KINH 241. KẾT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về pháp bị kết buộc và pháp kết buộc .
“Thế nào là pháp bị kết sử trói buộc? Mắt và sắc, tai và thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp; đó gọi là pháp bị kết sử trói buộc.
“Thế nào là pháp kết sử? Dục tham . Đó gọi là pháp kết sử.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[58a] KINH 242. THỦ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về pháp bị chấp thủ, và pháp chấp thủ.
“Thế nào là pháp bị chấp thủ? Mắt và sắc, tai và thanh, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là pháp bị chấp thủ.
“Thế nào là pháp chấp thủ? Dục tham. Đó gọi là pháp chấp thủ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 243. THIÊU NHIỆT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo, phàm phu ngu si không học, thà dùng lửa nấu chảy đồng sôi đem thiêu đốt con mắt của mình, khiến cho nó cháy thiêu, chứ không để nhãn thức chấp vào sắc tướng mà chạy theo hình dáng tốt đẹp. Vì sao? Chấp vào sắc tướng, chạy theo những hình ảnh tốt đẹp, nên bị rơi vào đường ác, như hòn sắt bị chìm.
“Phàm phu ngu si, không học, thà nung đỏ dùi sắt đem dùi lỗ tai mình còn hơn là dùng nhĩ thức chấp vào thanh mà chạy theo tiếng hay. Vì sao? Nhĩ thức chấp vào thanh mà chạy theo tiếng hay, khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong đường ác, như hòn sắt bị chìm.
“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng lưỡi dao bén cắt đứt mũi mình đi, còn hơn là dùng tỷ thức chấp vào mùi mà chạy theo hương thơm. Vì sao? Vì chấp vào hương mà chạy theo mùi thơm, khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào tromg dường ác, như hoàn sắt bị chìm.
“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng lưỡi dao bén cắt đứt lưỡi mình đi, còn hơn là dùng thiệt thức chấp vào vị mà chạy theo vị ngon. Vì sao? Chấp vào vị mà chạy theo vị ngon, khi thân hoại mạng chung sẽ rơi vào trong đường ác, như hoàn sắt bị chìm.
“Phàm phu ngu si, không học, thà dùng thanh sắt cứng, cây dáo mũi nhọn đâm vào thân thể mình, còn hơn là dùng thân thức chấp vào sự xúc chạm mà chạy theo cảm giác xúc chạm êm ái. Vì sao? Chấp vào sự xúc chạm mà chạy theo cảm giác xúc chạm êm ái, khi thân hoại mạng chung, sẽ rơi vào trong đường ác, như hoàn sắt bị chìm,
“Này các Tỳ-kheo, ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của người, không lợi, không phước . Nhưng này các Tỳ-kheo, thà nên mê ngủ còn hơn là đối với sắc kia mà khởi lên ý tưởng tỉnh giấc. Nếu khởi lên giác tưởng ắt sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, có thể khiến cho mọi người đưa đến việc làm phi nghĩa, không mang lại lợi ích và an lạc cho Trời Người .
“Đa văn Thánh đệ tử kia nên phải học [58b] như vầy: ‘Nay ta thà nung đỏ cây thương bằng sắt đem đâm vào con mắt, còn hơn là dùng nhãn thức để chạy theo sắc tướng rồi chắc chắn sẽ bị rơi vào ba đường ác phải chịu khổ lâu dài. Từ hôm nay, ta phải tư duy chân chánh, quán sát mắt là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên mà sanh. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, tất cả chúng đều là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên để sanh. Đối với tai, mũi lưỡi, thân nhập xứ, cũng phải học như vậy. Thà dùng cây thương sắt đâm thủng thân mình, còn hơn là đem thân thức chấp vào sự xúc chạm mà chạy theo cảm giác xúc chạm êm ái, sẽ rơi vào ba đường ác. Từ hôm nay, ta phải tư duy đúng, quán sát thân là pháp hữu vi vô thường, do tâm duyên sanh. Hoặc xúc, thân thức, thân xúc, và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên thân xúc, chúng cũng là vô thường, hữu vi, là pháp tâm duyên sanh.’
“Đa văn Thánh đệ tử nên học như vầy: ‘Ham ngủ là sinh hoạt của người ngu, là mạng sống của người ngu, không lợi, không phước. Ta không ham ngủ, cũng không khởi tưởng tỉnh giấc. Nếu khởi tưởng tỉnh giấc thì sẽ sanh ra triền phược, tranh tụng, khiến cho mọi người làm những việc phi nghĩa, không lợi ích, không đem lại an lạc.’
“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với mắt sanh ra nhàm tởm. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, đối với chúng cũng sanh ra nhàm tởm. Do nhàm tởm nên không yêu thích; vì không yêu thích nên được giải thoát, giải thoát tri kiến, tự biết rằng ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh 244. Tri
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Đối với mắt mà không liễu tri, không nhận thức, không đoạn tận, không ly dục, không thể chân chánh diệt khổ. Đối với mắt, nếu liễu tri, nhận thức, đoạn tận, ly dục, có thể chân chánh diệt khổ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như bốn kinh nói về mắt, cho đến ý, hai mươi bốn kinh cũng nói như trên như vậy.
KINH 245. VỊ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, nếu nếm vị nơi mắt, nên biết, Sa-môn, Bà-la-môn đó không tự tại [58c] thoát khỏi bàn tay của Ma, bị Ma trói buộc, lọt vào sự trói buộc của Ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không nếm vị nơi mắt, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn đó không tùy thuộc theo Ma, thoát khỏi bàn tay của Ma, không lọt vào sự trói buộc của Ma.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như vị ngọt, với hoan hỷ, khen ngợi, đắm nhiễm, trụ vững, yêu thích, ghen ghét cũng nói như vậy. Như bảy kinh nội nhập xứ, bảy kinh ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.
KINH 246. MA CÂU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại giảng đường Trùng các, bên cạnh ao Di hầu tại Tì-da-li. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có sáu móc câu của Ma. Những gì là sáu? Đó là, sắc được con mắt nếm vị, đó là móc câu của Ma. Tiếng được tai nếm vị, đó lá móc câu của Ma. Hương được mũi nếm vị, đó là móc câu của ma. Lưỡi đắm vào vị ngọt của vị, đó là móc câu của Ma. Xúc được thân nếm vị, đó là móc câu của Ma. Pháp được ý nếm vị, đó là móc câu của Ma. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà mắt nếm vị ngọt của sắc, nên biết là Sa-môn, Bà-la-môn ấy bị móc câu của ma móc vào yết hầu của họ, đối với ma không được tự tại.”
Nói uế, nói về tịnh, cũng chi tiết như trên.
KINH 247. TỨ PHẨM PHÁP
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở nơi tụ lạc Điều phục Bác ngưu, tại Câu-lưu-sấu , bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ vì các ngươi nói pháp, ngôn ngữ phần đầu thiện xảo, ngôn ngữ phần giữa thiện xảo, ngôn ngữ phần cuối cũng thiện xảo, nghĩa thiện xảo, vị thiện xảo, thuần nhất, thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch; đó là kinh ‘Tứ phẩm pháp.’ Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Kinh Tứ phẩm pháp là gì? Có sắc được nhận thức bởi mắt là đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích, đáng say đắm. Tỳ-kheo thấy rồi thì hoan hỷ, tán thán, ái lạc, bám chặt vào đó. Có sắc được nhận thức bởi mắt là không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích đắm vào, chỉ có khổ, đáng nhàm tởm. Tỳ-kheo thấy rồi thì sân hận, bất mãn. Những Tỳ-kheo như vậy không được tự tại thoát khỏi Ma, chi tiết cho đến, không giải thoát khỏi sự trói buộc của Ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
“Có sắc được nhận thức bởi mắt là đáng yêu, đáng nhớ, đáng thích, đáng say đắm. Tỳ-kheo thấy rồi không hoan hỷ, không tán thán, không ái lạc mà bám chặt vào đó. Có sắc được nhận thức bởi mắt là không đáng yêu, không đáng nhớ, không đáng thích đắm vào, chỉ có khổ, đáng nhàm tởm. Tỳ-kheo thấy rồi không sân hận, không bất mãn. Tỳ-kheo như vậy, không bị Ma tự tại chi phối, chi tiết cho đến,[ 59a] thoát khỏi mọi sự trói buộc của Ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là kinh Tứ Phẩm Pháp của Tỳ-kheo.”
KINH 248. THẤT NIÊN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương Xá . Bấy giờ vào lúc sáng sớm Thế Tôn đắp y bưng bát vào thành Vương Xá khất thực. Lúc ấy Thiên ma Ba-tuần nghĩ rằng, “Vừa sáng sớm mà Sa-môn Cù-đàm đã đắp y mang bát vào thành Vương Xá khất thực. Nay ta nên đến đó làm nhiễu loạn ý đạo của ông ấy.” Rồi Ma Ba-tuần hóa làm một người đánh xe, cầm roi đi tìm bò, mặc đồ rách rưới, đầu tóc rối bù, tay chân sần sùi. Tay cầm roi bò, nó đến trước Thế Tôn hỏi:
“Cù-đàm có thấy con bò của tôi ở đâu không?”
Đức Thế Tôn liền nghĩ, “Đây là Ác ma, muốn đến gây nhiễu loạn Ta.” Ngài liền nói với Ma:
“Này Ác ma, ở đâu có bò? Ngươi cần bò để làm gì?”
Ma liền nghĩ, Sa-môn Cù-đàm đã biết ta là Ma rồi, bèn bạch Phật:
“Bạch Cù-đàm, nhãn xúc nhập xứ là xe tôi cưỡi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ là xe tôi cưỡi”
Lại hỏi:
“Bạch Cù-đàm, Ngài muốn đi đến đâu?”
Phật bảo ác ma:
“Ngươi có nhãn xúc nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Nơi nào là chỗ không có nhãn xúc nhập xứ, không có nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ, chỗ đó không đến được, Ta đi đến nơi đó.”
Bấy giờ Thiên ma Ba tuần nói kệ rằng:
Ở đâu thường có ngã,
Chúng đều là của ta,
Tất cả thuộc về ta.
Cù-đàm đi đến đâu?
Đức Thế Tôn dùng kệ đáp lại:
Nếu ai nói có ngã,
Kia nói ngã là quấy.
Như vậy biết Ba tuần,
Tự hãm vào bế tắc.
Ma lại nói kệ:
Nếu bảo rằng biết đạo,
An ổn đến Niết-bàn;
Ngài một mình đi đến,
Phiền gì dạy người khác?
Đức Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu có người lìa ma,
Hỏi đường qua bờ giác,
Vì họ nói bình đẳng,
Chân thật quyết không sót,
Tu tập không buông lung,
Thường khỏi Ma chi phối.
[59b] Ma lại nói kệ:
Có đá tựa cục thịt,
Quạ đói đến muốn ăn,
Nó tưởng là mềm ngon,
Muốn lấp vào bụng trống.
Xong không được vị kia;
Mỏ gãy mà bay đi.
Ta nay giống như quạ,
Cù-đàm như cục đá,
Không được, thẹn mà đi.
Như quạ bay giữa trời,
Trong lòng ôm sầu độc,
Biến nhanh mất đường bay.
KINH 249. TẬP CẬN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương Xá. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào mắt quen gần gũi sắc, bị rơi vào chỗ tự tại của Ma, cho đến không giải thoát được sự trói buộc của Ma. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, mà mắt không quen gần gũi sắc, không bị rơi vào chỗ tự tại của ma, cho đến giải thoát được sự trói buộc của ma. Đối với tai mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh tập cận, trói buộc, đắm nhiễm, vị ngọt, chòm xóm láng giềng, nếu sai giữ gìn, trói buộc, đắm nhiễm, ngã sở cầu mong, nồng hậu không bỏ, cũng nói như trên như vậy.
KINH 250. THUẦN-ĐÀ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại Kê lâm viên , nước Ba-tra-lợi-phất-đa-la . Bấy giờ Tôn giả A-nan đến chỗ Tôn giả Đại Thuần-đà , cùng nhau thăm hỏi xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch Tôn giả Thuần-đà:
“Có những điều tôi muốn hỏi, Tôn giả có rảnh rỗi để giải đáp cho không?”
Tôn giả Thuần-đà nói với Tôn giả A-nan:
“Tùy theo những gì nhân giả hỏi, nếu biết, tôi sẽ trả lời.”
Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Thuần-đà:
“Như những điều được biết, những điều được thấy bởi đức Thế Tôn Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, sắc do bốn đại tạo được thi thiết, được hiển thị, rằng sắc do bốn đại tạo này là phi ngã. Theo những điều được biết, những điều được thấy bởi Như Lai Chánh đẳng Chánh giác, cũng có thể nói thức là phi ngã chăng?”
Tôn giả Thuần-đà bảo Tôn giả A-nan:
“Tôn giả là đa văn bậc nhất. Tôi từ xa đến chỗ Tôn giả là vì muốn hỏi pháp này. Hôm nay Tôn giả xin vì tôi mà nói nghĩa này.”
Tôn giả A-nan bảo Thuần-đà:
“Nay tôi hỏi Tôn giả, hãy tùy ý mà trả lời. Thưa Tôn giả Thuần-đà, vì có mắt, có sắc nên có nhãn [59c] thức phải không?”
Đáp: “Phải.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Do duyên mắt và sắc nên nhãn thức sanh phải không?”
Đáp: “Đúng như vậy.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là thường hay là vô thường?”
Đáp: “Là vô thường.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Nhân này, duyên này sanh ra nhãn thức; nhân này, duyên này là vô thường, biến dịch, vậy thức kia có trụ không?”
Đáp: “Tôn giả, không.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Theo ý Tôn giả thế nào, pháp kia hoặc sanh hoặc diệt có thể biết được, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp: “Bạch Tôn giả A-nan, không.”
“Theo ý Tôn giả thế nào, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp; có ý, có pháp, có ý thức không?”
Đáp: “Có.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Do duyên ý và pháp mà ý thức sanh chăng?”
Đáp: “Đúng như vậy.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Nếu ý duyên pháp mà ý thức sanh; nhân này, duyên này là thường hay vô thường?”
Đáp: “Là vô thường.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Hoặc nhân, hoặc duyên sanh ra ý thức; nhân này, duyên này là vô thường, biến dịch, vậy ý thức có trụ không?”
Đáp: “Không.”
Tôn giả A-nan lại hỏi:
“Theo ý Tôn giả thế nào, pháp này hoặc sanh hay diệt có thể biết, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp: “Bạch Tôn giả A-nan, không.”
Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Thuần-đà:
“Cho nên Tôn giả, theo những điều được biết, những điều được thấy mà Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác đã nói, thức cũng vô thường.
“Giống như có người cầm rìu vào núi, thấy cây chuối, cho là có thể dùng được, liền chặt đứt gốc, tách bỏ lá, lột bẹ để tìm lõi của nó, nhưng lột đến chỗ tận cùng vẫn không thấy chỗ nào chắc cả. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử quán sát chân chánh nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức. Khi quán sát chân chánh, không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm nhiễm; vì không có gì để đắm nhiễm nên tự mình chứng ngộ Niết-bàn, biểt rằng ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Khi hai vị chánh sĩ kia nói pháp trên, cả hai đều hoan hỷ và mỗi vị trở về chỗ ở của mình.
0 nhận xét