KINH 301. LỤC ƯU HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ưu hành , đó là, này các Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà ưu tiến hành nơi sắc xứ đó. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà ưu tiến hành nơi pháp xứ này, các Tỳ-kheo gọi đó là sáu ưu hành.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 302. LỤC XẢ HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu xả hành , đó là, này các Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, xả tiến hành nơi sắc xứ này. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp cũng vậy, xả tiến hành nơi pháp xứ này, đó gọi là, này Tỳ-kheo, sáu xả hành.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 303. LỤC THƯỜNG HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành , đó là, Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí; đó gọi là, này Tỳ-kheo, sáu thường hành.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 304. LỤC THƯỜNG HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành, đó là, này Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo thành tựu sáu thường hành này là điều thế gian khó làm được.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 305. LỤC THƯỜNG HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ [93b]. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành, đó là, này Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo thành tựu sáu pháp thường hành này là điều thế gian khó làm được, người này đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 306. LỤC THƯỜNG HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thường hành, đó là, Tỳ-kheo, mắt thấy sắc, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo thành tựu được sáu pháp thường hành này, nên biết, đó là Xá-lợi-phất. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất khi mắt thấy sắc, an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí. Tai đối với thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, mà an trụ với tâm xả, thấy không khổ, không lạc, chánh niệm, chánh trí.

“Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thành tựu sáu pháp thường hành mà thế gian khó làm được, nên xứng đáng được phụng sự, cung kính, cúng dường, là ruộng phước vô thượng của thế gian.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

[310b20] KINH 307. BÀ-LA-DIÊN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc uyển trú xứ của các Tiên nhơn, nước Ba-la-nại. Bấy giờ, có số đông các Tỳ-kheo tụ tập tại giảng đường bàn luận như vầy:

“Chư Tôn! Như lời đức Thế Tôn đã đáp cho câu hỏi Bà-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc:

Nếu người biết nhị biên,

Không dính mắc khoảng giữa;

Được gọi Đại trượng phu,

Không mê luyến ngũ dục,

Thoát thợ khâu ưu phiền.

“Chư Tôn! Những câu này có nghĩa gì? Cái gì là biên? Cái gì là nhị biên? Cái gì là giữa? Cái gì là thợ khâu? Cái gì là tư, do trí mới biết, bằng liễu tri mà liễu tri; khi được biết bởi trí, được liễu tri bởi liễu tri, đoạn tận khổ biên, thoát khỏi khổ?”

Có một Tỳ-kheo giải đáp:

[310c] “Sáu nội xứ là một biên; sáu ngoại xứ là biên thứ hai; thủ là ở giữa; ái là thợ khâu. Thân cận với ái, rồi nhân đó mà có thân này, thân kia lần lần tăng trưởng xuất sinh. Những pháp này do trí mà biết, do liễu tri mà liễu tri; khi đựợc biết bởi trí, được liễu tri bởi liễu tri, đoạn tận khổ biên, mới thoát khỏi khổ.”

Một Tỳ-kheo khác lại nói:

“Đời quá khứ là một biên; đời vị lai là biên thứ hai; đời hiện tại là giữa; ái là thợ khâu, tập cận những ái này, do nhân bởi đó mà thân này lần lần tăng trưởng xuất sinh ... cho đến thoát khổ.”

Lại có Tỳ-kheo nói:

“Thọ lạc là một biên; thọ khổ là biên thứ hai; không khổ không lạc là giữa; ái là thợ khâu, tập cận những ái này, tự thân sở đắc do chúng lần lần tăng trưởng xuất sinh ... cho đến thoát khổ.”

Lại có người nói:

“Hữu là một biên; tập là biên thứ hai; thủ là giữa; ái là thợ khâu. Như vậy nói đầy đủ, ... cho đến thoát khổ.”

Lại có người nói:

“Thân là một biên; thân tập là biên thứ hai; ái là thợ khâu. Như vậy nói đầy đủ, ... cho đến thoát khổ.”

Lại có Tỳ-kheo nói:

“Tất cả những gì chúng ta nói ra không giống nhau, chỉ đưa ra những dị thuyết, không hy vọng gì để hiểu được. Thế Tôn còn nói điều gì nữa trong kinh “Những câu hỏi của Đê-xá Di-đức-lặc”? Chúng ta nên đến Thế Tôn thưa hỏi. Như những gì Thế Tôn dạy, chúng ta phụng trì.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thế nào, bạch Thế Tôn! Có những giải thuyết khác nhau về kinh Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc sở vấn. Vừa rồi các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường, bàn luận như vầy: ‘Những gì mà Thế Tôn đã dạy trong kinh Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc sở vấn, về hai biên ... cho đến thoát khổ.’ Có người bảo: ‘Nội lục nhập xứ là một biên, ngoại lục nhập xứ là biên thứ hai, thủ ở giữa, ái là thợ khâu. Nói đầy đủ như trước. Tất cả đều không quyết định được, nên hôm nay chúng con đến đây thỉnh vấn Thế Tôn về những nghĩa này. Những gì chúng con nói, ai là người nói đúng nghĩa?”



Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Những gì các ông đã nói đều là khéo nói. Nay Ta sẽ vì các ông mà nói về kinh khác. Ta đã vì Ba-la-diên-đê-xá-di-đức-lặc, có nói kinh khác. Xúc là một biên; xúc tập là biên thứ hai; thủ là ở giữa; ái là thợ khâu. Sau khi đã tập cận ái rồi, thân này thân kia duyên vào đó mà tăng trưởng xuất sinh. Đối với pháp này, do trí mà biết, do liễu tri mà liễu tri; do được biết bởi trí, liễu tri bởi liễu tri, mà đoạn tận khổ [311a] biên, thoát khỏi khổ.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 308. TÂN-ĐẦU-LÔ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Tân-đầu-lô ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-diệm-di. Bấy giờ, có Quốc vương Bà-sa tên Ưu-đà-diên-na, đến chỗ Tôn giả Tân-đầu-lô. Thăm hỏi nhau xong, ngồi lui qua một bên, Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na bạch Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh rổi để đáp cho không?”

Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:

“Này Đại vương! Đại vương cứ hỏi, điều gì tôi biết sẽ đáp.”

Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Nhân gì, duyên gì, mà các Tỳ-kheo tuổi trẻ mới học, xuất gia chưa lâu ở trong pháp luật này, sống rất an lạc, các căn tươi vui, tướng mạo sáng sủa, da dẻ tươi tốt, thích tĩnh, ít động, mặc người mà sống như dã thú, tâm họ kham năng suốt đời, tu trì phạm hạnh, thanh tịnh thuần nhất?”

Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:

“Như những gì Phật đã dạy. Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Tỳ-kheo các ngươi! Nếu gặp người nữ lớn tuổi thì nên coi như mẹ. Gặp người trung niên thì nên coi như chị em. Gặp người non trẻ thì nên coi như con gái. Vì nguyên nhân này nên các Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong pháp luật này sống an lạc vui vẻ, an ổn, các căn tươi vui, tướng mạo sáng sủa, da dẻ tươi mát, thích tĩnh, ít động, mặc người mà sống như dã thú, tâm họ kham năng suốt đời, tu trì phạm hạnh, thanh tịnh thuần nhất.”

Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Hiện tại người thế gian, tâm họ tham cầu, dù có gặp người lớn tuổi coi như mẹ, trung niên coi như chị, non trẻ coi như con gái; nhưng lúc đó tâm họ cũng theo sự thiêu đốt của tham dục, sân nhuế, ngu si mà khởi lên. Còn có nhân duyên nào đặc biệt hơn không?”

Tôn giả Tân-đầu-lô nói với quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na:

“Còn có nhân duyên khác nữa. Như Thế Tôn đã dạy. Ngài là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Thân này từ chân đến đỉnh đầu, bộ xương được trét bởi thịt, được che đậy bởi một lớp da mỏng, trong đó chứa dẫy đầy những thứ bất tịnh. Quán sát tất cả: tóc, lông, móng, răng, bụi dơ, nước dãi, da, thịt, xương trắng, gân, mạch, tim, gan, phổi, lá lách, thận, ruột, dạ dày, ruột non [311b], ruột già, màng, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước bọt, mỡ, tuỷ, đàm âm, mũ, máu, dịch não, phẩn, nước tiểu.’ Này Đại vương, vì nhân này, duyên này nên các Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu ở trong pháp luật này, vẫn sống lạc, an ổn ... cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất.”

Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Tâm người hay phiêu nhanh. Nếu quán bất tịnh, có khi sẽ theo tưởng tịnh mà hiện. Vậy còn có nhân duyên nào khiến cho Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu trong pháp luật này, sống lạc, an ổn ... cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất không?”

Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:

“Còn có nhân duyên khác nữa. Như Thế Tôn đã dạy. Ngài là bậc Tri giả, Kiến giả, đã dạy các Tỳ-kheo: ‘Các ngươi nên giữ gìn các căn môn, khéo thu nhiếp tâm mình. Khi mắt thấy sắc, chớ nắm bắt sắc tướng, chớ nắm bắt hình tướng tốt đẹp, mà tăng thêm sự gìn giữ. Nếu đối với mắt mà không an trụ với sự thúc liễm, những pháp ác bất thiện tham ưu thế gian sẽ lọt vào tâm mình. Cho nên các ngươi phải giữ gìn luật nghi của mắt. Đối tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp cũng lại như vậy, ... cho đến giữ gìn luật nghi của ý.”

Bấy giờ Quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na hỏi Tôn giả Tân-đầu-lô:

“Lành thay! Ngài khéo nói pháp, ... cho đến giữ gìn luật nghi các căn. Bạch Tôn giả Tân-đầu-lô, tôi cũng như vậy, có khi không giữ gìn thân, không giữ gìn luật nghi các căn, khi vào cung không nhất niệm thì tâm mình sinh ra tham dục hừng hực, ngu si thiêu đốt. Ngay khi đóng cửa phòng ở một mình, ba độc cũng lại thiêu đốt tâm mình, huống lại là ở trong cung. Lại có lúc tôi khéo nhiếp hộ được các căn, nhiếp hộ được thân mình, chuyên tâm nhất niệm, khi vào trong cung, tham dục, nhuế, si không còn dấy khởi thiêu đốt tâm mình; khi ở trong cung nội còn không bị thiêu đốt thân tâm, huống chi là khi ở một mình. Vì vậy cho nên, do nhân này, do duyên này hay khiến cho Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia chưa bao lâu trong pháp luật này sống lạc, an ổn, .... cho đến thanh tịnh tràn đầy thuần nhất.”

Sau khi quốc vương Bà-sa Ưu-đà-diên-na nghe những gì Tôn giả nói, hoan hỷ, tùy hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 309. THỦ TÚC DỤ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vì có tay, nên biết có lấy, có bỏ. Vì có chân nên biết có tới, có lui. Vì có các khớp nên biết có co, có duỗi. Vì có bụng nên biết có đói, có khát. Cũng vậy, Tỳ-kheo, vì có mắt nên có nhãn [311c] xúc làm nhân duyên sinh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Này các Tỳ-kheo, nếu không tay thì không biết lấy bỏ. Nếu không chân thì không biết tới lui. Nếu không có các khớp thì không biết co duỗi. Nếu không có bụng thì không biết đói khát. Cũng vậy, các Tỳ-kheo, nếu không có mắt thì không có nhãn xúc làm nhân duyên sinh ra cảm thọ bên trong, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 310. QUI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại nước Câu-diệm-di. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ, có đám cỏ trong sông; có con rùa sống trong bụi cỏ ấy. Khi đó có một con dã can đói đi tìm thức ăn. Vừa thấy con rùa, nó vội nhảy tới vồ lấy. Con rùa thấy vậy, liền thu hết đầu đuôi và bốn chân vào trong mai. Dã can canh đợi con rùa thò đầu, chân ra là chụp ăn liền. Nhưng chờ lâu quá, mà nhất định rùa không thò đầu và chân ra. Dã can đói quá, tức tối bỏ đi.

“Này các Tỳ-kheo, nay các ngươi cũng hãy biết như vậy. Ma Ba-tuần luôn luôn dò xét tìm cơ hội bên các ngươi. Mong đợi mắt các ngươi đắm sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý nhớ pháp mà xúi dục sinh tâm đắm nhiễm sáu trần. Cho nên, Tỳ-kheo, các ngươi phải luôn luôn giữ gìn luật nghi của mắt. Khi đã giữ gìn an trụ nơi luật nghi của mắt, dù mắt có sinh khởi hoặc duyên cảnh, Ác ma Ba-tuần cũng không thể tìm được cơ hội. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Dù sáu căn kia có sinh khởi hoặc duyên cảnh, nó cũng không thể tìm được tiện lợi. Giống như con rùa, dã can không thể tìm được cơ hội nào.”

Bấy giờ Phật liền nói kệ:

Rùa vì sợ dã can,

Dấu thân vào trong mai.

Tỳ-kheo khéo nhiếp tâm,

Dấu kín các giác tưởng.

Không nương, không sợ hãi,

Kín tâm chớ nói năng.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.