KINH 391. NHƯ THẬT TRi[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Thánh đế về khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, không biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, không biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này không thoát được khổ.
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật Thánh đế về khổ này, biết như thật Thánh đế về sự tập khởi của khổ này, biết như thật Thánh đế về sự diệt tận của khổ này, biết như thật Thánh đế về con đường đưa đến sự diệt tận của khổ này, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này thoát được khổ.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh 391 thiếu ? Tựa kinh và phần đầu ? )
Cũng như đối với Khổ không giải thoát và giải thoát, chi tiết như trên; cũng vậy:
đối với (xả) đường ác không giải thoát và giải thoát.
có thể xả giới thối giảm, và không xả giới thối giảm.
có thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân, và không thể tự tuyên bố đã chứng đắc pháp thượng nhân.
có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt, và không thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu phước điền tốt.
[106a] Có thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu bậc Đại sư, và không thể ngoài (chánh pháp) này mà tìm cầu Đại sư.
không thể vượt qua khỏi khổ, và có thể vượt qua khỏi khổ.
không thể thoát khổ và có thể thoát khổ.
Như những kinh trên đều lập lại tiếp theo bằng kệ:
Nếu không biết cái khổ;
Và nhân các khổ này;
Và tất cả pháp khổ
Tịch diệt trọn không còn;
Nếu không biết đạo tích,
Tâm giải thoát khỏi khổ,
Tuệ giải thoát cũng vậy,
Không thể vượt các khổ,
Để cứu cánh thoát khổ.
Nếu biết khổ như thật;
Cùng biết nhân các khổ;
Và tất cả các khổ
Tịch diệt hết không còn;
Nếu lại biết như thật,
Đạo tích để diệt khổ,
Tâm giải thoát trọn vẹn,
Tuệ giải thoát cũng vậy,
Có thể vượt các khổ,
Cứu cánh được giải thoát.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 392. THIỆN NAM TỬ[3]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu có thiện nam tử bằng chánh tín, sống không gia đình, xuất gia học đạo, tất cả điều cần làm là cần biết pháp bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, cần phải siêng năng, tìm cầu phương tiện tu tập hiện quán.”
Cũng như chương cú này, tất cả kinh bốn Thánh đế, đều nên nói đầy đủ như vậy.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Các kinh với nội dung: Biết như vậy, thấy như vậy, hiện quán như vậy, cũng nói như trên.
Lại nữa, cũng như kinh trên, với nội dung thêm bớt như sau:
“Đoạn tận ba kết, đắc quả Tu-đà-hoàn. Tất cả nên biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và, hiện quán như vậy. Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan [106b] hỷ phụng hành.”
(...)
“Nếu ba kết sử đã đoạn tận, tham, nhuế, si mỏng, chứng đắc Tư-đà-hàm. Tất cả đều biết như thật đối với bốn Thánh đế. Những gì là bốn? đó là biết về sự hiện hữu của khổ Thánh đế, biết về sự tập khởi của khổ Thánh đế, biết về sự diệt tận của khổ Thánh đế, biết về con đường đưa đến sự tận diệt của khổ Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và, hiện quán như vậy. (...)” cũng nói như trên.
(...)
“Nếu năm hạ phần kết đã đoạn tận, chứng đắc A-na-hàm hạng sanh Bát-Niết-bàn[4], không còn tái sanh vào cõi thế gian này nữa. Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và, hiện quán như vậy.(...)” cũng nói như trên.
(...)
“ Nếu tất cả lậu đã đoạn tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời, tự tri tự tác chứng, tự biết rằng: ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và, hiện quán như vậy.(...)” cũng nói như trên.
(...)
“Nếu chứng được đạo Bích-chi-phật, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và, hiện quán như vậy.(...)” cũng nói như trên.
(...)
“Nếu đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tất cả đều cần biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nên biết như vậy, nên thấy như vậy và, hiện quán như vậy.(...)” cũng nói như trên.
“Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.”
KINH 393. NHẬT NGUYỆT[5]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như mặt trời mọc, ánh sáng hiện trước. Cũng vậy, chân chánh diệt tận khổ cũng có dấu hiệu xuất hiện trước[6]; tức là biết bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[106c] KINH 394. NHẬT NGUYỆT (2)[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở trong vườn nai, chỗ ở của Tiên nhơn, thuộc nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“ Nếu mặt trời, mặt trăng không xuất hiện giữa thế gian, tất cả các vì tinh tú cũng không xuất hiện giữa thế gian này, ngày và đêm, tháng nửa phần, tháng toàn phần,[8] thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều không xuất hiện. Như thế, thế gian sẽ luôn luôn tối tăm, không có ánh sáng, chỉ có đêm dài, thuần là một khối mù tối lớn hiện ra ở thế gian.
“Nếu Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác không xuất hiệt ở thế gian, không nói về Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì, thế gian này sẽ mù tối, không có ánh sáng chiếu rọi, như thế đêm dài thuần là bóng tối trùm khắp thế gian.
“Nếu mặt trời mặt trăng xuất hiện xuất hiện ở thế gian, các tinh tú cũng xuất hiện, ngày và đêm tháng nửa phần, tháng toàn phần, thời tiết, số năm, thời khắc, khoảnh khắc, tất cả đều xuất hiện ở thế gian. Cũng thế, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian nói Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thế gian không còn tối tăm, và đêm dài được soi sáng, thuần nhất, trí tuệ sẽ hiện ra ở thế gian.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 395. THÁNH ĐỆ TỬ[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như mặt trời xuất hiện, đi vòng khắp giữa không trung, phá tan mọi tăm tối, ánh sáng chiếu rõ. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử đối với những pháp gì tập khởi, tất cả đều diệt hết rồi, xa lìa các trần cấu, được mắt pháp sanh, đắc hiện quán, đoạn trừ ba kết, là thân kiến, giới thủ và nghi. Ba kiết này đoạn tận, gọi là Tu-đà-hoàn, không rơi vào đường ác pháp, chắc chắn hướng đến Chánh giác, bảy lần qua lại cõi trời, cõi người, rồi giải thoát được khổ. Thánh đệ tử kia, trong lúc đó tuy có khởi lên ưu, khổ, nhưng vị ấy ly dục, lìa pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do viễn ly sanh, đầy đủ an trụ Sơ thiền; chứ không thấy Thánh đệ tử kia có một pháp nào mà không đoạn, để có thể khiến tái sanh vào đời này. Đó là, Thánh đệ tử này được nghĩa lớn của mắt pháp. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này nếu chưa hiện quán thì nên siêng năng, tinh cần tìm cầu phương tiện, khởi [107a] ý muốn tinh tấn tu học.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 396. KHƯ-ĐỀ-LA[10]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu ai nói như vầy ‘Tôi đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán; sự tập khởi của Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế,’ mà lại nói ‘Tôi sẽ đạt được hiện quán Khổ, diệt, đạo tích Thánh đế.’[11] Lời nói này không đúng. Vì sao? Vì điều này không xảy ra. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế chưa được hiện quán mà muốn hiện quán Khổ, diệt, đạo tích Thánh đế, điều này không thể có được. Ví như có người nói: ‘Tôi muốn lấy lá khư-đề-la[12] kết lại làm thành món đồ đựng nước để mang đi.’ Điều này không thể có được. Vì sao? Vì không có điều này. Hay nói như vầy: ‘Tôi đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, chưa hiện quán mà muốn đắc hiện quán Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Điều này cũng không thể có được.
“Nếu lại nói: ‘Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, sẽ chứng đắc hiện quán Khổ, diệt, đạo tích Thánh đế.’ Đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì việc này có thể có được. Nếu Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế đã được hiện quán rồi, mà muốn hiện quán Khổ, diệt, đạo tích Thánh đế, điều này có thể có được. Ví như có người nói: ‘Tôi lấy lá bát-đàm-ma[13], lá ma-lâu-ca[14] kết lại thành đồ đựng nước mang đi.’ Đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Cũng vậy, nếu nói rằng: ‘Tôi sau khi hiện quán Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, nay muốn đắc hiện quán Khổ, diệt, đạo tích Thánh đế.’ Đó là lời nói khéo. Vì sao? Vì điều này có thể có được. Nếu đối với Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế đã hiện quán, và muốn hiện quán Khổ, diệt, đạo tích Thánh đế, điều này có thể có được.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 397. NHÂN-ĐÀ-LA TRỤ[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như một cục bông gòn nhỏ, [107b] hay cục bông kiếp-bối, đặt ở ngả tư đường. Khi bốn phương gió thổi, tùy theo chiều gió mà bông bay về một hướng. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà không biết như thật Khổ Thánh đế; không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này thường hay nhìn mặt người khác, và thường hay nói theo người[16]. Vì không biết như thật, nên nghe người khác nói, hướng theo lời nói đó mà thọ nhận, nên biết người này đời trước không tu tập trí tuệ.
“Giống như cây trụ nhân-đà-la[17] dùng đồng, thiếc làm nên, rồi đem cắm sâu xuống đất, dù bốn phương gió mạnh cũng không thể làm lay động. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào biết như thật Khổ Thánh đế; biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nên biết Sa-môn, Bà-la-môn này không quán sát mặt người, không nói theo người; vì Sa-môn, Bà-la-môn này là người có trí tuệ vững chắc. Người này trước kia đã tùy theo sự tu tập trước kia nên không theo lời nói của người. Cho nên, các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm cầu phương tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tinh tấn tu học.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 398. LUẬN XỨ[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói cới các Tỳ-kheo:
“Giống như trụ đá dài mười sáu khủy tay, được cắm sâu xuống đất tám khủy tay, dù bốn phương có gió thổi cũng không thể làm lay động. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào mà biết như thật Khổ Thánh đế; biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế; Sa-môn, Bà-la-môn này có đến các chỗ luận nghị mà không thể bị khuất phục. Tâm người này giải thoát, tuệ giải thoát, có thể khiến cho Sa-môn, Bà-la-môn khác ngược lại sinh ra lo khổ. Biết như thật, thấy như thật như vậy đều là do tập hành của đời trước nên khiến trí tuệ không thể khuynh động. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế phải siêng năng tìm cầu phương tiện, khởi ý muốn tăng thượng, tinh tấn tu học.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 399. THIÊU Y[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Giống như có người bị lửa đốt cháy đầu và áo. Người ấy tức thì khởi ý muốn mãnh liệt[20], khẩn cấp dập tắt.[21]”
[107c] Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Chớ nên nói như vậy![22] Hãy gác qua việc đầu và áo. Đối với bốn Thánh đế cần phải khởi ý muốn mãnh liệt, tinh tấn, siêng năng tìm cầu phương tiện, tu tập hiện quán. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nếu chưa được hiện quán, phải siêng năng tìm cầu phương tiện, tu tập hiện quán. Vì sao?
“Này Tỳ-kheo, vì ở địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, luôn luôn bị thiêu đốt mà các Tỳ-kheo không thấy đó là khổ cùng cực. Nếu như Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế mà chưa được hiện quán thì, Tỳ-kheo này nên nhẫn chịu khổ, lạc, ưu, bi; đối với bốn Thánh đế lại càng siêng năng tinh tấn tìm cầu phương tiện, tu tập hiện quán, cần nên học như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 400. BÁCH THƯƠNG[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn nói với cácTỳ-kheo:
“Giống như có người sống lâu trăm tuổi. Có người nói với người ấy rằng: ‘Ông nếu muốn nghe pháp thì mỗi ngày ba thời phải chịu khổ: Sáng sớm chịu khổ của trăm mũi thương đâm vào. Trưa, chiều lại cũng như vậy. Trong một ngày, chịu khổ ba trăm mũi thương đâm. Như vậy ngày nào cũng tiếp tục cho đến trăm năm, rồi sau đó nghe pháp, được hiện quán. Ông có thể chịu như vậy được không?’ Bấy giờ, người này vì muốn nghe pháp nên có thể chịu đựng tất cả. Vì sao? Vì con người sinh ra ở thế gian luôn luôn chịu khổ ở trong ba đường ác, khi thì địa ngục, khi thì súc sanh, khi thì ngạ quỷ, mà không cảm nhận các thứ khổ, cũng không nghe pháp. Cho nên, nay họ vì muốn được hiện quán, nên chẳng cho rằng cái khổ ba trăm mũi thương đâm vào người trọn đời là cái khổ lớn. Thế nên, các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn Thánh đế mà chưa được hiện quán, phải siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn tăng thượng, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[1] Đại chánh kinh 392. Xem kinh 390.
[6] Pāli: yato ca kho, bhikkhave, tathāgato loke uppajjati (...) atha mahato ālokassa pātubhāvo (...): Như Lai xuất hiện trong đời, ánh sáng vĩ đại xuất hiện (đó là bốn Thánh đế).
[11]Pāli (S. v. 438) yo ahaṃ dukkham ariyasaccaṃ….dukkhanirodhagāminiṃ paṭipadaṃ ariyasaccaṃ yathābhūtaṃ anabhisameeca sammā dukkhassantaṃ karissāmī t’ – n’etaṃ ṭhānaṃ vijjati, Ai nói, “tôi không thể như thực hiện quán Khổ Thánh đế … Khổ diệt đạo Thánh đế, nhưng tôi sẽ chân chánh đoạn tận khổ biên,” trường hợp này không xảy ra.
[14] Ma-lâu-ca 摩樓迦. Pali: māluvā (một giống khoai); Hán âm theo Skt. māluka, một loại cây (Acimum Sanctum)
[16] Pāli: te aññassa samaṇassa vā brāhmaṇassa vā mukhaṃ ullokenti, ‘ayaṃ nūna bhavaṃ jānaṃ jānāti passaṃ passatī’ti. Họ nhìn mặt các sa-môn, bà-la-môn khác mà nói ‘tôn giả này biết cái đáng biết, thấy cái đáng thấy.’
[21] Nguyên bản có thiếu: Phật hỏi các Tỳ-kheo, phải làm thế nào. Tỳ-kheo trả lời: khẩn cấp dập tắt. Phật nói tiếp.