KINH 51. BẤT LẠC


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Những gì Năm? Sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

“Lành thay! Tỳ-kheo không ưa sắc, không khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm trước sắc. Lành thay! Tỳ-kheo không ưa thọ, tưởng, hành, thức, không khen ngợi… thức, không chấp thủ… thức, không đắm trước… thức. Vì sao? Tỳ-kheo không ưa sắc, không khen ngợi sắc, không chấp thủ sắc, không đắm trước sắc; đối với sắc sẽ không ưa thích, tâm được giải thoát. Cũng vậy, đối với thọ, [15c] tưởng, hành, thức mà không ưa … thức, không khen ngợi … thức, không chấp thủ … thức, không đắm rước … thức; đối với … thức sẽ không ưa thích, tâm được giải thoát.

“Tỳ-kheo không ưa sắc, tâm được giải thoát. Cũng vậy, Tỳ-kheo không ưa thọ, tưởng, hành, thức, tâm được giải thoát, không sanh không diệt, bình đẳng, an trú, xả với chánh niệm chánh trí.

“Tỳ-kheo này đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, kiến chấp liên hệ biên tế quá khứ vĩnh viễn diệt tận không dư tàn. Khi kiến chấp liên hệ biên tế quá khứ vĩnh viễn diệt tận không dư tàn, kiến chấp liên hệ biên tế vị lai cũng vĩnh viễn diệt tận không dư tàn. Khi kiến chấp liên hệ biên tế vị lai cũng vĩnh viễn diệt tận không dư tàn, kiến chấp liên hệ biên tế quá khứ và biên tế vị lai cũng diệt tận không dư tàn, không còn gì ngăn che. Khi đã không còn gì ngăn che, trong các thế gian đều không có gì để chấp thủ. Không chấp thủ nên cũng không có gì để mong cầu. Không có gì để mong cầu, nên tự mình chứng ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 52. PHÂN BIỆT (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Những gì Năm? Sắc, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

“Thế nào là sắc thủ uẩn? Những gì là sắc, tất cả chúng đều là bốn đại, và sắc do bốn đại tạo; đó gọi là sắc thủ uẩn. Lại nữa, sắc kia là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Nếu sắc thủ uẩn này vĩnh viễn bị đoạn trừ không dư tàn, rốt ráo xả ly, diệt tận, ly dục, tịch diệt, các sắc thủ uẩn khác không tương tục, không xuất hiện, không khởi lên; đó gọi là vi diệu, cũng gọi là tịch tĩnh, cũng gọi là xả ly tất cả hữu dư, ái tận, vô dục, diệt tận, Niết-bàn.

“Thế nào là thọ thủ uẩn? Đó là sáu thọ thân. Những gì là sáu? Thọ phát sanh do xúc con mắt; thọ phát sanh do xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là thọ thủ uẩn. Lại nữa, thọ thủ uẩn này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.

“Thế nào là tưởng thủ uẩn? Đó là sáu tưởng thân. Những gì là sáu? Tưởng phát sanh do xúc con mắt; cho đến, tưởng phát sanh do xúc của ý. Đó gọi là tưởng thủ uẩn. Lại nữa, tưởng thủ uẩn này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.

“Thế nào là hành thủ uẩn? Đó là sáu tư thân. Những gì là sáu? Tư phát sanh do xúc con mắt; cho đến, [16a] tư phát sanh do xúc của ý. Đó gọi là hành thủ uẩn. Lại nữa, hành thủ uẩn này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.

Thế nào là thức thủ uẩn? Đó là sáu thức thân. Nhũng gì là sáu? Thức thân con mắt; cho đến ý thức thân, đó gọi là thức thủ uẩn. Lại nữa, thức thủ uẩn này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, cho đến, diệt tận, Niết-bàn.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đối với pháp này mà dùng trí tuệ tư duy, quán sát, phân biệt, nhẫn thọ, đó gọi là tùy tín hành, siêu thăng, ly sanh , vượt qua khỏi địa vị phàm phu. Nếu chưa đạt được quả Tu-đà-hoàn, mà nửa chừng không chết, thì chắc chắn sẽ đạt được quả Tu-đà-hoàn.

“Này các Tỳ-kheo, nếu đối với pháp này, mà bằng tăng thượng trí tuệ, tư duy quán sát, nhẫn thọ, đó gọi là tùy pháp hành, siêu thăng, ly sanh, vượt qua khỏi địa vị phàm phu. Nếu chưa đạt được quả Tu-đà-hoàn, mà nửa chừng không chết, thì chắc chắn sẽ đạt được quả Tư-đà-hoàn.

“Này Tỳ-kheo, đối với pháp này nếu bằng trí tuệ chân chánh mà quán sát như thật, ba kết được biết rõ là hoàn toàn đoạn trừ ; đó là, thân kiến, giới thủ, nghi. Tỳ-kheo, đó gọi là quả Tu-đà-hoàn, sẽ không rơi vào đường ác, quyết định thẳng đến Chánh giác , bảy lần sanh qua lại giữa Trời-người, cuối cùng sẽ cứu cánh biên tế của khổ.

“Này Tỳ-kheo, nếu đối với pháp này nếu bằng trí tuệ chân chánh mà quán sát như thật, tâm sẽ không khởi lên lậu hoặc, đó gọi là A-la-hán. Khi các lậu đã sạch rồi, những gì cần làm đã làm xong, trút bỏ gánh nặng, đạt được mục đích của mình , các kết sử hữu dứt sạch, chánh trí, tâm đạt được giải thoát.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 53. PHÂN BIỆT (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Đó là, sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, vô minh, đối với năm thủ uẩn sanh ra ngã kiến buộc vào, khiến cho tâm bị buộc vào mà sanh ra tham dục.

“Này Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đa văn có trí tuệ, có minh, đối với năm thủ uẩn này không bị buộc chặt bỡi ngã kiến, khiến tâm bị trói buộc dính mắc, mà khởi lên tham dục.

“Vì sao kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt, đối với năm thủ uẩn, bị ngã kiến trói buộc, khiến cho tâm bị trói buộc dính mắc mà sanh ra tham dục? Này Tỳ-kheo, kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt, thấy rằng sắc là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy, thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Những kẻ phàm phu ngu si không học, không trí tuệ, không sáng suốt như vậy, đối với năm thủ uẩn nói là ngã và bị trói buộc vào, [16b] làm cho tâm bị trói buộc mà sanh ra tham dục.

“Vì sao Thánh đệ tử, có trí tuệ, sáng suốt, không cho là ngã trói buộc, khiến kết buộc tâm mà sanh tham dục? Vì Thánh đệ tử không thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy, đối với thọ tưởng, hành, thức không thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong ngã. Như vậy, Thánh đệ tử, có trí tuệ, sáng suốt, đối với năm thủ uẩn không thấy ngã trói buộc, để khiến trói buộc tâm mà sanh ra tham dục. Nếu những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, nên quán sát đúng tất cả chúng đều là vô thường. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức, hoặc là quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, thì cũng nên quán sát đúng tất cả chúng đều là vô thường.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 54. PHÂN BIỆT (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Đó là, sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Này Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương có ngã, tất cả y trên năm thủ uẩn này mà chủ trương có ngã. Những gì Năm? Các Sa-môn, Bà-la-môn ở nơi sắc thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Như vậy, kẻ phàm phu ngu si không học, chấp ngã, vô minh, phân biệt mà quán sát như vậy, không lìa ngã sở . Do không lìa ngã sở, nhập vào các căn . Khi nhập vào các căn rồi thì sẽ sanh ra xúc. Sáu xúc duyên vào những gì được xúc, phàm phu ngu si không học sanh ra khổ lạc, từ đó phát sanh ra cái này và những cái khác, đó là sáu xúc thân. Những gì là sáu? Xúc nhập xứ của mắt; xúc nhập xứ của tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

“Này Tỳ-kheo, có ý giới, pháp giới, vô minh giới được chạm bởi vô minh xúc, phàm phu ngu si không học nói là hữu, nói là vô, nói là vừa hữu vừa vô, nói là chẳng phải hữu chẳng phải vô, nói là ta hơn hết, nói là tương tợ, ta biết, ta thấy.

“Lại nữa, này Tỳ-kheo, Thánh đệ tử đa văn, khi trụ vào sáu xúc nhập xứ mà có thể nhàm chán xa lìa vô minh, có thể sanh ra minh. Người đó đối với vô minh mà ly dục, sanh ra minh, chẳng hữu, chẳng vô, chẳng phải vừa hữu vừa vô, chẳng phải chẳng hữu, chẳng vô, chẳng phải có ta hơn, chẳng phải [16c] có ta kém, chẳng phải có ta bằng, ta biết, ta thấy. Khi biết như vậy, thấy như vậy rồi thì vô minh xúc khởi lên trước kia sẽ diệt, và minh xúc sau sẽ tập khởi.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 55. ƯU-ĐÀ-NA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Lộc-tử-mẫu trong Đông-viên, nước Xá-vệ.

Bấy giờ, buổi chiều, sau giờ Thế Tôn từ thiền định dậy, đến giảng đường, vào trong nhà giảng, trải tòa ngồi trước đại chúng. Rồi thì, Thế Tôn nói kệ ưu-đà-na:

Pháp không có tôi ta,

Cũng lại không của ta;

Ta sẽ không hiện hữu,

Của ta từ đâu sanh?

Tỳ-kheo giải thoát đây,

Đoạn trừ hạ phần kết .

Bấy giờ, có Tỳ-kheo rời chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo vai bên phải, quỳ gối phải sát đất, chấp tay bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là không có tôi ta, cũng lại không của ta; cũng sẽ không có ta, của ta từ đâu sanh? Tỳ-kheo giải thoát đây, đoạn trừ hạ phần kết?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Phàm phu ngu si không học, chấp sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; đối với thọ, tưởng, hành, thức cho là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Đa văn Thánh đệ tử, không thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng vậy, không thấy thọ, tưởng, hành, thức là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau. Cũng chẳng phải là người biết, cũng chẳng phải là người thấy. Sắc này là vô thường. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Sắc là khổ. Thọ, tưởng, hành, thức là khổ. Sắc là vô ngã. Thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã. Sắc này sẽ không tồn tại. Thọ, tưởng, hành, thức sẽ không tồn tại. Vì sắc này sẽ không tồn tại . Thọ, tưởng, hành, thức không tồn tại. Cho nên, chẳng có ngã, chẳng có ngã sở, ngã, và ngã sở chẳng tồn tại. Nếu người nào giải thoát như vậy, sẽ đoạn trừ được năm kết sử hạ phần.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, khi đã đoạn trừ năm kết sử hạ phần rồi, làm sao để ngay trong đời này tự biết, tự tác chứng, thành tựu và an trú với sự diệt tận các lậu, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, biết rằng: ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa?’”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Phàm phu chúng sanh ngu si không học, nên ở chỗ không sợ hãi mà sanh ra sợ hãi. Phàm phu chúng sanh ngu si không học sanh ra sự sợ hãi rằng:

Không ngã, không ngã sở;

Cả hai sẽ chẳng sanh.

[17a] “Do vin bám mà có bốn trú xứ của thức . Những gì là bốn? Thức trụ nơi sắc, vin bám sắc, ham muốn sắc, để tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Thức trụ nơi thọ, tưởng, hành, vin bám hành, ham muốn hành, để tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Tỳ-kheo, thức ở nơi này, hoặc đến, hoặc đi, hoặc ở, hoặc khởi, hoặc diệt, tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn. Nếu ai nói rằng lại có pháp khác, ở đó thức hoặc đến, hoặc đi, hoặc ở, hoặc khởi, hoặc diệt, tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn; đây chỉ có trên ngôn thuyết, chứ nếu hỏi đến, người ấy sẽ không biết, chỉ tăng thêm ngu si, vì đó chẳng phải là cảnh giới của nó. Vì sao? Tỳ-kheo, xa lìa tham dục đối với sắc giới, triền phược của ý sanh đối với sắc cũng sẽ bị đoạn trừ. Khi triền phược của ý sanh nơi sắc bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám của thức cũng sẽ bị đoạn trừ. Khi ấy, thức không có chỗ trú, cũng không tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn trở lại. Khi triền phược của ý sanh nơi thọ, tưởng, hành giới, nếu đã lìa tham dục rồi, thì sự vin bám của thức cũng sẽ bị đoạn trừ. Khi ấy, thức không có chỗ trú, cũng không tăng tiến, sanh trưởng rộng lớn trở lại. Vì thức không chỗ trụ, nên không tăng trưởng. Vì không tăng trưởng nên không có gì để tạo tác. Vì không có gì để tạo tác cho nên được an trụ. Vì đã an trụ nên biết đủ. Vì đã biết đủ nên được giải thoát. Vì đã giải thoát nên trong các thế gian không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm trước. Vì không có gì để đắm trước nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Này Tỳ-kheo, Ta nói thức không trụ Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn bên, trên, dưới, ngoại trừ ngay trong hiện tại mà muốn nhập Niết-bàn, diệt tận, tịch tĩnh, thanh lương.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



Bài kệ tóm tắt

Sanh diệt và bất lạc

Và ba kinh phân biệt

Quán sát về tham trước

Đó là Ưu-đà-na.





KINH 56. THỌ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư , cho trong tâm mình tĩnh lặng. Vì sao? Tỳ-kheo luôn tu tập phương tiện thiền tư, trong tâm mình sẽ được tĩnh lặng, nên quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là sự tập khởi của… thức, đây là sự đoạn tận của… thức.

“Thế nào là tập khởi của sắc? Tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Phàm phu ngu si vô học đối với các thọ khổ, lạc, không khổ-không lạc, [17b] không quán sát như thật rằng đây là sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì không biết quán sát như thật, nên đối với thọ lại ưa thích tham đắm mà sanh ra chấp thủ. Thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; khối lớn đau khổ như vậy từ tập mà sanh. Đó gọi là sự tập khởi của sắc. Đó là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.

“Thế nào là diệt tận của sắc? Diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Đa văn Thánh đệ tử đối với các thọ khổ, lạc, không khổ không lạc, quán sát như thật rằng đây là sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly của thọ. Vì quán sát như thật nên đối với thọ sự ưa thích đắm trước bị đoạn trừ. Vì sự đắm trước đã bị đoạn trừ, nên chấp thủ cũng bị diệt. Vì thủ đã bị diệt, nên hữu cũng bị diệt. Vì hữu đã bị diệt, nên sanh cũng bị diệt. Vì sanh đã bị diệt, cho nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não cũng bị diệt; khối lớn đau khổ như vậy tất cả đều diệt. Đó gọi là sắc diệt. Đó gọi là thọ, tưởng, hành, thức diệt. Cho nên này Tỳ-kheo, hãy luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho tâm mình luôn tĩnh lặng. Tỳ-kheo trụ thiền tư, bên trong tâm luôn tĩnh lặng. Hãy nổ lực siêng năng phương tiện quán sát như thật.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như kinh quán sát, cũng vậy, có 12 kinh tiếp theo là Phân biệt, Chủng chủng phân biệt, Tri, Quảng tri, Chủng chủng tri, Thân cận, Thân cận tu tập, Nhập, Xúc, và Chứng.

KINH 57. SANH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, cho trong tâm mình tịch lặng. Vì sao? Vì nhờ tu tập phương tiện thiền tư, trong tâm mình đã tịch lặng, để quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Quán sát như thật rằng đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc. Đây là thọ, tưởng, hành, thức, sự tập khởi của… thức, sự diệt tận của… thức.

“Thế nào là tập khởi của sắc? Tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức?

“Này Tỳ-kheo, phàm phu ngu si không học, không quán sát như thật về sự tập khởi của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc, nên ưa muốn sắc kia, khen ngợi yêu đắm, nên sắc sẽ tái sanh lại vào đời vị lai. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói rộng như vậy. Khi sắc kia sanh; thọ, tưởng, hành, thức sanh, mà đối với sắc không giải thoát; đối với thọ, tưởng, hành, thức không giải thoát, Ta nói người đó sẽ không giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; thuần khối lớn đau khổ. Đó gọi là sự tập khởi của sắc; là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.

“Thế nào là sự diệt tận của sắc; sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức?

“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như thật về sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xa lìa sắc, biết như thật. [17c] Do biết như thật nên không thích sắc, không khen ngợi sắc, không ưa đắm sắc, cũng không sanh ra sắc vị lai. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói rộng như vậy. Sắc không sanh; thọ, tưởng, hành, thức không sanh, do đó đối với sắc được giải thoát, đối với thọ, tưởng, hành, thức được giải thoát. Ta nói người này giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não, thuần khối lớn đau khổ. Đó gọi là sự diệt tận của sắc; là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức.

“Cho nên, Tỳ-kheo, nên luôn luôn tu tập phương tiện thiền tư, để bên trong tâm mình tịch lặng, và tinh tấn siêng năng phương tiện quán sát như thật.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như kinh quán sát, cũng vậy, cho đến kinh Tác chúng, gồm 12 kinh, cũng cần diễn rộng.

KINH 58. LẠC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, cho nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Tỳ-kheo tu tập phương tiện thiền tư, cho nội tâm tĩnh lặng để quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Biết như thật đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc; đây là thọ, tưởng, hành, thức, sự tập khởi của… thức, sự diệt tận của… thức.

“Thế nào là tập khởi của sắc, tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Phàm phu ngu si không học, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật nên ưa thích đắm trước vào sắc kia, khen ngợi sắc. Vì ưa thích đắm trước sắc, khen ngợi sắc nên chấp thủ. Thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, tử, ưu, bi, não khổ; thuần khối lớn đau khổ như vậy sanh ra. Đó gọi là sự tập khởi của sắc; là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.

“Thế nào là sự diệt tận của sắc? sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì biết như thật, nên không thích đắm sắc, không khen ngợi sắc. Vì không thích đắm trước, khen ngợi sắc cho nên ái lạc bị diệt trừ. Ái lạc diệt nên chấp thủ cũng diệt. Thủ diệt nên hữu diệt. Hữu diệt nên sanh diệt. Sanh đã bị diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ cũng bị diệt; và như vậy thuần khối lớn đau khổ diệt.

“Thế nào là đa văn Thánh đệ tử biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, và về sự tập khởi của… thức, về sự diệt tận của… thức, về vị ngọt của… thức, về sự tai hại của… thức, về sự xa lìa… thức? Vì đã biết như thật về chúng, nên không thích đắm… thức kia, không khen ngợi… thức. Vì không thích đắm… thức nên ái lạc diệt. Ái diệt, nên thủ diệt. Thủ diệt nên hữu diệt. Hữu diệt nên sanh cũng bị diệt. Sanh diệt nên lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, [18a] khổ diệt, như vậy thuần khối lớn đau khổ tất cả đều diệt. Này Tỳ-kheo, đó gọi là sự diệt tận của sắc; là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Tỳ-kheo nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư để cho nội tâm được tĩnh lặng.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như kinh quán sát, cũng vậy, cho đến kinh Tác chứng, gồm 12 kinh, cũng cần diễn rộng.

KINH. 59 LỤC NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, để cho nội tâm được tĩnh lặng, thì mới quán sát như thật. Thế nào là quán sát như thật? Biết như thật đây là sắc; đây là sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc; và về đây là thọ, tưởng, hành, thức; đây là sự tập khởi của… thức, là sự diệt tận của… thức.

“Thế nào là sự tập khởi của sắc? sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức? Do duyên mắt và sắc nên thức của mắt sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc; duyên xúc sanh thọ, duyên thọ sanh ái, cho đến thuần khối lớn đau khổ sanh. Đó gọi là sự tập khởi của sắc. Duyên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Do duyên ý và pháp, thức của ý sanh; ba sự hòa hiệp sanh xúc, duyên xúc sanh thọ, duyên thọ sanh ái. Như vậy, cho đến thuần khối lớn đau khổ sanh. Đó gọi là sự tập khởi của sắc, là sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức.

“Thế nào là sự diệt tận của sắc? Sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức? Do duyên mắt và sắc nên thức của mắt sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc. Khi xúc diệt thì thọ diệt, cho đến thuần khối lớn đau khổ diệt. Duyên tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy. Do duyên ý và pháp, thức của ý sanh; ba sự hòa hợp sanh xúc. Khi xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt… cho đến thuần khối lớn đau khổ diệt. Đó gọi là sự diệt tận của sắc là sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức. Cho nên này các Tỳ-kheo, nên thường xuyên tu tập phương tiện thiền tư, để cho nội tâm được tĩnh lặng.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như kinh quán sát, cũng vậy, cho đến kinh Tác chúng, gồm 12, cũng cần diễn rộng.



Bài kệ tóm tắt

Thọ và sanh và lạc,

Cũng nói lục nhập xứ,

Mỗi một mười hai thứ,

Kinh thiền định tam-muội.



KINH 60. KỲ ĐẠO

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân , và về con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân.

“Thế nào là con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân? Phàm phu ngu si không học, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, [18b] về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên ưa thích sắc, khen ngợi sắc, đắm trước sắc, trụ vào sắc. Vì đã ưa thích sắc, khen nợi sắc, đắm trước sắc, trụ vào sắc, nên yêu thích chấp thủ. Thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não; thuần khối lớn đau khổ như vậy được sanh ra. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng nói rộng như vậy. Đó gọi là con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân. Tỳ-kheo, nên biết, con đường dẫn đến sự tập khởi của hữu thân, chính là con đường dẫn đến sự tập khởi của khổ.

“Thế nào là con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân? Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật nên đối với sắc không ưa, không khen, không đắm, không trụ. Vì không ưa, không khen, không đắm, không trụ nên ái lạc sắc kia diệt. Ái lạc diệt, thì thủ cũng diệt; thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não, thuần khối lớn đau khổ như vậy diệt. Cũng như sắc, đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân này cũng là con đường đưa đến sự diệt tận của khổ. Cho nên nói là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như kinh Đương thuyết, 2 kinh Hữu và Đương tri cũng vậy.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.