NGHI VẤN




Một hôm, Vi Thứ Sử vì Sư thiết trai đại hội, thọ trai xong Thứ Sử thỉnh sư lên tòa, cùng quan liêu sĩ thứ trang nghiêm đảnh lễ thưa rằng:
- Đệ tử đã nghe Hoà Thượng nói pháp thật bất khả tư nghì. Hôm nay có vài điều nghi ngờ, xin vì đệ tử giũ lòng từ bi giải nói cho.
Sư dạy:
- Có nghi cứ hỏi, ta sẽ vì các ngươi mà nói.
Vi thưa: Những điều Hòa Thượng nói phải chăng là tông chỉ của Đạt Ma Tổ Sư.
Sư đáp:
- Đúng.
Vi thưa: Đệ tử có nghe khi Đạt Ma mới giáo hóa cho Lương Võ Đế. Đế có hỏi rằng: "Một đời Trẫm xây dựng chùa chiền, cúng dường chúng Tăng, bố thí thiết trai, vậy có công đức gì không?" Đạt Ma dạy: "Thật chẳng có công đức gì cả". Đệ tử chưa rõ được lý này, mong Hòa Thượng vì đệ tử mà chỉ dạy.
Sư dạy:
- Thật chẳng có công đức gì cả, chớ nghi ngờ lời nói của Thánh xưa. Vì Võ Đế mang tâm tà nên chẳng hiểu chánh pháp. Việc xây dựng chùa chiền, cúng dường Tăng chúng, bố thí thiết trai là những việc cầu phước, chẳng thể đem phước đó để làm công đức được. Công đức thì ở trong pháp thân chứ chẳng phải ở việc tu phước.
Sư lại dạy:
- Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Trong mỗi niệm không bị vướng mắc, thường thấy cái diệu dụng chân thật của bàn tánh chính là công đức. Trong tâm nhún nhường khiêm tốn là công, bên ngoài thực hành lễ bái là đức. Tự tánh kiến lập muôn pháp là công, thể tâm lìa niệm là đức. Nếu muốn tìm pháp thân công đức nên theo đó mà làm thì mới thật là chân công đức. Người tu công đức, tâm không khinh rẽ thường kính trọng tất cả. Nếu tâm thường khinh rẽ mọi người thì tánh tự cao ngã mạn không dứt và tự mình không có công. Tự tánh của mình hư vọng không thật là không có đức. Bởi vì tự cao tự đại ngã mạn khinh thường mọi người.
Thiện tri thức! Niệm niệm không gián đoạn là công, tâm thực hành ngay thẳng là đức. Tự sửa tánh là công, tự sửa thân là đức.
Thiện tri thức! Công đức cần phải tìm thấy trong tự tánh, chứ không phải do bố thí cúng dường mà cầu được. Đó chính là sự khác biệt giữa phước đức và công đức. Tại Võ Đế chẳng hiểu lý chân thật, chớ chẳng phải Tổ Sư ta nói sai.
Thứ Sử lại thưa:
- Đệ tử thường thấy Tăng tục niệm Phật A-Di-Đà nguyện sanh về phương Tây. Xin Hòa Thượng nói cho biết có sanh về nước kia được không? Nguyện vì đệ tử mà phá chỗ nghi ngờ này.
Sư dạy:
- Sử Quân hãy nghe cho rõ Huệ Năng sẽ vì ông mà nói: Khi đức Thế Tôn ở trong thành Xá Vệ có nói về cõi phương Tây để dẫn dắt hóa độ mọi người, mà trong văn kinh đã nói rõ ràng cách đây không bao xa. Nếu luận về tướng thì có mười vạn tám nghìn dặm, nhưng con số này là con số tượng trưng để chỉ cho 10 ác 8 tà ở trong người chúng ta, cho nên nói xa. Nói xa là vì người hạ căn, còn nói gần là vì bậc thượng trí. Người thì có hai hạng, nhưng pháp thì không hai. Vì có kẻ mê người ngộ nên có kiến giải mau chậm sai biệt. Người mê thì nhờ niệm Phật cầu vãn sanh về nước kia, còn người ngộ thì tự trong sạch tâm mình. Cho nên Phật dạy: "Tùy tâm mình tịnh thì cõi Phật tịnh".
Sử Quân là người phương đông chỉ cần tâm tịnh thì không có tội, cho dù là người phương tây nhưng tâm không tịnh thì vẫn có tội như thường. Người phương Đông tạo tội niệm Phật để cầu về phương tây, còn người phương tây tạo tội thì niệm Phật cầu sanh về nơi nào? Phàm phu chẳng rõ tự tánh, chẳng biết tịnh độ trong người thì nguyện Đông nguyện Tây, chứ người đã ngộ rồi thì ở bất cứ nơi nào cũng được. Cho nên Phật dạy: "Theo chỗ ở mà thường an vui". Nếu tâm địa của Sử Quân hoàn toàn thiện thì phương tây cách đây chẳng xa, còn nếu ôm lòng bất thiện thì dù có niệm Phật cầu vãng sanh cũng khó đến.
Nay tôi khuyên các Thiện tri thức trước hết hãy từ bỏ 10 điều ác, tức quý vị đã đi 10 vạn dặm, sau đó trừ 8 tà tức sẽ vượt qua 8 ngàn dặm nữa. Mỗi niệm thường thấy tánh, thường làm ngay thẳng, được như vậy, thì trong vòng khảy móng tay liền gặp Phật Di Đà. Sử quân chỉ cần thực hành 10 điều thiện thì cần gì phải nguyện vãng sanh? Nếu tâm chẳng đoạn trừ 10 điều ác thì Phật nào đến trước? Nếu ngộ được pháp đốn vô sanh thì phương tây sẽ thấy ngay tức khắc. Nếu chẳng ngộ mà niệm Phật cầu vãng sanh thì đường quá xa xôi làm sao đến được?
Bây giờ, Huệ Năng sẽ dời cõi phương tây về trong chốc lát để cho quý vị thấy ngay trước mắt, Quý vị muốn thấy không?
Toàn thể đảnh lễ thưa:
- Nếu thấy được ở nơi này, thì cần gì phải cầu gì phải cầu vãng sanh? Nguyện xin Hòa Thượng từ bi hiện ngay cõi phương tây cho mọi người được thấy.
Sư dạy:
- Đại chúng! Sắc thân của chúng ta là thành trì, mắt tai mũi lưỡi là cửa ngõ. Bên ngoài có 5 cửa thành, bên trong lại có cửa ý. Tâm là lãnh địa, Tánh là vua, vua ở trên đất Tâm. Tánh hiện hữu thì vua hiện hữu, tánh mất đi thì vua cũng không còn. Tánh hiện hữu thì thân tâm tồn tại, tánh mất đi thì thân hoại vong. Muốn làm Phật nên tìm về trong tánh, chớ tìm Phật ở ngoài thân. Tự tánh mê là chúng sanh. Tự tánh giác là Phật. Từ bi là Quán Âm-Hỷ xả là Thế Chí- Năng tịnh là Thích Ca - Ngay thẳng là Di Đà. Nhân ngã là Tu Di - Tham dục là nước biển - Phiền não là sóng cồn. Độc hại là rồng dữ - Hư vọng là quỷ thần - Trần lao là tôm cá - Tham sân là địa ngục - Ngu si là súc sanh.
Thiện tri thức! Hãy luôn luôn thực hành 10 điều thiện thì thiên đường sẽ đến, bỏ nhân ngã thì tu di sẽ đổ, trừ tham dục thì nước biển sẽ khô, phiền não đã không thì sóng cồn cũng lặng, và độc hại đã trừ thì tôm cá cũng mất. Lúc đó, từ trên lãnh địa tự tâm, giác tánh như lai phóng đại quang minh chiếu soi 6 cửa bên ngoài làm thành thanh tịnh và có công năng phá các cõi trời lục dục, bên trong, tự tánh chiếu soi tức trừ ba độc và những tội địa ngục cùng lúc bị tiêu diệt. Khi trong ngoài đã sáng suốt thì cả khác chi cõi phương Tây. Nếu không tu như vậy thì làm sao đến được phương kia?
Đại chúng nghe xong, đều thấy rõ tự tánh, mọi người đảnh lễ tán thán: Hay thay! Rồi cùng xướng lên rằng: Nguyện cho chúng sanh khắp pháp giới khi nghe lời Thầy cùng lúc tỏ ngộ. Sư dạy:
- Thiện tri thức! Nếu muốn tu hạnh này, thì ở tại gia tu cũng được cần gì phải ở chùa. Ở nhà mà thực hành được thì cũng giống như người phương Đông có tâm thiện, còn ở chùa mà chẳng tu thì cũng như người phương Tây có tâm ác. Chỉ có tâm thanh tịnh mới là tự tánh của phương Tây.
Vi lại thưa:
- Bằng cách nào cho người tại gia tu hành? Xin Hòa thượng vì mọi người chỉ dạy.
Sư nói:
- Ta sẽ nói cho Đại chúng một bài tụng vô tướng, chỉ cần theo đó mà tu thì luôn luôn ở gần bên ta. Nếu không tu theo đó thì dù có xuống tóc xuất gia cũng không có ích gì đối với đạo. Tụng rằng:
Tâm bình nhọc gì trì giới
Hạnh trực cần chi tu thiền
Ơn thì hiếu dưỡng cha mẹ
Nghĩa thì trên dưới thương nhau
Nhường thì trên dưới kính hòa
Nhẫn thì xấu dở không bàn
Nếu dùi cây ra lửa được
Bùn lầy sẽ trổ Hồng liên
Đắng miệng chính là thuốc hay
Trái tai ắt phải lời ngay
Sửa lỗi tất sanh trí tuệ
Trong tâm che xấu ác ghê
Hằng ngày thường làm lợi ích
Thành đạo đâu tại cho tiền
Bồ đề tìm hướng nơi tâm
Nhọc gì hướng ngoại cầu huyền
Nghe nói theo đây tu sửa
Phương Tây trước mắt đây rồi.
Sư lại nói:
- Thiện tri thức! Mọi người cần phải theo kệ tu hành, thấy được tự tánh thì tức khắc thành Phật. Thời giờ chẳng chờ đợi ai, mọi người nên giải tán. Ta sẽ về Tào Khê. Nếu ai có nghi, cứ đến mà hỏi.
Bấy giờ, Thứ Sử, quan liêu cùng thiện nam, tín nữ ở trong pháp hội đều được khai ngộ, tín thọ phụng hành.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.