KINH 441. TRẢO GIÁP[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng trong móng tay khưi một ít đất, rồi nói với các Tỳ-kheo:
“Các ngươi nghĩ thế nào, đất trên móng tay Ta nhiều, hay đất ở đại địa này nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, đất trong móng tay của Thế Tôn là rất ít, ít lắm, còn đất ở đại địa thì nhiều vô lượng, cho đến không thể dùng toán số, hay thí dụ để so sánh được.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Cũng như vậy, thân hình các chúng sanh mà có thể thấy được thì như đất trên móng tay; còn thân hình của chúng sanh vi tế không thể thấy được nhiều như đất trên đại địa. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo [114b] sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như đất liền nói trên, về thủy tánh cũng lại như vậy.
Các kinh khác tương tợ:
“Ít như đất trên móng tay, cũng vậy, những chúng sanh được sanh ra trong cõi người. Còn loại không được làm người cũng như đất đại địa.
“Những chúng sanh được sanh ra nơi có văn minh (đô thị) cũng như đất đính trên móng tay. Còn được sinh ra nơi biên địa cũng như đất trên đại địa.
“Người thành tựu Thánh tuệ nhãn cũng như đất trên móng tay. Còn người không thành tựu Thánh tuệ nhãn cũng như đất ở đại địa.
“Những chúng sanh biết được pháp luật này, cũng như đất dính trên móng tay. Còn chúng sanh không biết pháp luật cũng như đất ở đại địa.
“Như biết, biết bình đẳng cũng vậy, biết khắp tất cả, chánh tưởng, chánh giác, chánh giải, pháp hiện quán, cũng như vậy.
“Những chúng sanh biết có cha mẹ, cũng như đất dính trên móng tay; còn số chúng sanh không biết đến có mẹ cha cũng như đất ở đại địa.
“Những chúng sanh biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn, và làm những điều cần làm phước đời này, đời khác, sợ tội thường bố thí, ăn chay giữ giới thì cũng như đất dính trên đầu móng tay; còn số chúng sanh không biết có bậc tôn trưởng của dòng Sa-môn, Bà-la-môn, làm những điều phước cần ở đời này, đời khác, sợ tội lỗi thường bố thí, thọ trai,[2] giữ giới, thì cũng như đất ở đại địa.
“Những chúng sanh không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không nói hai lưỡi, không ác khẩu, không nói thêu dệt thì cũng như đất trên móng tay; còn số chúng sanh không giữ gìn giới luật, thì cũng như đất ở đại địa.
“Cũng vậy, những chúng sanh lìa tham nhuế, tà kiến, và chúng sanh không lìa tham nhuế, tà kiến cũng nói như vậy.
“Những chúng sanh không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, ít như đất dính trên móng ta; còn số chúng sanh không giữ gìn năm giới nhiều như đất ở đại địa.
“Những chúng sanh giữ gìn tám giới thì cũng như đất dính trên móng tay; còn số chúng sanh không giữ gì tám giới thì cũng như [114c] đất ở đại địa.
“Những chúng sanh giữ gìn mười điều lành thì cũng như đất trên móng tay; còn số chúng sanh không giữ mười điều lành thì cũng như đất ở đại địa.
“Những chúng sanh từ địa ngục, sau khi chết rồi được sanh làm người thì cũng như đất dính trên móng tay; còn số chúng sanh từ địa ngục sau khi chết trở lại sanh vào địa ngục, hoặc súc sanh, hay ngạ quỷ thì cũng như đất ở đại địa.
“Những chúng sanh từ địa ngục, sau khi chết được sanh lên cõi Trời thì cũng như đất đính trên móng tay; còn số chúng sanh từ địa ngục, hoặc súc sanh, hay ngạ quỷ sau khi chết trở lại sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.
“Những chúng sanh ở loài người sau khi chết rồi sanh trở lại làm người thì cũng như đất dính trên móng tay; còn số chúng sanh ở loài người sau khi chết sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì cũng như đất ở đại địa.
“Những chúng sanh từ cõi Trời sau khi chết trở lại sanh vào cõi Trời thì cũng như đất dính trên móng tay; còn số chúng sanh ở cõi Trời sau khi chết sinh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì cũng như đất ở đại địa.”

KINH 442. TỨ THÁNH ĐẾ DĨ SANH[3]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Trước kia, khi Ta chưa nghe pháp, đã có được chánh tư duy rằng, ‘Đây là Khổ Thánh đế,’ chánh kiến đã phát sanh; ‘Đây là Khổ tập Thánh đế, đây là Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo tích Thánh đế,’ chánh kiến đã phát sinh.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh nói về đã sinh. Cũng vậy, đang sinh, sẽ sinh; kinh nói về khởi, tập, cận (gần), tu, tu nhiều, xúc, tác chứng; cũng như vậy.


7. TƯƠNG ƯNG GIỚI[4]

KINH 443. NHÃN DƯỢC HOÀN[5]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như viên thuốc chữa mắt, rộng sâu một do-tuần.[6] Nếu có người nào lấy viên thuốc này đặt vào trong mỗi mỗi giới[7], [115a] có thể khiến cho hết nhanh chóng[8], nhưng đối với các giới kia cũng không thể cùng biên tế của nó được. Nên biết, số lượng các giới nhiều đến vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học giới loại thiện. Đối với chủng loại sai biệt của giới thiện, hãy học như vậy.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 444. BỈ TÂM[9]

Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-Vệ. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới[10]. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội theo giới? Chúng sanh có hành tâm bất thiện thì cùng tụ hội với giới bất thiện[11]. Tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Cho nên, Tỳ-kheo, hãy học như vậy, chủng loại sai biệt của giới thiện.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 445. KỆ[12]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Nói đầy đủ như trên, chỉ khác là nói thêm bài kệ này:
Thường hợp nên thường sinh,
Lìa nhau, sinh đứt đoạn.
Như người ôm gỗ nhỏ,
Mà vào trong biển lớn;
Người, gỗ đều bị chìm.
Biếng nhác cũng như vậy.
Nên lìa xa biếng nhác,
Siêng năng hạng thấp hèn.
Hiền Thánh không giải đãi;
An trụ nơi viễn ly,
Ân cần tinh tấn thiền,
Vượt qua dòng sanh tử.
Như sơn gặp lụa trắng;
Lửa gặp gió cháy bừng,
Ngọc và sữa cùng sắc;
Chúng sanh cùng theo giới,
Tương tợ thì hòa hợp,
Tăng trưởng cũng như vậy.

KINH 446. HÀNH[13]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Thế nào là chúng sanh thường tụ hội theo giới? Chúng sanh có hành tâm bất thiện thì cùng tụ hội với giới bất thiện. Tâm hành thiện thì cùng tụ hội với giới thiện. Thiện tâm đi cùng với thiện giới. Thắng tâm đi cùng thắng giới.
Bấy giờ, Tôn giả Kiều-trần-như cùng với nhiều Tỳ-kheo đang đi kinh hành gần đó, tất cả đều là những bậc Thượng tọa, đa văn, [115b] đại đức, xuất gia đã lâu, tu tập đầy đủ phạm hạnh.
Lại có Tôn giả đại Ca-diếp cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều ít muốn, biết đủ, đầu-đà, khổ hạnh, không chứa đồ dư.
Tôn giả Xá-lợi-phất cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều là những bậc đại trí biện tài.
Tôn giả đại Mục-kiền-liên cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều là những bậc có sức thần thông lớn.
Tôn giả A-na-luật-đà cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều được thiên nhãn sáng suốt.
Bấy giờ, cũng có Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ, cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều dõng mãnh, tinh tấn, chuyên cần tu hành.
Lại có Tôn giả Đà-phiêu cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều vì đại chúng sửa sang các thứ cúng dường đầy đủ.
Tôn giả Ưu-ba-ly cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều thông đạt luật hạnh.
Tôn giả Phú-lâu-na cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều là những bậc biện tài, thuyết pháp.
Lại có Tôn giả Ca-chiên-diên cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều có khả năng phân biệt các kinh, khéo nói pháp tướng.
Khi đó cũng có Tôn giả A-nan cùng với nhiều Tỳ-kheo đi kinh hành gần đó, tất cả đều là những bậc tổng trì đa văn.
Lại có Tôn giả La-hầu-la cùng với nhiều Tỳ-kheo cũng đi kinh hành gần đó, tất cả đều khéo giữ gìn luật hạnh.
Khi đó cũng có Tôn giả Đề-bà-đạt-đa cùng với nhiều Tỳ-kheo đang đi kinh hành gần đó, tất cả đều huân tập nhiều ác hạnh.
Đó gọi là Tỳ-kheo thường cùng đi và hòa hợp với giới. Cho nên, Tỳ-kheo, nên khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 447. KỆ[14]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá.
Nói đầy đủ như kinh trên.
Phật liền nói kệ:
Thường hợp nên thường sinh,
Lìa nhau, sinh đứt đoạn.
Như người ôm gỗ nhỏ,
Mà vào trong biển lớn;
Người, gỗ đều bị chìm.
Biếng nhác cũng như vậy.
Nên lìa xa biếng nhác,
Siêng năng hạng thấp hèn.
[115c]Hiền Thánh không giải đãi;
An trụ nơi viễn ly,
Ân cần tinh tấn thiền,
Vượt qua dòng sanh tử.
Như sơn gặp lụa trắng;
Lửa gặp gió cháy bừng,
Ngọc và sữa cùng sắc;
Chúng sanh cùng theo giới,
Tương tợ thì hòa hợp,
Tăng trưởng cũng như vậy.

KINH 448. GIỚI HÒA HIỆP[15]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Nói đầy đủ như trên… cho đến,
“Thắng tâm đi cùng thắng giới. Tâm hèn cùng đi với giới hèn. Khi sát sinh thì đi cùng giới loại sát sinh. Khi tâm trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu thì đi cùng giới loại uống rượu. Khi tâm không sát đi cùng giới loại không sát. Khi tâm không trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ; khi tâm không uống rượu thì đi cùng giới loại không uống rượu. Cho nên, Tỳ-kheo, phải khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 449. TINH TẤN[16]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh thường tụ hội theo giới, hòa hợp với giới. Khi bất tín thì đi cùng giới bất tín. Khi phạm giới thì đi cùng giới phạm giới. Khi không tàm không quý thì đi cùng giới không tàm không quý. Khi có tín thì đi cùng giới có tín. Khi trì giới thì đi cùng giới trì giới. Khi tâm có tàm có quý thì đi cùng giới có tàm có quý. Cho nên, Tỳ-kheo, phải khéo phân biệt các giới loại sai biệt.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như tín hay bất tín. Cũng vậy tinh tấn hay không tinh tấn, thất niệm hay không thất niệm, chánh thọ hay không chánh thọ, đa văn hay thiểu văn, xan lẫn hay bố thí, ác tuệ hay thiện tuệ, khó nuôi hay dễ nuôi, khó thỏa mãn hay dễ thỏa mãn, ham muốn nhiều hay ham muốn ít, biết đủ hay không biết đủ, điều phục hay không điều phục, tất cả đều đi cùng giới đó. Như kinh trên đã nói đầy đủ.

KINH 450. GIỚI[17]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Hôm nay Ta sẽ nói về các chủng loại sai biệt của giới[18]. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Thế nào là các [116a] giới? Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Đó gọi là các thứ giới.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.


[1] Đại chánh kinh 442. Móng tay. Pāli, S. 56. 51. Nakkhasikho.
[2] Đây chỉ không ăn chiều.
[3] Đại chánh kinh 443.
[4] Ấn Thuận Hội biên, Tụng iii. Tạp nhân, 5. Tương ưng giới, từ kinh 444 - 465 trong nửa sau quyển 16. Tương đương Pāli, S. 14. Dhātu-saṃyutta (Nidānavaggo).
[5] Đại chánh 444. Viên thuốc chữa mắt. Không thấy Pāli tương đương.
[6] Ý nói, số lượng viên thuốc được tập họp lại.
[7] Chỉ cách tính số lượng: mỗi giới loại (chủng loại) đặt một viên.
[8] Số viên thuốc hết nhanh, nhưng số giới chưa hết.
[9] Tâm hèn mọn. Đại chánh kinh 445. Pāli, S. 14. 14. Hīnādhimutti (Ý chí hèn kém).
[10] Pāli (S.ii. 153): dhātusova bhikkhave sattā saṃsandanti samenti, chúng sanh giao tiếp theo giới, tập hợp theo giới. Ở đây, giới hay giới loại được hiểu là tánh chất (giới loại).
[11] Pāli: hīnādhimuttikā hīnādhimuttikehi saddhiṃ..., bản tánh thấp hèn thì đi với bản tánh thấp hèn.
[12] Đại chánh kinh 446. Pāli, S. 14. 16. Sagathā.
[13] Đại chánh kinh 447. S. 14. 15. Kammaṃ
[14] Đại chánh kinh 448.
[15] Đại chánh kinh 449. S. 14. 12. Sanidānaṃ.
[16] Đại chánh kinh 450.
[17] Đại chánh kinh 451. S. 14. 1. Dhātu.
[18] Chủng chủng giới 種種. Pāli: dhātunānattaṃ, tính đa dạng của giới (loại).

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.