KINH 351. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, người này chẳng phải là Sa-môn, chẳng được kể vào hàng Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn, chẳng được kể vào hàng Bà-la-môn; người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa-môn, hay Bà-la-môn, ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng, tự biết rằng ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Thế nào là chẳng biết như thật? Thế nào là chẳng biết như thật về sự tập khởi của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về sự diệt tận của pháp? Thế nào là chẳng biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp? Đối với pháp già chết mà không biết như thật; không biết như thật về sự tập khởi đối với già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, không biết như thật đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ,… không biết như thật về sự tập khởi của sáu xứ, về sự diệt tận của sáu xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ. Như vậy là không biết như thật về các pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật về pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, Sa-môn, Bà-la-môn này được kể vào hàng Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh, đúng với nghĩa Sa-môn, Bà-la-môn, ngay trong đời này mà tự tri tự tác chứng, tự biết rằng ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Biết như thật những pháp gì? Biết như thật sự tập khởi của pháp gì, sự diệt tận của pháp gì, con đường đưa đến sự diệt tận của pháp gì? Đó là pháp già chết nên biết như thật. Nên biết như thật về sự tập khởi của già chết, về sự diệt tận của già chết, về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với sanh, hữu, ái, thọ, xúc, sáu xứ nên biết như thật; nên biết như thật về sự tập khởi của sáu xứ, về sự diệt tận của sáu xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ. Đó là biết như thật về các pháp; biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ [99b] phụng hành.
KINH 352. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (2)[2]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với pháp mà không biết như thật về pháp; không biết như thật về sự tập khởi của pháp, về sự diệt tận của pháp, về con đường đưa đến sự diệt tận của pháp, người này chẳng phải là Sa-môn, chẳng được kể vào hàng Sa-môn, chẳng phải là Bà-la-môn, chẳng được kể vào hàng Bà-la-môn; người này chẳng đúng với ý nghĩa Sa-môn, hay Bà-la-môn, ngay trong đời này không tự tri tự tác chứng, tự biết rằng: ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Không biết như thật về những pháp nào, không biết như thật về sự tập khởi của những pháp nào, về sự diệt tận của những pháp nào, về con đường đưa đến sự diệt tận của những pháp nào? Không biết như thật về pháp sáu xứ, không biết như thật về sự tập khởi của sáu xứ, về sự diệt tận của sáu xứ diệt, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ. Nhưng nếu đối với xúc mà vị này lại biết như thật thì, không thể được; đối với sự tập khởi của xúc, về sự diệt tận của xúc, về con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà biết như thật thì, không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết mà biết như thật thì cũng không thể có được.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật về sáu xứ; biết như thật về sự tập khởi của sáu xứ, về sự diệt tận của sáu xứ, về con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ, việc biết như thật về sự hiện hữu của xúc, điều này có thể có được. Cũng vậy, biết như thật đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết…, điều này có thể có được.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 353. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN (3)[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Nói như trên, chỉ có một vài điểm sai biệt như:
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như thật về sáu xứ mà muốn vượt thoát khỏi xúc, không thể có được; và đối với sự tập khởi của xúc, sự diệt tận của xúc, con đường đưa đến sự diệt tận của xúc mà muốn vượt thoát, cũng không thể có được. Cũng vậy, đối với thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết, mà muốn vượt thoát khỏi chúng, điều này cũng không thể có được. Muốn vượt thoát khỏi sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này không thể có được.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật sáu xứ; biết như thật đối với sự tập khởi của sáu xứ, đối với sự diệt tận của sáu xứ, đối với con đường đưa đến sự diệt tận của sáu xứ, vượt thoát khỏi sự hiện hữu của xúc; điều này có thể có được. Cũng vậy, muốn vượt thoát khỏi thọ, ái, thủ, hữu, sanh, già chết, điều này có thể có được,… cho đến muốn vượt thoát khỏi con đường đưa đến sự diệt tận của già chết, điều này có thể có được.”
Phật [99c] nói kinh này xong, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như vậy từ già chết… cho đến sáu xứ xứ có ba kinh. Cũng vậy, từ già chết … cho đến hành có ba kinh cũng nói như vậy.
KINH 354. LÃO TỬ[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nên giác tri già chết,[5] giác tri sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy, ... cho đến giác tri hành, sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành.
“Thế nào là giác tri già chết? Giác tri rằng vì duyên sanh nên có già chết. Như vậy gọi là giác tri về già chết.
“Thế nào là giác tri sự tập khởi của già chết? Sanh tập khởi thì già chết tập khởi. Như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của già chết.
“Thế nào là giác tri sự diệt tận của già chết? Sanh diệt đi thì già chết cũng diệt. Như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của già chết.
“Thế nào là giác tri con đường đưa đến sự diệt tận của già chết ? Thánh đạo tám chi, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Như vậy gọi là giác tri về con đường đưa đến sự diệt tận của tử.
“Cho đến, thế nào là nên giác tri hành? Có ba hành: thân hành, khẩu hành, ý hành. Như vậy gọi là giác tri sự hiện hữu của hành.
“Thế nào là giác tri sự tập khởi của hành? Vô minh tập khởi thì hành tập khởi. Như vậy gọi là giác tri về sự tập khởi của hành.
“Thế nào là nên giác tri về sự diệt tận của hành? Là vô minh diệt đi thì hành cũng diệt. Như vậy gọi là giác tri về sự diệt tận của hành.
“Thế nào là giác tri con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Thánh đạo tám chi, đó là con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Như vậy gọi là giác tri con đường đưa đến sự diệt tận của hành.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 355. CHỦNG TRÍ[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Bốn mươi bốn thứ trí là gì? Đó là trí về già chết, trí về sự tập khởi của già chết, trí về sự diệt tận của già chết, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của già chết. Cũng vậy, đối với trí sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành; trí về sự tập khởi của hành, trí về sự diệt tận của hành, trí về con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Đây gọi là bốn mươi bốn trí.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 356 VÔ MINH TĂNG[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ đà thuộc nước Xá-Vệ, bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bảy mươi bảy thứ trí, hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói. Thế nào là bảy mươi bảy thứ trí? [100a] Đó là trí về sanh duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh làm duyên mà có già chết[9]; trí về sanh quá khứ làm duyên nên có già chết; trí về sự không phải ngoài sanh quá khứ làm duyên mà có già chết; trí về sanh vị lai làm duyên nên có già chết; cùng với trí về pháp trụ, là trí về vô thường, hữu vi, do tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri.[10] Cũng vậy, trí về sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành; trí về vô minh duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh làm duyên mà có hành; trí về vô minh quá khứ làm duyên nên có hành, trí về sự không phải ngoài vô minh quá khứ làm duyên mà có hành; trí về vô minh vị lai làm duyên nên có hành, trí về sự chẳng phải ngoài vô minh vị lai làm duyên mà có hành; cùng với trí pháp trụ là trí về vô thường, hữu vi, do tâm duyên mà sanh, là pháp đoạn tận, là pháp biến dịch, pháp ly dục, pháp diệt, đoạn biến tri. Đó gọi là bảy mươi bảy thứ trí.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 357. VÔ MINH TĂNG (2)[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có pháp tăng, pháp giảm, hãy lắng nghe, khéo tư duy, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Thế nào là pháp tăng? Do cái này có nên cái kia có, do cái này khởi nên cái kia khởi, là do duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức… cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Đó gọi là pháp tăng.
“Thế nào là pháp giảm? Do cái này không nên cái kia không, do cái này diệt nên cái kia diệt, là do vô minh diệt nên hành diệt… cho đến khối lớn thuần khổ diệt. Đó gọi là pháp giảm.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như pháp tăng và pháp giảm. Cũng vậy, pháp sanh, pháp biến dịch, pháp tập khởi, pháp diệt tận cũng nói như trên. Như ba kinh đang nói, nên biết có ba kinh cũng nói như trên.
KINH 358. TƯ LƯƠNG[12]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Hoặc suy lường cái gì, hoặc vọng tưởng cái gì sanh khởi, hoặc kia sai sử cái gì,[13] thức duyên níu cái đó mà tồn tại[14]. Vì có chỗ duyên níu[15] cho thức trụ nên trong đời vị lai có sanh, lão, tử, ưu, bi, não, khổ và, tập họp khối lớn thuần khổ như vậy.
“Nếu không suy lường gì, không vọng tưởng gì, không sai sử gì thì thức không có chỗ nào duyên níu mà tồn tại. Vì thức không có chỗ duyên níu mà tồn tại nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai đều bị diệt và, khối lớn thuần khổ như vậy bị diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe [100b] những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 359. TƯ LƯƠNG (2)[16]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Hoặc suy lường cái gì, hoặc vọng tưởng cái gì sanh khởi, hoặc kia sai sử cái gì, thức duyên níu cái đó mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc. Vì nó nhập vào danh sắc nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai, và tập họp khối lớn thuần khổ.
“Nếu không suy lường gì, không vọng tưởng gì, không sai sử gì, thức có gì để duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai bị diệt và, khối lớn thuần khổ như vậy bị diệt”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 360. TƯ LƯƠNG (3)[17]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“ Hoặc suy lường cái gì, hoặc vọng tưởng cái gì sanh khởi, hoặc kia sai sử cái gì, thức duyên níu cái đó mà tồn tại. Vì có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó nhập vào danh sắc. Vì nhập vào danh sắc nên có qua lại. Vì có qua lại nên có sanh tử. Vì có sanh tử nên có sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai và, tập họp khối lớn thuần khổ như vậy.
“ Nếu không suy lường gì, không vọng tưởng gì, không sai sử gì, thức có gì để duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc. Vì không nhập vào danh sắc nên không qua lại. Vì không qua lại nên không sanh tử. Vì không sanh tử nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai đều bị diệt và, khối lớn thuần khổ như vậy cũng bị diệt .”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[9] Pāli: asati jātiyā natthi jarāmaraṇanti, trí (nhận thức) về sự kiện, khi không có sanh thì không có già chết.
[10] Pāli: yampissa taṃ dhammaṭṭhitiñāṇaṃ taṃpi khayadhammaṃ vayadhammaṃ virāgadhammaṃ nirodhadhamman ti ñāṇaṃ, nơi nào có pháp trụ trí, nơi đó cũng có trí (nhận thức) về pháp tận diệt, pháp hủy hoại, pháp ly tham, pháp diệt.
[14] Pāli: yañ ca bhikkhave ceteti yañca pakappeti yañca anuseti, ārammaṇam etaṃ hoti ñāṇassa ṭhitiyā.
0 nhận xét