PHÓ CHÚC



Một hôm, Sư cho gọi môn nhân gồm có Pháp Hải, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân.v.v… mà dạy rằng:
Các con đừng như những người khác; Sau khi thầy diệt độ các con mỗi người sẽ làm thầy một phương. Nay thầy sẽ dạy cho các con cách thuyết pháp để không mất Tông chỉ. Trước hết đưa ra 3 khoa làm phương pháp; sử dụng 36 đôi, ra vào đề thoát khỏi hai thái cực đối lập. Khi nói đến tất cả các pháp chớ lìa tự tánh. Như có người thình lình hỏi các con về bất cứ một pháp nào đó thì câu trả lời cho họ phải dùng phép đối đôi làm nhân qua lại cho nhau, và cuối cùng loại trừ cả hai không theo bên nào.
Phương pháp 3 khoa là: Ấm, Giới, Nhập.
+ Ấm: 5 ấm, chỉ cho sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
+. Nhập: 12 nhập, gồm có 6 trần bên ngoài là Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp với 6 cửa (6 căn) bên trong là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
+ Giới: 18 giới, gồm 6 trần, 6 cửa, 6 thức.
Tự tánh có khả năng bao hàm muôn pháp, gọi là thức hàm tàng. Nếu khởi lên suy lường thì chuyển thành thức, phát sanh ra 6 thức, đi ra 6 cửa, tiếp xúc 6 trần. Như vậy, 18 giới đều phát xuất từ tự tánh khởi lên tác dụng.
Tự tánh mà tà thì khởi lên 18 tà. Tự tánh mà chánh thì khởi lên 18 chánh. Nên dụng ác là dụng của chúng sanh, dụng thiện là dụng của Phật. Dụng do đâu mà có? Do tự tánh mà có.
Những pháp đối:
- Năm cách đối của cảnh vô tình bên ngoài: Trời đối đất, mặt trời đối mặt trăng, sáng đối tối, âm đối dương, nước đối lửa.
- Mười hai cách đối về ngôn ngữ của tướng pháp: Lời đối pháp có đối không, hữu sắc đối vô sắc, hữu tướng đối vô tướng, hữu lậu đối vô lậu, sắc đối không, động đối tĩnh, sạch đối nhơ, phàm đối thánh, tăng đối tục, già đối trẻ, lới đối nhỏ.
- Mười chính cách đối của tự tánh khởi dụng: Dài đối ngắn, tà đối chánh, si đối tuệ, ngu đối trí, loạn đối định, hiền đối dữ, giới đối lỗi, thẳng đối cong, thật đối hư, hiểm đối bình, phiền não đối Bồ đề, thường đối vô thường, thương đối hại, hỷ đối sân, xả đối xan, tiến đối thối, sanh đối diệt, pháp thân đối sắc thân, hóa thân đối báo thân.
Sư nói:
- 36 cách đối này, nếu biết rõ cách sử dụng thì đó là con đường có thể xuyên suốt tất cả kinh pháp, ra vào đều lìa hai bên, vận dụng tự tánh cùng người đối đáp, bên ngoài đối tướng, lìa tướng, bên trong đối không, kìa không. Nếu toàn chấp tướng tức nuôi lớn tà kiến, nếu toàn chấp không tức nuôi lớn vô minh. Người chấp không thường hủy báng kinh điển, nói rằng không cần dùng đến văn tự, nhưng đã nói không dùng văn tự, thì đáng lý ra họ cũng không được dùng lời nói. Chỉ cần lời nói ấy (chỉ câu "không dùng văn tự") đã là tướng của văn tự rồi. Lại nói chánh đạo chẳng lập văn tự, nhưng hai chữ "chẳng lập" này cũng là văn tự, thấy người nói ra điều gì liền chê bai và bảo rằng chấp văn tự. Các con cần phải biết mình mê còn có thể tha thứ được, đằng này còn đi báng bổ kinh Phật và cho rằng kinh chẳng cần thiết thì tội chướng vô số. Nếu chấp tướng ở bên ngoài mà tạo ra các pháp để tìm chân lý: như thiết lập đạo tràng, bàn nói lỗi thất có-không, những người như thế mãn kiếp chẳng thể thấy tánh được. Chỉ cần nghe và y như pháp ma tu hành, cũng đừng đối với trăm việc không bao giờ nghĩ đến, chỉ làm cho tánh của đạo bị chướng ngại. Nếu chỉ biết nghe, biết nói mà chẳng tu hành thì sẽ khiến cho người sanh lại tà niệm. Chỉ cần y pháp mà tu hành, đừng trụ vào tướng mà bố thí pháp. Các con nếu đã hiểu thì nên theo lời dạy này mà đem ứng dụng, theo đó mà hành động tạo tác thì chẳng mất Tôn chỉ gốc, khi có người hỏi con về nghĩa, nếu hỏi có thì đem vô mà đáp, hỏi vô đem có mà đáp, hỏi phàm đem thánh mà đáp, hỏi thánh đem phàm mà đáp, hai bên cùng làm nhân cho nhau thì phát sanh nghĩa Trung đạo. Cứ một hỏi một đáp và những câu hỏi khác đều theo đó mà làm thì sẽ không mất đi lý chánh. Ví dụ có người hỏi: Sao gọi là tối? Hãy đáp: sáng là nhân, tối là duyên, sáng hết tức là tối, dùng sáng để phô bày tối, lấy tối để phô bày sáng, hai bên cùng làm nhân cho nhau để phát sanh nghĩa Trung đạo; bất cứ câu hỏi nào cũng đều như vậy. Sau này các con truyền pháp phải theo đây mà tuyền dạy cho nhau chớ để mất đi Tông Chỉ.
Tháng 7 năm Nhâm Tý, năm đầu niên hiệu Thái cực, Sư sai môn nhân sang chùa Quốc Ân ở Tân Châu dựng tháp và đối thúc thợ làm gấp, cuối mùa hạ năm sau phải hoàn thành cho xong.
Ngày 1 tháng 7 Sư họp đồ chúng và bảo rằng:
- Đến tháng 8 này, ta sẽ từ giã thế gian. Các con còn có điều chi nghi ngờ nên sớm hỏi, Ta sẽ vì các con mà phá nghi cho, để các con hết mê lầm; Sau khi ta đi rồi sẽ không có người dạy các con.
Pháp Hải cùng đồ chúng nghe nói đều khóc lóc, chỉ có Thần Hội tinh thần bất động, không hề khóc lóc. Sư dạy:
- Ở đây chỉ có Thần Hội tiểu sư đã đạt được tâm bình đẳng, lành dữ khen chê chẳng động, buồn vui chẳng sanh, còn bao nhiêu chẳng được. Vậy, bao nhiêu năm các con vào núi để tu cái đạo chi vậy? Nay các con thương khóc rơi lệ là lo cho ai vậy? Nếu lo cho ta không biết chỗ ta đi rồi. Ta, nếu không biết chỗ ta đi thì ta đã không báo trước cho các con. Các con thương khóc vì không biết chỗ ta đi, nếu biết chỗ ta đi thì cần gì phải khóc. Tánh pháp vốn không sanh-diệt, đến-đi. Hãy ngồi xuống tất cả, ta sẽ nói cho các con một bài kệ. Tên của bài kệ là "Chân giả động tĩnh". Các con hãy thuộc bài kệ này thì sẽ cùng với Ta một ý, y vào đó mà tu hành thì chẳng mất đi Tông chỉ. Cả chúng làm lễ thỉnh Sư đọc kệ.



Hết thảy không có chân
Chẳng do thấy cho chân
Nếu thấy đó là chân
Thấy này không phải chân
Nếu tự mình có chân
Lìa giả là tâm chân
Tự tâm chẳng lìa giả
Không chân chỗ nào chân
Hữu tình thì hay động
Vô tình thì bất động
Nếu tu hạnh bất động
Cũng đồng vô tình thôi
Nếu tìm chân bất động
Thì ngay trên cái động
Bất động là bất động
Vô tình không giống Phật
Khéo phân biệt pháp tướng
Bất động là đệ nhất
Chỉ cần thấy như vậy
Tứ là dụng chân như
Nhắn gởi người học đạo
Cần nổ lực để ý
Chớ trụ cửa đại thừa
Mà chấp trí sanh tử
Nếu lời nói tương ưng
Thì cùng bàn lý Phật
Nếu thật chẳng tương ưng
Cùng chấp tay hoan hỷ
Tông này không tranh cãi
Tranh cải mất ý đạo
Nếu giữ thói hơn thua
Đẩy tánh vào sanh tử.



Đồ chúng nghe kệ xong đồng làm lễ và vâng theo ý Sư. Mọi người nhiếp tâm theo pháp tu hành không dám tranh luận.
Biết Đại Sư ở đời chẳng còn bao lâu nữa, Thượng Tọa Pháp Hải lại đãnh lễ và thưa:
- Sau khi Hòa Thượng nhập diệt, y pháp sẽ truyền cho ai?
Sư dạy:
- Tất cả những lời nói pháp của Ta, từ lúc ở Chùa Đại Phạm cho đến ngày nay, hãy biên chép lại mà lưu hành; đặt tên là "Pháp Bảo Đàn Kinh". Các con hãy giữ gìn để truyền trao cho nhau mà hóa độ quần sanh. Chỉ cần theo những lời dạy này vì đó là chánh Pháp.
Nay ta chỉ nói pháp cho các con chứ không truyền y. Bởi vì tín căn của các con đã thuần thục chắc chắn không còn nghi hoặc và có thể đảm nhiệm việc lớn được. Vả lại, theo ý bài kệ của Sơ Tổ Đạt Ma Đại Sư thì y không được truyền nữa. Kệ rằng:



Ta vốn đến đất này
Truyền pháp cứu mê tình
Một hoa nở năm cánh
Kết quả tự nhiên thành



Sư lại dạy:
- Thiện tri thức! Các con hãy tịnh tâm lắng nghe Ta nói pháp: Muốn thành tự trí Phật thì phải đạt "nhất tướng tam muội" và "Nhất hạnh tam muội". Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không chấp tướng, đối với mọi việc không sanh tâm yêu ghét hay buông giữ, không nghĩ đến những chuyện lợi ích thành bại, hãy tạo cho mình một cuộc sống đạm bạc, điềm tĩnh, an nhàn, thư thái, đó gọi là nhất tướng tam muội. Trong 4 oai nghi đi đứng ngồi nằm ở bất cứ chỗ nào, luôn luôn giữ tâm ngay thẳng, chẳng động đạo tràng thì sẽ thành tựu tịnh độ chân thật, đó gọi là nhất hạnh tam muội. Nếu người nào đầy đủ hai thứ tam muội này, thì cũng như trong đất ẩm chứa hạt giống, sẽ dần dần nuôi lớn trở thành cây trái. Nhất tướng-nhất hạnh cũng như vậy.
Ta nói pháp hôm nay cũng giống như cơn mưa đúng thời vụ thấm khắp mặt đất, tánh Phật của các con cũng như những hạt giống gặp sự thấm nhuần này sẽ được này sanh. Vâng theo tông chỉ của Ta thì chắc chắn sẽ đạt được Bồ đề, theo cuộc sống của Ta thì sẽ chứng diệu quả. Hãy nghe bài kệ của Ta:



Đất tâm dủ mọi giống
Gặp mưa đều nảy mầm
Hoa tình ngộ mau, nở
Trái Bồ đề tự thành.



Sư đọc bài kệ xong và dạy:
- Pháp này vốn không hai, tâm các con cũng vậy. Đạo vốn thanh tịnh không có các tướng, các con hãy cẩn thận chớ quán tĩnh và để tâm trống rỗng. Tâm này vốn thanh tịnh không có gì để giữ và để buông. Các con hãy tự nỗ lực, tùy duyên mà vận dụng tốt.
Bấy giờ đại chúng đảnh lễ mà lui.
Vào ngày 8 tháng 7. Bất chợt Đại Sư gọi môn nhân bảo rằng:
- Ta muốn về Tân Châu, các con mau chuẩn bị thuyền chèo.
Đại chúng tha thiết mong Sư ở lại.
- Chư Phật ra đời còn thị hiện Niết Bàn, có đến phải có đi, lễ thường là vậy. Hình hài của ta đi về đã có chỗ.
- Hòa Thượng ra đi chắc sớm muộn gì cũng về.
Sư bảo:
- Lá rụng về cội, ngày về không hẹn.
Chúng lại thưa.
- Chánh pháp nhãng tạng nay phó chúc cho ai?
Sư dạy:
- Người có đạo thì được, người vô tâm thì không.
Lại thưa:
- Sau này có nạn gì không?
Sư dạy:
- Sau khi ta nhập diệt chừng 5 hay 6 năm sẽ có người đến lấy đầu ta.
Hãy nghe bài Sấm ký của Ta:



Trên đầu dưỡng người thân
Trong miệng cần miếng ăn
Khi gặp nạn, tên Mãn
Dương Liễu làm quan xử.



Lại dạy:
- Sau khi Ta đi 70 năm, sẽ có 2 vị Bồ Tát từ phương Đông đến, một xuất gia, một tại gia cùng lúc kiến lập Tông chỉ của Ta chấn hưng giáo hóa và xây dựng già lam nối thịnh đạo pháp rực rỡ.
Thưa:
- Chúng con chưa rõ, từ khi Phật Tổ ứng hiện đến nay, truyền pháp đã được mấy đời? Xin Hòa Thượng từ bi chỉ dạy.
Sư bảo:
- Chư Phật xa xưa ứng hiện ở đời số lượng không kể xiết. Nay chỉ kể 7 vị Phật nguyên thỉ.
* Quá khứ Trang nghiêm kiếp có:
- Phật Tỳ Bà Thi
- Phật Thi Khí
- Phật Tỳ Xá Phù
. Hiện tại Hiền kiếp có:
- Phật Câu Lưu Tôn
- Phật Câu Na Hàm Mâu Ni
- Phật Ca Diếp
- Phật Thích ca Văn
Đó là 7 vị Phật từ Đức Thích Ca văn truyền xuống có:
1- Tôn giả Ma Ha Ca Diếp
2- Tôn giả A-Nan
3- Tôn giả Thương Na Hòa Tu
4- Tôn giả Ưu Ba Cúc Đa
5- Tôn giả Đề Đa Ca
6- Tôn giả Di Giá Ca
7- Tôn giả Bà Tu Mật Đa
8- Tôn giả Phật Đà Nan Đề
9- Tôn giả Phục Đà Mật Đa
10- Hiếp Tôn giả
11- Tôn giả Phú Na Dạ Xà
12- Mã Minh Đại Sĩ
13- Tôn giả Ca Tỳ Ma La
14- Long Thọ Đại Sĩ
15- Tôn giả Ca Na Đề Bà
16- Tôn giả La Hầu La Đa
17- Tôn giả Tăng Già Nan Đề
18- Tôn giả Già Da Xá Da
19- Tôn giả Cưu Ma La Đa
20- Tôn giả Xà Da Đa
21- Tôn giả Bà Tu Bàn Đầu
22- Tôn giả Ma Noa La
23- Tôn giả Cưu Lặc Na
24- Tôn giả Sư Tử
25- Tôn giả Bà Xá Tư Đa
26- Tôn giả Bất Như Mật Đa
27- Tôn giả Bát Nhã Đa La
28- Tôn giả Bồ Đề Đạt Ma
Còn đất này (Trung Hoa) thì có:
29- Đại Sư Huệ Khả
30- Đại Sư Tăng Xám
31- Đại Sư Đạo Tín
32- Đại Sư Hoằng Nhẫn
và Huệ Năng là tổ thứ 33
Từ trước Chư Tổ có truyền thừa, nhưng từ các con trở về sau hãy thay nhau mà lưu truyền chớ để sai lạc.
Ngày 3 tháng 8 Quý sửu (thời đại Tiên Thiên thứ 2) tại chùa Quốc Ân, sau khi thọ trai xong, Đại Sư gọi đồ chúng bảo:
- Các con hãy theo tứ tự cấp bậc ngồi xuống, ta sắp từ biệc các con.
Pháp Hải thưa:
- Hòa thượng lưu lại giáo pháp gì cho người mê đời sau được thấy Phật tánh?
Sư dạy:
- Các con hãy nghe kỹ! Người mê đời sau, nếu biết rõ chúng sanh thì đó là Phật tánh, nếu chẳng biết rõ chúng sanh thì muôn kiếp khó mà tìm gặp Phật được. Nay ta khuyên các con hãy biết rõ chúng sanh ở tự tánh thì thấy được Phật tánh ở tự tâm. Muốn tìm thấy Phật chỉ cần biết rõ chúng sanh. Chỉ vì chúng sanh mê không thấy Phật của mình, chứ chẳng phải Phật làm cho chúng sanh mê. Nếu ngộ được tự tánh thì chúng sanh là Phật. Nếu mê tự tánh thì Phật trở thành chúng sanh. Tự tánh bình đẳng thì chúng sanh là Phật. Tự tánh hiểm hóa thì Phật là chúng sanh. Nếu tâm của các con hiểm độc quanh co thì Phật bị dấu kín trong chúng sanh, nếu khởi lê một niệm ngay thẳng thì chính là chúng sanh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật của tự tâm mới là Phật thật. Nếu tự tâm không có Phật thì tìm Phật nơi nào đây?
Tự tâm của các con là Phật, chớ có hồ nghi. Ngoài tâm không có một vật nào có thể kiến lập muôn pháp đều từ bổn tâm sanh ra, cho nên Kinh dạy: "Tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt". Nay ta để lại một bài kệ từ biệt các con, có tên là Phật thật ở tự tánh. Nếu người đời sau biết được ý bài kệ này thì tự thấy bổn tâm, tự thành Phật đạo.
Kệ rằng:



Tự tánh chân như là Phật thật
Tà kiến ba độc là ma vương
Khởi niệm tà mê ma làm chủ
Khởi lên chánh kiến Phật lên ngôi
Tà kiến ba độc sanh trong tánh
Tức thị ma vương lại viếng nhà
Chánh kiến tự trừ tâm ba độc
Ma biến thành Phật thật chẳng sao
Pháp thân, báo thân và Hóa thân
Ba thân xưa nay vốn là một
Nếu quay vào tánh thường tự thấy
Là nhân thành Phật đạo Bồ đề.
Vốn từ hóa thân sanh tánh tịnh
Tánh tịnh thường ở trong hóa thân
Tánh khiến hóa thân làm đạo chánh
Tương lai viên mãn chân vô cùng
Tánh bất tịnh vốn nhân tánh tịnh
Bất tịnh bỏ đi, thân tánh tịnh
Tự tánh xa lìa năm dục lạo
Sát na thấy tánh đó là chân
Kiếp này nếu gặp môn đốn giáo
Ngộ liền tự tánh thấy Thế Tôn
Nếu muốn tu hành để làm Phật
Thì biết nơi nào đề cầu chân?
Nếu tự trong tâm tự thấy chân
Chân này tức là nhân thành Phật
Chẳng thấy tự tánh tìm Phật ngoài
Khởi tâm như vậy người đại ngu
Pháp môn đốn giáo nay để lại
Cứu độ thế nhân hãy tự tu
Nhắn gởi tương lai người học đạo
Không thấy như vậy mịt mờ to.



Sư nói kệ xong, bảo rằng:
- Các con khéo ở lại! Sau khi ta diệt độ rồi chớ bắt chước tình đời khóc lóc, nhận phúng điếu, mặc áo tang, làm như thế chẳng phải là đệ tử của Ta, cũng chẳng phải chánh pháp. Hãy biết tự bổn tâm, thấy tự bổn tánh, không động không tĩnh, không sanh không diệt, không đi không đến, không phải không quấy, không ở không về. Sợ rằng các con tâm còn mê không hiểu ý ta, nay ta dặn dò các con trở lại, để các con thấy được tánh. Sau khi ta diệt độ rồi hãy theo đó mà tu hành như khi Ta còn sống, nếu làm trái lời dạy của Ta, thì Ta có ở đời cũng chả có ích gì.
Rồi Ngài dạy thêm bài kệ:



Canh cánh không tu thiện
Lăng xăng chẳng tạo ác
Lẳng lặng dứt thấy nghe
Bình thản tâm không vướng.



Sư dạy kệ xong, ngồi ngay thẳng cho đến canh ba thì gọi đồ chúng bảo rằng: Ta đi nhé! Rồi an nhiên thị tịch. Bấy giờ có mùi hương lạ tỏa khắp phòng, cầu vòng xuất hiện tiếp giáp mặt đất, rừng rú cỏ cây bỗng sáng ngời, cầm thú kêu tiếng bi ai.
Vào tháng 11 năm đó, quan liêu 3 quận Quảng Châu, Thiều Châu và Tân Châu cùng với môn nhân tăng tục tranh nhau cung nghinh chân thân của Ngài. Do đó, chưa quyết định nên đưa về đâu. Họ bèn đốt hương và thỏa thuận, nếu khói hương bay về đâu thì Đại Sư về nơi ấy. Lúc đó khói hương bay về hướng Tào Khê. Đến ngày 13 tháng 11 thì nhục thân Ngài được cung nghinh về Tào Khê cùng với y bát.
Tháng 7 năm sau, quan tài được mở ra, đệ tử của Ngài là Phương Biện dùng đất nhồi bột hương tô lên nhục thân Ngài. Môn nhân nhớ lại lời tiên đoán của Ngài về việc mất cắp đầu, nên dùng thiếc và vải sơn quấn chặt vào cổ để phòng bị trước khi nhập tháp, trong tháp bỗng nhiên có luồng ánh sáng xuất hiện vọt thẳng lên trời cho đến 3 ngày sau mới tan. Quan sở tại Thiều Châu dâng sớ tâu vua. Vua sai lập bia ghi lại đạo hạnh của Ngài.
Tổ Sư hưởng thọ 76 tuổi, năm 24 tuổi được truyền y, năm 39 tuổi thế phát, 37 năm thuyết pháp độ sanh. Đệ tử đắc pháp 43 người, còn số người ngộ đạo siêu phàm thì không kể xiết.
Cái y, vật làm tin của tổ Sư Đạt Ma truyền lại, y ma nạp và bình bát quý của vua Trung tông ban tặng cùng với pho tượng của Sư do Phương Biện đắp và các pháp khí khác của sư đều giao cho người giữ tháp giữ gìn vĩnh viễn tại chùa Bảo Lâm. Đàn Kinh được lưu truyền để hiển bày Tông chỉ và làm cho Tam Bảo hưng thịnh, lợi lạc khắp quần sanh.

Dịch xong ngày 5 tháng 7 năm 1988

THÍCH ĐỨC THẮNG

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 14 tháng 2, 2008
1 nhận xét
categories: | | edit post







TUYÊN CHIẾU







Ngày rằm tháng Giêng, năm đầu đời Thần Long. Thái hậu Tắc Thiên và vua Trung Tôn ban chiếu rằng:
"Trẫm thỉnh hai sư An và Tú vào cung cúng dường, để khi nào rảnh rang việc nước thì tham cứu đạo Nhứt thừa". Hai sư tìm cách từ chối rằng: "Phương Nam có thiền sư Huệ Năng đã được Nhẫn Đại Sư mật trao y pháp, truyền Phật tâm ấn nên thỉnh ngài mà hỏi".
Nay Trẫm sai quan nội thị Tiết Giản mang chiếu chỉ đến thỉnh Ngài, mong Ngài từ bi sớm lên kinh đô.
Sư dâng biểu cáo bệnh chối từ, nguyện suốt đời ở nơi rừng núi. Tiết Giản thưa:
- Các bậc thiền đức ở kinh thành đều nói: Muốn hiểu được Đạo thì cần phải ngồi thiền tập định, nếu không nhờ thiền định mà giải thoát được thì điều này chưa từng có, chẳng rõ những điều Sư dạy như thế nào?
Sư bảo:
- Đạo do tâm ngộ, không phải do ngồi. Kinh dạy: "Nếu nói Như Lai ngồi hay nằm đều là làm theo tà đạo". Vì sao? Vì không từ đâu lại, cũng không đi đâu, không sanh, không diệt, đó là Thiền định của Như Lai, các pháp không tịch đó là chỗ ngồi thanh tịnh của Như Lai, tuyệt đối không chứng đắc huống chi là ngồi.
Giản thưa:
- Khi đệ tử về Kinh, Chúa thượng thế nào cũng hỏi, xin Sư từ bi chỉ bày tâm yếu, để đệ tử về tâu lại hai cung, và những người học đạo ở kinh thành. Như một ngọn đèn mồi sang trăm ngàn ngọn, chỗ tối sẽ được sáng và như thế ánh sáng nối tiếp nhau vô tận.
Sư nói:
- Ánh sáng dụ cho trí tuệ, bóng tối dụ cho phiền não. Người tu đạo nếu không lấy trí tuệ để chiếu phá phiền não thì sanh tử từ vô thỉ dựa vào đâu mà ra khỏi được?
Sư dạy:
- Phiền não tức Bồ đề không hai không khác. Nếu lấy trí tuệ để chiếu phá phiền não thì đó là kiến giải của nhị thừa, là căn cơ của hạng ngồi xe dê, xe hươu chứ không phải của người đại căn thượng trí.
Giản thưa:
- Kiến giải của Đại thừa như thế nào?
Sư dạy:
- Minh và vô minh, phàm phu thấy hai, người trí liễu đạt tánh nó không hai, tánh không hai tức là thật tánh. Thật tánh này ở phàm phu không giảm, ở Thánh hiền không tăng, ở trong phiền não mà không loạn, ở trong thiền định mà không lặng, không đoạn không thường, không đến, không đi, không ở giữa, không ở ngoài cũng không ở trong, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ không đổi, đó gọi là Đạo.
Giản thưa:
- Sư nói chẳng sanh, chẳng diệt thì có khác nào ngoại đạo?
Sư nói:
- Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt, là đem diệt để chấm dứt sanh, lấy sanh để làm sáng tỏ diệt. Vậy, diệt cũng như chẳng diệt, sanh nói chẳng sanh. Ta nói chẳng sanh chẳng diệt, là vì vốn tự nó đã không sanh nên nay cũng không diệt, cho nên không giống với ngoại đạo. Nhà ngươi, nếu muốn biết tâm yếu thì chỉ cần không suy lường đến tất cả những việc thiện ác, thì tự nhiên sẽ vào được tâm thể thanh tịnh, trạm nhiên thường tịch, diệu dụng không cùng.
Giản nhờ chỉ giáo, hốt nhiên đại ngộ đảnh lễ rồi từ tạ về Kinh, làm biểu tâu lại những lời sư đã dạy lên Vua.
Vào ngày mồng 3 tháng 9 nămđó, có tờ chiếu dụ gởi Sư rằng: "Sư từ chối lý do già bệnh để vì Trẫm mà tu đạo phước điền cho đất nước, thì chẳng khác nào ngài Tịnh Danh giả bệnh ở thành Tỳ Da với mục đích xiển dương đại thừa, truyền tâm ấn của chư Phật, và nói pháp không hai. Tiết Giản đã truyền lại những lời Sư dạy về tri kiến Như Lai. Trẫm nhờ đã tích tụ và gieo trồng nhiều thiện căn từ kiếp trước, nên đã gặp Sư ra đời, nhờ đó mà đốn ngộn thượng thừa. Cảm đội ân Sư mãi mãi không thôi. Nay xin dâng Ca Sa Ma Nạp và bình bát thủy tinh…" Lại sắc cho quan thức sử Thiều Châu trùng tu lại ngôi chùa, cùng đặt lại tên chùa cũ nơi Sư đã cư ngụ trước kia là Quốc Ân.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2008
0 nhận xét
categories: | | edit post







ĐỐN TIỆM



Trong lúc Tổ Sư ở chùa Bảo Lâm, Tào Khê thì Đại Sư Thần Tú ở chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Nam. Lúc bấy giờ cả hai Tông đều thịnh hành. Người đương thời gọi là "Nam Năng, Bắc Tú" nên phân ra Nam Bắc. Hai phái đốn tiệm, khiến cho người học không biết theo đâu. Sư bảo chúng rằng:
- Pháp vốn một tông chỉ, người có Nam Bắc. Pháp chỉ có một, nhưng kiến giải có chậm có nhanh. Sao gọi là đốn tiệm? Pháp không có đốn tiệm, nhưng người lại có kẻ thông minh và ngu độn, nên gọi là đốn tiệm. Thế nhưng môn đồ của Thần Tú thường chê Tổ Sư Nam Tông chẳng biết một chữ thì làm sao có sở trường?
Thần Tú nói:
- Vị ấy đã đạt được Vô sư trí, thâm ngộ tối thượng thừa, ta không thể sánh bằng được. Hơn nữa, Thầy ta là Ngũ Tổ đã đích thân truyền y bát cho người, đâu phải là chuyện vô cớ? Ta hận vì không thể đi xa để gần gũi người, mà ngồi đây đành chịu ân vua. Các ngươi đừng vương vấn nơi này, hãy sang Tào Khê tham bái mà giải nghi quyết.
Một ngày kia Đại Sư gọi môn đồ là Chí Thành bảo:
- Nhà ngươi là người thông minh nhiều trí, có thể vì ta mà đến Tào Khê nghe pháp, những gì đã nghe được phải hết lòng ghi nhớ về thuật lại cho ta.
Chí Thành vâng lệnh sang Tào Khê theo chúng nghe pháp, nhưng chẳng nói ra xuất xứ của mình. Khi ấy Tổ Sư bảo chúng rằng:
- Hôm nay, có người nghe trộm pháp đang ẩn núp trong hội này.
Chí Thành liền bước ra làm lễ, kể rõ tự sự đầu đuôi. Sư nói:
- Nhà ngươi từ Ngọc Tuyền đến, đích thị là một tên dọ thám rồi.
- Thưa, chẳng phải đâu.
Sư nói:
- Chẳng phải sao được?
Thưa rằng:
- Chưa nói ra thì phải, đã nói ra rồi thì chẳng phải.
Sư hỏi:
- Thầy nhà ngươi dạy chúng như thế nào?
- Thưa, Thầy thường dạy chúng trụ tâm quán tĩnh, ngồi mãi không không nằm.
Sư bảo:
- Trụ tâm quán tĩnh là bệnh chẳng phải thiền. Ngồi mãi bó thân, đối lý chả có ích gì.
Hãy nghe kệ ta:


Đang sống ngồi không nằm
Chết rồi nằm không ngồi
Một đống đầu xương thối
Làm sao lập công tội.


Chí Thành lại lạy và thưa:
- Đệ tử ở với Tú Đại Sư, chín năm học đạo mà chưa khế ngộ được, nay nghe Hòa Thượng nói một lần liền khế ngộ bản tâm. Đệ tử vì việc lớn sanh tử, mong Hòa Thượng từ bi chỉ đạy thêm cho.
Sư bảo:
- Ta nghe nói Thầy của nhà ngươi dạy pháp Giới-Định-Huệ cho mọi người, nhưng ta chưa rõ cái Hành tướng của Giới-Định-Tuệ như thế nào? Nói cho ta nghe coi.
Thành thưa:
- Tú Đại Sư dạy rằng: Các điều ác không làm là Giới, các điều lành vâng làm là Tuệ, tự sạch tâm ý mình là Định, Ngài dạy như vậy chẳng rõ Hòa Thượng dùng pháp gì để dạy mọi người?
Sư nói:
- Nếu bảo rằng ta có pháp để trao cho người, thì ra ta nói dối với nhà ngươi, nhưng ta chỉ tùy theo chỗ bị trói buộc mà mở trói, tạm gọi là Tam muội. Theo như những điều dạy của Thầy nhà ngươi về Giới-Định-Tuệ thì thật là bất khả tư nghị, nhưng cái thấy của Ta về Giới-Định-Tuệ lại khác.
Chí Thành thưa:
- Giới Định Tuệ chỉ có một thứ, sao lại khác được?
Sư dạy:
- Giới-Định-Tuệ của Thầy nhà ngươi dạy chỉ để tiếp độ người Đại thừa, còn Giới Định Tuệ của ta dạy là để tiếp độ những bậc Tối thượng thừa. Sở dĩ ngộ giải chẳng đồng vì kiến giải có chậm có nhanh. Nhà ngươi nghe ta nói có giống với Thầy nhà ngươi không? Ta nói pháp không rời tự tánh, nếu lìa bản thể mà nói pháp, tức chỉ nói đến hiện tượng, còn tự tánh thì vẫn mê, phải biết rằng tất cả muôn pháp đều tự tánh khởi lên hiện tượng tác dụng, đó là pháp Giới-Định-Tuệ chân thật.
Hãy nghe bài kệ của Ta:


Tâm địa không tà là Giới tự tánh
Tâm địa không mê là Tuệ tự tánh
Tâm địa không loạn là Định tự tánh
Không thêm không bớt là kim cương
Thân đến hay đi là Tam muội.


Chí Thành nghe kệ hối lỗi, tạ ơn và trình một bài kệ:


Năm uẩn là thân huyễn
Huyễn nào có cứu cánh
Quay về với chân như
Pháp lạit hành bất tịnh.


Sư khen phải, lại bảo Chí Thành:
- Giới Định Tuệ của Thầy nhà ngươi để khuyến hóa những người căn cơ thấp, Giới Định Tuệ của Ta dùng để khuyến hóa người căn trí lớn. Nếu ngộ được tự tánh rồi thì Bồ Đề Niết Bàn cũng chẳng cần lập, giải thoát tri kiến cũng chẳng lập, không có một pháp nào có thể nắm bắt được, khi đó mới có thể kiến lập nên vạn pháp. Nếu hiểu được ý này, thì cũng gọi là thân Phật, cũng gọi là Bồ Đề Niết Bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến. Người thấy tánh, lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không vướng không ngại, theo dụng mà làm, theo lời mà đáp, thấy hóa thân khắp cả mọi nơi mà không lìa tự tánh, do đó đạt được thần không du hí tam muội, đó gọi là thấy tánh.
Chí Thành lại thưa:
- Không lập nghĩa là gì?
Sư đáp:
- Tự tánh không sai quấy, không u mê, không loạn động, dùng trí tuệ xem xét soi chiếu trong từng niệm một, thường xa lìa mọi hiện tướng, tự do tự tại ngang dọc thông suốt thì cần gì phải lập? Tự tánh tự ngộ, ngộ liền tu liền, không thể từ từ, cho nên không lập bất cứ pháp nào cả. Các pháp vốn tịch diệt làm gì có thứ tự.
Chí thành đảnh lễ, xin hầu hạ sớm tối không dám trễ nãi. (Thành là người Thái Hòa, Cát Châu).
Tăng Chí Triệt
Tăng Chí Triệt người Giang Tây, họ Trương tên là Hành Xương, thiếu niên là hiệp sĩ. Từ khi Nam Bắc phân hóa, tuy hai vị Tông chủ không còn nhân ngã, nhưng đồ chúng ý niệm yêu ghét vẫn khởi lên. Lúc ấy môn hạ Bắc Tông tự lập Tú Sư lên làm Tổ thứ 6, sợ rằng chuyện Tổ Sư truyền y bát sẽ làm thiên hạ nghe, bèn sai Hành Xương đến ám sát Sư (Lục Tổ) Sư nhờ được tâm thông biết trước việc này, bèn đặt sẵn 10 lạng vàng nơi chỗ ngồi. Chờ đêm đến, Hành Xương đột nhập vào phòng Tổ toan hại, thì sư đã đưa cổ ra, Hành Xương chém ba lần không được. Sư nói:
- Gươm chánh không làm chuyện tà, gươm tà không hại được người chánh. Ta chỉ nợ nhà ngươi vàng chứ không nợ mạng sống.
Hành Xương kinh hãi té xỉu hồi lâu mới tỉnh lại, cầu xin sám hối về việc vừa làm, và phát nguyên xuất gia. Sư cho vàng và bảo:
- Nhà ngươi hãy đi đi đã, sợ rằng đồ chúng ta trở lại hại nhà ngươi đó. Một ngày nào đó nhà ngươi thay hình đổi dạng đến đây, ta sẽ độ cho.
Hành Xương vâng lệnh trốn đi, sau đó xuất gia làm tăng, giới hạnh đầy đủ, tu hành tinh tiến. Một hôm nhớ lời Sư dặn, từ xa đến làm lễ, Sư bảo:
- Ta chờ nhà ngươi lâu nay, sao đến chậm thế?
Thưa:
- Con đã nhờ ơn Hòa Thượng tha tội, nay cho dù xuất gia khổ hạnh, nhưng suốt đời vẫn khó báo đáp được ân đức. Chỉ còn có cách truyền pháp độ sanh thì may ra đền đáp được phần nào. Đệ tử thường xem kinh Niết Bàn mà chưa hiểu được nghĩa "Thường" và "Vô thường". Xin Hòa Thượng từ bi vì con mà giải thích sơ lược cho.
Sư dạy:
- Vô thường là Phật tánh, thường là cái tâm phân biệt tất cả pháp thiện ác.
Thưa:
- Hòa Thượng dạy trái ngược với văn kinh quá!
Sư bảo:
- Ta truyền Tâm ấn Phật, đâu dám trái với kinh Phật.
Thưa:
- Kinh nói Phật tánh là thường. Hòa Thượng lại dạy là vô thường, còn các pháp thiện ác cho đến tâm Bồ đề, kinh nói đều là vô thường, Hòa thượng lại dạy là thường. Điều này trái ngược nhau, làm cho người học càng thêm nghi hoặc.
Sư bảo:
- Kinh Niết Bàn ngày xưa ta đã nghe Ni Vô Tận Tạng đọc một lần, rồi giảng nói cho vô không một chữ một nghĩa nào không hợp với văn kinh và cả nay đối với nhà ngươi cũng vậy, ta hoàn toàn không nói khác đi.
Thưa:
- Sức hiểu biết của con nông cạn hời hợt, xin Hòa Thượng chỉ bày cho con được rõ.
Sư dạy:
- Nhà ngươi biết không, Phật tánh nếu là thường thì dù có nói ra bao nhiêu pháp thiện ác cho đến cùng kiếp đi nữa, thì cũng không có một người nào phát tâm Bồ đề. Cho nên ta nói vô thường chính là đạo chân thường Phật nói đó. Còn tất cả các pháp nếu là vô thường thì mỗi vật đều có tự tánh dung nạp sanh tử, vì thế tánh chân thường có chỗ chẳng lưu thông khắp được, cho nên ta nói thường chính là nghĩa chân vô thường Phật nói đó. Phật vì phàm phu ngoại đạo chấp tà thường các hàng nhị thừa chấp vô thường cộng lại thành 8 thứ chấp mâu thuẫn nhau. Cho nên trong giáo lý liễu nghĩa của kinh Niết Bàn Đức Phật thuyết minh chân thường chân lạc, chân ngã, chân tịnh để đả phá những cái thấy một bên của họ. Nay nhà ngươi cứ bám chặt vào lời văn nên phản bội lại nghĩa lý, chấp đoạn diệt là vô thường, và sự cố định là thường do đó hiểu lầm lời dạy viên mãn vi diệu tối hậu của Phật. Như thế dù có xem đến một ngàn lần cũng chả có ích gì.
Hành Xương chợt đại ngộ, trình kệ rằng:

Vì chấp tâm vô thường
Phật dạy tánh là thường
Không biết là phương tiện
Như nhặt sỏi hồ xuân
Nay tôi không phí sức
Phật tánh lại hiện tiền
Không phải Sư trao lại
Tôi cũng không chỗ được.


Sư dạy:
- Nay nhà ngươi đã thấu triệt rồi, nên gọi là Chí Triệt. Chí Triệt lễ tạ rồi lui.
* *
*
Thần Hội là một đồng tử, con nhà họ Cao ở Tương Dương, năm 13 tuổi từ Ngọc Tuyền đến tham lễ. Sư hỏi:
- Tri thức từ xa đến đây khó nhọc, vậy có đem được cái gốc đến không? Nếu có gốc thì biết được chủ. Hãy thử nói coi!
Hội thưa:
- Vô trú là gốc, thấy là chủ
Sư dạy:
- Sa di này háo thắng, ăn nói bướng bỉnh.
Hội hỏi:
- Hòa Thượng ngồi thiền thấy hay không?
Tổ dùng gậy đánh cho 3 hèo và hỏi:
- Ta đánh con có đau hay không?
Thưa:
- Cũng đau cũng chẳng đau
Sư nói:
- Ta cũng thấy cũng chẳng thấy
Thần Hội thưa:
- Thế nào là cũng thấy cũng chẳng thấy?
Sư đáp:
- Cái thấy của ta là thường thấy lỗi lầm nơi tự tâm, mà chẳng thấy cái tốt xấu của kẻ khác, vì vậy nên nói cũng thấy cũng chẳng thấy. Còn con nói đau cũng chẳng đau là thế nào? Con, nếu chẳng đau thì khác gì gỗ đá, nếu đau thì cũng như phàm phu và cũng sẽ khởi lên tâm sân hận. Con bảo: thấy, chẳng thấy là nhị biên; đau, chẳng đau là sanh diệt. Con đã chẳng thấy tự tánh của con mà còn dám đùa người.
Thần Hội đảnh lễ sám hối tạ lỗi.
Sư lại dạy:
- Con, nếu tâm mê chẳng thấy thì phải hỏi thiện tri thức tìm đường cho. Nếu tâm đã ngộ, thì đã thấy tự tánh rồi, và cứ theo pháp mà tu hành. Con đã mê chẳng thấy tự tâm mà còn đến đây hỏi ta thấy với chẳng thấy. Ta, nếu thấy thì tự biết, đâu cần phải đem cái mê của con để thay thế được. Con, nếu tự thấy thì cũng chẳng cần phải đem cái mê của ta để thay thế. Sao không tự biết tự thấy, lại đi hỏi ta thấy với chẳng thấy?
Thần Hội lại lễ thêm 100 lễ nữa, cầu xin tha thứ lỗi lầm. Từ đó siêng năng hầu hạ Tổ Sư không rời.
Một hôm, Tổ bảo chúng rằng:
- Ta có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không chữ, không lưng không mặt, các ngươi có biết không?
Thần Hội bước ra thưa:
- Đó là bản nguyên của Chư Phật, Phật tánh của Thần Hội.
Sư dạy:
- Ta đã bảo với con rằng không tên không chữ sao con còn gọi là bản nguyên, Phật tánh. Như vậy con chỉ lấy cỏ để che đầu mà đi, cũng chỉ là một tên tông đồ biết kiết giải giỏi mà thôi. Sau khi Tổ Sư tịch, Hội vào đất Kinh Lạc hoằng dương pháp đốn giáo Tào Khê rộng rãi, viết ra bộ Hiển tông ký, thịnh hành ở đời. (Đó là Hà Trạch thiền sư).
Sư thấy phần nhiều những người trong các Tông phái, tu tập tại giảng đường thường đưa ra những vấn nạn mang tính ác ý với nhau. Sư thương xót dạy rằng:
- Người học đạo phải đoạn trừ tất cả những ý niệm về thiện ác, không có cái tên nào có thể gọi là tên đối với tự tánh. Chỉ có tánh không hai mới gọi là thật tánh. Từ nơi thật tánh đó xây dựng tất cả giáo môn. Ngay nơi lời này mà tự thấy.
Mọi người nghe dạy xong, đều đảnh lễ và nguyện thờ làm Thầy.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2008
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.