KINH 201. LA-HẦU-LA (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương Xá.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo La-hầu-la:

“Biết như thế nào, thấy như thế nào, để bên trong thân có thức này cùng trong tất cả những tướng trạng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử?”

[51a] La-hầu-la bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Xin vì các Tỳ-kheo mà dạy đầy đủ nghĩa này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ vâng lời thực hành.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Lành thay! hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Những gì thuộc về mắt, hoặc là quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc là hiện tại; hoặc là trong, hoặc là ngoài; hoặc là thô, hoặc là tế; hoặc là tốt, hoặc là xấu; hoặc là xa, hoặc là gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, hãy quán sát chân chánh như vậy.

“Này La-hầu-la, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Này La-hầu-la, biết như vậy, thấy như vậy, trong thân có thức này cùng trong tất cả những tướng trạng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử.”

“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo như vậy vượt cả hai , xa lìa các tướng, tịch diệt, giải thoát.

“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo như vậy đoạn trừ các ái dục, chuyển kết sử, cứu cánh biên tế khổ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như nói về “nội nhập xứ,” cũng vậy, “ngoại nhập xứ,” cho đến “cảm thọ phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc,” cũng nói chi tiết như vậy.

KINH 202. LA-HẦU-LA (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Xin vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp, một mình con ở nơi thanh vắng, chuyên cần tư duy, không buông lung. Sau khi sống một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, con sẽ tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, tu trì phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri tự tác chứng, biết rằng: ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, đức Thế Tôn xét thấy tâm giải thoát, và tuệ của La-hầu-la chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được , nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã từng diễn nói năm thủ uẩn cho người khác chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác mà diễn nói năm thủ uẩn.”

Khi La-hầu-la nghe lời dạy của Phật rồi, sau đó vì người khác diễn nói về năm thủ uẩn. Sau đó, Tôn giả trở lại chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn con đã vì người khác nói về năm thủ uẩn rồi. Nay xin Thế Tôn vì [51b] con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong rồi sẽ ở một mình chuyên cần suy nghĩ, sống không buông lung, và cho đến ‘… tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, đức Thế Tôn lại xét thấy tâm giải thoát, và trí tuệ của La-hầu-la là chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã vì người khác nói về sáu nhập xứ chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác diễn nói về sáu nhập xứ.”

Rồi, vào một lúc khác, La-hầu-la lại diễn nói sáu nhập xứ cho người khác nghe. Sau khi nói sáu nhập xứ xong, đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã vì người khác mà diễn nói sáu nhập xứ rồi. Xin đức Thế Tôn vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong sẽ ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên cần suy nghĩ, sống không buông lung, cho đến ‘… tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, đức Thế Tôn xét thấy tâm giải thoát và trí tuệ của La-hầu-la chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã vì người khác nói pháp ni-đà-na chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác mà diễn nói pháp ni-đà-na đi.”

Rồi, vào một lúc khác, La-hầu-la lại vì người khác nói đầy đủ pháp ni-đà-na xong, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn vì con mà nói pháp, sau khi con nghe pháp xong, sẽ ở một mình nơi chỗ vắng chuyên cần suy nghĩ, sống không buông lung, cho đến ‘… tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, đức Thế Tôn xét thấy tâm giải thoát, và trí tuệ của La-hầu-la vẫn chưa thuần thục, cho đến… bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên đối với những pháp đã nói ở trên, ở một mình nơi vắng vẻ chuyên cần suy nghĩ, mà quán sát nghĩa lý của chúng.”

Bấy giờ, La-hầu-la vâng lời Phật dạy, như pháp đã nói, như pháp đã được nghe suy nghĩ cân nhắc, quán sát nghĩa lý của chúng, tự nghĩ: “Các pháp này, tất cả đều thuận hướng Niết-bàn, lưu nhập Niết-bàn, cuối cùng an trụ Niết-bàn.

Rồi, một lúc khác, La-hầu-la đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi lui đứng sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đối với pháp đã được nói, pháp con đã được nghe như trên, con đã ở một mình nơi vắng vẻ, tư duy cân nhắc và quán sát nghĩa lý của chúng, biết những pháp này tất cả đều thuận hướng Niết-bàn, lưu nhập Niết-bàn, cuối cùng an trụ Niết-bàn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn xét thấy tâm giải thoát và trí tuệ của La-hầu-la đã được thuần thục, có thể nhận [51c] lãnh được pháp tăng thượng, nên bảo La-hầu-la:

“Tất cả đều vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, vân vân, đều vô thường (chi tiết như các kinh trước).”

Tôn giả La-hầu-la sau khi nghe những điều Phật nói, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau khi La-hầu-la vâng theo lời Phật dạy, một mình ở nơi vắng vẻ, sống không buông lung, chuyên cần tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, chuyên tu phạm hạnh cho đến… ngay trong đời này, tự tri tự tác chứng, tự biết ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ La-hầu-ha thành A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

Phật nói kinh này xong, La-hầu-la nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 203. LẬU TẬN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, làm lễ sát chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào, để lần lượt nhanh chóng chứng đắc lậu tận?”

Đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Hãy chân chánh quán sát vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, hãy quán sát là vô thường. Pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, tất cả chúng cũng đều là vô thường. Này Tỳ-kheo, biết như vậy, thấy như vậy, để lần lượt nhanh chóng chứng đắc lậu tận.”

Khi Tỳ-kheo kia đã nghe những điều đức Phật đã dạy, vui mừng làm lễ mà lui.

Như kinh đức Phật đã dạy cho Tỳ-kheo trên, nhưng có điểm sai biệt ở chỗ:

Biết thế nào, thấy thế nào, để lần lượt dứt sạch các kiết sử ,

Đoạn trừ tất cả những hệ phược ,

Đoạn trừ tất cả những sử ,

Đoạn trừ tất cả những tùy phiền não ,

Đoạn trừ tất cả những kết ,

Đoạn trừ những lưu ,

Đoạn trừ những ách ,

Đoạn trừ những thủ ,

Đoạn trừ những xúc,

Những ngăn che được đoạn trừ,

Đoạn trừ các triền cái,

Đoạn trừ những cấu uế,

Đoạn trừ những ái,

Đoạn trừ những ý,

Đoạn trừ những tà kiến, sanh chánh kiến,

Đoạn trừ vô minh sanh minh. (… ) “Này Tỳ-kheo, quán sát mắt là vô thường như vậy, cho đến… biết như vậy, thấy như vậy lần lượt vô minh được đoạn trừ để sanh ra minh.

Khi Tỳ-kheo kia nghe những điều đức Phật đã dạy rồi hoan hỷ, làm lễ mà lui.

KINH 204. NGÃ KIẾN ĐOẠN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. [52a] Bấy giờ, có Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào để lần lượt ngã kiến được đoạn trừ, vô ngã kiến phát sanh?”

Phật bảo Tỳ-kheo kia:

“Đối với mắt mà chánh quán vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, kia cũng chánh quán là vô ngã. Cũng vậy, cho đến, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, kia cũng chánh quán là vô ngã.

“Này Tỳ-kheo, biết như vậy, thấy như vậy, sẽ lần lượt ngã kiến được đoạn trừ, vô ngã kiến phát sanh. Tỳ-kheo kia sau khi nghe những diều đức Phật đã dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui.

KINH 205. NĂNG ĐOẠN NHẤT PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo đoạn trừ được một pháp sẽ đạt được chánh trí, và có thể tự tuyên bố, tự biết ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Cúi xin diễn nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ vâng theo lời chỉ dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là đoạn trừ một pháp cho đến… không còn tái sanh đời sau nữa? Đó là vô minh, ly dục, minh phát sanh, đạt được chánh trí, và có thể tự tuyên bố, tự biết ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai hữu, đảnh lễ Phật, gối phải quỳ sát đất, chấp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào để vô minh ly dục, minh phát sanh?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng như vậy. Tỳ-kheo nào, biết như vậy, thấy như vậy đối với vô minh ly dục, thì minh phát sanh.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 206. NHƯ THẬT TRI KIẾN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

“Đối với mắt, hãy biết như thật, thấy như thật. Hoặc sắc, nhãn thức, nhãn xúc,[52b] cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy biết như thật, thấy như thật. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Khi đã biết như thật về chúng, đã thấy như thật về chúng rồi, ở nơi mắt sanh ra nhàm tởm. Ở nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, sanh ra nhàm tởm. Ở nơi tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Do nhàm tởm mà không ái lạc. Do không ái lạc mà được giải thoát, giải thoát tri kiến, tự biết ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 207. ƯU-ĐÀ-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ đức Thế Tôn nói những bài kệ ưu-đà-na rồi, bảo Tôn giả A-nan:

“Mắt là vô thường, khổ, biến dịch, là pháp dị phần . Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc; chúng là vô thường, khổ, biến dịch, là pháp dị phần. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử nên quán sát như vậy, đối với mắt mà được giải thoát; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc mà được giải thoát. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý, ý thức, ý xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, mà được giải thoát. Ta bảo người này giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 208. NHƯ THẬT TRI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly . Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy chuyên cần phương tiện thiền tư để được nội tâm tịch tĩnh.Vì sao? Này các Tỳ-kheo, do phương tiện thiền tư, được nội tâm tịch tĩnh, nên tri kiến như thật như vậy sẽ được hiển hiện . Hiển hiện như thật tri về cái gì? Hiển hiện như thật tri đối với mắt. Hiển hiện như thật tri đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Các pháp này là vô thường, hữu vi, được hiển hiện như thật tri như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 209. TAM-MA-ĐỀ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà [52c] Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly . Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu tập vô lượng tam-ma-đề, chuyên cần tập trung ý nghĩ. Vì sao? Do tu tập vô lượng tam-ma-đề, chuyên cần tập trung ý nghĩ mà được như thật hiển hiện. Như thật hiển hiện cái gì? Như thật hiển hiện đối với mắt.”

Chi tiết như trên... cho đến:

“Các pháp này là vô thường, hữu vi cũng được hiển hiện như thật như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 210 VÔ THƯỜNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly . Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, không hoài niệm mắt quá khứ, không mong cầu mắt vị lai, và đối với mắt hiện tại mà nhàm tởm, không ham muốn, ly dục, hướng đến chán bỏ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như vô thường, đối với khổ, không, vô ngã cũng dạy như vậy.

Như bốn kinh nội nhập xứ, bốn kinh ngoại nhập xứ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, và bốn kinh nội ngoại nhập xứ cũng dạy như vậy.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.