KINH 411. TRANH[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, nói với nhau như vầy: “Tôi biết pháp luật, các ông không biết; những gì tôi nói là thành tựu, những gì tôi nói là hợp lý; những gì các ông nói là không thành tựu, không hợp lý; cái đáng nên nói trước thì lại nói sau, cái đáng nói sau thì nói trước. Thế rồi tranh luận nhau. Luận của tôi đúng. Luận của các Ông không bằng. Ai trả lời được thì trả lời đi!”
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng các Tỳ-kheo tranh luận… Nói đầy đủ như trên cho đến, “bốn Thánh đến nếu chưa hiện quán [110a] thì cần phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn thêm lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.   

KINH 412. VƯƠNG LỰC[2]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Vua Ba-tư-nặc và vua Tần-bà-sa-la[3], vua nào có thế lực lớn, vua nào giàu có hơn?’
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ở trong thiền dịnh, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ngươi đang bàn luận việc gì?”
Bấy giờ các Tỳ-kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ với Thế Tôn.
Phật nói với các Tỳ-kheo:
“Các ngươi bàn những việc về thế lực lớn, về sự giàu sang của các vua làm gì? Này các Tỳ-kheo, chớ luận bàn như vậy. Vì sao? Vì việc này không đem lại nhiều lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh, cũng chẳng phải trí, chẳng phải chánh giác, chẳng đưa đến Niết-bàn. Các Ngươi nên bàn Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này đem lại nhiều lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 413. TÚC MẠNG[4]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Đời trước các ông làm những thứ nghề nghiệp gì, công xảo gì, và lấy gì để tự sống?’
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ngươi đang nói những gì?”
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ.
Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, các ngươi chớ bàn những việc đã làm đời trước. Vì sao? Vì việc này không đem lại nhiều lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh, cũng chẳng phải trí, chẳng phải giác, chẳng đưa đến Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, các ngươi nên bàn Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? [110b] Vì bốn Thánh đế này đem lại nhiều lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 414. ĐÀN-VIỆT[5]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Đàn-việt mỗ giáp kia làm thức ăn thô sơ, chúng ta ăn xong không thấy ngon, không thấy khỏe. Chi bằng chúng ta bỏ thức ăn thô này mà đi khất thực. Vì sao? Vì các Tỳ-kheo đi khất thực thường được thức ăn ngon, lại thấy sắc đẹp, có lúc lại nghe tiếng hay, được nhiều người biết đến, cũng được y phục, ngọa cụ, thuốc men.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền đi đến nhà ăn… Nói đầy đủ như vậy, cho đến, “hướng đúng Niết-bàn.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 415. THỌ TRÌ[6]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thọ trì bốn Thánh đế mà Ta đã dạy không?”
Khi ấy, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy, con đã thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ngươi thọ trì bốn Thánh đế đó như thế nào?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Như lời Thế Tôn đã dạy: ‘Đây là Khổ Thánh đế,’ con liền thọ trì; ‘Đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế mà Ngài đã dạy như vậy, con liền thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Ta đã dạy về khổ Thánh đế, ngươi đã thọ trì chơn thật; Ta dạy về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, ngươi đều thọ trì chơn thật.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 416. NHƯ NHƯ[7]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thọ trì những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế không?”
Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch vai hữu,[110c] đảnh lễ Phật, rồi chấp tay bạch Phật:
“Thưa vâng Thế Tôn, những gì mà Thế Tôn đã dạy về bốn Thánh đế, con đều đã thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ngươi đã thọ trì như thế nào về những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn nói Khổ Thánh đế, con đều đã thọ trì, là như như, không lìa như, không khác như, chơn thật,[8] thẩm sát chân thật, không điên đảo, là lý chân thật của bậc Thánh. Đó là Khổ Thánh đế. Thế Tôn dạy về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, là như như, không lìa như, không khác như, chơn thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo, là lý chân thật của bậc Thánh. Đó gọi là bốn Thánh đế mà Thế Tôn đã dạy, con đều đã thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Ngươi đã thọ trì chơn thật về bốn Thánh đế, mà Ta đã dạy là như như, không lìa như, không khác như, chơn thật, thẩm sát chân thật, không điên đảo. Đó gọi là Tỳ-kheo thọ trì chơn thật bốn Thánh đế của Ta.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 417. THỌ TRÌ (2)[9]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thọ trì những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế không?”
Khi ấy, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, vì Phật mà làm lễ, rồi chấp tay bạch Phật:
“Thưa vâng Thế Tôn, những gì mà Thế Tôn đã dạy về bốn Thánh đế, con đều đã thọ trì. Bốn đế là gì? Như Thế Tôn đã dạy là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”, con cũng đều đã thọ trì.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Như những gì mà Ta đã dạy về bốn Thánh đế, ngươi đều đã thọ trì.
“Này các Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào nói như vầy: ‘Như những gì mà Sa-môn Cù-đàm đã nói về Khổ Thánh đế, Ta sẽ bỏ đi, và sẽ lập lại Khổ Thánh đế khác.’ Điều đó chỉ có trên ngôn thuyết, nếu được gạn hỏi đến thì họ sẽ không biết, và càng làm tăng thêm sự nghi hoặc cho họ, vì đó không phải là cảnh giới của họ. ‘Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế này, Ta sẽ bỏ đi, rồi sẽ lập lại bốn Thánh đế khác.’ Điều đó cũng chỉ có trên ngôn thuyết, nếu được gạn hỏi đến thì họ chẳng biết, và càng tăng thêm nghi hoặc cho họ, vì đó không phải là cảnh giới của họ.
“Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

[111a] KINH 418. NGHI[10]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Tỳ-kheo nào đối với Phật có nghi, đối với Khổ Thánh đế cũng có nghi; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng có nghi. Nếu đối với pháp, Tăng có nghi thì đối với Khổ Thánh đế cũng có nghi; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng có nghi.
“Nếu người nào đối với Phật không nghi hoặc, đối với Khổ Thánh đế cũng không nghi hoặc; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng không nghi hoặc. Nếu người nào đối với Pháp, Tăng không nghi hoặc, đối với Khổ Thánh đế cũng không nghi hoặc; Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng không nghi hoặc.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 419. NGHI (2)[11]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với Khổ Thánh đế có nghi, thì đối với Phật cũng có nghi, đối với Pháp, Tăng có nghi. Đối với Khổ, Tập , Diệt, Đạo có nghi, thì đối với Phật cũng có nghi, đối với Pháp, Tăng có nghi.
“Nếu đối với Khổ Thánh đế không nghi, thì đối với Phật cũng không nghi, đối với Pháp, Tăng không nghi. Người đối với Tập, Diệt, Đạo Thánh đế không nghi, thì đối với Phật cũng không nghi, đối với Pháp, Tăng không nghi.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 420. THÂM HIỂM[12]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy đi cùng Ta đi đến vách núi sâu nguy hiểm.[13]
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, Thế Tôn.”
Bấy giờ, Thế Tôn cùng đại chúng đến vách núi sâu nguy hiểm[14], trải tòa ngồi, sau khi đi quan sát chung quanh hang núi sâu hiểm trở xong, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Vách núi này thật là sâu và nguy hiểm.”
Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:
Bạch Thế Tôn, vách núi này thật là sâu hiểm, nhưng còn có thứ gì sâu hiểm cùng cực và đáng sợ hơn nó không?”  
Phật biết ý của Tỳ-kheo này nên đáp liền:
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, vách núi này rất sâu hiểm, nhưng đối với nó còn có thứ sâu hiểm đáng sợ hơn nữa, đó là Sa-môn, Bà-la-môn không biết như thật Khổ Thánh [111b] đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Những vị này hoan lạc nơi các hành vốn là cội gốc của sự sanh[15]; hoan lạc nơi các hành vốn là cội gốc của sự già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ, mà tạo tác các hành này, khiến cho các hành lão, bệnh, tử, ưu, bi, não khổ càng ngày càng tăng trưởng, để rơi vào chỗ sâu hiểm của lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ. Như vậy, Tỳ-kheo, cái này rất sâu hiểm; nguy hiểm hơn cả cái kia. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán, phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.  


[1] Đại chánh 412. Tranh cãi. Pāli, S. 56. 9. Viggāhikā.
[2] Đại chánh kinh 413.
[3] Ba-tư-nặc 斯匿王 (Pāli: Pasenadi), vua nuốc Câu-tát-la 拘薩羅 (Pāli: Kosala). Tần-bà-sa-la 頻婆娑羅王 (Pāli: Bimbisāra), vua nước Ma-kiệt-đà.
[4] Đại chánh kinh 414.
[5] Tức thí chủ. Đại chánh kinh 415.
[6] Đại chánh kinh 416. Pāli, S. 56. 15. Dhāraṇa.
[7] Đại chánh kinh 417. S. 56. 20. 27. Tathā.
[8] Như như, bất ly như, bất dị như 如如.不離如.不異如. Pāli (S. v. 430): tatham etaṃ avitatham etaṃ anaññatham etaṃ, nó là như thế, không trái lại như thế, không khác đi như thế.
[9] Đại chánh kinh 418. S. 56. 16. Dhāraṇa.
[10] Đại chánh kinh 419.
[11] Đại chánh kinh 420.
[12] Đại chánh kinh 421. S. 56. 42. Papāto.
[13] Thâm hiểm nham深嶮巖; xem cht. 24 dưới. Pāli: ayāma, bhikkhave, yena paṭibhānakūṭo ten’ upasaṃkamissāma divāvihārayā, này các Tỳ-kheo, chúng ta hãy đi lên ngọn Paṭibhānakūṭa (Biện tài đỉnh) để nghỉ trưa.
[14] Thâm hiểm nham 深嶮, vực thẳm sâu; bản Pāli: Thế Tôn lên ngọn Paṭibhāna, một Tỳ-kheo thấy một vực sâu nguy hiểm, kêu lên (mahā vatāyaṃ bhante papāto subhayānako).
[15] Sanh bổn chư hành lạc trước 生本諸行樂著. Pāli (S. v. 449): jātisaṃvattanikesu saṃkhāresu abhiramanti, hoan lạc nơi các hành vận chuyển sự thọ sanh.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011
0 nhận xét
categories: | | edit post


KINH 401. BÌNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Đối với bốn Thánh đế mà bình đẳng giác ngộ[2], gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đối với bốn Thánh đế này, mà bình đẳng giác ngộ thì gọi là Như Lai [108a] Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, cần phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 402. NHƯ THẬT TRI[3]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhơn gian. Giữa Vương Xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng trúc; tại đây vua dựng một ngôi nhà Phúc đức.[4] Bấy giờ, Thế Tôn cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta cùng với các ngươi, đối với bốn Thánh đế mà không biết, không thấy, không tùy thuận giác[5], không tùy thuận lãnh thọ[6], cho nên phải dong ruỗi trường kỳ trong sanh tử. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.
“Nhưng vì Ta cùng các ngươi đối với Khổ Thánh đế này đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập[7], nên cắt đứt các dòng hữu[8], đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập, nên cắt đứt các dòng hữu, đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa. Cho nên, các Tỳ-kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu tập hiện quán.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Ta thường cùng các ngươi,
Trường kỳ lội sanh tử;
Vì không thấy Thánh đế,
Khổ lớn ngày càng tăng.
Nếu thấy bốn Thánh đế,
Dứt dòng biển hữu lớn,
Sanh tử đã trừ hết,
Không tái sanh đời sau.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 403. THÂN THỨ[9]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhơn gian. Giữa Vương Xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng trúc; tại đây Vua dựng một ngôi nhà Phúc đức. Bấy giờ, Thế Tôn cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy cùng Ta đi đến rừng thân-thứ.[10]
Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng đại chúng đi đến rừng thân-thứ, rồi ngồi dưới bóng cây. Khi ấy, đức Thế Tôn tay cầm nắm lá cây, hỏi các Tỳ-kheo:
“Lá cây trong nắm tay này [108b] nhiều, hay lá cây trong rừng nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, lá cây trong nắm tay Phật rất ít. Còn lá cây trong rừng thì nhiều vô lượng, gấp trăm, ngàn, vạn, ức lần; cho đến tính toán thí dụ cũng không thể so sánh.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta thành Đẳng Chánh Giác, những pháp mà Ta đã tự thấy, rồi tuyên thuyết[11] cho mọi người như lá cây trong tay. Vì sao? Vì pháp này[12] có lợi ích cho nghĩa[13], có ích lợi cho pháp, ích lợi cho phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cũng nhiều như lá cây trong rừng lớn; chánh pháp mà Ta tự mình chứng tri, thành Đẳng Chánh Giác, không được Ta nói ra, cũng nhiều như thế. Vì sao? Vì những pháp ấy[14] không lợi ích cho nghĩa, không ích lợi cho pháp, không ích lợi cho phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 404. KHỔNG[15]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan, sáng sớm đắp y, mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực. Sáng sớm hôm ấy có đám đông thiếu niên Li-xa[16] từ trong thành đi ra đến cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá[17]. Tất cả mọi mũi tên đầu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Tôn giả A-nan thấy vậy, lấy làm lạ, thắc mắc “Các thiếu niên Li-xa này có thể làm được một việc khó khăn như vậy!”
 Sau khi Tôn giả vào thành khất thực trở về, cất y bát, rửa chân rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay, con đắp y mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực, gặp có đám đông thiếu niên Li-xa từ trong thành đi ra, đến trước cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá. Tất cả mọi mũi tên đầu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Con nghĩ thầm ‘Kỳ diệu thật, các thiếu niên Li-xa này, có thể làm được một việc khó khăn như vậy!’”
Phật bảo A-nan:
“Ngươi nghĩ thế nào? Các thiếu niên Li-xa tranh nhau bắn tên vào lỗ cửa, và tất cả những mũi tên đó đều trúng vào. Việc này là khó hay chẻ một sợi lông thành trăm phần, rồi bắn trúng vào một phần sợi lông, và tất cả những mũi tên đó đều trúng, là khó?”
Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Nếu chẻ sợi lông thành trăm phần, rồi bắn vào một phần sợi lông, mỗi một phát đều trúng, điều này rất là khó.”
Phật bảo A-nan:
“Chưa bằng đối với Khổ Thánh đế mà biết như thật, điều này mới thật là khó hơn. Cũng vậy, [108c] đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế mà thấy biết như thật, điều này mới thật sự là khó.”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rằng:
Sợi lông chẻ trăm phần,
Khó bắn trúng một phần.
Quán mỗi một khổ ấm,
Là phi ngã, khó hơn!
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 405. MANH[18]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly, bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ví như đất liền đều biến thành biển lớn. Có một con rùa mù, sống vô lượng kiếp. Trăm năm nó mới trồi đầu lên một lần. Trong biển có một khúc gỗ nổi, chỉ có một lỗ hổng, lênh đênh trên sóng nước theo gió trôi nổi đông tây. Con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần kia, sẽ gặp được cái lỗ hổng này không?”
Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì con rùa mù này, nếu đến biển phía đông, khúc gỗ có thể theo gió, hoặc đến biển phía tây, nam, bắc. Cũng vậy, bốn phía xung quanh không dễ gì gặp được.”
Phật bảo A-nan:
“Con rùa mù và khúc gỗ nổi tuy trái chiều nhau, nhưng có thể gặp được. Phàm phu ngu si phiêu lưu trong năm đường, tạm thời được thân người còn khó hơn việc trên. Vì sao? Vì những chúng sanh này không thực hành nghĩa này, không thực hành pháp, không thực hành điều lành, không thực hành chơn thật, lần lượt sát hại lẫn nhau, kẻ mạnh lấn áp người yếu, tạo ra vô lượng điều ác. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán thì, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.[19]

KINH 406. TƯ DUY[20]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, tư duy về tư duy thế gian[21]. [109a] Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, đi đến nhà ăn, trải tòa mà ngồi, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ tư duy những tư duy thế gian. Vì sao? Những điều tư duy thế gian nghĩa, chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Các ngươi nên chân chánh tư duy, “Đây là Khổ Thánh đế, Đây là Khổ tập Thánh đế, Đây là Khổ diệt Thánh đế, Đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.” Vì sao? Tư duy như vậy có lợi ích cho pháp, có lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn.
“Vào thời quá khứ, có một người ra khỏi thành Vương Xá, đến bên bờ ao Câu-hy-la[22], ngồi tư duy về tư duy thế gian. Trong lúc đang tư duy bỗng thấy một đoàn quân gồm bốn quân chủng: voi, ngựa, xe, bộ binh, vô lượng vô số, tất cả đều đi vào trong một cái lỗ của ngó sen[23]. Thấy vậy, nó liền nghĩ: ‘Ta đã điên cuồng, mất tâm tính; điều thế gian không có mà nay ta thấy có.’
“Bấy giờ, cách ao này không xa, có nhiều người đang tụ tập lại một chỗ. Người này liền đi đến chỗ đám đông, nói rằng: ‘Các vị, nay tôi đã phát cuồng, tôi đã mất tâm tính, điều thế gian không có mà tôi thấy có.’ Người này kể đầy đủ như trên. Khi ấy mọi người đều bảo người này đã phát điên, mất tâm tính, những điều thế gian không có mà người này thấy có.”
Phật nói các Tỳ-kheo:
“Nhưng người này không phải điên cuồng mất tâm tính, mà là thấy chơn thật. Vì sao? Vì lúc ấy cách ao Câu-hy-la không xa có các vị Trời và A-tu-la khởi bốn thứ quân chủng chiến đấu giữa hư không. Lúc ấy, các vị Trời đắc thắng, quân A-tu-la bại trận, nhập vào trong một cái lỗ ngó sen trong hồ này.
“Cho nên, Tỳ-kheo, các ngươi hãy cẩn thận chớ tư duy thế gian. Vì sao? Vì tư duy thế gian chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Mà nên tư duy về bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 407. TƯ DUY (2)[24]

Tôi nghe như vầy: 
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Hoặc nói thế gian là thường, hoặc nói thế gian là vô thường, thế gian vừa hữu thường vừa vô thường, [109b] thế gian chẳng phải hữu thường chẳng phải vô thường; thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên; thế gian là vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Mạng là thân, hay mạng khác thân khác. Như Lai sau khi chết là có, Như Lai sau khi chết là không, Như Lai sau khi chết vừa có vừa không, Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi thiền tịnh ở một chỗ, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo đang tụ tập ở nhà ăn. Nghe xong, Thế Tôn đi đến nhà ăn, trải tòa mà ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi số đông Tỳ-kheo đang tụ tập  để bàn nói việc gì vậy?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, số đông Tỳ-kheo chúng con tụ tập ở nhà ăn này là bàn luận, hoặc bàn về hữu thường, hoặc bàn về vô thường. Nói đầy đủ như trên.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi chớ bàn luận nghĩa như vậy. Vì sao? Sự bàn luận này chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận hướng Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, nên luận nghị như thế này, ‘Đây là Khổ Thánh đế, Đây là Khổ tập Thánh đế, Đây là Khổ diệt Thánh đế, Đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Vì sao? Luận nghị này có lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, cần phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 408. GIÁC[25]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo tụ tập  nơi nhà ăn, có người giác tưởng có tham giác, có người giác tưởng có sân giác, hoặc có người giác tưởng có hại giác[26]. Bấy giờ, đức Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, nên đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi chớ khởi giác tưởng tham giác, chớ khởi giác tưởng nhuế giác, chớ khởi giác tưởng hại giác. Vì sao? Vì những giác tưởng này chẳng lợi ích gì cho nghĩa, chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải chánh trí, chẳng phải chánh giác, không chánh hướng Niết-bàn. Các Ngươi nên khởi giác tưởng về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì sự giác tưởng đối với bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với [109c] bốn Thánh đế phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn thêm lên, chánh trí, chánh niệm, tinh tấn tu học.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 409. GIÁC (2)[27]

Tôi nghe như vầy:
Một thời… nói đầy đủ như trên, chỉ có sự sai biệt là:
“Khởi giác tưởng về bà con thân thuộc; khởi giác tưởng về quốc thổ nhân dân; khởi giác tưởng về không chết, cho đến nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”

KINH 410. LUẬN THUYẾT[28]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận những đề tài như vầy[29]: hoặc là bàn luận việc vua, việc giặc cướp, việc đấu tranh, việc tiền bạc, việc y phục, việc ăn uống, việc nam nữ, việc ngôn ngữ thế gian, việc sự nghiệp, việc trong biển cả. Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, các ngươi tụ tập để bàn luận việc gì?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chúng con tụ tập ở đây bàn nói về việc vua…” Nói đầy đủ như trên.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi chớ bàn luận những đề tài như vầy: Bàn luận những việc vua… cho đến, không hướng đến Niết-bàn. Nếu có bàn luận thì nên nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


[1] Đại chánh kinh 402. S. 56. 23. Sammāsambuddha.
[2] Bình đẳng chánh giác. Pāli: abhisambuddhata, giác ngộ siêu việt.
[3] Đại chánh kinh 403. S. 56. 21. Vajji.
[4] Phúc đức xá 福德舍. Xem Tứ phần 13 (tr. 654c23); Thập tụng 12 (tr. 89b27). Pāli: āvasathapiṇḍa.
[5].Tùy thuận giác 隨順覺. Pāli: anubodha, được giác ngộ một cách phù hợp, được giác tri, liễu giải, nhận thức chính xác.
[6] tùy thuận thọ 無隨順受. Pāli: appaṭivedha, chưa được quyết trạch, chưa được quán triệt, thông đạt.
[7] Thuận nhập; ở trên nói: tùy thuận thọ.
[8] Hữu lưu 有流, dòng xoáy của hữu; Pāli: bhavogha. S 56. 21: ucchinnā bhavataṇhā, đoạn hữu ái.
[9] Đại chánh kinh 404. Pāli, S. 56. 31. Siṃsapā.
[10]. Thân-thứ lâm 申恕林; rùng cây siṃsapā (loại cây Dalbergia Sissoo)
[11]. Trong bản: Định thuyết . Có lẽ tuyên mà chép nhầm.
[12]. Chỉ pháp được tuyên thuyết.
[13]. Ích lợi cho mục đích . Pāli: atthasaṃhitaṃ, liên hệ đến mục đích (giải thoát).
[14] Những pháp không được công bố.
[15] Đại chánh kinh 405. Lỗ khóa. li, S. 56. 45. Vāla (cộng lông).
[16] Ly-xa đồng tử 離車. Pāli: Licchavikumaraka, con trai người Licchavi.
[17] Tinh xá môn khổng 精舍門. Pali: tālacchigalena, xuyên qua lỗ khóa.
[18] Đại chánh kinh 406. Con rùa mù.
[19] Bản Hán, hết quyển 15.
[20] Đại chánh, quyển 16, kinh 407. Phụ đề đầu quyển có ghi: phần thứ tư của Tụng iii. Tạp nhân tụng. Pāli, S. 56. 41. Cintā.
[21] Pāli: lokacintaṃ cintento, tư duy về (tư duy) thế gian, suy nghĩ về thế giới. Sớ giải: Ngồi mà tư duy rằng: trời trăng kia ai tạo ra? Đại địa biển cả, ai làm ra? ….
[22] Câu-hy-la trì 拘絺羅池. Pāli: hồ sen Sumāgadhā.
[23] Ngẩu khổng 藕孔. Pāli: bhisamuḷāla, chồi non của sen.
[24] Đại chánh kinh 408. S. 56. 8. Cintā.
[25] Đại chánh kinh 409. Suy tầm, trầm tư. Pāli, S. 56. 7. Vitakkā.
[26] Đây nói về ba bất thiện tầm.
[27] Đại chánh kinh 410. Pāli, xem kinh 409.
[28] Đại chánh kinh 411 S. 56. 10. Kathā.
[29] Các đề tài được gọi là súc sanh luận (Pāli: tiracchānakathā), vì vô nghĩa, vô ích.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.