KINH 431. NGŨ TIẾT LUÂN[1]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như cái bánh xe có năm tiết liên tục[2], một người thanh niên khỏe mạnh có thể quay nhanh bánh xe này. Cũng vậy, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết như thật về Khổ Thánh đế, không biết như thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, sẽ bị luân hồi trong năm đường xoay vần một cách nhanh chóng; hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh, hoặc đọa vào ngạ quỷ, hoặc Trời, hoặc Người, rồi lại đọa vào đường ác, trường kỳ luân chuyển. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan [112c] hỷ phụng hành.

KINH 432. TANG THƯỢNG THUYẾT PHÁP

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như Lai Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác đã nói pháp tăng thượng[3]; nghĩa là bốn Thánh đế được khai thị, được thi thiết, được kiến lập, được phân biệt, được diễn giải, bày hiển hiện, được biểu lộ[4]. Những gì là bốn? Đó Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 433. HIỆT HUỆ[5]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào là hiệt huệ[6]? Có phải là biết như thật về Khổ Thánh đế, về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, hay không biết?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, theo như sự hiểu biết của chúng con về những lời dạy của Phật, đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, đó gọi là hiệt huệ.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Nếu đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, đó gọi là hiệt huệ. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 434. TU-ĐẠT[7]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, gia chủ Tu-đạt-đa[8] đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp hay phải hiện quán tức thời[9]?”
Phật bảo gia chủ:
“Bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp, chứ không phải hiện quán tức thời.”
Phật bảo gia chủ:
“Nếu có người bảo: ‘Đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế,’ lời nói này không đúng. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế nếu chưa hiện quán mà có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì điều không thể có được. Cũng giống như người lấy hai lá cây nhỏ[10] xếp lại làm đồ đựng nước mang đi thời không thể có được. Cũng vậy, đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh [113a] đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế,’ thì điều này không thể có được.
“Như có người lấy lá sen kết lại làm đồ chứa nước mà đem đi, việc này có thể có được. Cũng vậy, này Gia chủ, đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế,’ điều này có thể có được. Cho nên, Gia chủ, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 435. ĐIỆN ĐƯỜNG[11]

Như điều Gia chủ Tu-đạt đã hỏi ở kinh trên, có Tỳ-kheo khác hỏi đức Phật, cũng được nói như vậy. Chỉ có sai biệt nơi thí dụ:
“Như có con đường có bốn bực thềm đi lên điện đường. Nếu có người nói: ‘Không cần lên bậc thứ nhất mà lên ngay bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư, lên điện đường,’ điều này không thể có được. Vì sao? Phải do bậc thứ nhất rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư để lên được đến điện đường. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế,’ điều này không thể có được. 
“Này Tỳ-kheo, nếu có người nói: ‘Bằng bốn bậc thềm đưa lên điện đường, nhưng phải do từ bậc thềm thứ nhất, rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư mới lên được điện đường,’ nói như vậy mới đúng. Vì sao? Vì phải do bậc thềm thứ nhất, sau đó mới leo lên bậc thềm thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên được điện đường, việc này có thể có được. Cũng vậy Tỳ-kheo, nếu đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, tuần tự có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.’ Nên nói như vậy. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán, sau đó theo thứ lớp đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế hiện quán, việc này có thể có được.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ [113b] phụng hành.

KINH 436. ĐIỆN ĐƯỜNG (2)[12]

Như Tỳ-kheo đã hỏi ở kinh trên, những điều Tôn giả A-nan hỏi, đức Phật cũng dạy như vậy, chỉ có thí dụ là sai khác.
Phật bảo A-nan:
“Như cái thang có bốn bậc đưa lên điện đường. Nếu có người nói: ‘Không cần nhờ vào bậc thứ nhất mà lên ngay bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư là lên được diện đường,’ thì không thể có được. Cũng vậy A-nan, nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế,’ điều này không thể có được. Vì sao? Nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà muốn hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, thì không thể có được.
“Này A-nan, như cái thang có bốn bậc đưa lên điện đường, nếu có người nói: ‘Phải do bậc thứ nhất, sau đó mới lên bậc thừ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên tới điện đường.’ Nói như vậy mới đúng. Vì sao? Vì phải do vào bậc đầu tiên, tuần tự lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi mới tới điện đường. Điều này có thể có được. Cũng vậy, A-nan đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, tuần tự có thể hiện quán Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Điều này có thế có được.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 437. CHÚNG SANH[13]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Như lấy hết cây cỏ trên quả đất này, dùng làm cây thương[14], và xâu hết tất cả các loài thủy vật trong biển lớn, có thể xuyên suốt được tất cả không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì những con vật ở trong biển lớn đủ các hình tướng, chủng loại, hoặc có loài nhỏ quá, không thể xâu được, hoặc lớn quá, cũng không thể xâu được.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đúng vậy, đúng vậy! Chúng sanh giới vô số, vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán."
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 438. TUYẾT SƠN[15]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn cầm một cục sạn[16], rồi hỏi các Tỳ-kheo:
“Các ngươi nghĩ [113c] sao? Sạn trong tay Ta đây là nhiều hay sạn ở núi Tuyết lớn nhiều?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, sạn trong tay của Thế Tôn rất ít, còn sạn ở núi Tuyết thì nhiều trăm, ngàn muôn, ức, vô lượng, không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Những chúng sanh mà biết như thật Khổ Thánh đế, biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì ít như sạn ở trong tay Ta đang cầm. Còn những chúng sanh kia mà không biết như thật đối Khổ Thánh đế, không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế thì nhiều như sạn ở núi Tuyết, nhiều đến vô lượng. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 439. HỒ TRÌ ĐẲNG[17]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như ao hồ, sâu rộng năm mươi do tuần, nước đầy tràn. Nếu có người dùng một sợi tóc, hoặc sợi lông, hoặc đầu ngón tay thấm vào nước hồ này cho đến ba lần, thế nào, này các Tỳ-kheo, giọt nước thấm của người kia nhiều hay nước trong hồ nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nước trên sợi tóc, sợi lông, hay dầu ngón tay của người này rất ít, còn nước trong hồ thì nhiều vô lượng, vô số cho đến không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Nhiều như nước trong hồ lớn, nhiều vô lượng, là gốc rễ khổ bị cắt đứt như cây đa-la bị chặt ngọn, thành pháp không tái sanh trong tương lai, mà đa văn Thánh đệ tử đoạn trừ khi thành tựu kiến đế[18], đắc Thánh đạo quả. Những gì còn sót chưa đoạn tận, chỉ ít như nước đầu sợi tóc, sợi lông, ngón tay của người kia mà thôi. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như ví dụ hồ nước lớn, cũng vậy những ví dụ về hồ Tát-la-đa-tra-ca, sông Hằng-già, Da-phù-na, Tát-la-du, Y-la-bạt-đề, Ma-hê[19], cùng bốn biển lớn cũng nói như trên.

[114a] KINH 440. THỔ[20]

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế Tôn tay cầm một hòn đất, lớn bằng trái lê[21], bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào, các Tỳ-kheo, hòn đất trong tay Ta nhiều hay đất trong núi Tuyết nhiều?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa, hòn đất trong tay Thế Tôn rất ít, còn đất tại núi chúa Tuyết thì thật nhiều, nhiều đến trăm ngàn ức na-do-tha, cho đến không thể dùng toán số, thí dụ để so sánh được.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Những chúng sanh mà biết như thật Khổ Thánh đế, biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế cũng ít như hòn đất Ta đang cầm ở trong tay. Những chúng sanh mà không biết như thật Khổ Thánh đế, không biết như thật Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, nhiều hơn đất ở núi chúa Tuyết. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, nên siêng năng tìm cầu phương tiện, phát khởi ý muốn hơn lên, tu học hiện quán.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như núi chúa Tuyết. Cũng vậy các ví dụ về núi Ni-dân-đà-la, Tỳ-na-đa-ca, Mã-nhĩ, Thiện kiến, Khư-đề-la-ca, Y-sa-đà-la, Du-kiền-đà-la, Tu di sơn vương, và đất đai trên đại địa cũng lại như vậy. Như dụ trái lê, cũng vậy các ví dụ trái A-ma-lặc-ca, Bạt-đà-la, Ca-la-ca, quả đậu, cho đến ví dụ tép tỏi cũng nói như vậy.


[1] Đại chánh kinh 432.
[2] Ngũ tiết tương tục luân 五節相續輪, bánh xe có năm nan.
[3] Tăng thượng thuyết pháp .
[4] Các cách thuyết pháp của Phật, Pāli: ācikkananā (tuyên thuyết, công bố), desanā (giáo huấn, chỉ thị), paññāpanā (thi thiết, quy định), vivaraṇā (khai thị, khai hiển), vibhajanā (phân biệt, phân tích).
[5] Đại chánh kinh 434.
[6] Hiệt huệ 黠慧, nhận thức lão luyện, sâu sắc. Pāli: paṇḍita, tuệ quảng bác.
[7] Đại chánh kinh 435. Tu-đạt, tên thật của Ông Cấp Cô Độc. Pāli: Sudatta.
[8] Tu-đạt gia chủ 須達長者. Pāli: Sudatta-gahapati.
[9] Tiệm thứ vô gián đẳng, đốn vô gián đẳng 漸次無間等, 頓無間等.
[10] Tế diệp; xem kinh 396.
[11] Đại chánh kinh 436. Pāli, S. 56. 44. Kūṭāgāra.
[12] Đại chánh kinh 437.
[13] Đại chánh kinh 438. S. 56. 36. Pājā.
[14] Thương ; trong Khang hy, từ này chỉ tiếng khua của châu ngọc. Có lẽ là  bị chép nhầm, Pāli: sūla, cây giáo, hay cái cọc nhọn.
[15] Đại chánh kinh 439. S. 56. 49-50. Sineru.
[16] Hán: thổ thạch 土石. Pāli ibid., Phật so sánh bảy viên sỏi nhỏ bằng hạt cải (satta muggamattiyo pāsāṇakkharā) và núi Chúa Tu-di (Sineru).
[17] Đại chánh kinh 449. Thí dụ về ao hồ, và các thú khác nữa. Pāli, S. 56. 52. Pokkharaṇī.
[18] Kiến đế, thấy được Thấy đế. Pāli: ariyasāvakassa diṭihisampanassa puggalassa abhisametāvino, đối với Thánh đệ tử đã thành tựu kiến, đã đắc hiện quán. (Đây chỉ Thánh giả Tu-đà-hoàn).
[19] Tên các con sông lớn ở Ấn độ: Sambejja, Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī.
[20] Đại chánh kinh 441, Đất. Pāli, S.56. 55-60. Pathavī,vv.
[21] Pāli: satta kolaṭṭhimattiyo guḷikā, hòn đất lớn bằng bảy hạt táo.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.