TUYÊN CHIẾU







Ngày rằm tháng Giêng, năm đầu đời Thần Long. Thái hậu Tắc Thiên và vua Trung Tôn ban chiếu rằng:
"Trẫm thỉnh hai sư An và Tú vào cung cúng dường, để khi nào rảnh rang việc nước thì tham cứu đạo Nhứt thừa". Hai sư tìm cách từ chối rằng: "Phương Nam có thiền sư Huệ Năng đã được Nhẫn Đại Sư mật trao y pháp, truyền Phật tâm ấn nên thỉnh ngài mà hỏi".
Nay Trẫm sai quan nội thị Tiết Giản mang chiếu chỉ đến thỉnh Ngài, mong Ngài từ bi sớm lên kinh đô.
Sư dâng biểu cáo bệnh chối từ, nguyện suốt đời ở nơi rừng núi. Tiết Giản thưa:
- Các bậc thiền đức ở kinh thành đều nói: Muốn hiểu được Đạo thì cần phải ngồi thiền tập định, nếu không nhờ thiền định mà giải thoát được thì điều này chưa từng có, chẳng rõ những điều Sư dạy như thế nào?
Sư bảo:
- Đạo do tâm ngộ, không phải do ngồi. Kinh dạy: "Nếu nói Như Lai ngồi hay nằm đều là làm theo tà đạo". Vì sao? Vì không từ đâu lại, cũng không đi đâu, không sanh, không diệt, đó là Thiền định của Như Lai, các pháp không tịch đó là chỗ ngồi thanh tịnh của Như Lai, tuyệt đối không chứng đắc huống chi là ngồi.
Giản thưa:
- Khi đệ tử về Kinh, Chúa thượng thế nào cũng hỏi, xin Sư từ bi chỉ bày tâm yếu, để đệ tử về tâu lại hai cung, và những người học đạo ở kinh thành. Như một ngọn đèn mồi sang trăm ngàn ngọn, chỗ tối sẽ được sáng và như thế ánh sáng nối tiếp nhau vô tận.
Sư nói:
- Ánh sáng dụ cho trí tuệ, bóng tối dụ cho phiền não. Người tu đạo nếu không lấy trí tuệ để chiếu phá phiền não thì sanh tử từ vô thỉ dựa vào đâu mà ra khỏi được?
Sư dạy:
- Phiền não tức Bồ đề không hai không khác. Nếu lấy trí tuệ để chiếu phá phiền não thì đó là kiến giải của nhị thừa, là căn cơ của hạng ngồi xe dê, xe hươu chứ không phải của người đại căn thượng trí.
Giản thưa:
- Kiến giải của Đại thừa như thế nào?
Sư dạy:
- Minh và vô minh, phàm phu thấy hai, người trí liễu đạt tánh nó không hai, tánh không hai tức là thật tánh. Thật tánh này ở phàm phu không giảm, ở Thánh hiền không tăng, ở trong phiền não mà không loạn, ở trong thiền định mà không lặng, không đoạn không thường, không đến, không đi, không ở giữa, không ở ngoài cũng không ở trong, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ không đổi, đó gọi là Đạo.
Giản thưa:
- Sư nói chẳng sanh, chẳng diệt thì có khác nào ngoại đạo?
Sư nói:
- Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt, là đem diệt để chấm dứt sanh, lấy sanh để làm sáng tỏ diệt. Vậy, diệt cũng như chẳng diệt, sanh nói chẳng sanh. Ta nói chẳng sanh chẳng diệt, là vì vốn tự nó đã không sanh nên nay cũng không diệt, cho nên không giống với ngoại đạo. Nhà ngươi, nếu muốn biết tâm yếu thì chỉ cần không suy lường đến tất cả những việc thiện ác, thì tự nhiên sẽ vào được tâm thể thanh tịnh, trạm nhiên thường tịch, diệu dụng không cùng.
Giản nhờ chỉ giáo, hốt nhiên đại ngộ đảnh lễ rồi từ tạ về Kinh, làm biểu tâu lại những lời sư đã dạy lên Vua.
Vào ngày mồng 3 tháng 9 nămđó, có tờ chiếu dụ gởi Sư rằng: "Sư từ chối lý do già bệnh để vì Trẫm mà tu đạo phước điền cho đất nước, thì chẳng khác nào ngài Tịnh Danh giả bệnh ở thành Tỳ Da với mục đích xiển dương đại thừa, truyền tâm ấn của chư Phật, và nói pháp không hai. Tiết Giản đã truyền lại những lời Sư dạy về tri kiến Như Lai. Trẫm nhờ đã tích tụ và gieo trồng nhiều thiện căn từ kiếp trước, nên đã gặp Sư ra đời, nhờ đó mà đốn ngộn thượng thừa. Cảm đội ân Sư mãi mãi không thôi. Nay xin dâng Ca Sa Ma Nạp và bình bát thủy tinh…" Lại sắc cho quan thức sử Thiều Châu trùng tu lại ngôi chùa, cùng đặt lại tên chùa cũ nơi Sư đã cư ngụ trước kia là Quốc Ân.

Người đăng: Phổ Đồng on Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2008
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.