KINH 291. LỤC THỌ THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thọ thân: Là mắt tiếp xúc sanh ra thọ; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra thọ. Đó gọi là sáu thọ thân.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 292. LỤC TƯỞNG THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-Vệ . Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu tưởng thân: Là mắt tiếp xúc sanh ra tưởng; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ra tưởng. Đó gọi là sáu tưởng thân.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 293. LỤC TƯ THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu tư thân: Là mắt tiếp xúc sanh tư; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh tư. Đó gọi là sáu tư thân.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 294. LỤC ÁI THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-Vệ . Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu ái thân: [92b] Là mắt tiếp xúc sanh ái; tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc sanh ái. Đó gọi là sáu ái thân.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 295. LỤC CỐ NIỆM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ luyến niệm , đó là luyến niệm sắc, luyến niệm thanh, luyến niệm hương, luyến niệm vị, luyến niệm xúc, luyến niệm pháp. Đó gọi là sáu thứ luyến niệm.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 296. LỤC PHÚ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu thứ phú tàng , đó là sắc hữu lậu chấp thủ tâm phú tàng; thanh, hương, vị, xúc, pháp hữu lậu chấp tâm phú tàng.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 297. VÔ THƯỜNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, chẳng luyến tiếc mắt quá khứ, chẳng hân hoan mắt vị lai, đối với mắt hiện tại sanh nhàm tởm, ly dục, hướng đến diệt tận. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Như vô thường, khổ, không, vô ngã cũng nói như vậy.”

Như bốn kinh nội nhập xứ, bốn kinh ngoại nhập xứ cũng nói như vậy.



KINH 298. HỮU NHÂN HỮU DUYÊN HỮU PHƯỢC PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay, Ta sẽ nói pháp cho các Tỳ-kheo, ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, Phạm hạnh trong sạch. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Đó là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.

“Thế nào là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược? Mắt có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của mắt, là duyên của mắt, là hệ phược của mắt? Nghiệp là nhân, nghiệp là duyên, nghiệp là hệ phược của mắt.

“Nghiệp có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của nghiệp, là duyên của nghiệp, là hệ phược của nghiệp? Ái là nhân của nghiệp, ái là duyên của nghiệp, ái là hệ phược của nghiệp.

“Ái có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của ái, là duyên của ái, là hệ phược của ái? Vô minh là nhân của ái, vô minh là duyên của ái, vô minh là hệ phược của ái.

“Vô minh [92c] có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của vô minh, là duyên của vô minh, là hệ phược của vô minh? Không tư duy đúng là nhân, không tư duy đúng là duyên, không tư duy đúng là hệ phược của vô minh.

“Không tư duy đúng có nhân, có duyên, có hệ phược. Những gì là nhân của không tư duy đúng, là duyên của không tư duy đúng, là hệ phược của không tư duy đúng? Do mắt thấy sắc không tư duy đúng nên sanh si mê, sự ngu si ấy là vô minh; mong cầu si gọi là ái; do ái tạo tác hành vi nên gọi là nghiệp.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, không tư duy đúng là nhân của vô minh, vô minh là nhân của ái, ái là nhân của nghiệp, nghiệp là nhân của mắt. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Đó gọi là kinh có nhân, có duyên, có pháp hệ phược.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 299. ĐỆ NHẤT NGHĨA KHÔNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sấu. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :

“Nay, Ta sẽ vì các ngươi mà nói pháp ban đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, đó là kinh đệ nhất nghĩa Không. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Thế nào là kinh đệ nhất nghĩa Không? Này các Tỳ-kheo, khi mắt sanh thì nó không có chỗ đến; lúc diệt thì nó không có chỗ đi. Như vậy mắt chẳng thật sanh, sanh rồi diệt mất; có nghiệp báo mà không tác giả. Uẩn này diệt rồi, uẩn khác tương tục, trừ pháp tục số . Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy, trừ pháp tục số.

“Pháp tục số, tức là nói, cái này có thì cái kia có, cái này khởi thì cái kia khởi, như vô minh duyên hành, hành duyên thức, nói chi tiết đầy đủ cho đến thuần một khối khổ lớn tập khởi. Lại nữa, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt, vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt. Như vậy, nói rộng cho đến thuần một khối khổ lớn tụ diệt.

“Này các Tỳ-kheo, đó gọi là kinh đệ nhất nghĩa Không.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 300. LỤC HỶ HÀNH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu hỷ hành , đó là, này các Tỳ-kheo, ngay khi thấy sắc, hỷ tiến hành nơi sắc xứ ấy. [93a] Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tiếp xúc pháp trần, khi ấy hỷ tiến hành nơi pháp xứ hành này. Các Tỳ-kheo gọi đó là sáu hỷ hành.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.