được phước gì?
Phật bảo các Tỳ-kheo :
“Năm trăm Li-xa này đã vì Ni-kiền Tử, sửa soạn đồ ăn thức uống cúng dường, thì sẽ tạo nhân duyên được phước đối với chỗ Ni-kiền Tử Tát giá. Còn Ni-kiền Tử Tát giá thì sẽ được phước công đức Phật. Các Li-xa này được nhân duyên quả báo của bố thí nhưng có tham, sân, si; còn Ni-kiền Tử Tát-giá thì sẽ được nhân duyên quả báo bố thí nhưng không có tham, sân, si.”
Bài kệ tóm lược nội dung những kinh trên:
Mười câu hỏi Đa-la ,
Sai-ma, Diệm, Tiên-ni,
A-nậu-la, Gia chủ,
Tây, mao đoan, Tát-giá.
2. TƯƠNG ƯNG LA-ĐÀ
[37c6] KINH 113. HỮU LƯU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma-câu-la . Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà , vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Như Thế Tôn nói, ‘hữu lưu.’ Vậy, thế nào gọi là hữu lưu? Và thế nào gọi là hữu lưu diệt ?”
Phật bảo La-đà:
“Hay thay câu hỏi của Ông! Ta sẽ vì ông mà nói. Nói hữu lưu, tức là những kẻ phàm phu ngu si, không học, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật nên, đối với sắc lại ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm. Do duyên ái lạc sắc nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ tăng trưởng; như vậy là tập khởi của thuần một khối khổ lớn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là hữu lưu.
“Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Do biết như thật nên, đối với sắc kia không khởi lại ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm. Vì không khởi lại ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm nên, sắc ái diệt; do ái diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt; do hữu diệt nên sanh diệt; do sanh diệt nên già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thuần một tụ khổ lớn như vậy diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là những lời dạy của Như Lai về hữu lưu, và hữu lưu diệt.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 114. ĐOẠN TRI
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma-câu-la . Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà , vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn nói, ‘Biến tri sắc; biến tri thọ, tưởng, hành, thức.’ Bạch Thế Tôn, vậy thế nào là biến tri sắc; biến tri thọ, tưởng, hành, thức?”
Phật bảo La-đà:
“Hay thay câu hỏi của Ông! Ta sẽ vì Ông mà nói. Đối với sắc mà ưu, bi, khổ não hết, ly dục, diệt, tịch tĩnh; [38a] đó gọi là biến tri sắc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức mà ưu, bi, khổ, não hết, ly dục, diệt, tịch tĩnh; đó gọi là biến tri thọ, tưởng, hành, thức.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 115. ĐOẠN SẮC KHỔ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả, cùng thăm hỏi nhau rồi, ngồi lui qua một bên. Họ hỏi Tôn giả La-đà:
“Vì sao thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
Tôn giả La-đà trả lời:
“Vì tôi muốn đoạn trừ khổ, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Lại hỏi:
“Thầy vì muốn đoạn trừ những thứ khổ nào, nên phải theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Vì muốn đoạn trừ cái khổ về sắc, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh. Vì muốn đoạn trừ cái khổ về thọ, tưởng, hành, thức nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe Tôn giả nói những lời như vậy, tâm họ không vui, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, chỉ trích rồi bỏ đi.
Bấy giờ, Tôn giả La-đà biết các xuất gia ngoại đã ra đi rồi, liền tự nghĩ: ‘Vừa rồi, ta đã nói những lời như vậy, há không hủy báng Thế Tôn chăng? Nói đúng như thuyết chăng? Nói đúng như pháp, hay là thuận thứ của pháp chăng? Sẽ không bị người khác đến nạn vấn, chỉ trích, làm cho bế tắc chăng?”
Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, Tôn giả La-đà đến chỗ Phật, làm lễ sát chân Phật, rồi ngồi sang một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, những gì con đã nói không lỗi lầm chăng? Không hủy báng Thế Tôn chăng? Nói đúng như thuyết chăng? Nói đúng như pháp, hay là thuận thứ của pháp chăng? Sẽ không bị người khác đến nạn vấn, chỉ trích, làm cho bế tắc chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những gì ngươi nói đều là lời thật, không hủy báng Như Lai, nói như lời dạy của Ta, nói như pháp, nói pháp và thứ pháp. Vì sao? Này La-đà, sắc là khổ; vì muốn dứt cái khổ này nên, xuất gia tu phạm hạnh. Thọ, tưởng, hành, thức là khổ, vì muốn dứt những cái khổ này nên xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 116 TRI KHỖ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ tôn [38b] giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà Thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Vì mục đích biết khổ nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các ngoại đạo nghe La-đà nói những lời như vậy, tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉ trích rồi ra đi.
Bấy giờ vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không đúng như thuyết, nói không đúng như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Sắc là khổ. Vì để biết nó là khổ nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh. Thọ, tưởng, hành, thức là khổ. Vì để biết … thức là khổ nên, theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 117. ĐOẠN ƯU KHỔ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà Thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Vì đối với sắc muốn dứt hết ưu, bi, não, khổ, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh. Vì đối với thọ, tưởng, hành, thức muốn dứt hết ưu, bi, não, khổ, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉ trích rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không đúng như thuyết, nói không đúng như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không [38c] hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Này La-đà, sắc là ưu, bi, não, khổ. Vì muốn dứt hết nó nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh. Thọ, tưởng, hành, thức là ưu, bi, não, khổ vì muốn dứt hết chúng nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 118. NGÃ TẬN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đi đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Ở nơi sắc thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc , muốn dứt bỏ cái chấp thấy này, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh. Nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kiết sử trói buộc, muốn dứt bỏ cái chấp thấy này, ly dục, diệt tẩn, tịch tĩnh, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉ trích rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngội lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không đúng như thuyết, nói không đúng như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Nơi sắc thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc, vì muốn dứt bỏ cái chấp thấy này, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh. Nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kiết sử trói buộc, muốn dứt bỏ cái chấp thấy này, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 119 ĐOẠN HỮU LẬU
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà [39a] rằng:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Sắc hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh. Thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, chướng ngại bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉ trích rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không đúng như thuyết, nói không đúng như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Vì sắc hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh. Thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, chướng ngại bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 120. THAM NHUẾ SI
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đi đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Vì mục đích nơi sắc mà đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si; nơi thọ tưởng, hành, thức mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si, nên tôi theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy chỉ trích rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không đúng như thuyết, nói không đúng như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói đúng như thuyết, nói đúng như [39b] pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Vì mục đích ở nơi sắc mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si; nơi thọ tưởng, hành, thức mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si, nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.