KINH 471. KHÁCH XÁ[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như nhà khách có đủ hạng người đến ở. Hoặc Sát-lị, Bà-la-môn, gia chủ, cư sĩ, người nhà quê, thợ săn, người trì giới, người phạm giới, người tại gia, người xuất gia. Tất cả đều trọ ở trong đó. Thân này cũng lại như vậy. Đủ các thứ thọ sinh khởi như: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ; thân thọ lạc, thân thọ khổ, thân thọ không khổ không lạc; tâm thọ lạc, tâm thọ khổ, tâm thọ không khổ không lạc; cảm thọ thực vị lạc[2], cảm thọ thực vị khổ, cảm thọ thực vị không khổ không lạc; cảm thọ phi thực vị lạc, cảm thọ phi thực vị khổ, cảm thọ phi thực vị không khổ không lạc; cảm thọ lạc do tham trước, cảm thọ khổ do tham trước, cảm thọ không khổ không lạc do tham trước; cảm thọ lạc xuất ly, cảm thọ khổ xuất ly, cảm thọ không khổ không lạc xuất ly.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ:
Như ở trong nhà khách,
Đủ hạng người ở trọ,
Sát lợi, Bà-la-môn,
Gia chủ và cư sĩ,
Chiên-đà-la, dân quê,
Người trì giới, phạm giới,
Kẻ tại gia, xuất gia,
Nhiều hạng người như vậy.
Thân này cũng như vậy,
Các thứ cảm thọ sinh,
Hoặc vui, hoặc khổ thọ,
Và không khổ không lạc,
Thực vị, phi thực vị,
Tham đắm, không tham đắm.
Tỳ-kheo siêng phương tiện,
Chánh trí không lay động,
Đối với các thọ này,
Trí tuệ thường biết rõ,
Vì biết rõ các thọ,
Hiện tại hết các lậu,
Thân chết, không danh số,
An trụ Bát Niết-bàn.
[121a] Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 472. THIỀN[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng[4], thiền tịnh, tư duy: ‘Thế Tôn nói ba thọ: Lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ. Vậy, điều này có nghĩa gì?”
Tỳ-kheo này suy nghĩ như vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, thầy đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con ở chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh tư duy có nghĩ rằng: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ. Vậy, điều này có nghĩa gì?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ta vì tất cả hành đều vô thường, tất cả hành là pháp biến đổi nên nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ:
Biết các hành vô thường,
Đều là pháp biến dịch,
Nên nói thọ là khổ,
Chánh giác biết điều này.
Tỳ-kheo siêng phương tiện,
Chánh trí không lay động,
Đối với tất cả thọ,
Trí tuệ thường biết rõ.
Biết rõ tất cả thọ,
Hiện tại hết các lậu,
Thân chết, không danh số,
An trụ Bát Niết-bàn.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 473. CHỈ TỨC[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, Tôn giả A-nan ở một mình chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh tư duy, suy nghĩ rằng: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ. Vậy điều này có nghĩa gì?’
Suy nghĩ vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, lúc con một mình ở chỗ vắng, thiền tịnh tư duy, suy nghĩ rằng: ‘Như lời Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ thảy đều là khổ. Vậy điều này có nghĩa gì?”
Phật bảo A-nan:
“Ta vì tất cả hành là vô thường, tất cả hành là pháp biến đổi, nên nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Lại nữa, A-nan, Ta vì các hành tuần tự tịch diệt[6], vì các hành tuần tự tĩnh chỉ[7], nên Ta nói tất cả thọ [121b] đều là khổ.”
A-nan bạch Phật:
“Thế Tôn vì các hành tuần tự tịch diệt mà nói, là nghĩa thế nào?”
Phật bảo A-nan:
“Khi nhập[8] sơ thiền, ngôn ngữ tịch diệt. Nhập nhị thiền thì tầm tứ[9] tịch diệt. Nhập tam thiền, tâm hỷ tịch diệt[10]. Nhập tứ thiền, hơi thở ra vào tịch diệt. Nhập không vô biên xứ,[11] sắc tưởng tịch diệt. Nhập thức vô biên xứ[12] thì tưởng không vô biên vắng lặng. Nhập vô sở hữu nhập xứ, tưởng thức vô biên xứ tịch diệt. Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng vô sở hữu xứ tịch diệt. Nhập tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tịch diệt. Đó gọi là các hành dần dần vắng lặng.”
A-nan bạch Phật:
“Thế Tôn vì các hành tuần tự tĩnh chỉ mà nói, là nghĩa thế nào?”
Phật bảo A-nan:
“Khi nhập sơ thiền, ngôn ngữ tĩnh chỉ. Nhập nhị thiền thì tầm tứ tĩnh chỉ. Nhập tam thiền, tâm hỷ tĩnh chỉ. Nhập tứ thiền, hơi thở ra vào tĩnh chỉ. Nhập không vô biên xứ, sắc tưởng tĩnh chỉ. Nhập thức vô biên xứ thì tưởng không vô biên xứ tĩnh chỉ. Nhập vô sở hữu nhập xứ, tưởng thức vô biên xứ tĩnh chỉ. Nhập phi tưởng phi phi tưởng xứ, tưởng vô sở hữu xứ tĩnh chỉ. Nhập tưởng thọ diệt, tưởng và thọ tĩnh chỉ. Đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ.”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, có phải đó gọi là các hành tuần tự tĩnh chỉ?”
Phật bảo A-nan:
“Lại có sự tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không gì hơn được.”
A-nan bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, những gì là tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không gì hơn được?”
Phật bảo A-nan:
“Đối với tham dục, mà tâm ly nhiễm, giải thoát; với sân nhuế, mà tâm ly nhiễm, giải thoát, đó gọi là tĩnh chỉ thù thắng, tĩnh chỉ kỳ đặc, tĩnh chỉ tối thượng, tĩnh chỉ vô thượng. Sự tĩnh chỉ như vậy, đối với những sự tĩnh chỉ khác, không gì hơn được.”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 474. TIÊN TRÍ[13]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Phật Tì-bà-thi, khi chưa thành đạo, một mình ở chỗ thanh vắng thiền tịnh tư duy, bằng quán sát thọ như vầy mà quán sát các thọ: ‘Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? [121c] Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là sự xuất ly thọ?’ Như vậy quán sát, có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc diệt thì thọ diệt. Nếu đối với thọ mà hoan hỷ, tán thán, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Nếu đối với thọ mà không hoan hỷ, tán thán, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch; đó gọi đó là sự tai hại của thọ. Đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
“Giống như Phật Tì-bà-thi, Phật Thi-khí, Phật Tì-thấp-bà-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca-mâu-ni, Phật Ca-diếp và Ta là Phật Thích-ca Văn, khi chưa thành Phật, cũng lại tư duy quán sát các thọ như vậy.”
KINH 475. THIỀN TƯ[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng vẻ, thiền tịnh tư duy, quán sát các thọ như vầy: ‘Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là xuất ly thọ?’”
Tỳ-kheo này sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi chỗ vắng thiền tịnh, tư duy, quán sát các thọ:‘Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ? Thế nào là vị ngọt của thọ vị? Thế nào là sự tai hại của thọ? Thế nào là xuất ly thọ?’”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc diệt tận thì thọ diệt tận. Đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi đó là sự tai hại của thọ. Đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 476. AN-NAN SỞ VẤN[15]
Như kinh Tỳ-kheo hỏi ở trên, kinh này Tôn giả A-nan cũng hỏi [122a] như vậy.
KINH 477. TỲ KHEO [16]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào là thọ? Thế nào là sự tập khởi của thọ? Thế nào là sự diệt tận của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ? Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin nói đầy đủ, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ lãnh thọ thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Khi xúc tập khởi thì thọ tập khởi, khi xúc diệt tận thọ diệt tận. Đối với thọ mà ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự tập khởi của thọ. Đối với thọ mà không ham muốn, khen ngợi, đắm nhiễm, hệ lụy, đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thọ. Hỷ lạc do nhân duyên thọ mà sanh, đó gọi là vị ngọt của thọ. Cảm thọ là vô thường, là pháp biến dịch, đó gọi là sự tai hại của thọ. Đối với cảm thọ mà đoạn trừ dục tham, vượt qua dục tham, gọi đó là xuất ly thọ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 478. GIẢI THOÁT[17]
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Ta không biết như thật đối với các thọ; không biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ; con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ; thì Ta ở giữa chư Thiên, thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, và các chúng trời, người, không được giải thoát, xuất ly, thoát khỏi các điên đảo, cũng không phải Chánh đẳng Chánh giác[18]. Vì Ta biết như thật đối với các thọ, sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, nên ở giữa chư Thiên, thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, và các chúng trời, người, Ta là bậc giải thoát, là bậc xuất ly, là bậc ra khỏi các điên đảo, và đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 479. SA-MÔN BÀ-LA-MÔN[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật đối với các thọ; không biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ; con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ, người này không phải là Sa-môn, [122b] không phải là Bà-la-môn, không đồng với Sa-môn, Bà-la-môn, cũng không phải nghĩa Sa-môn, cũng không phải nghĩa Bà-la-môn, ngay trong đời hiện tại không tự tri tự tác chứng, tự biết rằng: ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật đối với các thọ; biết như thật đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ; con đường đưa đến sự tập khởi của thọ, con đường đưa đến sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, xuất ly thọ thì, người này là Sa-môn của Sa-môn, Bà-la-môn của Bà-la-môn, đồng với Sa-môn, đồng với Bà-la-môn, đúng nghĩa Sa-môn, đúng nghĩa Bà-la-môn, ngay trong đời hiện tại tự tri tự tác chứng, tự biết rằng: ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như Sa-môn, không phải Sa-môn. Cũng vậy, Sa-môn số và không phải Sa-môn số cũng đều như vậy.
KINH 480. NHẤT-XA-NĂNG-GIÀ-LA[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong rừng Nhất-xa-năng-già-la[21], nước Nhất-xa-năng-già-la. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ta muốn ở lại tại đây nửa tháng để tọa thiền. Các Tỳ-kheo chớ lui tới nữa, trừ người mang thức ăn, [22] và khi bố-tát.”
Rồi Phật tọa Thiền, không du hành nữa.
Bấy giờ, qua nửa tháng, Thế Tôn trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, và bảo các Tỳ-kheo:
“Khi Ta, bằng một phần ít thiền của thiền pháp được tư duy khi mới thành Phật, nay trong tháng này, tư duy rằng: Sự sanh khởi của tất cả cảm thọ của chúng sanh đều có nhân duyên, không phải không có nhân duyên.
“Những gì là nhân duyên? Dục là nhân duyên, tầm[23] là nhân duyên, xúc là nhân duyên.[24] Này các Tỳ-kheo, nơi dục không tịch diệt, tầm không tịch diệt, xúc không tịch diệt, do nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sinh. Do nhân duyên không tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sinh.
“Ở đó nếu dục tịch diệt, nhưng tầm không tịch diệt, xúc không tịch diệt,[25] do nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sinh. Do nhân duyên không tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sinh.
“Ở đó nếu dục tịch diệt, tầm tịch diệt, nhưng xúc không diệt tận,[26] do nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sinh. Do nhân duyên không tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sinh.
“Ở đó dục tịch diệt, tầm tịch diệt, xúc tịch diệt;[27] do nhân duyên đó mà cảm thọ của chúng sanh pháp sanh; tức là do nhân duyên tịch diệt kia [122c] cảm thọ của chúng sanh phát sanh. [28]
“Do nhân duyên tà kiến nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Do nhân duyên tà kiến không tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà giải thoát, và tà trí, nên cảm thọ của chúng sanh pháp sanh. Do nhân duyên tà trí không tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
“Do nhân duyên chánh kiến nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Do nhân duyên chánh kiến tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, chánh giải thoát, và chánh trí nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; do nhân duyên chánh trí tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
“Nếu dục kia chưa đạt được nay để đạt được, chưa thu hoạch nay để thu hoạch, chưa chứng nay để chứng, do nhân duyên này mà cảm thọ của chúng sanh phát sanh. Do nhân duyên tịch diệt kia nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.[29] Đó gọi là do nhân duyên không tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh; và do nhân duyên tịch diệt nên cảm thọ của chúng sanh phát sanh.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, không biết như thật đối với duyên duyên, sự tập khởi của duyên duyên, sự diệt tận của duyên duyên; con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên, con đường đưa đến sự diệt tận của duyên duyên như vậy thì, người này không phải là Sa-môn của Sa-môn, không phải Bà-la-môn của Bà-la-môn, không đồng với Sa-môn của Sa-môn, không đồng với Bà-la-môn của Bà-la-môn, không đúng nghĩa Sa-môn, không đúng nghĩa Bà-la-môn, ngay trong hiện tại không tự tri, tự tác chứng, tự biết rằng: ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật đối với duyên duyên, sự tập khởi của duyên duyên, sự diệt tận của duyên duyên; con đường đưa đến sự tập khởi của duyên duyên, con đường đưa đến sự diệt tận của duyên duyên như vậy thì, người này là Sa-môn của Sa-môn, là Bà-la-môn của Bà-la-môn, đồng với Sa-môn của Sa-môn, đồng với Bà-la-môn của Bà-la-môn, đúng nghĩa Sa-môn, đúng nghĩa Bà-la-môn, ngay trong hiện tại tự tri, tự tác chứng, tự biết rằng: ‘Sự sanh đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[8] Nguyên Hán: Chánh thọ 正受, đây hiểu là chứng nhập. Pāli: samāpanna thường được dịch là đạt đến, hay nhập.
[10] Thiền thứ ba được gọi là “Ly hỷ diệu lạc địa” (thân cảm giác lạc vi diệu do đã loại bỏ hỷ).
[22]Hán: vật phục du hành duy trừ khất thực勿復遊行唯除乞食. Có sự nhầm lẫn trong đoạn này. Xem kinh Đại chánh 807. Cf. S. 54. 11: nāmhi kenaci upasaṅkamitabbo, aññatra ekena piṇḍapātanīhārakena, đừng ai đến chỗ Ta, trừ một người mang thức ăn đến.
[23] Giác, đây chỉ tầm, hay tư duy tầm cầu. Xem cht. tiếp theo.
[24] Du-già 96 (tr. 851b28): Có ba nhân duyên sanh thọ: dục đối với đời vị lai; tầm đối với đời quá khứ; xúc đối với đời hiện tại.
[25] Từ sơ thiền trở lên, dục đã tịch tĩnh nhưng còn tầm (một chi trong sơ thiền) và xúc thì chưa.
[26] Từ thiền thứ hai cho đến phi tưởng phi phi tưởng, dục và tầm đều đã tịch tĩnh, nhưng xúc thì chưa.
[27] Vượt qua Hữu đảnh, tất cả đều tịch tĩnh.
[28] Du-già ibid.: Hạng chúng sanh trụ nội phát, nhập xuất thế định, nhưng chưa đạt đến cứu cánh do đó khởi lên ước vọng bao giờ chứng đắc; cảm thọ do đó sanh khởi.
[29] Hạng đã đạt cứu cánh, các duyên đều tịch tĩnh, phát sanh cảm thọ vô thượng của đệ nhất tịch tĩnh.