KINH 371. PHẢ-CẦU-NA[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Khi ấy, có Tỳ-kheo tên là Phả-cầu-na[2] đang đứng sau, quạt hầu, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn ai ăn thức ăn này[3]?”
Phật bảo Phả-cầu-na:
“Ta không nói có người ăn thức ăn[4]. Nếu Ta nói có người ăn thức ăn, ngươi nên hỏi câu ấy. Ở đây Ta nói thức là thức ăn, vậy Ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà có thức ăn của thức?’ Ta sẽ đáp: ‘Thức ăn của thức,[5] nó có thể chiêu cảm hữu trong vị lai khiến cho sanh được tiếp nối;[6] do có hữu nên có sáu nhập xứ; do sáu nhập xứ làm duyên nên có xúc.’”
Phả-cầu-na lại hỏi:
“Ai xúc?”
Phật bảo Phả-cầu-na:
“Ta không nói có người xúc. Nếu Ta nói có người xúc thì ngươi nên hỏi câu này: ‘Ai xúc?’ Ở đây ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà sanh xúc?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do sáu nhập xứ làm duyên nên sanh xúc; do xúc làm duyên nên sanh thọ.’”
Lại hỏi:
“Ai cảm thọ?”
Phật bảo Phả-cầu-na:
“Ta không nói có người thọ. Nếu Ta nói có người thọ, ngươi nên hỏi: ‘Ai thọ?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có thọ?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do xúc làm duyên nên có thọ; thọ làm duyên nên có ái.’”
Lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, ai ái[7]?”
Phật bảo Phả-cầu-na:
“Ta không nói có người ái. Nếu Ta nói có [102b] người ái, thì ngươi nên hỏi: ‘Ai ái?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có ái?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do duyên thọ nên có ái; do ái làm duyên nên có thủ.’”
Lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, ai chấp thủ?”
 Phật bảo Phả-cầu-na:
“Ta không nói có người chấp thủ. Nếu Ta nói có người chấp thủ thì ngươi nên hỏi: ‘Ai chấp thủ?’ Ở đây Ngươi nên hỏi: ‘Do duyên gì có thủ?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên ái nên có thủ; do thủ làm duyên nên có hữu.’”
Lại hỏi:
“Bạch Thế Tôn, ai hiện hữu[8]?”
Phật bảo Phả-cầu-na:
“Ta không nói có người hiện hữu. Nếu Ta nói có người hiện hữu thì ngươi nên hỏi: ‘Ai hiện hữu?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do duyên gì có hữu?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên thủ nên có hữu; nó chiêu cảm sự chuyển hiện của hữu[9] trong vị lai.’ Đó gọi hữu. Có sáu nhập xứ;[10] sáu xứ xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu, hữu duyên sanh; sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, như vậy tập khởi khối lớn thuần khổ. Ngược lại nếu sáu xứ xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ diệt, và khối lớn thuần khổ đã tụ tập bị diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành. 

KINH 372. TỬ NHỤC[11]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức.
“Tỳ-kheo quán sát thức ăn từng nắm như thế nào?
“Ví như hai vợ chồng chỉ có một đứa con để thương yêu nuôi nấng. Họ muốn vượt qua con đường hiểm trong hoang mạc, chỗ có tai nạn. Lương thực thì đã hết sạch, đói khát cùng cực, không còn kế sách nào để cứu vãn, họ bàn nhau: ‘Chúng ta có một đứa con rất mực là thương yêu. Nếu ăn thịt con thì mới có thể thoát qua cơn hiểm nạn này. Chớ để cả ba ở đây cùng chịu chết!’ Suy tính như vậy xong, họ ngậm ngùi thương xót rơi lệ, liền giết chết con, gượng ăn thịt con để đi qua khỏi hoang mạc. Thế nào, các Tỳ-kheo, vợ chồng người kia cùng nhau ăn thịt con há vì để nhận vị ngọt hay vì ham thích ngon sướng mà ăn?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không phải vậy!”
Lại hỏi:
“Này các Tỳ-kheo, có phải vợ chồng người kia gượng ăn thịt con [102c] để vượt qua khỏi đường hiểm trong hoang mạc chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Phàm ăn thức ăn nắm nên quán như vậy. Khi quán như vậy, thức ăn nắm được đoạn, được biết. Khi thức ăn nắm được đoạn, được biết, đối với năm công đức của dục, tâm tham ái sẽ đoạn trừ. Người đối với ngũ dục tâm tham ái đã đoạn trừ, Ta không thấy đa văn Thánh đệ tử kia trên năm công đức của dục còn có một kiết sử nào mà không dứt. Bởi vì còn có một kết sử trói buộc thì sẽ tái sanh lại cõi đời này.
“Tỳ-kheo quán sát thức ăn xúc như thế nào? Ví như con bò bị lột da sống, khắp mọi nơi trên thân bị các sâu bọ rút rỉa, đất cát, bụi bặm, cây cỏ châm chích. Nếu như nằm nơi đất thì bị trùng ở đất ăn, nếu nằm nơi nước thì bị trùng ở nước ăn, nếu ở nơi hư không thì bị phi trùng ăn; nằm xuống đứng lên luôn luôn bị đau đớn cùng mình. Như vậy, Tỳ-kheo đối với xúc thực nên quán như thế. Khi quán như thế thì xúc thực được đoạn, được biết. Người đã đoạn đã biết xúc thực, ba thọ ắt sẽ đoạn trừ. Ba thọ đã được đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.
“Tỳ-kheo quán sát thức ăn ý tư như thế nào? Ví như ven làng xóm hay thành ấp bốc lửa, nhưng không có khói, không có ngọn lửa. Bấy giờ có người thông minh, có trí tuệ, xả bỏ khổ, hướng đến an vui, chán chết, thích sống, liền nghĩ như vầy: ‘Nơi kia có lửa lớn, nhưng không khói, không ngọn, người đi qua phải tránh, chớ để bị lạc vào trong đó, chắc chắn sẽ chết, không nghi gì nữa.’ Suy nghĩ như vậy rồi người này thường mong ước phải bỏ đi xa. Quán ý tư thực cũng như vậy. Người nào quán như vậy thì ý tư thực được đoạn. Người trừ được ý tư thực thì ba ái chắc chắn sẽ dứt. Ba ái đã đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.
“Tỳ-kheo quán sát thức ăn thức như thế nào? Ví như quốc vương có quân lính canh phòng bắt được trộm cướp, trói lại đem đến chỗ nhà vua. (Như trong kinh Tu-thâm đã nói ở trước). Vì nhân duyên này nên phải chịu ba trăm mũi giáo, bị đau đớn khổ sở suốt ngày đêm. Quán sát thức thực cũng lại như vậy. Người nào quán như vậy thì đối với thức thực đoạn được, biết được. Người nào biết thức thực đã đoạn, đã biết rồi thì danh sắc sẽ đoạn được, biết được. Danh sắc đã đoạn, đã biết, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 373. HỮU THAM[12]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích [103a] cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn cách ăn này mà có hỷ, có tham thì thức ăn sẽ trụ và tăng trưởng. Do thức trụ và tăng trưởng nó nên nhập vào danh sắc[13]. Vì nó nhập vào danh sắc nên các hành tăng trưởng. Vì hành tăng trưởng nên hữu đời sau sẽ tăng trưởng. Vì hữu đời sau tăng trưởng nên tập khởi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, như vậy tập khởi khối lớn thuần khổ.
“Nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ thì vì không tham không hỷ nên thức ăn không trụ, không tăng trưởng. Thức ăn không trụ, không tăng trưởng nên nó không nhập vào danh sắc. Không nhập vào danh sắc nên hành không tăng trưởng. Hành không tăng trưởng nên hữu đời sau không sanh, không lớn. Hữu đời sau không sanh không lớn nên không khởi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ ở đời vị lai, khối lớn thuần khổ như vậy diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 374. HỮU THAM (2)[14]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời, đó là: một đoàn thực, hai là xúc thực, ba là ý tư thực, bốn là thức thực. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, ắt phải có ưu bi, có trần cấu. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, ắt không có ưu bi, cũng không có trần cấu.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 375. HỮU THAM (3)[15]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thức trụ và tăng trưởng, cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ.
“Ví như lầu các cung điện, Bắc, Tây dài rộng, Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông, ánh sáng chiếu trên vách phía Tây. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ (như đã nói rộng ở trước cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ). Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ… (như đã nói rộng ở trước cho đến khối lớn thuần khổ [103b] diệt).
“Các Tỳ-kheo, ví như lầu các cung điện, Bắc, Tây dài rộng, Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông sẽ chiếu vào đâu?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Rọi vào vách phía Tây.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu không có vách phía Tây, mặt trời sẽ chiếu vào đâu?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Mặt trời sẽ chiếu sáng hư không, không có chỗ duyên vào.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, thức không có chỗ trụ, cho đến khối lớn thuần khổ diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 376. HỮU THAM (3)[16]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thức trụ và tăng trưởng, cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Này các Tỳ-kheo, ví như lầu các cung điện, Bắc, Tây dài rộng, Đông, Tây có cửa sổ. Mặt trời mọc ở hướng Đông sẽ chiếu sáng hướng nào?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Sẽ chiếu sáng ở vách phía Tây.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Cũng vậy, đối với bốn loại thức ăn mà có tham, có hỷ, thời thức trụ và tăng trưởng, cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thức cũng không trụ, tăng trưởng; cho đến khối lớn thuần khổ diệt.
“Này các Tỳ-kheo, ví như họa sư và học trò của họa sư, gom các màu sắc muốn tô điểm vẽ vời giữa hư không, có thể vẽ được không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch không thể được. Vì sao? Hư không này không phải sắc, không có đối ngại, nên không thể thấy.”
“Cũng vậy, Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, không có thức tồn tại, tăng trưởng cho đến khối lớn thuần khổ diệt như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 377. HỮU THAM (4)[17]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và tồn tại ở đời. Những gì là bốn? Đó là một thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý tư; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thức trụ và tăng trưởng, cho đến tụ tập khối lớn thuần khổ.
“Này các Tỳ-kheo, thí như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom [103c] các màu sắc, muốn trang trí vẽ vời những hình ảnh trên sắc chất. Các Tỳ-kheo, ý các ngươi nghĩ sao? Họa sư này hoặc đệ tử của ông này có thể dùng màu sắc trang trí vẽ vời trên sắc chất được không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, thật vậy, họ có thể trang trí vẽ vời trên sắc chất.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo, đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thức trụ và tăng trưởng… cho đến tập khởi khối lớn thuần khổ. Này các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, không có thức tồn tại, tăng trưởng,… cho đến khối lớn thuần khổ đã tụ tập bị diệt. Này các Tỳ-kheo, ví như họa sư hoặc đệ tử của họa sư gom các màu sắc, mà muốn không cần sắc chất để trang trí vẽ vời các hình ảnh, có thể vẽ vời được không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không thể được.”
“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ, không có thức tồn tại, tăng trưởng,… cho đến khối lớn thuần khổ đã tụ tập bị diệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


[103c13] KINH 378. CHUYỂN PHÁP LUÂN[19]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:
“Đây là Khổ Thánh đế, là pháp vốn chưa từng được nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác[20]. Đây là Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Lại nữa, đây là Khổ Thánh đế đã biết, cần phải biết[21], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Đây là Khổ tập Thánh đế đã biết, cần phải đoạn,[22] là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Lại nữa, đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết, cần phải tác chứng;[23] là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết, cần phải tu,[24] là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, đây là Khổ Thánh đế đã biết, đã biết xong[25], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Lại nữa, đây là Khổ tập Thánh đế đã biết, đã đoạn xong[26], là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Lại nữa, đây là Khổ diệt Thánh đế đã biết, đã tác chứng xong[27]; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Lại nữa, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế đã biết, đã [104a] tu xong[28]; là pháp vốn chưa từng nghe, khi được tư duy chân chánh, phát sanh nhãn, trí, minh, giác.
“Này các Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành[29], Ta nếu không sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác, ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, và các chúng nghe pháp[30], thì Ta không bao giờ được coi là đã giải thoát, đã xuất, đã ly, và cũng không tự chứng đắcVô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Đối với bốn Thánh đế này, với ba chuyển, mười hai hành, Ta sanh nhãn, sanh trí, sanh minh, sanh giác; do đó, ở giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, và các chúng nghe pháp, Ta đã giải thoát, đã xuất, đã ly, tự chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
 Một thời Thế Tôn nói pháp này, Tôn giả Kiều-trần-như[31] cùng tám vạn chư Thiên xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.”
Bấy giờ đức Thế Tôn bảo Tôn giả Kiều-trần-như :
“Biết pháp chưa?”
Kiều-trần-như bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đã biết.”
Lại hỏi Tôn giả Kiều-trần-như[32]:
“Biết pháp chưa?”
Kiều-trần-như bạch Phật:
“Bạch Thiện Thệ, đã biết.”
Vì Tôn giả Kiều-trần-như đã biết pháp cho nên gọi là A-nhã Kiều-trần-như [33].
Sau khi Tôn giả A-nhã Kiều-trần-như đã biết pháp, Địa thần xướng lên rằng:
“Các nhân giả, đức Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. đã ba lần chuyển mười hai hành pháp luân mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho Trời, Người, làm tăng thêm số chúng cõi Trời, giảm bớt chúng A tu la.”
Địa thần xướng lên xong, vọng đến các thần hư không, vua Trời Tứ thiên, trời Tam thập tam, trời Diệm ma, trời Đâu suất đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại, lần lượt truyền xướng, trong khoảnh khắc, lại vọng đến cõi Phạm thiên, nghe truyền vang âm thinh rằng:
“Các nhân giả, đức Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại đã ba lần chuyển mười hai hành pháp luân mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm chưa từng chuyển, đem lại nhiều lợi ích, đem lại nhiều an lạc; vì lòng thương xót thế gian, bằng nghĩa lợi và sự hữu ích, làm lợi ích an vui cho Trời, Người, làm tăng thêm số chúng cõi Trời, giảm bớt chúng A tu la.”
Vì Thế Tôn ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại chuyển pháp luân, cho nên kinh này được gọi là kinh Chuyển Pháp luân.[34]
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

[104b] KINH 379. TỨ ĐẾ (1)[35]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 380. TỨ ĐẾ (2)[36]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có bốn Thánh đế. Những gì là bốn? Đó là Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Nếu Tỳ-kheo nào đối với bốn Thánh đế mà chưa hiện quán[37], phải nên tu tập hiện quán, khởi ý muốn tăng thượng, nổ lực tìm cầu phương tiện, chánh niệm, chánh tri, cần phải học[38].”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


[1] Đại chánh, kinh 372. S. 12. 12. Phagguna.
[2] Phả-cầu-na 頗求那. Pāli: Moḷiyaphagguna.
[3] Pāli: ko nu kho, bhante, viññāṇāhāraṃ āhāretī ti, ai hấp thu thức ăn của thức này?
[4] Pāli: “āhāretī ti” na ahaṃ vadāmi, Ta không nói: “Nó ăn.”
[5] Pāli: viññāṇāhāro, Sớ giải: thức nói ở đây chỉ kết sanh tâm (paṭisandhicittaṃ), nối liền hai đời sống.
[6] Chiêu vị lai hữu linh tương tục sanh 招未來有令相續生; Pāli: āyatiṃ punabbhavābhinibbatti, sự tái sanh khởi của hữu trong tương lai.
[7] Pāli: ko nu kho tasatī ti, ai khát ái (khát vọng)?
[8] S 12. 12, từ chi này trở đi, không có câu hỏi như vậy.
[9] Trong nguyên bản: Đương lai hữu xúc 當來有觸; đây sửa lại là đương lai hữu chuyển .
[10] Hán: (…) thị danh hữu hữu lục nhập xứ 是名有。有六入處. Câu này văn cú không rõ ràng nên ý nghĩa cũng mơ hồ. Đây theo hiểu biết phổ thông về các chi duyên khởi mà chấm câu như vậy. Cách hiểu khác: “Đó gọi là có hữu nên có sáu nhập xứ.” Cách hiểu này bất thường đối với các chi duyên khởi.
[11] Đại chánh, kinh 373. Ăn thịt con. Pāli, S. 12. 63. Puttamaṃsa.
[12] Đại chánh, kinh 374. S. 12. 64. Atthirāgo.
[13] Pāli: yattha paṭiṭṭhitaṃ viññāṇaṃ virūḷhaṃ atthi tattha nāmarūpassa avakkan ti, nơi nào có thức trụ và tăng trưởng, nơi đó danh sắc thác vào (hiện ra).
[14] Đại chánh, kinh 375. Xem kinh 372 và các kinh sau.
[15] Đại chánh, 376.
[16] Đại chánh, kinh 377. Xem kinh 374, 375 trên.
[17] Đại chánh, kinh 378.
[18] Ấn Thuận Hội biên, Tụng iii. Tạp nhân, 4. Tương ưng đế, gồm các kinh Đại chánh, kinh 379 - 443 (nửa sau quyển 15 – nửa đầu quyển 16). Tương đương Pāli, S. 56. Saccasaṃyutta.
[19] Đại chánh, kinh 379. Pāli, S. 56. 11- 12. Tathāgatena vuttā (Dhamma-cakkappavattana)..
[20] Pāli (S. v. 422): idaṃ dukkhaṃ ariyasaccan ti me, bhikkhave, pubbe ananussutesu dhammesu cakkhuṃ udapādi, ñāṇaṃ udapaādi, paññāṇaṃ udapādi vijjā udapādi, āloko udapādi, Này các Tỳ-kheo, đây là Khổ thánh đế, trong các pháp mà trước đây Ta chưa từng nghe, phát sanh nhãn, phát sanh trí, phát sanh huệ, phát sanh minh, phát sanh ánh sáng.
[21] Trí đương phục tri 智當復知. Pāli: idaṃ dukkhaṃ ariyasccaṃ pariññeyyan’ti … idaṃdukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññātan’ti, Đây là Khổ Thánh đế cần được biến tri…
[22] Dĩ tri đương đoạn 已知當斷. Pāli: idaṃ dukkhasamupadayaṃ ariyasaccaṃ pahātabban’ti, Đây là Khổ tập Thánh đế cần được đoạn.
[23] Dĩ tri đương tri tác chứng 已知當知作證. Pāli: idaṃ dukkhanirodhaṃ ariyasaccaṃ sacchikātabban’ti,  Đây là Khổ diệt Thánh đế cần được tác chứng
[24] Dĩ tri đương tu 已知當修. Pāli: idaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ bhāvetabbanti. Đây là Khổ diệt đạo Thánh đế cần được tu.
[25] Dĩ tri dĩ xuất 知已出. Pāli: idaṃ dukkhaṃ ariyasaccaṃ pariññeyyan’ ti (...) pariññātan ti,  Đây là Khổ Thánh đế cần được biến tri… đã được biến tri
[26] Dĩ tri dĩ đoạn xuất 已知已斷出. Pāli: idaṃ dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ pahātabban ti (...) pahīnan’ti.  Đây là Khổ tập Thánh đế cần đoạn, đã được đoạn.
[27] Dĩ tri dĩ tác chứng xuất 已知已作證出. Pāli: idaṃ dukkhanirodham ariyasaccaṃ sacchikātabban’ti (...) sacchikatan’ti, Đây là Khổ diệt Thánh đế cần chứng, đã được chứng.
[28]Dĩ tri dĩ tu xuất 已知已修出. Pali: idaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ bhāvetabban’ti  (...) bhāvitan’ti, Đây là Khổ diệt Đạo thánh đế cần tu, đã được tu.
[29] Tam chuyển thập nhị hành 三轉十二行. Pāli: tiparivattaṃ dvādasākāraṃ, ba vận chuyển, mười hai hình thái (hành tướng).
[30] Pāli: sadevake loke samārake sabrahmake sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya, trong thế giới gồm có Chư thiên, Ma vương, Phạm thiên, cùng giữa quần sanh loại gồm các sa-môn, bà-la-môn, các trời và con người.
[31] Kiều-trần-như 憍陳如. Pāli: Koṇḍañña.
[32] Trong nguyên bản: Câu-lân 拘鄰, trên kia âm là Kiều-trần-như.
[33] A-nhã Câu-lân 阿若拘鄰. Pāli: āññasi vata, bho, koñḍañño, aññasi vata, bho, koñṇḍañño ti … aññāsikoñḍañño, (Phật nói) “Thật vậy, Koṇḍañña đã biết (liễu ngộ)! Thật vậy, Koṇḍañña đã biết.” (do đó Tôn giả được gọi là) Aññāsikoṇḍañña (Aññāta-Koñḍañña).
[34] Tên gọi Pāli: Dhammacakkappavattanasutta.
[35] Đại chánh, kinh 380.
[36] Đại chánh, kinh 381.
[37] Nguyên Hán: Vô gián đẳng, 無間等.
[38] Nguyên bản: giác . Trưởng lão Ấn Thuận sửa lại là học .

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.