KINH 401. BÌNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Đối với bốn Thánh đế mà bình đẳng giác ngộ[2], gọi là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Đối với bốn Thánh đế này, mà bình đẳng giác ngộ thì gọi là Như Lai [108a] Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, cần phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 402. NHƯ THẬT TRI[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhơn gian. Giữa Vương Xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng trúc; tại đây vua dựng một ngôi nhà Phúc đức.[4] Bấy giờ, Thế Tôn cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta cùng với các ngươi, đối với bốn Thánh đế mà không biết, không thấy, không tùy thuận giác[5], không tùy thuận lãnh thọ[6], cho nên phải dong ruỗi trường kỳ trong sanh tử. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.
“Nhưng vì Ta cùng các ngươi đối với Khổ Thánh đế này đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập[7], nên cắt đứt các dòng hữu[8], đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa; đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã tùy thuận giác tri, tùy thuận thâm nhập, nên cắt đứt các dòng hữu, đoạn tận sanh tử, không tái sanh nữa. Cho nên, các Tỳ-kheo nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu tập hiện quán.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Ta thường cùng các ngươi,
Trường kỳ lội sanh tử;
Vì không thấy Thánh đế,
Khổ lớn ngày càng tăng.
Nếu thấy bốn Thánh đế,
Dứt dòng biển hữu lớn,
Sanh tử đã trừ hết,
Không tái sanh đời sau.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 403. THÂN THỨ[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà, du hành trong nhơn gian. Giữa Vương Xá và Ba-la-lị-phất có một xóm Rừng trúc; tại đây Vua dựng một ngôi nhà Phúc đức. Bấy giờ, Thế Tôn cùng với đại chúng dừng lại nghỉ một đêm trong nhà này. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng đại chúng đi đến rừng thân-thứ, rồi ngồi dưới bóng cây. Khi ấy, đức Thế Tôn tay cầm nắm lá cây, hỏi các Tỳ-kheo:
“Lá cây trong nắm tay này [108b] nhiều, hay lá cây trong rừng nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, lá cây trong nắm tay Phật rất ít. Còn lá cây trong rừng thì nhiều vô lượng, gấp trăm, ngàn, vạn, ức lần; cho đến tính toán thí dụ cũng không thể so sánh.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Ta thành Đẳng Chánh Giác, những pháp mà Ta đã tự thấy, rồi tuyên thuyết[11] cho mọi người như lá cây trong tay. Vì sao? Vì pháp này[12] có lợi ích cho nghĩa[13], có ích lợi cho pháp, ích lợi cho phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cũng nhiều như lá cây trong rừng lớn; chánh pháp mà Ta tự mình chứng tri, thành Đẳng Chánh Giác, không được Ta nói ra, cũng nhiều như thế. Vì sao? Vì những pháp ấy[14] không lợi ích cho nghĩa, không ích lợi cho pháp, không ích lợi cho phạm hạnh, minh tuệ chánh giác, hướng thẳng Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán thì nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 404. KHỔNG[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan, sáng sớm đắp y, mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực. Sáng sớm hôm ấy có đám đông thiếu niên Li-xa[16] từ trong thành đi ra đến cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá[17]. Tất cả mọi mũi tên đầu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Tôn giả A-nan thấy vậy, lấy làm lạ, thắc mắc “Các thiếu niên Li-xa này có thể làm được một việc khó khăn như vậy!”
Sau khi Tôn giả vào thành khất thực trở về, cất y bát, rửa chân rồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay, con đắp y mang bát vào thành Tỳ-da-ly khất thực, gặp có đám đông thiếu niên Li-xa từ trong thành đi ra, đến trước cửa tinh xá, đem cung tên tranh nhau bắn vào lỗ trống nơi cửa tinh xá. Tất cả mọi mũi tên đầu lọt vào lỗ trống nơi cửa. Con nghĩ thầm ‘Kỳ diệu thật, các thiếu niên Li-xa này, có thể làm được một việc khó khăn như vậy!’”
Phật bảo A-nan:
“Ngươi nghĩ thế nào? Các thiếu niên Li-xa tranh nhau bắn tên vào lỗ cửa, và tất cả những mũi tên đó đều trúng vào. Việc này là khó hay chẻ một sợi lông thành trăm phần, rồi bắn trúng vào một phần sợi lông, và tất cả những mũi tên đó đều trúng, là khó?”
Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Nếu chẻ sợi lông thành trăm phần, rồi bắn vào một phần sợi lông, mỗi một phát đều trúng, điều này rất là khó.”
Phật bảo A-nan:
“Chưa bằng đối với Khổ Thánh đế mà biết như thật, điều này mới thật là khó hơn. Cũng vậy, [108c] đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế mà thấy biết như thật, điều này mới thật sự là khó.”
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ rằng:
Sợi lông chẻ trăm phần,
Khó bắn trúng một phần.
Quán mỗi một khổ ấm,
Là phi ngã, khó hơn!
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 405. MANH[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tỳ-da-ly, bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ví như đất liền đều biến thành biển lớn. Có một con rùa mù, sống vô lượng kiếp. Trăm năm nó mới trồi đầu lên một lần. Trong biển có một khúc gỗ nổi, chỉ có một lỗ hổng, lênh đênh trên sóng nước theo gió trôi nổi đông tây. Con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần kia, sẽ gặp được cái lỗ hổng này không?”
Tôn giả A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì con rùa mù này, nếu đến biển phía đông, khúc gỗ có thể theo gió, hoặc đến biển phía tây, nam, bắc. Cũng vậy, bốn phía xung quanh không dễ gì gặp được.”
Phật bảo A-nan:
“Con rùa mù và khúc gỗ nổi tuy trái chiều nhau, nhưng có thể gặp được. Phàm phu ngu si phiêu lưu trong năm đường, tạm thời được thân người còn khó hơn việc trên. Vì sao? Vì những chúng sanh này không thực hành nghĩa này, không thực hành pháp, không thực hành điều lành, không thực hành chơn thật, lần lượt sát hại lẫn nhau, kẻ mạnh lấn áp người yếu, tạo ra vô lượng điều ác. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa hiện quán thì, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.[19]
KINH 406. TƯ DUY[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo tụ tập tại nhà ăn, tư duy về tư duy thế gian[21]. [109a] Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, đi đến nhà ăn, trải tòa mà ngồi, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ tư duy những tư duy thế gian. Vì sao? Những điều tư duy thế gian nghĩa, chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Các ngươi nên chân chánh tư duy, “Đây là Khổ Thánh đế, Đây là Khổ tập Thánh đế, Đây là Khổ diệt Thánh đế, Đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.” Vì sao? Tư duy như vậy có lợi ích cho pháp, có lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn.
“Vào thời quá khứ, có một người ra khỏi thành Vương Xá, đến bên bờ ao Câu-hy-la[22], ngồi tư duy về tư duy thế gian. Trong lúc đang tư duy bỗng thấy một đoàn quân gồm bốn quân chủng: voi, ngựa, xe, bộ binh, vô lượng vô số, tất cả đều đi vào trong một cái lỗ của ngó sen[23]. Thấy vậy, nó liền nghĩ: ‘Ta đã điên cuồng, mất tâm tính; điều thế gian không có mà nay ta thấy có.’
“Bấy giờ, cách ao này không xa, có nhiều người đang tụ tập lại một chỗ. Người này liền đi đến chỗ đám đông, nói rằng: ‘Các vị, nay tôi đã phát cuồng, tôi đã mất tâm tính, điều thế gian không có mà tôi thấy có.’ Người này kể đầy đủ như trên. Khi ấy mọi người đều bảo người này đã phát điên, mất tâm tính, những điều thế gian không có mà người này thấy có.”
Phật nói các Tỳ-kheo:
“Nhưng người này không phải điên cuồng mất tâm tính, mà là thấy chơn thật. Vì sao? Vì lúc ấy cách ao Câu-hy-la không xa có các vị Trời và A-tu-la khởi bốn thứ quân chủng chiến đấu giữa hư không. Lúc ấy, các vị Trời đắc thắng, quân A-tu-la bại trận, nhập vào trong một cái lỗ ngó sen trong hồ này.
“Cho nên, Tỳ-kheo, các ngươi hãy cẩn thận chớ tư duy thế gian. Vì sao? Vì tư duy thế gian chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận Niết-bàn. Mà nên tư duy về bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 407. TƯ DUY (2)[24]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: ‘Hoặc nói thế gian là thường, hoặc nói thế gian là vô thường, thế gian vừa hữu thường vừa vô thường, [109b] thế gian chẳng phải hữu thường chẳng phải vô thường; thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên; thế gian là vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên. Mạng là thân, hay mạng khác thân khác. Như Lai sau khi chết là có, Như Lai sau khi chết là không, Như Lai sau khi chết vừa có vừa không, Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi thiền tịnh ở một chỗ, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo đang tụ tập ở nhà ăn. Nghe xong, Thế Tôn đi đến nhà ăn, trải tòa mà ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi số đông Tỳ-kheo đang tụ tập để bàn nói việc gì vậy?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, số đông Tỳ-kheo chúng con tụ tập ở nhà ăn này là bàn luận, hoặc bàn về hữu thường, hoặc bàn về vô thường. Nói đầy đủ như trên.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi chớ bàn luận nghĩa như vậy. Vì sao? Sự bàn luận này chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải trí, chẳng phải giác, không thuận hướng Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, nên luận nghị như thế này, ‘Đây là Khổ Thánh đế, Đây là Khổ tập Thánh đế, Đây là Khổ diệt Thánh đế, Đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Vì sao? Luận nghị này có lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là trí, là giác, thuận hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế nếu chưa được hiện quán, cần phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 408. GIÁC[25]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, có người giác tưởng có tham giác, có người giác tưởng có sân giác, hoặc có người giác tưởng có hại giác[26]. Bấy giờ, đức Thế Tôn biết tâm niệm của các Tỳ-kheo, nên đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi chớ khởi giác tưởng tham giác, chớ khởi giác tưởng nhuế giác, chớ khởi giác tưởng hại giác. Vì sao? Vì những giác tưởng này chẳng lợi ích gì cho nghĩa, chẳng lợi ích gì cho pháp, chẳng lợi ích gì cho phạm hạnh, chẳng phải chánh trí, chẳng phải chánh giác, không chánh hướng Niết-bàn. Các Ngươi nên khởi giác tưởng về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì sự giác tưởng đối với bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với [109c] bốn Thánh đế phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn thêm lên, chánh trí, chánh niệm, tinh tấn tu học.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 409. GIÁC (2)[27]
Tôi nghe như vầy:
Một thời… nói đầy đủ như trên, chỉ có sự sai biệt là:
“Khởi giác tưởng về bà con thân thuộc; khởi giác tưởng về quốc thổ nhân dân; khởi giác tưởng về không chết, cho đến nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.”
KINH 410. LUẬN THUYẾT[28]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận những đề tài như vầy[29]: hoặc là bàn luận việc vua, việc giặc cướp, việc đấu tranh, việc tiền bạc, việc y phục, việc ăn uống, việc nam nữ, việc ngôn ngữ thế gian, việc sự nghiệp, việc trong biển cả. Bấy giờ, đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ mà ngồi trước đại chúng, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, các ngươi tụ tập để bàn luận việc gì?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chúng con tụ tập ở đây bàn nói về việc vua…” Nói đầy đủ như trên.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi chớ bàn luận những đề tài như vầy: Bàn luận những việc vua… cho đến, không hướng đến Niết-bàn. Nếu có bàn luận thì nên nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Bốn Thánh đế này có lợi ích cho nghĩa, lợi ích cho pháp, lợi ích cho phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Đại chánh kinh 402. S. 56. 23. Sammāsambuddha.
[2] Bình đẳng chánh giác. Pāli: abhisambuddhata, giác ngộ siêu việt.
[3] Đại chánh kinh 403. S. 56. 21. Vajji.
[4] Phúc đức xá 福德舍. Xem Tứ phần 13 (tr. 654c23); Thập tụng 12 (tr. 89b27). Pāli: āvasathapiṇḍa.
[6] Vô tùy thuận thọ 無隨順受. Pāli: appaṭivedha, chưa được quyết trạch, chưa được quán triệt, thông đạt.
[7] Thuận nhập; ở trên nói: tùy thuận thọ.
[9] Đại chánh kinh 404. Pāli, S. 56. 31. Siṃsapā.
[12]. Chỉ pháp được tuyên thuyết.
[13]. Ích lợi cho mục đích . Pāli: atthasaṃhitaṃ, liên hệ đến mục đích (giải thoát).
[14] Những pháp không được công bố.
[15] Đại chánh kinh 405. Lỗ khóa. Pāli, S. 56. 45. Vāla (cộng lông).
[18] Đại chánh kinh 406. Con rùa mù.
[19] Bản Hán, hết quyển 15.
[20] Đại chánh, quyển 16, kinh 407. Phụ đề đầu quyển có ghi: phần thứ tư của Tụng iii. Tạp nhân tụng. Pāli, S. 56. 41. Cintā.
[21] Pāli: lokacintaṃ cintento, tư duy về (tư duy) thế gian, suy nghĩ về thế giới. Sớ giải: Ngồi mà tư duy rằng: trời trăng kia ai tạo ra? Đại địa biển cả, ai làm ra? ….
[24] Đại chánh kinh 408. S. 56. 8. Cintā.
[25] Đại chánh kinh 409. Suy tầm, trầm tư. Pāli, S. 56. 7. Vitakkā.
[26] Đây nói về ba bất thiện tầm.
[27] Đại chánh kinh 410. Pāli, xem kinh 409.
[28] Đại chánh kinh 411 S. 56. 10. Kathā.
[29] Các đề tài được gọi là súc sanh luận (Pāli: tiracchānakathā), vì vô nghĩa, vô ích.
0 nhận xét