KINH 261. NAN-ĐÀ THUYẾT PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có chúng Đại Thanh văn ni ở trong vườn vua nước Xá-vệ. Tên các Tỳ-kheo-ni này là Thuần-đà Tỳ-kheo-ni, Dân-đà Tỳ-kheo-ni, Ma-la-bà Tỳ-kheo-ni, Ba-la-giá-la Tỳ-kheo-ni, Đà-la-tì-ca Tỳ-kheo-ni, Sai-ma Tỳ-kheo-ni, Nan-ma Tỳ-kheo-ni, Cáo-nan-xá Cù-đàm-di Tỳ-kheo-ni, Ưu-bát-la-sắc Tỳ-kheo-ni, Ma-ha Ba-xà-ba-đề Tỳ-kheo-ni. Những vị này cùng một số Tỳ-kheo-ni khác đều ở trong vườn vua.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng với năm trăm Tỳ-kheo-ni lần lượt trước sau đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, Thế Tôn vì Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề mà thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ . Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, Ngài khiến họ lui về, rằng:

“Tỳ-kheo-ni! Thời gian thích hợp, nên đi!”

Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui.

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã về rồi, mới bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nay tuổi đã già yếu, không còn có thể vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp được. Tỳ-kheo Tăng các người, từ nay các Thượng tọa tôn đức hãy giáo thọ các Tỳ-kheo-ni.”

Các Tỳ-kheo vâng lời đức Thế Tôn, tuần tự theo thứ lớp giáo thọ các Tỳ-kheo-ni. Theo thứ tự, đến phiên Nan-đà.

Bấy giờ, theo thứ tự, Nan-đà đi nhưng không muốn đi giáo thọ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni trước sau lần lượt đến chỗ đức Thế Tôn [74a], cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, cho đến… xin được nghe pháp. Nghe xong họ hoan hỷ, đảnh lễ rồi ra về.

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã về rồi, liền hỏi Tôn giả A-nan:

“Hôm nay đến phiên ai giáo thọ các Tỳ-kheo-ni?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Thượng tọa đã lần lượt giáo thọ Tỳ-kheo-ni rồi, nay tới phiên Nan-đà, nhưng Nan-đà không muốn giáo thọ.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Nan-đà:

“Ngươi hãy giáo thọ các Tỳ-kheo-ni, vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp. Vì sao? Vì Ta đã đích thân dạy dỗ các Tỳ-kheo-ni, nên ngươi cũng phải như vậy. Ta đã vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp, ngươi cũng nên như vậy.”

Bấy giờ, Nan-đà im lặng vâng lời.

Sáng sớm hôm sau, Nan-đà đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, Tôn giả trở về tinh xá, thu cất y bát, rửa chân xong vào thất tọa thiền. Sau khi tỉnh giác thiền tịnh, Nan-đà đắp y tăng-già-lê, và dẫn theo một Tỳ-kheo đi đến vườn vua. Các Tỳ-kheo-ni từ xa trông thấy Tôn giả Nan-đà đến, vội vàng trải chỗ ngồi, và mời ngồi. Tôn giả Nan-đà an tọa xong, các Tỳ-kheo-ni cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Nan-đà nói với các Tỳ-kheo-ni:

“Này các cô! Các cô có điều chi xin hỏi tôi, tôi sẽ vì các cô mà nói pháp. Các cô nếu hiểu rồi, xin nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu, nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại, tôi sẽ sẵn sàng nói lại.”

Các Tỳ-kheo-ni Bạch Tôn giả Nan-đà:

“Ngày nay chúng con nghe Tôn giả dạy, cho phép chúng con hỏi, bảo chúng con rằng: ‘Các cô nếu hiểu rồi, xin nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu, nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại.’ Chúng con nghe được điều này, lòng rất vui mừng. Bây giờ, chúng con xin hỏi về những nghĩa lý chưa được hiểu.”

Lúc đó Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Thế nào các cô, khi quán sát về nội nhập xứ của mắt, có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Khi quán sát về nội nhập xứ của tai mũi, lưỡi, thân, ý có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Bạch Tôn giả Nan-đà, đối với pháp này chúng con đã từng thấy biết như thật. Đối với sáu nội nhập xứ quán sát là vô ngã, chúng con từng hiểu ý như vầy: sáu nội nhập xứ là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! Các cô nên hiểu như vậy. Sáu nội nhập xứ nên quán sát là vô ngã.

“Này các Tỳ-kheo-ni, ngoại nhập xứ của sắc có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Ngoại nhập xứ của thanh, hương, vị, xúc, pháp, có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ngoại nhập xứ này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. [74b] Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ngoại nhập xứ như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà khen ngợi các Tỳ-kheo-ni:

“Tốt lắm! Các cô đối với nghĩa này nên quán sát như vầy: ‘Sáu ngoại nhập xứ là vô ngã. Nếu duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, vậy thì nhãn thức này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, vậy thì ý thức này có phải là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thức thân này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thức thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu thức thân như thật là vô ngã; duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, vậy xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ý thức, ba sự hòa hợp sanh xúc, vậy thì xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu xúc này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý như vầy: Sáu xúc như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu xúc thân như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh xúc, xúc duyên thọ, vậy thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh xúc, xúc duyên thọ, vậy thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thọ thân này[74c] chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thọ thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà lại bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu thọ thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên tưởng, vậy tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên tưởng, vậy tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tưởng thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu tưởng thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu tưởng thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên tư, vậy tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên tư, vậy tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tư thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu tư thân này như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu tư thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên ái, vậy ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sanh xúc, xúc duyên ái, vậy ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ái thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ái thân này như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu ái thân này như thật là vô ngã.’

“Này các Tỳ-kheo-ni, ví như nhờ vào có dầu mỡ, và nhờ vào tim đèn nên đèn được cháy sáng. Dầu này là vô thường, tim đèn là vô thường, lửa là vô thường, cây đèn [75a] cũng là vô thường. Nếu có người bảo rằng không dầu, không tim, không lửa, không đèn mà có ánh sáng thường trụ mãi mãi, không biến đổi, lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Tôn giả Nan-đà nói:

“Vì sao? Vì nhờ vào có dầu, tim, cây đèn, nên đèn cháy sáng. Dầu, tim, và cây đèn này đều là vô thường. Nếu không dầu, không tim, không đèn thì ánh sáng của cây đèn cũng theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật. Như vậy, này các cô, sáu nội nhập xứ này là vô thường. Nếu có người bảo rằng ‘hỷ lạc do nhân duyên sáu nội nhập xứ này mà sanh, nó thường hằng, thường trụ, không biến đổi, an ổn,’ thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì chúng con đã từng quán sát như thật rằng vì những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: Do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; những pháp làm duyên kia nếu diệt đi, các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.”

“Này các Tỳ-kheo-ni, thí như cây đại thọ có gốc, cành, nhánh, lá; gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng đều là vô thường. Nếu có người bảo rằng không có cành, nhánh, lá của cây này, mà chỉ có cái bóng của nó là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì như gốc, cành, nhánh, lá cây lớn này; gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng là vô thường. Không gốc, không cành, không nhánh, không lá, cái bóng nương vào nơi cây đó, tất cả cũng đều không.”

Hỏi tiếp:

“Này các cô, duyên vào ngoại lục nhập xứ vô thường. Nếu bảo rằng ‘hỷ lạc do nhân duyên sáu ngoại nhập xứ mà sanh là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, và an ổn,’ lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả, không. Vì sao? Vì đối với nghĩa này chúng con đã quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Các Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này nên quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.

“Các cô hãy nghe tôi [75b] nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ này mà hiểu rõ. Như người đồ tể mổ bò một cách thiện nghệ, hay người học trò của ông ta, tay cầm dao bén để lột da con bò, bằng cách lòn lách vào giữa da và thịt mà không phạm vào phần thịt bên trong, cũng không rách phần da ở bên ngoài, kể cả việc mổ lột chân cẳng gân cốt con bò, sau đó dùng tấm da ấy phủ lên nó trở lại. Nếu có người bảo rằng: ‘Da thịt của con bò này hoàn toàn không bị cắt rời.’ Vậy, lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì người đồ tể thiện nghệ này, và học trò của ông ta tay cầm dao bén, lòn lách vào giữa da và thịt, để lột da mà không chạm đến da thịt của nó, kể cả chân cẳng gân xương, tất cả đều đứt hết, sau đó trùm lại con bò ấy. Nhưng da thịt đã bị cắt đã rời, không phải là không bị cắt rời.”

“Này các cô, tôi sẽ giải thích về ý nghĩa của thí dụ này: Con bò dụ cho sắc thô của thân người, như được nói chi tiết trong kinh Giỏ rắn độc. Thịt là chỉ cho nội sáu nhập xứ. Da ngoài chỉ cho ngoại sáu nhập xứ. Người đồ tể chỉ cho bậc hữu học thấy đạo tích . Gân xương ở khoảng giữa da thịt chỉ cho sự câu hữu của hai món tham-hỷ. Dao bén chỉ cho trí tuệ sắc bén. Đa văn Thánh đệ tử dùng dao bén trí tuệ chặt đứt tất cả những kết sử, triền phược, tùy miên, phiền não, tùy phiền não. Cho nên, các cô nên học như vậy. Đối với những pháp đáng yêu thích, tâm không nên đắm trước, vì để đoạn trừ tham vậy. Đối với những pháp đáng sân hận, cũng không nên sanh tâm sân hận, vì để đoạn trừ sân vậy. Đối với những pháp đáng si, không nên sanh tâm si, vì để đoạn trừ si vậy. Đối với năm thủ uẩn phải quán sát sanh diệt. Đối với sáu xúc nhập xứ phải quán sát về sự tập khởi, và sự diệt tận. Đối với bốn niệm xứ nên khéo buộc tâm. An trú nơi bảy giác phần; khi tu bảy giác phần rồi, đối với dục lậu kia tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với hữu lậu, tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với vô minh lậu, tâm không duyên đắm, tâm được giải thoát. Các cô nên học như vậy.”

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp làm cho hoan hỷ . Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng đi với năm trăm Tỳ-kheo-ni quyến thuộc lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, lui đứng qua một bên,… cho đến đảnh lễ Phật rồi trở về.

Bấy giờ Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã ra về, Ngài mới bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như trăng sáng đêm mười bốn, có nhiều người ngắm trăng; trăng đã tròn hay chưa tròn? Nên biết vầng trăng ấy chưa tròn lắm. Cũng vậy, thiện nam tử Nan-đà vì năm [75c] trăm Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ, chân chánh thuyết, đối với sự giải thoát của họ, vẫn chưa phải là rốt ráo. Nhưng những Tỳ-kheo-ni này khi mạng chung không một kết sử nào là không đoạn, để có thể khiến cho họ sanh trở lại đời này.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà:

“Hãy vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp.”

Lúc ấy, Tôn giả Nan-đà im lặng vâng lời. Sáng hôm sau, Tôn giả mang bát vào thành khất thực. Thọ trai xong, Tôn giả đi tới vườn vua, rồi ngồi xuống chỗ ngồi, vì các Tỳ-kheo-ni nói pháp, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rời khỏi chỗ ngồi, đứng dậy ra về.

Một hôm, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni trước sau lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật,… cho đến đảnh lễ ra về.

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã đi rồi, bảo các Tỳ-kheo :

“Thí như trăng sáng đêm rằm, không còn ai nghi ngờ về vầng trăng tròn hay không tròn, nhưng vầng trăng kia hoàn toàn tròn đầy. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà đã vì các Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ như vậy, cứu cánh giải thoát. Nếu lúc mạng chung, dù không có người nào nói họ sẽ đi về đâu, nhưng họ cũng có thể tự biết đây là biên tế của khổ.”

Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho năm trăm Tỳ-kheo-ni chứng quả thứ nhất .

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 262. LUẬT NGHI BẤT LUẬT NGHI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bất luật nghi và luật nghi , các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói. Thế nào là bất luật nghi? Nếu nhãn căn không được luật nghi thâu giữ , nhãn thức bị đắm sắc; vì bị đắm sắc nên sanh ra khổ thọ; vì khổ thọ nên không được nhất tâm ; vì không nhất tâm nên không thấy biết như thật; vì không thấy biết như thật nên không lìa nghi hoặc; vì không lìa nghi hoặc nên bị chúng làm mê lầm chịu khổ mãi mãi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là bất luật nghi.

“Thế nào là luật nghi? Nếu nhãn căn được luật nghi thâu giữ, khi nhãn thức nhận thức sắc, tâm không nhiễm trước ; khi tâm không nhiễm trước thì thường trụ an vui; vì tâm đã trụ trong an vui nên thường được nhất tâm, vì đã nhất tâm nên thấy biết như thật, vì đã thấy biết như thật nên lìa nghi hoặc, vì đã lìa nghi hoặc nên không bị chúng làm mê lầm, và thường trụ trong an vui. Tai, mũi, lưỡi, [76a] thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là luật nghi.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 263. THỐI BẤT THỐI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có pháp thối chuyển, không thối chuyển, và sáu xúc xứ. Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Thế nào là pháp thối chuyển? Khi mắt biết sắc, suy tầm dục vọng phát sanh , Tỳ-kheo đó hoan hỷ, tán thán, chấp lấy, dính mắc, thuận theo sự xoay chuyển của pháp này, nên biết, Tỳ-kheo này đã thối chuyển các pháp lành . Thế Tôn nói đó là pháp thối chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào là pháp không thối chuyển? Khi mắt biết sắc mà sự kết buộc suy tầm dục vọng không sanh, Tỳ-kheo đó không hoan hỷ, không tán thán, không chấp lấy, không dính mắc và, đối với pháp này không thuận theo sự xoay chuyển, nên biết, Tỳ-kheo này không thối chuyển các pháp lành. Thế Tôn nói đó là pháp không thối chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào là sáu thắng xứ ? Khi nhãn thức duyên sắc, mà không sanh suy tầm dục vọng dẫn đến kết buộc ô nhiễm, nên biết, Tỳ-kheo này đã thắng được nhập xứ kia . Thế Tôn nói đó là thắng được nhập xứ kia. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Tỳ-kheo đối với sáu thắng xứ đã thắng được rồi, sẽ đoạn trừ được kết sử tham dục, và sẽ đoạn trừ được kết sử ngu si, sân hận. Giống như ông vua đánh thắng oán địch, và được tôn là ‘Ông vua chiến thắng;’ người đã đoạn trừ các kiết sử rồi được gọi là ‘Bà-la-môn chiến thắng.’”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 264. ĐIỀU PHỤC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sáu căn này mà không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

“Sáu căn là những gì? Nhãn căn không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, ở đời vị lai sẽ chịu báo khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc, chấp thủ tướng chung, chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, đều an trụ với bất luật nghi được chấp thọ , các ác pháp bất thiện tham ái của thế gian lọt vào tâm; những điều như thế đều do không thể chấp trì luật nghi, phòng hộ nhãn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như thế [76b] đối với sáu căn, không điều phục, không đóng kín, không giữ gìn, không chấp trì, không tu tập, ở đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

“Thế nào là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập, ở đời vị lai sẽ được an vui? Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc không chấp thủ tướng chung, không chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, vẫn thường an trú với luật nghi. Những pháp ác, bất thiện tham ái ở thế gian không lọt vào tâm, có thể sanh ra các luật nghi, khéo thủ hộ nhãn căn . Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập, ở đời vị lai sẽ được an vui.

Đức Phật liền nói bài kệ:

Nơi sáu xúc nhập xứ,

Sống với không luật nghi;

Những Tỳ-kheo như vậy,

Mãi mãi chịu khổ lớn.

Đối với các luật nghi,

Luôn tinh cần tu tập,

Chánh tín, tâm không hai,

Các lậu chẳng vào tâm.

Mắt thấy những sắc kia,

Vừa ý không vừa ý;

Vừa ý, không sanh muốn,

Không vừa ý, chẳng ghét.

Tai nghe những âm thanh,

Khả niệm, không khả niệm;

Khả niệm, không ưa đắm,

Không khả, không khởi ác.

Mũi ngửi đến các mùi,

Hoặc thơm, hoặc là hôi;

Đối thơm, hôi, bình đẳng,

Không muốn, cũng không trái.

Đối các vị để ăn,

Chúng cũng có ngon, dở;

Vị ngon không khởi tham,

Vị dở không kén chọn.

Thân xúc tạo vui sướng,

Mà chẳng sanh buông lung;

Xúc chạm bị khổ đau,

Không sanh tưởng oán ghét.

Khổ vui đều buông hết,

Chưa diệt khiến cho diệt.

Phải quán sát tâm ý,

Các tướng, các tướng kia.

Giả dối mà phân biệt,

Dục tham càng rộng lớn.

Giác ngộ các ác kia,

An trú tâm lìa dục.

Khéo nhiếp sáu căn này,

Sáu cảnh xúc không động,

[76c] Dẹp sạch các ma oán,

Vượt qua bờ sống chết.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 265. TẦN-ĐẦU THÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến ở trong rừng Thân-thứ , phía bắc thành Tần-đầu .

Bấy giờ trong thành Tân-đầu có các gia chủ Bà-la-môn đều nghe Thế Tôn đang ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân-thứ, phía bắc thành Tân-đầu. Họ nghe vậy rồi, tất cả đều ra khỏi thành, đi đến rừng Thân-thứ, chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, đức Phật nói với các gia chủ Bà-la-môn thành Tân-đầu:

“Nếu có người hỏi các Ông: ‘Những hạng Sa-môn, Bà-la-môn nào không đáng cung kính, lễ bái, thừa sự, cúng dường?’ thì các Ông nên đáp là: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, mắt thấy sắc mà chưa lìa được tham, chưa lìa được dục, chưa lìa ái, chưa lìa khao khát, chưa lìa niệm, nội tâm không tịch tịnh, việc làm phi pháp, hành vi thô tháo. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những hạng Tì-kheo như vậy không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, thừa sự, cúng dường.’ Nói như vậy xong, lại có người khác hỏi: ‘Vì sao những Sa-môn này không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các Ông nên trả lời: “Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh, và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn kia, khi mắt thấy sắc cũng không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm họ không tịch tịnh, hành động phi pháp, việc làm lôi thôi, và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Chúng tôi tìm sự sai biệt ở đây, nhưng không thấy họ khác biệt chúng tôi chỗ nào. Vì vậy, chúng tôi không cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các hạng Sa-môm, Bà-la-môn như vậy.’

“Nếu có người hỏi: ‘Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các Ông nên trả lời: ‘Nếu những vị ấy khi mắt thấy sắc mà lìa dục, lìa tham, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, trong tâm họ tịch tịnh, không hành động phi pháp, làm những hạnh bình đẳng, việc làm không lôi thôi; đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy; những hạng Sa-môn, Bà-la-môn như vậy đáng được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường.’

[77a] “Nếu lại hỏi: ‘Vì sao những Sa-môn, Bà-la-môn này được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các Ông nên trả lời: ‘Chúng tôi mắt thấy sắc không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh, hành động phi pháp, việc làm lôi thôi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, y, pháp lại cũng như vậy. Những vị Sa-môn, Bà-la-môn này lại lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, nội tâm tịch tịnh, hành động đúng pháp, hành động không thô tháo; và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Ở đây, chúng tôi tìm sự khác biệt, và thấy những vị ấy có chỗ khác chúng tôi. Vì thấy có sự sai biệt, nên chúng tôi cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn ấy .’

“Đã trả lời như vậy, nếu có người lại hỏi: ‘Những Sa-môn, Bà-la-môn này có hành vi gì, có hình mạo thế nào, và có dấu hiệu nào để khiến cho các ông biết những Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si?’ Các Ông phải trả lời rằng: ‘Chúng tôi thấy Sa-môn, Bà-la-môn này có những biểu hiện như thế này: Ở trong rừng vắng, dưới bóng cây, giường thấp, hoặc nơi nệm cỏ, tu hạnh viễn ly, xa lìa người nữ, ưa gần người độc cư để cùng thiền tịnh tư duy; nếu ở những chỗ đó mà không sắc được thấy bởi mắt có thể sanh tâm tham đắm; không tiếng được nghe bởi tai có thể sanh tâm tham đắm; không mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, có thể sanh tâm tham đắm. Những Sa-môn, Bà-la-môn này có hành vi như vậy, có hình mạo như vậy, và có dấu hiệu như vậy để khiến cho các chúng tôi biết những Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si.”

Khi ấy, các Sa-môn, và gia chủ Bà-la-môn, bạch Phật:

“Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Ngài không tự khen mình, không chê người, mà chỉ nói ý nghĩa. Mỗi người nơi các nhập xứ tự mình phân biệt nhiễm ô hay thanh tịnh, nói rộng duyên khởi đúng lời nói của Như Lai Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác. Giống như người cứu được kẻ chết chìm, như mở chỗ bít kín, như chỉ lối cho kẻ lầm đường, như thắp đèn nơi tối. Cũng vậy, Thế Tôn không khen mình, chê người, mà chỉ nói ý nghĩa… cho đến, như lời Như Lai nói.”

Các gia chủ Bà-la-môn ở thành Tân-đầu, sau khi nghe những điều đức Phật đã nói, vui vẻ, làm lễ ra về.

KINH 266. OANH PHÁT MỤC-KIỀN-LIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca lan đà nơi thành Vương Xá.

[77b] Bấy giờ có Mục-kiền-liên tóc búi xuất gia, đi đến chỗ Phật, cùng nhau hỏi thăm xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với Mục-kiền-liên tóc búi:

“Ông từ đâu đến?”

Mục-liên liền bạch Phật:

“Tôi theo chúng ngoại đạo, Sa-môn, Bà-la-môn Giá-la-ca xuất gia, vừa hội họp ở giảng đường Vị tằng để nghe pháp, và từ rừng đó đến đây.”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Ông vì những phước lực gì mà nghe thuyết pháp từ các chúng Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo Giá-la-ca xuất gia kia?”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

“Tôi thử nghe phước lợi mà họ luận nghị tranh hơn nhau, nghe phước lợi mà họ phản bác luận nghị nhau.”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Từ xưa tới nay, các Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo Giá-la-ca xuất gia, luận nghị tranh hơn nhau, phản bác luận nghị nhau về phước lợi, phá hoại lẫn nhau.”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

“Cù-đàm vì phước lợi mà nói những pháp gì cho các đệ tử, để cho các đệ tử nói lại cho người khác nghe mà không phỉ báng Như Lai, không thêm, không bớt; nói chân thật, nói đúng pháp, nói đúng theo thuận thứ của pháp, để không một người nào có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ trích?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Vì phước lợi quả báo của minh, giải thoát, mà nói lại cho người nghe, không phỉ báng Như Lai, không trái đạo lý, nói đúng pháp, đúng thuận thứ của pháp, không ai có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ trích.”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, có pháp nào mà các đệ tử tu tập, thường xuyên tu tập, sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi, minh , giải thoát chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc bện:

“Có bảy giác phần, tu tập, và thường xuyên tu tập, sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi, minh, giải thoát.”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

“Có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến cho bảy giác phần đầy đủ chăng?”

Phật bảo:

“Có bốn niệm xứ, tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến bảy giác phần được đầy đủ.”

Mục-kiền-liên tóc bện lại bạch Phật:

“Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến cho bốn niệm xứ đầy đủ chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc bện:

“Có ba diệu hành, tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến cho bốn niệm xứ đầy đủ.”

Mục-kiền-liên bạch Phật:

“Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập, sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Có luật nghi của sáu xúc xứ , tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến ba diệu hành đầy đủ.”

Mục-kiền-liên tóc bện bạch Phật:

[77c] “Thế nào là luật nghi của sáu xúc xứ mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc bện:

“Nếu sắc được nhận thức bởi mắt, vừa ý, đáng ưa, đáng nhớ, có khả năng nuôi lớn dục lạc, sẽ khiến cho người hệ lụy; Tỳ-kheo kia, khi thấy sắc này, không hoan hỷ, không tán thán, không duyên theo, không đắm trước, không trụ vào. Hoặc sắc được nhận thức bởi mắt, không vừa ý, không đáng ưa, không đáng nhớ, đưa đến cảm giác khổ; các Tỳ-kheo này khi thấy, không sợ, không ghét, không hiềm, không tức tối. Đối với sắc đẹp kia, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm. Đối với sắc không đẹp, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm, nội tâm an trụ bất động, khéo tu giải thoát, tâm không lười mỏi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thức pháp lại cũng như vậy. Như vậy, đối với sáu xúc xứ mà tu tập, tu tập nhiều, đầy đủ ba diệu hành.

“Thế nào là tu ba diệu hành khiến đầy đủ bốn niệm xứ? Đa văn Thánh đệ tử ở chỗ vắng vẻ trong rừng, dưới bóng cây, tu học như vầy, tư duy như vầy: ‘Ác hành của thân này, đời này đời sau phải chịu báo ác. Nếu ta hành động với ác hành của thân, chắc phải tự sanh chán nãn, hối hận, bị người khác chê trách, Đại sư cũng chê trách, những người đồng phạm hạnh cũng đúng pháp mà chê trách ta; tiếng ác đồn khắp mọi nơi, thân hoại mạng chung sẽ rơi vào địa ngục.’ Đối với ác hành của thân, thấy quả báo đời này, đời sau như vậy. Cho nên phải dứt trừ ác hành của thân, phải tu thân diệu hành; đối với ác hành của miệng, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là đã tu tập ba diệu hành, được bốn niệm xứ thanh tịnh đầy đủ.

“Thế nào là tu tập bốn niệm xứ để được bảy giác phần đầy đủ? Này Mục-kiền-liên, như vậy, an trụ với quán thân trên toàn thân. Kia khi an trụ với quán thân trên toàn thân, nhiếp niệm an trú không xao lãng; bấy giờ, phương tiện tu tập niệm giác phần. Khi đã phương tiện tu tập niệm giác phần rồi, được niệm giác phần đầy đủ; ở nơi tâm niệm kia mà chọn lựa pháp, rồi suy tầm, suy tưởng, tư lường; bấy giờ, phương tiện tu tập trạch pháp giác phần. Khi phương tiện tu tập trạch pháp giác phần rồi, được trạch pháp giác phần đầy đủ; chọn lựa pháp này, suy tầm, suy tưởng, tư lường, phương tiện tu tập tinh tấn giác phần. Khi đã phương tiện tu tập tinh tấn giác phần rồi, được tinh tấn giác phần đầy đủ, nhờ siêng năng tinh tấn nên sanh tâm hoan hỷ; bây giờ, dùng phương tiện tu tập hỷ giác phần. Khi phương tiện tu tập hỷ giác phần rồi, được hỷ giác phần đầy đủ; [78a] do tâm hỷ, thân tâm tịch tĩnh; bây giờ, tu tập khinh an giác phần. Khi đã tu tập khinh an giác phần rồi, được khinh an giác phần đầy đủ, thân tâm tịch tĩnh, được tam-ma-đề ; bây giờ, tu tập định giác phần. Khi đã tu tập định giác phần rồi, được định giác phần đầy đủ. Tức là tâm chuyên nhất, tham ưu đình chỉ, nội tâm hành xả ; phương tiện tu tập xả giác phần. Khi đã phương tiện tu tập xả giác phần, được xả giác phần thanh tịnh đầy đủ. Đối với thọ, tâm, pháp niệm xứ cũng nói như vậy. Tu tập bốn niệm xứ như vậy, bảy giác phần được đầy đủ.

“Thế nào là tu tập bảy giác phần để đầy đủ minh, giải thoát? Này Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo tu tập niệm giác phần, y viễn ly, y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả , tiến đến tu niệm giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. (Chi tiết, cho đến) Tu tập xả giác phần cũng nói như vậy. Đó gọi là tu tập bảy giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. Như vậy, Mục-kiền-liên, pháp pháp nương nhau từ bờ này mà đến bờ kia.”

Sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, Mục-kiền-liên tóc bện xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Khi ấy, Mục-kiền-liên thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, hết những nghi ngờ mê hoặc, không do ai khác mang đến, ở trong Chánh pháp luật, tâm đạt được sự không sợ hãi; ông từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, chấp tay bạch rằng:

“Nay con có được xuất gia, thọ cụ túc ở trong chánh pháp luật không?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Nay Ông đã được xuất gia, được thọ cụ túc giới trong chánh pháp luật.”

Sau khi được xuất gia rồi, Mục-kiền-liên chuyên cần tư duy, không buông lung, cho đến thành A-la-hán.

KINH 267. CHƯ CĂN TU

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Ca-vi-già-la Mâu-chơn-lân-đà .

Bấy giờ có một niên thiếu tên là Uất-đa-la , là đệ tử của Ba-la-xà-na , đi đến chỗ Phật, cung kính hỏi thăm, rồi lui ngồi một bên.

Bấy giờ, đức Thế Tôn hỏi Uất-đa-la:

“Thầy con là Ba-la-xà-na có dạy cho các con tu tập các căn không?”

Uất-đa-la trả lời:

“Bạch Cù-đàm, đã có dạy.”

Đức Phật bảo Uất-đa-la:

“Thầy con dạy tu về các căn như thế nào?”

Uất-đa-la bạch Phật:

“Thầy con nói, mắt không nhìn thấy sắc, tai không nghe tiếng ; đó là tu về căn.

Phật bảo Uất-đa-la:

[78b] “Nếu như lời thầy con nói thì những người mù tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người mù mới không thấy sắc bằng mắt.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Tôn giả nói với Uất-đa-la:

“Như lời của Ba-la-xà-na nói, người điếc tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người điếc tai mới không nghe tiếng.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan:

“Khác sự tu căn vô thượng trong Pháp Luật của Hiền Thánh.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Xin đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói về sự tu căn vô thượng trong Pháp Luật của Hiền Thánh, để cho các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành theo.”

Phật bảo A-nan:

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, thấy sắc vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, vừa không vừa ý, muốn tu lìa bỏ cả hai, sự nhàm tởm và không nhàm tởm của Như Lai, an trụ xả tâm, với chánh niệm chánh trí.

“Như vậy, A-nan, nếu có người nào đối với năm trường hợp này, tâm khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo thủ hộ, khéo nhiếp trì, khéo tu tập, đó là ở nơi mắt và sắc mà tu tập căn vô thượng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng lại như vậy.

“Này A-nan, đó gọi là tu căn vô thượng trong Pháp Luật của Hiền Thánh.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là sự tu căn của Hiền Thánh trong pháp luật của Hiền Thánh?”

Phật bảo A-nan:

“Duyên và sắc, nhãn thức sanh, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử kia cũng phải biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đấy là thắng diệu, tức là xả bỏ hết. Khi đã xả bỏ được hết, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Giống như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay, thoáng chốc biến mất ; cũng vậy, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, trong chốc lát như vậy đều diệt hết, đạt đến chỗ lìa bỏ nhàm tởm và không nhàm tởm, an trụ xả.’

“Cũng vậy duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. [78c] Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, nhĩ thức nghe tiếng, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Đấy là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả bỏ hết. Khi đã xả bỏ được hết, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Giống như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay, thoáng chốc tiếng phát ra liền mất; cũng vậy, duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận, đó là xả. Đạt được xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết như thật như vậy: ‘Ta, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả bỏ hết. Khi đã xả bỏ được hết, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Thí như hoa sen ở dưới nước không nhiễm bùn; cũng vậy, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt hết. Có nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừ ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử kia biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Có nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Như người lực sĩ nhổ hết vị ra không còn gì nữa; cũng vậy, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là buông xả, khi buông xả hết rồi, sẽ xa lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên thân và thức, sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên thân và xúc sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như viên sắt đốt thật nóng, rưới vào một giọt nước, giọt nước liền tiêu mất; cũng vậy, duyên thân và xúc sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không [79a] vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, đó là tịch diệt, thắng diệu. Nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như người lực sĩ chặt ngọn cây ta-la, cũng vậy, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là buông xả, khi buông xả rồi thì sẽ lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Này A-nan, đó là sự tu căn của Hiền Thánh trong pháp luật của Hiền Thánh .

“Thế nào là vị hữu học thấy đạo tích trong pháp luật Hiền Thánh?”

Phật bảo A-nan:

“Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm duyên nhau sanh ra ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Này A-nan, đó gọi là hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền Thánh.

“Này A-nan, đó gọi là sự tu căn của Hiền Thánh trong pháp luật của Hiền Thánh.

“Ta đã nói về sự tu căn của Hiền Thánh trong pháp luật của Hiền Thánh; đã nói hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền Thánh.

“Này A-nan, Ta vì các Thanh văn đã làm việc cần làm. Các ngươi cũng hãy làm những việc cần làm. Nói chi tiết như kinh Giỏ rắn độc.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.









[86c23] KINH 268. LỤC LỤC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu , Câu-lưu-sấu.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay Ta sẽ nói pháp cho các ngươi, khoảng đầu, khoảng giữa, và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch. Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ! Có sáu pháp sáu. Những gì là sáu? Đó là, sáu nội nhập xứ, sáu ngoại nhập xứ, sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu ái thân.

“Sáu nội nhập xứ là những gì? Đó là, nhãn nhập xứ, nhĩ nhập xứ, tỷ nhập xứ, thiệt nhập xứ, thân nhập xứ, ý nhập xứ.

“Sáu [87a] ngoại nhập xứ là những gì? Đó là, sắc nhập xứ, thanh nhập xứ, hương nhập xứ, vị nhập xứ, xúc nhập xứ, pháp nhập xứ.

“Sáu thức thân là những gì? Đó là, nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân.

“Sáu xúc thân là những gì? Đó là, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc thân.

“Sáu thọ thân là những gì? Đó là, nhãn xúc sanh thọ, nhĩ xúc sanh thọ, tỷ xúc sanh thọ, thiệt xúc sanh thọ, thân xúc sanh thọ, ý xúc sanh thọ.

”Sáu ái thân là những gì? Đó là, mắt tiếp xúc sanh ái, tai tiếp xúc sanh ái, mũi tiếp xúc sanh ái, lưỡi tiếp xúc sanh ái, thân tiếp xúc sanh ái, ý tiếp xúc sanh ái.

“Nếu có người nói rằng ‘mắt là ngã,’ điều này chẳng đúng. Vì sao? Vì mắt là sanh diệt. Nếu mắt là ngã, ngã này phải chịu sanh tử. Cho nên nói mắt là ngã, điều này chẳng đúng. Cũng vậy, hoặc là sắc, hoặc nhãn thức, hoặc nhãn xúc, hoặc cảm thọ sanh bởi nhãn xúc, nếu là ngã, điều này cũng chẳng đúng. Vì sao? Thọ do mắt tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt. Nếu thọ do mắt tiếp xúc sinh ra là ngã, ngã này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do nhãn xúc sinh ra là ngã, điều này không đúng. Vì vậy, thọ do mắt tiếp xúc sanh ra chẳng phải là ngã. Cũng vậy, thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý tiếp xúc sinh ra chẳng phải ngã. Vì sao? Thọ do ý tiếp xúc sanh ra, nó là pháp sanh diệt. Nếu nó là ngã, ngã này phải chịu sanh tử. Cho nên nói thọ do ý tiếp xúc sinh ra là ngã, điều này chẳng đúng. Cho nên thọ do ý tiếp xúc sinh ra chẳng phải là ngã.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên biết như thật cái được tác thành bởi trí, cái được tác thành bởi mắt, cái được tác thành bởi tịch diệt, khai phát thần thông, chánh hướng Niết-bàn.

“Thế nào là thấy biết như thật cái được tác thành bởi do mắt, cho đến hướng đúng Niết-bàn? Như vậy, này các Tỳ-kheo, mắt chẳng phải ngã. Sắc, nhãn, thức, nhãn xúc, hoặc cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc ; kia cũng quán sát là chẳng phải ngã. Đối với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là biết thấy như thật sự tác thành do mắt, cho đến chánh hướng Niết-bàn. Đó gọi là kinh nói về sáu pháp sáu.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 269. LỤC NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu.

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay, Ta sẽ nói pháp cho các ngươi, khoảng đầu, khoảng giữa, và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch. [87b] Đó là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói cho các ngươi.

“Thế nào là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ? Đối với nhãn nhập xứ mà không thấy biết như thật; sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không thấy biết như thật; không thấy biết như thật nên đắm nhiễm nơi mắt; đắm nhiễm nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc. Như vậy, sự niệm tưởng, sự ngu tối tương ưng với nhiễm trước kết buộc tâm, năm thủ uẩn được tăng trưởng; tham ái hữu đương lai câu hữu với hỷ tham cũng đều được tăng trưởng; do đó, thân tâm mệt nhọc , thân tâm thiêu đốt, thân tâm hẫy hừng, thân tâm cuồng loạn, thân sinh ra cảm giác khổ. Vì thân sinh ra cảm giác khổ nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ trong đời vị lai sẽ tăng trưởng. Đó gọi là thuần một khối khổ lớn.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đối với mắt mà thấy biết như thật; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, mà thấy biết như thật; vì thấy biết như thật, nên đối với mắt không đắm nhiễm; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp thấy biết như thật; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, thấy biết như thật. Do thấy biết như thật nên đối với ý không đắm nhiễm; đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, mà không đắm nhiễm. Do không đắm nhiễm nên không tương tạp , không ngu tối, không niệm tưởng, không hệ lụy, tổn giảm năm thủ uẩn, tham ái hữu tương lai câu hữu tham, hỷ, nhiễm trước nơi này hay nơi kia, tất cả đều bị tiêu diệt; do đó, thân không khổ nhọc, tâm không khổ nhọc, thân không cháy, tâm không bị thiêu đốt, thân không hẫy hừng, tâm không hẫy hừng, thân cảm thấy khoái lạc, tâm cảm thấy an vui. Vì thân tâm cảm thấy an vui nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ trong đời vị lai đều bị tiêu diệt, và thuần một khối khổ ấm lớn cũng bị diệt.

“Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là đã tu tập đầy đủ chánh kiến, [87c] chánh tư duy, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định đã nói trước, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, tu tập thanh tịnh đầy đủ, đó gọi là tu tập bát Thánh đạo thanh tịnh đầy đủ. Khi tu tập bát Thánh đạo đã đầy đủ rồi, bốn biệm xứ cũng tu tập đầy đủ; bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy bồ-đề phần cũng tu tập đầy đủ. Đối với pháp nên biết, nên thấu rõ, tất sẽ biết, sẽ thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, tất sẽ biết, sẽ đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, tất sẽ biết, sẽ chứng; pháp nên biết, nên tu tập, sẽ tu tập .

“Những pháp nào nên biết, nên thấu rõ? Đó là danh sắc. Những pháp nào cần phải biết, cần phải dứt trừ? Đó là vô minh, hữu ái. Những pháp nào nên biết, nên chứng? Đó là minh, giải thoát. Những pháp nào nên biết, nên tu? Đó là chỉ và quán.

“Tỳ-kheo đối với pháp nên biết, nên thấu rõ này, mà tất biết, tất thấu rõ; pháp nên biết, nên đoạn trừ, mà tất biết, tất đoạn trừ; pháp nên biết, nên chứng, mà tất biết, tất chứng; pháp nên biết, nên tu, mà tất biết, tất tu; đó gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ mọi ràng buộc của ái, chân chánh hiện quán , đạt đến cứu cánh khổ biên.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 270. NHÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình ở chỗ vắng vẻ, chuyên cần tư duy, nghĩ thầm: “Tỳ-kheo nên biết thế nào, thấy thế nào để được thấy pháp?” Suy nghĩ như vậy rồi, từ chỗ ngồi thiền đứng dậy đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, một mình con ở nơi vắng, chuyên cần tinh tấn tư duy, nghĩ rằng: ‘Tỳ-kheo nên biết thế nào, nên thấy thế nào để được thấy pháp?’”

Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Ngươi hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Có hai pháp. Hai pháp gì? Mắt và sắc là hai. (Nói chi tiết như trên cho đến)... những thứ chẳng phải là cảnh giới. Vì sao? Mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh xúc; thọ, tưởng, tư câu sanh với xúc; bốn vô sắc ấm này, mắt và sắc, những pháp này gọi là con người, đối với những pháp này mà khởi ý tưởng là con người, là chúng sanh, na-la, ma-nậu-xà, ma-na-bà, sĩ phu, phước-già-la, kỳ-bà, thiền-đầu .

“Lại nói như [88a] vầy: ‘Mắt tôi thấy sắc, tai tôi nghe tiếng, mũi tôi ngửi mùi, lưỡi tôi nếm vị, thân tôi chạm biết, ý tôi phân biệt pháp.’ Kia giả lập rồi nói như vầy: ‘Vị Tôn giả này tên như vậy, sinh như vậy, họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, sống lâu như vậy, trụ lâu như vậy, thọ mạng như vậy.’ Này Tỳ-kheo, đó là tưởng, là ghi nhớ, là ngôn thuyết ; tất cả các pháp này đều là hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sinh ra. Nếu là pháp hữu vi, vô thường, do suy nghĩ mong cầu mà sanh ra, chúng là khổ. Khổ này phát sinh, rồi khổ đình trụ, rồi khổ diệt; và rồi khổ này tái diễn xuất sanh nhiều lần; tất cả đều khổ. Nếu cái khổ này dứt đi, không còn dư tàn, nhả ra hết, ly dục, tịch diệt, tịch tĩnh, mà các khổ khác không tiếp nối, không phát sinh nữa; đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả tất cả hữu dư, tất cả ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn. Tai, mũi, lưỡi, thân,… thân, xúc làm duyên sanh thức thân, ba sự hòa hợp sanh xúc; thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, với thân căn là sắc ấm, gọi đó là con người. Chi tiết như trên cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Duyên ý và pháp sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh xúc, thọ câu sanh với xúc, tưởng, tư; bốn vô sắc ấm này, và bốn đại, là sở y của con người; những pháp này gọi là con người. Chi tiết đầy đủ như trên, cho đến diệt tận Niết-bàn.

“Nếu có người nào đối với các pháp này mà tâm tùy nhập, an trú, giải thoát, không thối chuyển, đối với người ấy những hệ lụy khởi lên đều không có ngã. Tỳ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, đó là thấy pháp.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post

KINH 251. CÂU-HI-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có những điều muốn hỏi, Tôn giả có thì giờ vì tôi mà giải [60a] thích cho chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-Phất nói:

“Tùy theo những gì Tôn giả hỏi, nếu biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh, có còn gì nữa không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả A-nan:

“Đừng hỏi rằng: ‘Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh, có còn gì nữa không?’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không còn gì nữa chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả A-nan:

“Cũng đừng nên hỏi rằng: “Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không còn gì nữa chăng’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có vừa còn vừa không còn gì, vừa chẳng phải còn vừa, chẳng phải chẳng còn gì chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả A-nan:

“Ở đây, cũng không nên hỏi rằng: ‘Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có vừa còn vừa không còn gì, vừa chẳng phải còn vừa, chẳng phải chẳng còn gì chăng?’”

Tôn giả A-nan lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Như những gì Tôn giả đã nói, sáu xúc nhập xứ, sau khi đã bị đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không nên nói có, cũng không nên nói không, cũng không nên nói vừa có vừa không, cũng không nói chẳng phải có chẳng phải không; vậy thì, những lời nói này có nghĩa gì?”

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo Tôn giả A-nan:

“Sáu xúc nhập xứ, sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, có còn gì chăng? Đây là những lời hư vọng. Hoặc không còn gì chăng? Đây cũng là lời hư vọng. Hoặc có và không còn gì chăng? Đây cũng là lời hư vọng. Hoặc chẳng phải có còn chẳng phải không còn gì chăng? Đây cũng là những lời hư vọng. Nếu nói, sáu xúc nhập xứ sau khi đã đoạn tận, ly dục, diệt tận, tịch diệt, xa lìa các hư ngụy, đạt được Niết-bàn; đó là những lời dạy của Phật.”

Bấy giờ, hai vị chánh sĩ đều hoan hỷ, và mỗi người trở về chỗ của mình.

KINH 252. CÂU-HI-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Tùy theo những gì nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Bạch Tôn giả Xá-lợi-phất, thế nào, mắt kết buộc sắc , hay sắc [60b] kết buộc mắt? Tai và âm thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp; ý kết buộc pháp hay pháp kết kết buộc ý?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la:

“Chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, ở giữa hai cái đó, cái gì là dục tham thì cái đó là kết buộc.

“Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, giống như hai con bò, một đen một trắng, cùng bị buộc vào một cái ách. Có người hỏi, ‘Bò đen buộc bò trắng, hay bò trắng buộc bò đen?’ Hỏi như vậy có đúng không?”

Đáp: “Không, Tôn giả Xá-lợi-phất. Chẳng phải bò đen buộc bò trắng, cũng chẳng phải bò trắng buộc bò đen. Nhưng ở đây, hoặc là cái ách, hay là dây buộc cổ, là cái kết buộc chúng.”

“Cũng vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc sắc. Ở đây dục tham kết buộc chúng. Bạch Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, nếu mắt kết buộc sắc, hay nếu sắc kết buộc mắt, cho đến, nếu ý kết buộc pháp, hay nếu pháp kết buộc ý, Thế Tôn đã không dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Vì chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý, nên đức Thế Tôn dạy người kiến lập phạm hạnh để đoạn tận khổ. Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, Thế Tôn khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu, không khởi dục tham; còn những chúng sanh khác khi mắt thấy sắc hoặc tốt, hoặc xấu thì khởi dục tham. Cho nên đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, tâm được giải thoát, cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy.”

Bấy giờ, hai vị chánh sĩ đều hoan hỷ, và mỗi người trở về chỗ của mình.

KINH 253. CÂU-HI-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá.

Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la cùng ở trong núi Kỳ-xà-quật.

Buổi chiều sau khi từ thiền tịnh dậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Tôi có điều muốn hỏi, Nhân giả có rảnh để giải đáp cho chăng?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Tùy theo những gì nhân giả hỏi, nếu tôi biết, tôi sẽ trả lời.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là vô minh, vậy thế nào là vô minh?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời;

“Đó [60c] là không biết; không biết tức là vô minh. Không biết cái gì? Không biết như thật mắt là vô thường; đó gọi là không biết. Không biết như thật mắt là pháp sanh diệt; đó gọi là không biết. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Như vậy, Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà không như thật thấy, biết, không hiện quán, ngu si, không sáng, tối tăm, đó gọi là vô minh.”

Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Gọi là minh, vậy thế nào là minh?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Đó là biết; biết tức là minh. Biết những gì? Mắt là vô thường, nên biết như thật mắt là vô thường. Mắt là pháp sanh diệt, nên biết như thật mắt là pháp sanh diệt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Tôn giả Ma-ha Câu-hi-la, đối với sáu xúc nhập xứ này mà như thật biết, thấy, sáng tỏ, giác ngộ, có trí tuệ, có hiện quán, đó gọi là minh.”

Bấy giờ, hai vị chánh sĩ đều tùy hỷ, mỗi người trở về chỗ của mình.

KINH 254. ƯU-BA-TIÊN-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà thành Vương Xá. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là Ưu-ba-tiên-na ở trong khu Hàn lâm , giữa bãi tha ma, dưới chân núi Xà-đầu, hành xứ Ca-lan-đà tại thành Vương Xá . Bấy giờ Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang ngồi thiền một mình trong hang đá, có một con rắn rất độc, dài khoảng một thước, từ trên phiến đá rơi xuống trên người Ưu-ba-tiên-na. Ưu-ba-tiên-na gọi Tôn giả Xá-lợi-phất đi nói với các Tỳ-kheo:

“Có con rắn độc rơi xuống trên người tôi. Thân tôi đang bị trúng độc. Các thầy hãy đến nhanh lên, khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu nát.”

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới bóng cây gần đó, nghe Ưu-ba-tiên-na nói, liền đến chỗ Ưu-ba-tiên-na nói với Ưu-ba-tiên-na:

“Hiện tại nhìn sắc tướng của thầy, tôi thấy các căn vẫn bình thường không đổi khác, mà nói là trúng độc, rằng ‘Nhờ khiêng người tôi ra để bên ngoài, chớ để người tôi hủy hoại như một đống trấu.’ Vậy thì rốt cuộc là thế nào?”

Ưu-ba-tiên-na nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Nếu ai đó nói, ‘Con mắt là tôi, là của tôi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là tôi, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là của tôi; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là tôi; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là của tôi; địa giới, địa giới là tôi, là của tôi; nước, lửa, gió, không, thức giới là tôi; nước, lửa, gió, không, thức giới là của tôi; [61a] đối với sắc ấm, chấp sắc ấm là tôi, là của tôi; thọ, tưởng, hành, thức ấm là tôi; thọ, tưởng, hành, thức ấm là của tôi; với người đó, sắc mặt và các căn có thể biến đổi khác đi. Nhưng hiện tại tôi không như vậy. Mắt không phải là tôi, là của tôi, cho đến, thức ấm không phải tôi, không phải của tôi, vì vậy cho nên sắc mặt và các căn không có biến đổi khác đi.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Như vậy, này Ưu-ba-tiên-na, nếu thầy vĩnh viễn xa lìa ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử, khiến đoạn tận gốc rễ của chúng như chặt ngọn cây đa-la, đối với đời vị lai vĩnh viễn không khởi lên trở lại, vậy làm sao sắc mặt và các căn biến đổi khác đi được?”

Rồi thì, Tôn giả Xá-lợi-phất liền đi vòng qua dìu thân Tôn giả Ưu-ba-tiên-na ra khỏi hang. Thân người bị trúng độc của Tôn giả Ưu-ba-tiên-na đang hủy hoại như một đống trấu nát.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói kệ:

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu bát Thánh đạo,

Hoan hỷ xả bỏ thân,

Giống như vất bát độc.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu bát Thánh đạo,

Hoan hỷ xả bỏ thân,

Như người bệnh hết bịnh.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu bát Thánh đạo,

Như ra khỏi nhà lửa,

Lúc chết không lo tiếc.

Từ lâu, trồng phạm hạnh,

Khéo tu bát Thánh đạo,

Dùng tuệ quán thế gian,

Giống như cây cỏ thối,

Không còn mong gì nữa,

Cũng không tiếp tục nữa.

Sau khi cúng dường thi thể Tôn giả Ưu-ba-tiên-na xong, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na bị con rắn nhỏ cực độc bằng chiếc thẻ tre trị mắt, rơi xuống trên người. Thân thể Tôn giả đã hủy hoại như trấu nát.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

“Nếu Ưu-ba-tiên-na tụng bài kệ này, sẽ không trúng độc, và thân thể cũng không bị hủy hoại như trấu nát được.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, tụng những bài kệ nào, và văn cú của nó ra sao?”

Phật liền vì Xá-lợi-phất đọc kệ:

Thường từ niệm chúng,

Kiên cố Lại-tra-la;

Từ niệm Y-la-bàn,

Thi-bà-phất-đa-la,

Khâm-bà-la-thượng-mã;

Từ niệm Ca-câu-tra,

[61b] Cùng Cù-đàm đen kia,

Nan-đà, Bạt-nan-đà.

Từ niệm loài không chân,

Và cả loài hai chân,

Bốn chân, cùng nhiều chân,

Cũng khởi lòng thương xót.

Từ niệm các loài rồng,

Trên đất liền, dưới nước.

Thương tất cả chúng sanh,

Dễ sợ, không dễ sợ .

An vui cho tất cả,

Cũng lìa sanh phiền não.

Mong cho tất cả hiền,

Tất cả chớ sanh ác.

Thường ở núi Xà-đầu,

Các ác không nhóm hợp.

Rắn hung hại ác độc,

Thường hại mạng chúng sanh,

Như lời chân thật này,

Đại sư Vô thượng dạy.

Nay ta tụng kệ này,

Lời Đại sư chân thật:

Tất cả các ác độc,

Không thể hại thân ta.

Tham dục, sân, nhuế, si,

Ba độc của thế gian,

Như ba ác độc này,

Vĩnh trừ, là Phật bảo.

Pháp bảo diệt các độc.

Tăng bảo cũng diệt hết,

Phá hoại ác hung độc,

Nhiếp thủ hộ người lành,

Phật phá tất cả độc.

Nay vì phá rắn độc,

Nên nói chú thuật này:

Ô-đam-bà-lệ, đam-bà-lệ, đam-lục, ba-la-đam-lục, nại-tí, túc-nại-tí, chỉ-bạt-tí, văn-na-di, tam-ma-di, đàn-đế, ni-la-chỉ-thí, bà-la-câu-bế-ô-lệ, ô-ngu-lệ, tất-bà-ha .

“Này Xá-lợi-phất, nếu lúc ấy thiện gia nam tử Ưu-ba-tiên-na mà đọc bài kệ này, tụng những câu này, chắc chắn rắn độc không rơi trúng người, và thân thể cũng không hủy hoại như đống trấu nát.”

Xá-lợi-phất bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ưu-ba-tiên-na chưa từng nghe bài kệ này, chưa từng nghe những câu chú thuật này. Hôm nay Thế Tôn mới nói nó, mục đích chính là vì đời sau.”

Sau khi nghe Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất hoan hỷ, làm lễ rồi lui.

KINH 255. TÌ-NỰU-CA-CHIÊN-DIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Ưu-đà-di đi qua nước [61c] Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian, đến thôn Câu-bàn-trà , trú trong vườn Am-la của nữ Bà-la-môn dòng họ Tì-nữu-ca-chiên-diên.

Bấy giờ có những người đệ tử nhỏ tuổi của nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên đi nhặt củi trong vườn Am-la, thấy Tôn giả Ưu-đà-di đang ngồi dưới bóng cây, tướng mạo đoan chánh, các căn vắng lặng, tâm ý an trụ, thành tựu sự điều phục bậc nhất. Thấy vậy, họ bèn đến chỗ ngài, cùng nhau thăm hỏi, rồi ngồi xuống một bên. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đà-di vì các thiếu niên bằng nhiều hình thức, thuyết pháp, khích lệ họ xong, rồi im lặng. Sau khi nghe Tôn giả dạy, các thiếu niên tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Các thiếu niên vác củi trở về chỗ nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên, đặt củi xuống đất, rồi đến chỗ nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên, thưa:

“Hòa-thượng-ni của chúng con biết cho, trong vườn Am-la có Sa-môn Ưu-đà-di, dòng họ Cù-đàm, đang ở nơi đó. Ông ấy nói pháp rất hay.”

Nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên bảo các thiếu niên:

“Các con hãy đến đó mời Sa-môn Ưu-đà-di dòng họ Cù-đàm ngày mai đến đây dùng cơm.”

Bấy giờ, các đệ tử thiếu niên vâng lời nữ Bà-la-môn họ Tì-nữu Ca-chiên-diên đi đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di, thưa rằng:

“Tôn giả biết cho, nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên, thầy của chúng con, mời Tôn giả ngày mai đến dùng cơm.”

Bấy giờ, Ưu-đà-di im lặng nhận lời. Các thiếu niên biết Tôn giả Ưu-đà-di đã nhận lời mời rồi, trở về chỗ nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên, thưa:

“Bạch Hòa-thượng-ni, chúng con đã vâng lời Hòa-thượng-ni mời Tôn giả Ưu-đà-di, và Tôn giả Ưu-đà-di đã im lặng nhận lời mời rồi. Xin Hòa-thượng-ni biết cho.”

Qua khỏi đêm, sáng hôm sau, Tôn giả Ưu-đà-di đắp y mang bát đến nhà nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên. Nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên từ xa trông thấy Tôn giả Ưu-đà-di lại, vội vàng trải giường chiếu mời ngồi; dọn các thứ đồ ăn thức uống ra, tự tay mình cúng dường các món ngon đầy đủ. Sau khi ăn xong, rửa tay, rửa bát, bà trở lại chỗ ngồi. Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên biết Tôn giả đã ăn xong, bà mang một đôi giày tốt, lấy vải phủ đầu, để riêng [62a] một cái giường cao, tỏ vẻ khinh thường, ngạo mạn mà ngồi lên đó, và nói với Tôn giả Ưu-đà-di:

“Tôi có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để trả lời cho không?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Thưa Chị, hôm nay không phải lúc.”

Nói như vậy xong, Tôn giả rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Sáng hôm sau các đệ tử lại đến vườn Am-la nhặt củi và nghe pháp, rồi trở về lại bạch với Hòa-thượng-ni. Hòa-thượng-ni lại sai đi mời Tôn giả thọ trai. Ba lần như vậy bà thỉnh pháp, Tôn giả vẫn trả lời là chưa đúng lúc, mà không nói pháp. Các đệ tử thiếu niên lại bạch Hòa-thượng-ni:

“Ở trong vườn Am-la Sa-môn Ưu-đà-di nói pháp rất hay.”

Nữ Hòa-thượng-ni nói:

“Ta cũng biết là Ông ấy nói pháp rất hay. Nhưng qua ba lần mời đến cúng dường và hỏi pháp, luôn luôn ông bảo là chưa đúng lúc, không nói mà bỏ đi.

Các đệ tử Bạch:

“Hòa-thượng-ni mang giày tốt, dùng vải che đầu, ngồi không cung kính, Tôn giả này làm sao nói được. Vì sao? Tôn giả Ưu-đà-di này rất cung kính pháp nên không nói mà bỏ đi.”

Hòa-thượng-ni bảo:

“Nếu như vậy thì nên vì ta mời lại Tôn giả đi.”

Các đệ tử vâng lời dạy, thỉnh cúng dường trở lại như trước.

Bấy giờ, Hòa-thượng-ni biết Tôn giả đã ăn uống xong xuôi, bà liền cởi giày, sửa lại quần áo, ngồi xuống một chiếc ghế thấp, cung kính bạch:

“Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh mà trả lời cho không?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Hôm nay, Chị cứ hỏi, tôi sẽ nói cho Chị nghe.”

Bà liền hỏi:

“Có Sa-môn, Bà-la-môn nói: ‘Khổ lạc là do mình tự tạo.’ Hoặc lại có người nói: ‘Khổ lạc là do người khác tạo.’ Hoặc lại có người nói: ‘Khổ lạc là do tự mình tạo và người khác tạo.’ Hoặc có người nói: ‘Khổ lạc chẳng phải do mình tạo cũng chẳng do người khác tạo.’ Vậy theo Tôn giả thì thế nào?”

Tôn giả Ưu-đa-di đáp:

“Này Chị, A-la-ha nói khổ vui phát sanh bằng cách khác, chứ không phải nói như vậy”

Nữ Bà-la-môn lại hỏi:

“Nghĩa ấy như thế nào?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“A-la-ha nói, từ nhân duyên các khổ và lạc sanh.”

Tôn giả Ưu-đà-di lại nói với nữ Bà-la-môn:

“Bây giờ tôi hỏi Chị, tùy ý mà trả lời tôi. Ý Chị nghĩ sao, có mắt không?”

Đáp:

“Thưa có.”

“Có sắc không?”

Đáp:

“Thưa có.”

“Có nhãn thức, nhãn xúc, và các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc không?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Ưu-đà-di, có như vậy.”

Tôn giả Ưu-đà-di lại hỏi:

“Có tai, mũi, lưỡi, thân, ý, các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc không?”

Đáp:

[62b] “Thưa Tôn giả Ưu-đà-di, có như vậy.”

Tôn giả Ưu-đà-di nói:

“Đó là điều mà các A-la-ha nói, khổ lạc sanh do nhân duyên.”

Nữ Bà-la-môn bạch Tôn giả Ưu-đà-di:

“A-la-ha nói, khổ lạc sanh do nhân duyên, là như vậy chăng?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Nữ Bà-la-môn, đúng như vậy.”

Nữ Bà-la-môn lại hỏi:

“Thưa Sa-môn, A-la-ha nói như thế nào, khổ lạc, không khổ không lạc diệt do nhân duyên?”

Tôn giả Ưu-đà-di đáp:

“Bây giờ tôi hỏi Chị, cứ tùy ý mà trả lời tôi. Này Nữ Bà-la-môn, khi tất cả mắt, tất cả thời, diệt không còn gì, bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc?”

Đáp:

“Thưa Sa-môn, không.”

“Cũng vậy, khi tai, mũi, lưỡi, thân, ý và, tất cả thời cũng diệt tận vĩnh viễn không còn gì hết, bấy giờ còn tồn tại chăng các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc trong nội thân phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc?”

“Bạch Sa-môn, không.”

“Như vậy, này Nữ Bà-la-môn, đó là điều mà bậc A-la-ha nói, khổ lạc, không khổ không lạc diệt do nhân duyên.”

Khi Tôn giả Ưu-đà-di nói pháp này, nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên xa lìa trần cấu, được con mắt pháp thanh tịnh.

Bấy giờ, nữ Bà-la-môn Tì-nữu Ca-chiên-diên, thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc, không do ai khác, thâm nhập vào giáo pháp của Phật, đối với pháp đạt được vô sở úy, từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, cung kính chấp tay bạch Tôn giả Ưu-đà-di:

“Hôm nay, con quyết định, ngay từ bây giờ con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ nay cho đến suốt đời con xin quy y Tam bảo.”

Lúc bấy giờ Tôn giả Ưu-đà-di vì nữ Bà-la-môn nói pháp, soi sáng, chỉ bày, dạy bảo, làm cho vui vẻ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

KINH 256. NHỊ THẬP ỨC NHĨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn trúc Ca-lan-đà thành Vương Xá. Bấy giờ có Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ ở núi Kỳ-xà-quật, thường tinh tấn chuyên cần tu tập pháp bồ-đề phần. Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ một mình lặng lẽ thiền tư, và nghĩ rằng: “Ở trong hàng đệ tử Thanh văn tinh tấn chuyên cần của đức Thế Tôn, ta có trong số đó. Nhưng hôm nay Ta chưa diệt tận được các lậu. Ta là con nhà danh tiếng, có nhiều của cải quí báu. Ta hãy hoàn tục để hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi, còn tốt hơn nhiều.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết tâm niệm của Nhị-thập-ức-nhĩ nên bảo một Tỳ-kheo:

“Ngươi hãy đến chỗ Nhị-thập-ức-nhĩ bảo [62c] là Thế Tôn cho gọi.”

Tỳ-kheo này vâng lời Phật dạy đến chỗ Tỳ-kheo Nhị-thập-ức-nhĩ, nói rằng:

“Đức Thế Tôn cho gọi thầy.”

Nhị-thập-ức-nhĩ nghe Tỳ-kheo kia bảo là Đại sư gọi, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Có thật ngươi ở một mình lặng lẽ thiền tư, suy nghĩ rằng: ‘Ở trong hàng Thanh văn đệ tử tinh tấn chuyên cần của đức Thế Tôn, ta có trong số đó. Nhưng mãi đến hôm nay ta vẫn chưa diệt tận được các lậu. Ta là con nhà danh tiếng, có nhiều của cải quí báu. Tốt hơn ta nên hoàn tục để hưởng thọ ngũ dục, rồi làm phước, bố thí rộng rãi.’ Có phải không?”

Khi ấy, Nhị-thập-ức-nhĩ nghĩ rằng: ‘Thế Tôn đã biết tâm ta.’ Vừa kinh ngạc vừa sợ hãi, lông dựng đứng, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thật như vậy.”

Phật bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Nay Ta hỏi ngươi, ngươi cứ theo ý mình mà trả lời cho Ta. Này Nhị-thập-ức-nhĩ, khi ngươi còn ở ngoài đời, ngươi đàn hay lắm phải không?”

“Bạch, đúng vậy.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Theo ý ngươi thì thế nào, khi ngươi khảy đàn, nếu sợi giây của nó căng quá, âm thanh có hòa nhã, và vi diệu không?”

“Bạch, không.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Thế nào, nếu sợi giây của nó chùng quá, âm thanh có phát ra hòa nhã, và vi diệu không?”

“Bạch, không.”

Thế Tôn lại hỏi:

“Thế nào, nếu biết điều chỉnh sợi giây đàn không căng quá cũng không chùng quá, sau đó mới phát ra âm thanh hòa nhã, vi diệu phải không?”

“Bạch Thế Tôn, đúng như vậy.”

Phật bảo Nhị-thập-ức-nhĩ:

“Người nào tinh tấn thái quá thì sẽ tăng thêm trạo cử, còn người thiếu tinh tấn quá thì sẽ sanh ra giải đãi. Cho nên, ngươi phải bình đẳng trong tu tập và nhiếp thụ, không đắm nhiễm, không buông lung, không chấp tướng.”

Sau khi được Thế Tôn dạy, Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ luôn luôn nghĩ về thí dụ cây đàn cầm của đức Thế Tôn đã nói. Tôn giả một mình lặng lẽ thiền tư, như trên đã nói, cho đến các lậu được diệt hết, tâm được giải thoát, thành A-la-hán.

Khi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ đạt được A-la-hán, bên trong có cảm giác hỷ lạc giải thoát, bèn tự nghĩ: ‘Nay ta nên đến thăm viếng đức Thế Tôn.’ Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, trong pháp của Thế Tôn, đạt được A-la-hán, đoạn tận các lậu việc cần làm đã làm xong, rời bỏ gánh nặng, đạt được mục đích của mình, dứt sạch các hữu kết, chánh trí tâm giải thoát; ngay lúc đó được giải thoát trong sáu xứ . Những gì sáu? Đó là: giải thoát ly dục, giải thoát lìa nhuế, giải thoát viễn ly [63a], giải thoát ái tận, giải thoát các thủ, giải thoát tâm không xao lãng giải thoát.

“Bạch Thế Tôn, nếu có người nào dựa vào một ít tín tâm mà bảo là ly dục giải thoát, điều này không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật ly dục giải thoát.

“Nếu có người nào lại chỉ dựa vào một ít việc trì giới mà bảo rằng ta được lìa nhuế giải thoát, điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật giải thoát.

“Nếu có người nào lại chỉ dựa vào sự tu tập để có lợi dưỡng mà bảo là đã viễn ly giải thoát, điều này cũng không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật xa lìa được giải thoát.

“Đoạn tận được tham, nhuế, si, cũng gọi là lìa ái, cũng là lìa thủ, cũng gọi là lìa xao lãng giải thoát.

“Như vậy, bạch Thế Tôn, nếu các Tỳ-kheo chưa đắc La-hán, chưa đoạn tận các lậu, Tỳ-kheo không được giải thoát trong sáu xứ này.

“Lại nếu có Tỳ-kheo nào còn ở nơi học địa, chưa được Niết-bàn an lạc tăng thượng, mà tu tập hướng về an trụ tâm, bấy giờ thành tựu được học giới, thành tựu được học căn, sau đó lậu hoặc sẽ được đoạn hết, được vô lậu tâm giải thoát, cho đến... ‘Tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ngay lúc bấy giờ được vô học giới, được vô học các căn. Như đứa trẻ mới sinh ngu ngơ, còn nằm ngửa, sau đó một thời gian các căn của đứa bé mới được thành tựu và từ từ tăng trưởng; bấy giờ mới thành tựu được các căn của người lớn. Người còn ở tại học địa lại cũng như vậy, khi chưa được an lạc tăng thượng, cho đến, thành tựu vô học giới, vô học các căn.

“Nếu mắt thường phân biệt sắc, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, và quán sát sanh diệt, cho đến vô thường. Tai phân biệt tiếng, mũi phân biệt mùi hương, lưỡi phân biệt vị, thân phân biệt xúc chạm, ý phân biệt pháp trần, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý đã an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, cùng quán sát sanh diệt. Như núi đá lớn ở gần thôn ấp, không bị chẻ đứt, không bị đập vỡ, không bị đục thủng, vì núi đá dày đặc. Giả sử như có gió bốn phương thổi đến thì cũng không làm cho nó lay động được, không thể xuyên thủng qua được. Người vô học kia cũng lại như vậy, mắt thường phân biệt sắc, cho đến ý thường phân biệt pháp trần, vẫn không hề phương hại tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Vì ý đã an trụ chắc chắn, bên trong tu vô lượng thiện giải thoát, cùng quán sát sanh diệt.”

Bấy giờ, Nhị-thập-ức-nhĩ lập lại bằng bài kệ:

Ly dục, tâm giải thoát,

Không nhuế thoát, cũng vậy;

[63b]Viễn ly tâm giải thoát,

Tham ái quyết không còn.

Tâm giải thoát các thủ,

Và ý không mất niệm,

Khi các xứ phát sanh,

Tâm kia vẫn giải thoát.

Vị ấy tâm giải thoát,

Tỳ-kheo ý đình chỉ,

Đã làm những gì cần,

Không còn việc để làm.

Giống như núi đá lớn,

Gió bốn phương không động;

Sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Và những pháp tốt xấu,

Luôn luôn trong sáu xứ,

Không lay động tâm mình;

Tâm thường trụ vững chắc,

Quán sát pháp sanh diệt.



Khi Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ nói bài kệ này, tâm Đại sư hoan hỷ, và các đồng phạm hạnh đa văn nghe những gì Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ nói cũng đều rất hoan hỷ.

Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ sau khi nghe đức Phật nói pháp, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau khi biết Tôn giả Nhị-thập-ức-nhĩ đi không lâu, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Người có tâm khéo giải thoát, nên tuyên bố như vậy, giống như Nhị-thập-ức-nhĩ đã bằng trí tuệ mà tuyên bố, không phải tự cao, cũng không phải coi rẻ người, nói đúng nghĩa của nó, không phải như những người tăng thượng mạn, không đạt được nghĩa của nó, mà tự khen ngợi mình được pháp hơn người, để tự mình phải chuốc lấy tổn giảm.”

KINH 257. LỖ-HÊ-GIÁ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên trú tại hang A-luyện-nhã, trong thôn Di-hầu, bên cạnh sông Thấp-ma-đà, nước A-bàn-đề . Có Bà-la-môn Lỗ-hê-giá , cung kính phụng sự theo pháp của một La-hán.

Bấy giờ là sáng sớm, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đắp y mang bát vào thôn Di-hầu-thất, theo thứ tự khất thực, khất thực xong trở về, cất y bát, rửa chân rồi, vào thất ngồi Thiền.

Khi ấy có các đệ tử thiếu niên của Bà-la-môn Lỗ-hê-giá đi nhặt củi, đến bên cạnh hang của Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, cùng nhau cười đùa nói: “Có Sa-môn trọc đầu đang ở trong này. Ông là người đen đủi, chẳng phải là hạng người đáng tôn quý, nhưng Bà-la-môn Lỗ-hê-giá lại tôn trọng cúng dường, đúng như pháp La-hán?” Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo các thiếu niên:

“Này các cậu trẻ, các cậu chớ làm ồn!”

Các thiếu niên này trả lời:

“Chúng con không dám nói nữa.”

Qua ba lần như vậy, chúng vẫn nói [63c] mãi không ngừng. Lúc ấy Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên phải ra ngoài cửa nói với các thiếu niên:

“Này các cậu trẻ, các cậu đừng làm ồn nữa. Bây giờ, Ta sẽ vì các cậu mà nói pháp, các cậu hãy lắng nghe.”

Các thiếu niên nói:

“Vâng ạ, xin Ngài giảng pháp cho, chúng con sẽ lắng nghe và lãnh thọ.”

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên liền nói bài kệ:

Bà-la-môn xưa kia,

Tu tập giới thắng diệu,

Được sanh trí túc mạng,

An vui thiền chân thật,

Thường ở trong từ bi,

Đóng hết cửa các căn,

Điều phục lỗi về miệng,

Xưa kia hành như vậy.

Bỏ gốc hành chân thật,

Mà giữ việc hư dối,

Giữ tộc tánh buông lung,

Theo căn duyên sáu cảnh,

Đói khát ở gò mả,

Tắm ba (lần), tụng ba kinh,

Không giữ gìn cửa căn,

Giống như mộng được báu.

Bện tóc, khoác áo da,

Ngăn trộm, mình trét tro,

Áo thô dùng che hình,

Chống gậy mang bình nước,

Giả hình Bà-la-môn,

Vì tìm cầu lợi dưỡng.

Khéo nhiếp hộ thân mình,

Lắng sạch lìa trần cấu,

Không não hại chúng sanh,

Là đạo Bà-la-môn.

Bấy giờ, các thiếu niên Bà-la-môn, lòng sân hận không vui, bảo Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên là đã hủy báng kinh điển họ, hủy hoại những gì kinh điển đã nói, và nhục mạ Bà-la-môn. Rồi họ ôm củi trở về chỗ Bà-la-môn Lỗ-hê-giá, tâu lại với Bà-la-môn Lỗ-hê-giá rằng:

“Hòa thượng biết không, Ông Ma-ha Ca-chiên-diên phỉ báng kinh điển ta, dùng lời lẽ chê bai, mạ nhục Bà-la-môn.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói với các thiếu niên:

“Các con chớ nói những lời như vậy. Vì sao? Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên giữ trọng giới đức, không lý lại đi hủy báng kinh điển ta, dùng lời lẽ chê bai, mạ nhục Bà-la-môn?”

Các thiếu niên Bạch:

“Nếu Hòa thượng không tin những lời của chúng con, nên tự mình đến đó xem sao?”

Khi ấy Bà-la-môn Lỗ-hê-giá không tin những lời nói của các thiếu niên, liền đi đến chỗ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên. Sau khi cùng nhau thăm hỏi sức khỏe rồi, ông ngồi lui qua một bên, bạch với ngài Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Các đệ tử thiếu niên [64a] của tôi có đến đây không?”

Đáp:

“Có đến đây.”

“Ngài có nói chuyện ít nhiều gì với chúng không?”

Đáp:

“Có nói chuyện cùng với chúng.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá bạch:

“Ngài đã nói chuyện với các thiếu niên, vậy nay Ngài có thể vì tôi mà nói lại hết mọi chuyện.”

Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên liền kể lại đầy đủ câu chuyện.

Khi ấy, Bà-la-môn Lỗ-hê-giá cũng nổi sân nhuế, tâm không vui, nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Trước đây, tôi không tin những lời của bọn trẻ, nhưng bây giờ thì đích thật là Ngài đã phỉ báng kinh điển tôi, nói những lời lẽ chê bai, và mạ nhục Bà-la-môn.”

Ngừng một lát, ông lại nói với Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

“Nhân giả đã nói về cửa. Vậy cái gì là cửa?”

Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

“Lành thay, lành thay, Bà-la-môn! Điều ông hỏi là đúng pháp. Nay tôi sẽ vì ông mà nói về cửa. Này Bà-la-môn, mắt là cửa, vì nó thấy sắc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý là cửa, vì nó nhận thức pháp.”

Bà-la-môn nói:

“Kỳ diệu thay, ngài Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về cửa thì ngài liền nói về cửa. Như những gì Ngài đã nói, không giữ gìn cửa. Vậy thế nào là không giữ gìn cửa?”

Ngài Ma-ha Ca-chiên-diên nói:

“Lành thay, lành thay, Bà-la-môn! Ông đã hỏi về việc không giữ gìn cửa, là câu hỏi đúng pháp. Bây giờ tôi sẽ vì ông nói về việc không giữ gìn cửa. Này Bà-la-môn, kẻ phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc rồi, nếu là sắc đáng nhớ thì khởi tâm duyên vào đắm nhiễm, nếu là sắc không đáng nhớ thì khởi tâm sân nhuế, không an trụ vào thân niệm xứ nên, đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không biết như thật; ở trong đó sẽ khởi lên các thứ pháp ác bất thiện, không đạt được Vô-dư Niết-bàn, và đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát có phương hại, không được thành tựu. Vì tâm giải thoát, tuệ giải thoát không thành tựu, nên thân dẫy đầy những ác hạnh, không dừng nghỉ, tâm không được tịch tĩnh. Vì nó không tịch tĩnh nên đối với các căn nó không điều phục, không giữ gìn, không tu tập. Như mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng lại như vậy.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói:

“Kỳ diệu thay, kỳ diệu thay, ngài Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về việc không giữ gìn cửa, Ngài liền vì tôi nói về việc không giữ gìn cửa. Vậy, bạch ngài Ma-ha Ca-chiên-diên, thế nào gọi là việc khéo giữ gìn cửa?”

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói với Bà-la-môn:

“Lành thay! Lành thay! Ông đã hỏi tôi về việc khéo giữ gìn cửa. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Tôi sẽ vì ông mà nói về nghĩa khéo giữ gìn. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật, khi mắt thấy sắc [64b] rồi, đối với sắc đáng nhớ thì không khởi lên tâm duyên vào mà đắm nhiễm; đối với sắc không đáng nhớ, không khởi lên tâm sân nhuế; thường nhiếp tâm mình, an trụ vào thân niệm xứ, vô lượng tâm giải thoát, tuệ giải thoát; đối với những pháp ác bất thiện khởi lên đó, vắng lặng không còn gì nữa; đối với tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì được thành tựu, vì đã giải thoát thành tựu rồi nên những ác hạnh của thân xúc tất cả đều được dừng nghỉ, tâm đạt được chánh niệm. Đó gọi là cửa đầu tiên của việc khéo điều phục giữ gìn trong lúc tu tập. Như mắt và sắc, đối với tai và tiếng, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp lại cũng như vậy.”

Bà-la-môn Lỗ-hê-giá nói:

“Kỳ diệu thay, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên! Tôi hỏi về nghĩa giữ gìn cửa, Ngài liền vì tôi nói về nghĩa giữ gìn cửa. Giống như người tìm cỏ thuốc độc mà lại được cam lồ; nay tôi cũng như vậy, ôm lòng sân nhuế đến ngồi nơi đây, mà lại được Ngài dùng mưa pháp rưới lên thân tôi như mưa cam lồ. Bạch Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên, tôi đang bận nhiều công việc tại nhà, xin phép Ngài tôi cáo từ.”

Tôn giả Ma ha Ca-chiên-diên nói:

“Bà-la-môn, nên biết đúng thời.”

Sau khi nghe những gì Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nói xong, Bà-la-môn tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.





[72b20] KINH 258. THỦ THANH DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình lặng lẽ tư duy: “Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Những gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?” Sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, Tỳ-kheo này đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy: ‘Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Những gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?’”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ vì ngươi mà nói hai pháp . Ngươi hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Thế nào là hai? Mắt và sắc là hai. Tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là hai pháp.

“Này Tỳ-kheo, nếu có người bảo rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm nói hai pháp, nhưng đó chẳng phải là hai. Nay tôi sẽ bỏ cái này để lập hai pháp khác.’ Người kia chỉ nói, nhưng nếu gạn hỏi vài lần [72c] thì không biết, và càng tăng thêm nghi hoặc, vì chẳng phải là cảnh giới của họ. Vì sao? Vì duyên mắt và sắc nên sanh ra nhãn thức.

“Này Tỳ-kheo, mắt này là hình thịt , là bên trong, là nhân duyên, là cứng , được chấp thọ . Đó gọi là nội địa giới, hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, chất dịch từ mắt tiết ra, được chấp thọ; đó gọi là nội thủy giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, phát ra ánh sáng ấm nóng, được chấp thọ; đó gọi là nội hỏa giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc ở trong, hoặc nhân duyên, dao động nhẹ nhàng, được chấp thọ; đó là nội phong giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, thí như hai tay chập lại tạo thành âm thanh, cũng vậy duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức. Hòa hợp ba sự sanh xúc, xúc sanh thọ, tưởng, tư. Các pháp này chẳng phải ngã, chẳng phải thường, mà đó là cái ngã vô thường; cũng chẳng phải lâu bền, chẳng phải an ổn, mà đó là cái ngã biến dịch. Vì sao? Này Tỳ-kheo, vì nó là pháp thọ sanh có sanh, già, chết, tiêu mất.

“Này Tỳ-kheo, các hành như huyễn, như quáng nắng, trong khoảnh sát na, tàn lụi, không thật đến không thật đi. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với các hành vốn không, nên biết, nên hoan hỷ, nên suy niệm rằng, trống không là các hành thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch; trống không không có ngã, không có ngã sở.

“Ví như người mắt sáng tay cầm đèn sáng vào trong nhà trống, xem xét cái nhà trống ấy. Cũng vậy, Tỳ-kheo, đối với tất cả hành trống không, tâm quán sát, hoan hỷ, rằng trống không là các hành thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch; trống không không có ngã, không có ngã sở. Cũng vậy, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm nhân duyên sanh ra ý thức, hòa hợp ba sự xúc; xúc sanh thọ, tưởng, tư; các pháp này vô ngã, vô thường, chi tiết cho đến không, vô ngã, vô ngã sở. Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào? Mắt là thường hay là vô thường?”

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ chăng?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong ấy thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như vậy đa văn Thánh đệ tử đối với mắt sanh nhàm tởm; nhàm tởm nên không ưa thích, không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến, tự biết rằng ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tai, mũi, lưỡi, thân , ý lại cũng như vậy.”

Tỳ-kheo ấy nghe Phật thuyết về kinh thí dụ hai tay họp lại phát tiếng, một mình đi đến chỗ vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung, [73a] cho đến… tự biết không còn thọ thân sau, thành A-la-hán.

KINH 259. KHÍ XẢ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Những gì không phải là sở hữu của các ngươi, cần phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ hết pháp đó rồi, các ngươi được an vui lâu dài. Này các Tỳ-kheo, ý các ngươi thế nào? Ở trong rừng Kỳ-hoàn này, các thứ cỏ cây, cành lá, nếu có người mang đi, các người có nghĩ rằng: ‘Những vật này là tôi, là của tôi, người kia sao lại đem đi?’”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Những vật này chẳng phải ta, chẳng phải của ta.”

“Tỳ-kheo, các ngươi cũng lại như vậy, đối với vật không phải sở hữu của mình, phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ những pháp này rồi, các ngươi được an vui lâu dài. Những gì không phải sở hữu của các ngươi? Mắt, không phải sở hữu của các ngươi, nên xả bỏ; khi đã xả bỏ rồi, các ngươi được an vui lâu dài. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào, Tỳ-kheo, mắt là thường hay là vô thường?”

“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”

Phật lại hỏi:

“Nếu là vô thường thì khổ phải không?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường, là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử đối với sáu nhập xứ này, nên quán sát chẳng phải ta, chẳng phải của ta. Khi quán sát rồi, đối với các pháp thế gian không có gì để chấp thủ; không chấp thủ nên không đắm trước; do không đắm trước nên tự mình giác ngộ Niết-bàn, tự biết rằng ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 260. NAN-ĐÀ

Tôi nghe như vầy:

Khi đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-Vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có người nói: ‘Người có sức mạnh nhất chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói chính xác. Có người nói: ‘Người đẹp trai nhất cũng chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói đúng. Có người lại nói: ‘Người ái dục nặng cũng chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói đúng. Này các Tỳ-kheo, nhưng hiện tại Nan-đà đã đóng cửa các căn, ăn uống điều độ, đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập, thành tựu chánh trí, có thể suốt đời thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch.

“Tỳ-kheo Nan-đà này đã đóng cửa các căn. Nếu [73b] mắt thấy sắc, không còn chấp giữ tướng dạng của sắc, không chấp giữ vẻ đẹp riêng . Nếu những gì khiến nhãn căn không được phòng hộ , bị ngăn che bởi vô minh, tham ái thế gian; Tỳ-kheo khởi tâm phòng hộ, không để các pháp ác bất thiện ấy tiết lậu vào tâm. Tỳ-kheo sanh các luật nghi để phòng hộ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý . Đó gọi là Tỳ-kheo Nan-đà đóng cửa các căn.

“Thế nào là ăn uống có điều độ? Tỳ-kheo Nan-đà đối với việc ăn có hệ số , không tự cao, không buông lung, không vì sắc đẹp, không vì trang nghiêm, vừa đủ nuôi thân mà thôi, không kể ngon dở, cốt trừ đói khát để tu phạm hạnh; vì để đối với những cảm giác khổ đã khởi lên trước đây, liền làm cho dập tắt; những cảm giác khổ chưa khởi khiến cho không khởi; vì để thành tựu được ý chí hướng thượng ; vì để khí lực an lạc, sống một mình không cần ai biết đến . Như người đi xe phải bôi dầu, không vì tự cao, (chi tiết như trên, cho đến) không vì trang điểm, mà vì để vận tải. Cũng giống như xức ghẻ, không vì tham vị thuốc mà vì muốn hết đau. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà biết ăn uống có điều độ,… cho đến, sống một mình không cần ai biết đến. Đó gọi là Nan-đà biết ăn uống có điều độ.

“Thiện nam tử Nan-đà đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập. Nan-đà ban ngày kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh; đầu đêm kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh ; nửa đêm ra ngoài phòng rửa chân, rồi vào trong phòng nằm nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm vào tướng ánh sáng, nghĩ tưởng đến sự tỉnh dậy; cuối đêm từ từ tỉnh dậy, kinh hành, tọa thiền. Đó gọi là thiện nam tử Nan-đà, đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập.

“Thiện gia nam tử Nan-đà kia có thắng niệm, chánh tri . Thiện nam tử Nan-đà quán sát phương Đông, nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát. Quán sát phương Nam, phương Tây, phương Bắc lại cũng như vậy. Nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát; người nào quán sát như vậy, các pháp bất thiện, tham ưu ở thế gian không lọt vào tâm được.

“Thiện nam tử Nan-đà kia tỉnh giác khi các thọ sinh khởi, tỉnh giác khi các thọ đình trú, tỉnh giác khi các thọ diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn; tỉnh giác khi các tưởng sinh khởi, tỉnh giác khi các tưởng đình trú, tỉnh giác khi các tưởng diệt; tỉnh giác khi các tầm sinh khởi, tỉnh giác khi các tầm trú, tỉnh giác khi các tầm diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn. Đó gọi là thiện nam tử Nan-đà thành tựu chánh niệm, chánh trí.

“Cho nên, các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Đóng kín cửa các căn như thiện nam tử Nan-đà; ăn uống có [73c] điều độ như thiện nam tử Nan-đà; đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập như thiện nam tử Nan-đà; thành tựu chánh niệm, chánh trí như thiện nam tử Nan-đà.’ Như pháp truyền dạy cho Nan-đà cũng nên được đem dạy cho người khác.”

Khi ấy có Tỳ-kheo nọ nói kệ:

Khéo đóng cửa các căn,

Nhiếp tâm, trú chánh niệm,

Ăn uống biết điều độ,

Giác biết các tướng tâm,

Thiện nam tử Nan-đà,

Được Thế Tôn khen ngợi.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Read More
Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010
0 nhận xét
categories: | | edit post

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.