TỤNG III. NHÂN DUYÊN[1]

5. TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN[2]

[79a25] KINH 321. CHỦNG THỌ[3]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với pháp kết sử hệ phược mà tùy thuận nếm vị, rồi đoái tưởng, tâm hệ lụy, ái sanh[4]; ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu, bi, não, khổ, và tụ tập thành khối lớn thuần khổ như vậy. Như người trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ yếu mền, cần yêu quí [79b] bảo vệ làm cho nó an ổn, vun bồi đất, tùy thời tưới nước, nóng lạnh điều hòa. Nhờ những nhân duyên này nên cây mới lớn dần. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp kết sử ràng buộc mà nếm vị, chăm sóc cho lớn, ái[5] sanh; ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, ưu, bi, não, khổ, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy. 
“Nếu đối với các pháp kết sử ràng buộc mà thùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán xả, chẳng sanh đoái tưởng, tâm không hệ lụy, ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, và khối khổ lớn đã tụ tập thuần thành cũng diệt. Cũng giống trồng cây, ban đầu cây còn nhỏ, mềm yếu, mà không yêu quý bảo vệ, không làm cho nó an ổn, không vun bồi phân đất, không tưới nước theo thời, không tạo sự thích hợp nóng lạnh, cây ấy sẽ không thể tăng trưởng. Lại còn chặt gốc, bẻ cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần, để cho gió thổi nắng táp; hay dùng lửa thiêu đốt, cây cháy thành tro; hoặc để cho gió lốc bốc lên; hoặc bị quăng xuống nước, này các Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, làm như vậy há không phải là chặt đứt gốc rễ cây này, cho đến thiêu đốt, khiến cho nó bị tiêu diệt, thành pháp không sanh khởi trong đời vị lai chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp kết sử ràng buộc mà thùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán xả, chẳng sanh đoái tưởng, tâm không hệ lụy, ái diệt;[6] ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 322. ĐẠI THỌ [7]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruỗi, đuổi theo danh sắc[8]; danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, và tụ tập thành một khối khổ lớn như vậy. Thí như gốc cây lớn,[9] có rễ, có cành, nhánh, lá, hoa, quả; rễ nó được trồng sâu, bền chắc, được vun đắp phân tro, dùng nước [79c] để tưới, thì cây ấy vững chắc, trọn đời không bị mục hư. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận nếm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, tâm dong ruỗi, đuổi theo danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy.
“Nếu đối với pháp bị chấp thủ, mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm tởm, tâm không tham luyến, không hệ lụy, thức không dong ruỗi chạy theo danh sắc, do đó danh sắc diệt.[10] Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ sẽ diệt, và như vậy thuần khối khổ lớn đã tụ tập cũng sẽ diệt. Giống như trồng cây, nếu không tùy thời bảo vệ để cho cây an ổn, không bón phân đất, không tùy thời tưới nước, để cho lạnh nóng bất thường, cây sẽ không tăng trưởng được. Lại còn chặt gốc, bẻ cành, cắt ra từng đoạn, chia ra từng phần, để cho gió thổi nắng táp; hay dùng lửa thiêu đốt, cây cháy thành tro; hoặc để cho gió lốc bốc lên; hoặc bị quăng xuống nước, này các Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, làm như vậy há không phải là chặt đứt cây này, cho đến thiêu đốt khiến cho nó bị tiêu diệt, thành pháp không sanh khởi trong đời vị lai chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ mà tùy thuận quán vô thường, quán trụ, sanh, diệt, quán vô dục, quán tịch diệt, quán nhàm tởm, tâm không tham luyến, không hệ lụy, thức không dong ruỗi chạy theo danh sắc, do đó danh sắc diệt. Danh sắc diệt thì sáu xứ diệt, sáu xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ sẽ diệt, và như vậy sự tập khởi của khối lớn thuần khổ diệt, ưu, bi, não, khổ diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.  

KINH 323. PHẬT PHƯỢC[11]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ta nhớ về đời trước, khi chưa thành Chánh giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần tinh tấn thiền định, tư duy, sanh khởi ý nghĩ như vầy:[80a] ‘Thế gian bị hãm nhập tai họa; đó là sanh, già, bệnh, chết, đổi dời, thọ sanh. Nhưng chúng sanh lại không biết như thật về sở y[12] của sanh, già, bệnh, chết.’
“Ta suy nghĩ rằng: ‘Do có pháp gì nên có sanh, do pháp gì làm duyên nên có sanh?’ Ta liền tư duy chân chánh, và như thật phát khởi hiện quán, khởi lên nhận thức[13]: ‘Do có hữu nên có sanh, duyên hữu nên có sanh.
“Ta lại tư duy: ‘Do có pháp gì nên có hữu, do pháp gì làm duyên nên có hữu?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán, khởi lên nhận thức: ‘Do có thủ nên có hữu, duyên thủ nên có hữu.’
“Ta lại nghĩ rằng: ‘Thủ lại do duyên gì, do có pháp gì nên có thủ, do duyên pháp gì nên có thủ?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Đối với pháp bị chấp thủ mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Do ái kia có nên có thủ. Ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy.’
“Này các Tỳ-kheo, ý các ngươi nghĩ sao? Giống như nhờ dầu, tim đèn, nên đèn được đốt sáng. Vậy khi thường xuyên dầu và tim được thêm lên, ánh sáng ngọn đèn này có tồn tại lâu không?”
“Bạch Thế Tôn, đúng lâu vậy.”
“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Do ái kia có nên có thủ. Ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy. 
“Lúc ấy Ta lại suy nghĩ: ‘Do không có pháp gì mà không có lão, bệnh, tử này? Do pháp gì diệt mà lão, bệnh, tử bị diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Do không có sanh nên không có lão, bệnh, tử; do sanh diệt nên lão, bệnh, tử diệt.’
“Ta lại suy nghĩ như vầy: ‘Do không có pháp gì mà không có sanh? Do pháp gì diệt mà sanh diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Do không có hữu nên không có sanh; do hữu diệt nên sanh diệt.’
“Ta lại tư duy: ‘Do không có pháp gì nên không có hữu? Do pháp gì diệt nên hữu diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Pháp bị chấp thủ là vô thường, là sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả ly, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, ái diệt. Ái diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt và luôn sự tập khởi của khối lớn thuần khổ như vậy cũng diệt.’
“Này các Tỳ-kheo, [80b] ý các ngươi nghĩ sao? Thí như dầu, tim đèn, nếu không châm thêm dầu và sửa tim, phải chăng ánh sáng của cây đèn này trong vị lai không còn nữa, và nó sẽ bị tắt mất chăng?”
 Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, ái diệt; ái diệt thì thủ diệt, cho đến luôn khối khổ lớn thuần nhất đã tụ tập như vậy cũng diệt .”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 324. THỦ[14]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh Giác, sống một mình ở chỗ thanh vắng, chuyên cần tinh tấn thiền định, tư duy. Nói đầy đủ như kinh trên, chỉ có một vài sự sai biệt là:
“Ví như vác mười bó củi, hai mươi bó, ba mươi bó, bốn mươi bó, năm mươi bó, trăm bó, ngàn bó, trăm ngàn bó, gom chất lại thành một đống, đốt lên thành một đống lửa lớn. Nếu có người nào cho thêm củi và cỏ khô vào, các Tỳ-kheo, các ngươi nghĩ sao, lửa này có tiếp tục cháy mãi được không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với pháp bị chấp thủ, mà tham đắm vị, tham luyến, tâm hệ lụy, ái dục tăng trưởng. Ái này làm duyên cho thủ; thủ duyên hữu và, cho đến sự tập khởi của khối lớn thuần khổ.
“Này các Tỳ-kheo, nếu đống lửa đang cháy kia mà không thêm củi và cỏ khô vào, các Tỳ-kheo nghĩ sao, lửa kia có bị tắt không?”
“Bạch Thế Tôn, có như vậy.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp bị chấp thủ nên quán sát là vô thường, sanh diệt, ly dục, diệt tận, xả, tâm không tham luyến, tâm không hệ lụy, ái diệt; ái diệt thì thủ diệt; nói đầy đủ như vậy cho đến. Như vậy sự tập khởi của khối lớn thuần khổ kia cũng diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 325. THÀNH ẤP[15]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ta nhớ về thuở trước, khi chưa thành Chánh Giác, một mình ở chỗ vắng, tinh tấn chuyên cần thiền định tư duy, phát khởi ý nghĩ như vầy: ‘Do có pháp gì nên có già chết; duyên pháp gì nên có già chết?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Do có sanh nên có già chết; do duyên sanh nên có già chết. Đối với hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, cũng như vậy.
“Do có pháp gì nên có danh sắc, [80c] do duyên pháp gì nên có danh sắc?’ Ta liền tư duy chân chánh, như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Do có thức nên có danh sắc, do duyên thức nên có danh sắc.’ Khi Ta tư duy như vậy, ngang đến thức thì quay trở lại, không thể vượt qua nó được[16]. Nghĩa là duyên thức nên có danh sắc, duyên danh sắc nên có sáu xứ, duyên sáu xứ nên có xúc, duyên xúc nên có thọ, duyên thọ nên có ái, duyên ái nên có thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, và tụ tập khối lớn thuần khổ như vậy.
“Bấy giớ Ta suy nghĩ: ‘Do không có pháp gì nên không có già chết; do pháp gì diệt nên già chết diệt?’ Ta liền tư duy chân chánh, và như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Vì không có sanh nên không già chết; vì sanh diệt nên già chết diệt.’ Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành cũng như vậy. Nói đầy đủ như kinh trên.
“Ta lại tư duy: ‘Do không có pháp gì, nên không có hành; do pháp gì diệt nên hành diệt?” Ta liền tư duy chân chánh, và như thật phát khởi hiện quán và khởi lên nhận thức: ‘Vì không có vô minh nên không có hành; vì vô minh diệt nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt; thức diệt nên danh sắc diệt; danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; sáu xứ diệt nên xúc diệt; xúc diệt nên thọ diệt; thọ nên ái diệt; ái diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, và sự tập khởi của khối lớn thuần khổ cũng bị diệt.’
“Bấy giờ, Ta nghĩ rằng: ‘Ta đã gặp được con đường của cổ Tiên nhơn, lối mòn của cổ Tiên nhơn; dấu chân của cổ Tiên nhơn. Cổ Tiên nhơn đã từng đi theo dấu này, nay Ta cũng đi theo.’[17] Ví như có người đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm đường đi, chợt gặp đường cũ chỗ người xưa đã đi, người kia liền theo đó mà đi. Đi lần về trước, thấy được thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, ao tắm, rừng cây sạch sẽ, người ấy nghĩ rằng: ‘Bây giờ ta nên đến tâu cho vua biết.’ Người ấy vội vàng đi đến quốc vương tâu: ‘Đại vương biết cho, tôi đang đi giữa đồng hoang, vạch lối tìm đường đi, chợt gặp đường cũ chỗ người xưa đã đi, tôi liền theo đó mà đi. Đi lần về trước, thấy được thành ấp cũ, cung điện vua xưa, vườn cảnh, ao tắm, suối rừng sạch trong. Đại vương có thể đến đó nghỉ ngơi.’ Quốc vương liền đến đó, cư trú nơi đó, rất an lạc, yên ổn, và nhân dân cũng được phồn thịnh.
“Nay Ta cũng như vậy, gặp được con đường của cổ Tiên nhơn, lối mòn của cổ Tiên nhơn; dấu chân của cổ Tiên nhơn; chỗ Tiên nhơn xưa đã đi, nay Ta cũng đi theo. Con đường đó là Thánh đạo tám chi: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, [81a] chánh định. Ta từ nơi con đường này mà thấy được lão, bệnh, tử; sự tập khởi của lão, bệnh, tử; sự diệt tận của lão, bệnh, tử; con đường đưa đến sự diệt tận của lão, bệnh, tử; thấy được sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức, hành, thấy sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Ta đối với pháp này tự biết, tự giác ngộ, thành tựu Đẳng Chánh Giác. Rồi Ta khai thị, hiển phát, vì an lạc và lợi ích của các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di và các Sa-môn, ngoại đạo, Bà-la-môn, tại gia, xuất gia, cả bốn chúng, được nghe, chân chánh hướng theo, khởi lòng tin ưa, biết pháp lành, khiến cho phạm hạnh thêm rộng.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 326. LÔ[18]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương Xá. Khi ấy Tôn giả Xá-lợi-phất, và Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.
Bấy giờ vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giấc, Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la. Sau khi cùng nhau hỏi thăm, chúc tụng, rồi Tôn giả ngồi xuống một bên, nói với Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la:
“Tôi có điều muốn hỏi, Hiền giả có rảnh để giải đáp cho không?”
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đáp lời Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Nhân giả cứ hỏi. Điều gì biết được tôi sẽ trả lời.”
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la:
“Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, thế nào, có sự già không?”
Đáp:
“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, có.”
Lại hỏi:
“Có sự chết không?”
Đáp:
“Có.”
Lại hỏi:
“Thế nào, già, chết là tự tác hay tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự chẳng phải tha, vô nhân tác chăng?”
Đáp:
“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, già chết chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác, vô nhân tác. Nhưng do duyên sanh nên có già chết.”
“Như vậy, sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác, vô nhân tác chăng?”
Đáp:
“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác, vô nhân tác. Nhưng danh sắc này do duyên thức mà sanh.”
Lại hỏi:
“Thức này có phải là tự tác, là tha tác, là tự và tha tác, hay là chẳng phải tự tha tác, vô nhân tác chăng?”
Đáp:
“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, thức này chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, cũng chẳng phải chẳng tự tha tác, vô nhân tác. Nhưng thức này do duyên danh sắc mà sanh.”
Tôn giả Xá-lợi-phất [81b] lại hỏi:
“Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, trước đây Hiền giả nói danh sắc chẳng phải tự tác, chẳng phải tha tác, chẳng phải tự và tha tác, chẳng phải chẳng tự và tha, vô nhân tác, nhưng danh sắc này duyên thức mà sanh ra. Bây giờ, lại nói danh sắc duyên thức, vậy nghĩa này là thế nào?”
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đáp:
“Nay tôi sẽ nói thí dụ, nếu là nguời trí thì nhờ thí dụ sẽ hiểu được. Thí như ba cây lau được dựng lên nơi đất trống, nhờ nương tựa vào nhau mà có thể đứng vững. Nếu lấy ra một cây thì hai cây kia cũng không đứng được. Nếu lấy đi hai cây thì một cây cũng không đứng vũng. Vì chúng phải nương vào nhau mới có thể đứng được. Thức duyên danh sắc lại cũng như vậy, phải nương tựa lẫn nhau mới sanh trưởng được.”
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
“Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh văn đệ tử của Thế Tôn, Tôn giả Câu-hy-la là người trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp cam lồ. Nghĩa là Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la có nghĩa biện tài[19] sâu xa như vậy, có thể giải đáp tất cả mọi nạn vấn. Như ngọc quý vô giá, mà thế gian đội trên đầu; nay tôi cũng xin đội Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la trên đầu.
“Bạch Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, hôm nay tôi rất vui mừng vì đã được nhiều lợi ích từ nơi Tôn giả. Những đồng phạm hạnh khác nhiều lần gặp được Tôn giả thì chắc chắn cũng sẽ được thiện lợi, vì Tôn giả khéo thuyết pháp. Nay tôi sẽ đem những điều được nghe từ Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la thuyết pháp, bằng ba mươi cách tán thán mà khen ngợi, tùy hỷ.
“Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la, ai nói rằng già, chết là tai họa đáng ghê, nên ly dục, nên diệt tận, đó gọi là pháp sư. Ai nói rằng: sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc, thức là tai họa đáng chán ghê, nên ly dục, nên diệt tận, đó cũng gọi là pháp sư. Tỳ-kheo đối với già, chết mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục, diệt tận, đó gọi là pháp sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, hướng đến ly dục, diệt tận, đó cũng gọi là pháp sư. Tỳ-kheo đối với già chết mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là pháp sư. Cho đến, đối với thức mà nhàm tởm, lo sợ, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là pháp sư.”
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
“Lành thay! Lành thay! Trong hàng Thanh văn đệ tử của Thế Tôn, vị có trí tuệ sáng suốt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ, tự thân chứng nghiệm đầy đủ với pháp cam lồ, đó là Tôn giả Xá-lợi-phất, là người có khả năng hỏi những điều sâu xa của chính trí. Giống như hạt châu vô giá được người thế gian đội trên đầu. Nay Tôn giả [81c] cũng vậy, được tất cả đồng phạm hạnh cung kính, phụng sự một cách trân trọng. Hôm nay tôi rất vui mừng, vì được nhiều lợi ích nhờ cuộc đàm luận với Tôn giả về diệu nghĩa.”
Hai vị Chánh sỹ tùy hỷ lẫn nhau, mỗi người trở về chỗ ở của mình.

KINH 327. VÔ VĂN[20]

Tôi nghe như vầy:
Môt thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương Xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Phàm phu ngu si vô học[21], đối với thân bốn đại là tai họa đáng ghê này cũng có thể lìa dục, đáng quay lưng, xả bỏ; nhưng không phải là đối với thức. Vì sao? Họ thấy thân bốn đại có thêm, bớt, có lấy, bỏ. Nhưng đối với tâm, ý, thức, kẻ phàm phu ngu si vô học không thể sanh nhàm tởm, lìa dục, giải thoát. Vì sao? Họ từ lâu đời ở nơi đây[22] mà ấp ủ, nâng niu, hệ lụy ngã, hoặc sở đắc, hoặc chấp thủ, nói rằng ‘Đây là ta, đây là của ta, hay ở trong nhau.’[23] Cho nên kẻ phàm phu ngu si vô học không thể ở nơi đây này mà sanh nhàm tởm, lìa dục, quay lưng, buông bỏ được. Kẻ phàm phu ngu si tốt hơn là nên ở nơi thân do bốn đại mà chấp là ngã, là ngã sở, chứ không nên ở nơi thức mà chấp là ngã, là ngã sở. Vì sao? Thân do bốn đại, hoặc thấy chỉ tồn tại trong khoảng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cho đến trăm năm; rồi thì nó tiêu vong, hoặc kéo dài hơn một chút. Còn tâm, ý, thức này thì sự sanh diệt, biến chuyển, đổi khác, ở trong từng ngày, từng đêm, từng giờ, từng khắc, trong từng thoáng chốc. Cũng như con vượn rong chơi trong rừng cây kia, thoáng chốc ở nơi này, chợt thoắt đi nơi khác, chuyền từ cành này qua nhánh nọ, buông cây này nắm cây kia. Tâm, ý, thức cũng lại như vậy, thoáng sanh, thoáng diệt.
“Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: Lạc xúc làm duyên sanh ra lạc thọ. Khi cảm giác lạc thọ, biết như thật là đang có cảm giác lạc thọ. Khi lạc xúc kia diệt, thọ do lạc xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Như lạc thọ; các thọ sanh bởi nhân duyên là khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Khi cảm giác xả thọ, biết như thật là đang có cảm giác xả thọ. Khi xả xúc kia diệt; xả thọ do xả xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Người ấy tư duy rằng: ‘Thọ này sanh bởi xúc, lạc do xúc, bị xúc trói buộc. Do bởi lạc có từ xúc chạm nơi này nơi kia nên ở nơi này nơi kia mà có cảm thọ lạc. Khi lạc do xúc chạm nơi này nơi kia ấy diệt thì cảm thọ lạc nơi này nơi kia ấy cũng diệt, mát mẻ, tịch tĩnh. Như vậy, đa văn Thánh đệ tử đối với sắc sanh ra nhàm tởm; đối với thọ, tưởng, hành, thức sanh ra nhàm tởm; do nhàm tởm nên không ưa thích; không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến, tự biết ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

[82a] KINH 328. VÔ VĂN[24]

Tôi nghe như vầy:
Môt thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương Xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
 “Phàm phu ngu si vô học, đối với thân bốn đại là tai họa đáng ghê này cũng có thể lìa dục, đáng quay lưng, xả bỏ. Nhưng không phải là đối với thức. Vì sao? Vì họ thấy thân bốn đại có thêm, bớt, có lấy, bỏ. Nhưng đối với tâm, ý, thức, kẻ phàm phu ngu si vô học không thể sanh nhàm tởm, lìa dục, giải thoát. Vì họ từ lâu đời ở nơi đây mà ấp ủ, nâng niu, chấp chặt là ngã, hoặc sở đắc, hoặc chấp thủ, nói rằng ‘Đây là ta, đây là của ta, hay ở trong nhau.’ Cho nên kẻ phàm phu ngu si vô học không thể ở nơi đây này mà sanh nhàm tởm, lìa dục, quay lưng, buông bỏ được.
“Kẻ phàm phu ngu si tốt hơn là nên ở nơi thân do bốn đại mà chấp là ngã, là ngã sở, chứ không nên ở nơi thức mà chấp là ngã, là ngã sở. Vì sao? Vì thân do bốn đại, hoặc thấy chỉ tồn tại trong khoảng mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, cho đến trăm năm; rồi thì nó tiêu vong, hoặc kéo dài hơn một chút. Còn tâm, ý, thức này thì sự sanh diệt, biến chuyển, đổi khác, ở trong từng ngày, từng đêm,từng giờ, từng khắc, trong từng thoáng chốc. Cũng như con vượn rong chơi trong rừng cây kia, thoáng chốc ở nơi này, chợt thoắt đi nơi khác, chuyền từ cành này qua nhánh nọ, buông cây này nắm cây kia. Tâm, ý, thức cũng lại như vậy, thoáng sanh, thoáng diệt.
“Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi khéo tư duy quán sát như vầy: Lạc xúc làm duyên sanh ra lạc thọ. Khi cảm giác lạc thọ, biết như thật là đang có cảm giác lạc thọ. Khi lạc xúc kia diệt, thọ do lạc xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh. Như lạc thọ; các thọ sanh bởi nhân duyên là khổ xúc, hỷ xúc, ưu xúc, xả xúc cũng vậy. Khi cảm giác xả thọ thì biết như thật là đang có cảm giác xả thọ. Khi xả xúc kia diệt; xả thọ do xả xúc làm nhân duyên sanh ra cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.
“Ví như hai thanh gỗ cọ xát vào nhau, hòa hợp sanh ra lửa. Nếu hai thanh gỗ rời nhau, lửa cũng theo đó mà diệt mất. Cũng vậy, các thọ duyên xúc mà tập khởi, do xúc mà sanh, do xúc mà tập khởi; nếu khi sự xúc chạm nơi này nơi kia mà tập khởi, những cảm thọ nơi này nơi kia cũng tập khởi. Khi sự tập khởi của sự xúc chạm nơi này nơi kia diệt, sự tập khởi của cảm thọ nơi này nơi kia cũng diệt mất, mát mẻ, tịch tĩnh.
“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, đối với sắc được giải thoát; và đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát; đối với sanh già bệnh chết ưu bi não khổ cũng được giải thoát. Ta nói người này đối với khổ đã được giải thoát.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 329. XÚC [25]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương Xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta đã nói về nội xúc pháp[26], các ngươi [82b]nắm bắt không?”
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, cúi đầu lễ sát chân Phật, chấp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, pháp nội xúc được nói, con đã nắm giữ rồi.”
Lúc Tỳ-kheo này ở trước Phật tự mình xác nhận như vậy, nhưng dù là như vậy Thế Tôn vẫn tỏ vẻ không hài lòng. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Phật bảo A-nan:
“Nội xúc pháp theo như pháp luật của bậc Thánh, khác với những điều Tỳ-kheo này nói.”
A-nan, bạch Phật:
“Bây giờ đã đúng lúc, cúi xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà nói về nội xúc pháp trong pháp luật của Hiền thánh; các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ, thực hành.”
Phật bảo A-nan:
“Này, A-nan, lành thay! Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, khi nắm bắt nội xúc pháp, nên tư duy như vầy: ‘Có nhiều loại khổ khác nhau của chúng sanh. Khổ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc[27]? Lúc nắm bắt như vậy, nên biết cái khổ này do nhân là ức-ba-đề[28], tập là ức-ba-đề, sanh bởi ức-ba-đề, chuyển hiện ức-ba-đề.’
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, với nội xúc pháp, ức-ba-đề do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển hiện? Vị ấy, trong khi nắm bắt, biết rằng, ức-ba-đề do ái là nhân, ái là tập, do ái mà sanh, do ái mà chuyển hiện. Lại nữa này các Tỳ-kheo, khi nắm bắt nội xúc pháp, nên biết ái do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển hiện? Khi nắm như vậy, nên biết rằng sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ[29]; ở nơi sắc này, ái sanh khi sanh nơi đó, ái hệ lụy khi hệ lụy nơi đó, ái cư trú khi cư trú nơi đó.[30]
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà khởi tưởng là thường, tưởng là hằng, tưởng an ổn, tưởng không bệnh, tưởng là ngã, là ngã sở, ở nơi sắc này ái càng tăng trưởng. Khi ái đã tăng trưởng thì ức-ba-đề tăng trưởng; ức-ba-đề tăng trưởng thì khổ tăng trưởng. Nếu khổ tăng trưởng thì chắc chắn sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ. Ta nói người này không giải thoát khỏi khổ.
“Ví như ao nước trong mát ở bên đường, đầy đủ hương vị, có người lén lấy chất độc bỏ vào ao. Tháng nắng mùa xuân, người đi đường bị gió nóng làm bức khát, tranh nhau muốn đến uống nước. Có người nói rằng: ‘Này các anh, đây là ao nước trong mát, đầy đủ hương vị sắc màu, nhưng trong ấy có chất độc. Các anh chớ uống. Nếu uống vào các anh sẽ chết, hoặc sẽ bị khổ như sắp chết.’ Những người khát nước này không tin lời, cứ uống. Tuy được vị ngon, nhưng trong chốc lát lại bị chết, hoặc bị khổ đến gần chết. Cũng vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà khởi tưởng là thường, tưởng là hằng, tưởng an ổn, tưởng không bệnh; tưởng là ngã, [82c] là ngã sở, (chi tiết như trên, cho đến) sẽ không giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.
“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc đẹp đẽ được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã, đối với ái này chắc chắn được dứt lìa. Vì ái lìa nên ức-ba-đề lìa, ức-ba-đề lìa nên khổ lìa, khổ đã lìa nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ lìa.
“Ví như bên đường có ao nước trong mát, đầy đủ hương vị, có kẻ lén dùng chất độc bỏ vào trong nước. Tháng nắng mùa xuân, người đi đường bị gió nóng làm bức khát, tranh nhau muốn đến uống nước. Có người nói rằng: ‘Này các anh, đây là ao nước trong mát, đầy đủ hương vị sắc màu, nhưng trong ấy có chất độc, các anh chớ uống. Nếu uống vào các anh sẽ chết, hoặc sẽ bị khổ như sắp chết.’ Những người kia nghĩ thầm: ‘Nước này có chất độc, nếu ta uống vào thì sẽ chết, hoặc bị khổ đến gần chết. Thôi ta cố chịu khát, ăn đỡ cơm bột khô, không dám uống nước.’
“Cũng như vậy, Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sắc được thế gian quan niệm là đẹp đẽ, mà quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như giết hại, là vô thường, khổ, không, vô ngã, …. cho đến sẽ giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.
“Vì vậy, này A-nan, đối với pháp này thấy như vậy, nghe như vậy, cảm nhận như vậy, nhận thức như vậy;[31] đối với quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng theo như đạo lý này nên quán sát như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 330. TƯ LƯƠNG [32]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà nơi thành Vương Xá. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tư lương quán sát như thế nào để chân chánh diệt tận khổ, đạt đến nơi tột cùng của khổ biên? Khi tư lương về tất cả những cái khổ khác nhau của chúng sanh; các khổ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển[33]? Khi suy nghĩ thì biết rằng, do thủ làm nhân, thủ tập, thủ sanh, thủ chuyển. Nếu thủ này diệt, không còn sót, chắc chắn các khổ này cũng sẽ diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thủ đã diệt.
“Lại nữa, Tỳ-kheo tư lương quán sát để chân chánh diệt khổ, và đạt đến nơi cứu cánh khổ biên; khi ấy, tư duy thủ kia do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì xúc? Tư duy, thủ này do ái làm nhân, ái tập, ái sanh, ái chuyển. Khi ái này vĩnh viễn diệt, không còn, thủ cũng theo đó mà diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là ái đã diệt.
“Lại nữa, Tỳ-kheo [83a] tư duy quán sát để chân chánh diệt khổ, và đạt đến cứu cánh khổ biên; khi ấy, tư duy, ái này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Tư lương, ái là do thọ làm nhân, thọ tập, thọ sanh, thọ chuyển. Khi thọ này vĩnh viễn diệt, không còn, ái cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thọ diệt.
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, thọ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết thọ này do xúc làm nhân, xúc tập, xúc sanh, xúc chuyển. Khi xúc này vĩnh viễn diệt mất, không còn sót, thọ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ.
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, xúc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết xúc này do sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ tập, sáu nhập xứ sanh, sáu nhập xứ chuyển. Khi sáu nhập xứ này diệt, không còn sót, xúc cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ. 
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, sáu nhập xứ này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết sáu nhập xứ này là do danh sắc làm nhân, danh sắc tập, danh sắc sanh, danh sắc chuyển; nên khi danh sắc này diệt hết, không còn sót, sáu nhập xứ cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là danh sắc diệt.
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, danh sắc này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết danh sắc là do thức làm nhân, thức tập, thức sanh, thức chuyển; khi thức này diệt không còn, danh sắc cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là thức diệt.
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, thức này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết thức này là do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành xúc. Khi làm các phước hành[34], thiện thức sanh; làm những hành không phước, không thiện thì thức bất thiện sanh; tạo tác hành bất động[35], thức bất động [83b] sanh. Vì thức này do hành làm nhân, hành tập, hành sanh, hành chuyển; nên khi hành kia diệt, không còn, thức cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là hành diệt.
“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, khi tư lương quán sát, để chân chánh diệt khổ, đạt đến cứu cánh khổ biên; tư duy, hành này do cái gì là nhân, cái gì là tập, cái gì sanh, cái gì chuyển? Nên biết hành này do vô minh làm nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh chuyển. Phước hành này do vô minh làm duyên, phi phước hành cũng do vô minh làm duyên, phi phước phi phi phước hành cũng do vô minh làm duyên. Nên biết hành này do vô minh là nhân, vô minh tập, vô minh sanh, vô minh xúc. Khi vô minh này hoàn toàn bị diệt không còn, hành này cũng bị diệt. Vị ấy biết như thật con đường đưa đến diệt tận khổ mà mình đang đi, tu hành hướng đến tùy thuận pháp; đó gọi là Tỳ-kheo chân chánh diệt khổ, cứu cánh biên tế khổ, nghĩa là vô minh diệt.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Ý các ngươi nghĩ sao? Nếu không ái nhiễm vô minh mà sanh minh[36] thì người ấy còn duyên vô minh này tạo các phước hành, phi phước hành, hoặc tạo tác bất động hành chăng[37]?” 
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không vậy. Vì sao? Vì đa văn Thánh đệ tử không ái nhiễm vô minh thì sanh minh; vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, như vậy cho đến sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ diệt, và khối lớn thuần khổ như vậy cũng diệt.”
Phật nói:
“Lành thay! Lành thay! Này các Tỳ-kheo, Ta cũng nói như vậy, các Tỳ-kheo cũng biết như vậy. Ở nơi pháp này pháp kia mà khởi lên pháp này pháp kia; sanh pháp này pháp kia, diệt pháp này pháp kia, diệt, tĩnh chỉ, thanh lương, tịch tĩnh. Đa văn Thánh đệ tử nếu ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào, biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy; khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng nào, biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy; khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, ở đây tất cả cảm thọ được cảm nghiệm này đều diệt hết, không còn sót.
“Ví như người lực sĩ lấy món đồ gốm vừa mới nung, còn nóng, đặt trên đất, chỉ trong chốc lát vật này bị tan hoại, sức nóng cũng tan mất. Cũng vậy, Tỳ-kheo ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng nào, biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thân phần chừng ấy; khi cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng nào, biết như thật cảm giác về cảm thọ trong giới hạn thọ mạng chừng ấy; khi thân hoại, mạng sống chấm dứt, ở đây tất cả cảm thọ dược cảm nghiệm này đều diệt hết, không còn sót.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


[1] Nguyên Đại chánh quyển 12. Ấn Thuận xếp lại, đưa xuống quyển 13, Tụng iii. Tạp nhân tụng. Quốc dịch, cũng quyển 13, bắt đầu Tụng iii. Nhân duyên tụng. Đầu quyển 16, Đại chánh có ghi ở phụ đề: “Phần thứ tư của Tụng iii..” Theo đó, Tụng iii bắt đầu từ quyển 13. Nhưng số quyển của Đại chánh hiện hành bị đảo lộn tạp loạn, quyển 13 được xuống thành quyển 12, và đảo lại đưa quyển 12 lên thành quyển 13. Như vậy, phù họp với khoa mục của kinh trong Đại chánh. Tương đương Pāli, S. ii. Nidāna-vaggo.
[2] Tương ưng 7. Nhân duyên, Ấn Thuận, Quốc dịch đồng. Tương đương Pāli, S. 12. Nidāna-saṃyutta.
[3] Trồng cây, Đại chánh, bắt đầu quyển 12, kinh 283. Pāli, S. 12. 57. Taruṇa.
[4] Pāli (S. ii. 89): saṃyojaniysu dhammesu assādānupassino viharato taṇhā pavaḍḍhati. Sống với sự tìm kiến vị ngọt trong các pháp bị kết buộc, thì khát ái tăng trưởng.
[5] Nguyên Hán: Ân ái 恩愛.  Pāli: taṇhā.
[6] Pāli ibid.: saṃyojaniyesu dhammesu ādīnavānupassino viharato taṇhā niujjhati, sống quán sát sự tai hại trong các pháp dẫn đến hệ phược, ái diệt.
[7] Cây lớn, Đại chánh, kinh 284. Pāli, S. 12. 55-56. Mahārukkha.
[8] Hán, một phần tương đương S 12. 56 (ii. 87): upādāniyesu, bhikkhave, dhammesu assādānupassino viharato taṇhā pavaḍḍhati; taṇhāpaccayā upādānaṃ, sống tìm kiếm nếm vị trong các pháp bị chấp thủ thì ái tăng trưởng. Duyên ái có thủ. Một phần tương đương S 12. 58 (ii. 90): saṃyojaniyesu dhammesu assādānupassino viharato nāmarūpassa avakkanti hoti, sống tìm nếm vị ngọt trong các pháp kết hệ, danh sắc hiển hiện. 
[9] Thí dụ, như S 12. 55-56.
[10] Pāli ibid.: saṃyojaniyesu dhammesu ādīnavānupassino viharato nāmarūpassa avakkanti na hoti, sống quán sát sự nguy hiểm trong các pháp dẫn đến hệ phược, danh sắc không hiển hiện.
[11] Đại chánh, kinh 285. Pāli, S. 12. 10 Gotama.
[12] Thượng cập sở y 上及所依; không rõ nghĩa. Pāli (S. ii. 10): atha ca panimassa dukkhassa nissaraṇaṃ nappajānāti jarāmaṇassa, nhưng lại không biết sự thoát ly của khổ già và chết này. Bản Hán, nissaraṇana (thoát ly), được đọc là nissaya, sở y.
[13] Pāli: yoniso manasikārā ahu paññāya abhisamayo, bằng như lý tác ý, bằng trí tuệ, ta có hiện quán (chứng nghiệm thực tế).
[14] Đại chánh, kinh 286. Pāli, S. 12. 52. Upādāna.
[15] Đại chánh, kinh 287. Pāli, S. 12. 65. Nagaraṃ.
[16] Pāli: paccudāvattati kho idaṃ viññāṇaṃ nāmarūpamhā na paraṃ gacchati, rồi thức này quay trở lại; nó không đi quá danh sắc.
[17] Pāli: adhigato mayhaṃ maggo bodhāya, Ta đã đạt đến con đường dẫn đến giác ngộ.
[18] Lau sậy. Đại chánh, kinh 288. Pāli, S. 12. 67. Naḷakalāpiya.
[19] Nghĩa biện 義辯, nghĩa biện tài, một trong bốn biện tài hay vô ngại giải (Pāli: paṭisambhidā).
[20] Không nghe, chỉ phàm ngu không được nghe chánh pháp. Đại chánh, kinh 289. Pāli, S. 12. 61. Asuttavā.
[21] Nguyên Hán: Vô văn. Pāli: assutavā.
[22] Tức ở nơi tâm, ý, thức.
[23] Pāli: etaṃ mama, esohamasmi, eso me attā ti, cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi (là cái tôi của tôi: Hán dịch, tương tại?)
[24] Đại chánh, kinh 290. Pāli, S. 12. 62. Assutavā.
[25] Đại chánh, kinh 291. Pāli. S. 12. 66. Sammasaṃ.
[26] Nội xúc pháp 內觸法, sự tiếp xúc bằng nội tâm. Pāli (S. ii. 108): sammasatha no tumhe bhikkhave antaraṃ sammasanti, các ngươi có nắm bắt sự tiếp xúc bên trong chăng?
[27] Trong bản: Xúc . Theo văn đoạn dưới, nên sửa lại là chuyển. Xem chú thích 29 ở dưới. Có lẽ chính xác là duyên, trong bốn hành tướng của tập đế, theo Hữu bộ (nhân, tập, sanh, duyên). Pāli: idaṃ kho dukkhaṃ kiṃnidānaṃ kiṃsamaudayaṃ kiṃ jātikaṃ kiṃ pabhavaṃ, khổ này, cái gì là nguyên do (nhân duyên), cái gì là tập khởi, cái gì làm sanh, cái gì làm hiện khởi.
[28] Ức-ba-đề 億波提. Pali: upadhi-nidānā. Nghĩa gốc của upadhi lā cơ bản hay cơ sở; theo nghĩa kinh, là sở y của tồn tại. Hán dịch: y, vật, sự, uẩn, tụ, tham ái, phiền não. (Wogihara)
[29] Trong bản: Đế chánh chi sắc 諦正之色, Ấn Thuận sửa lại là đoan chánh chi sắc 正之色. Pāli: loke piyarūpaṃ sātarūpaṃ, sắc khả ái, khả niệm trong thế gian.
[30] Hán: Ái sanh nhi sanh, hệ nhi hệ, trụ nhi trụ. 愛生而生繫而繫住而住. Pali: etthesā taṇhā uppajjamānā uppajjati ettha nivisamānā nivasati.
[31] Kiến, văn, giác, tri.
[32] Đại chánh, kinh 292. Pāli, S. 12. 51. Parivīmaṃsama.
[33] Trong bản: Xúc . Nên hiểu là chuyển hiện. Xem cht.27 trên.
[34] Có ba loại hành: Phước hành và phi phước hành (thiện và bất thiện Dục giới) và bất động hành (thiện thượng giới). Xem No 1(9) (kinh Chúng tập); D. 33. Saṅgīti, tayo saṅkhārā: puññābhisaṃkhāro, apuññābhisaṃkhāro, āneñjābhisaṃkhāro.
[35] Vô sở hữu hành 無所有行 , tức bất động hành, thiện do tu tập thiền định. Pāli: āneñjābhisaṃkhāra.
[36] Pāli: so avijjāvirāgā vijuppādā, vị ấy, do ly nhiễm đối với vô minh, và minh phát sanh...
[37] Nghĩa là, có còn tạo các nghiệp thiện, bất thiện, và phước báo do thiền định đế tái sanh hay không?

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.