KINH TẠP A-HÀM

雜阿含經

Hán dịch: Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la

Việt dịch: Thích Đức Thắng

Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ





--- o0o ---

[T2n99] 

TỤNG I.  NĂM UẨN


1. TƯƠNG ƯNG NĂM UẨN

KINH 1. VÔ THƯỜNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Các ông hãy quán sát sắc là vô thường[2]. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ sanh ra nhàm tởm[3]. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch hỷ tham[4]. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát[5].

“Cũng vậy, các ông hãy quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Quán sát như vậy gọi là quán sát chân chánh. Khi đã quán sát chân chánh thì sẽ sanh ra nhàm tởm. Khi đã nhàm tởm thì dứt sạch hỷ tham. Sự dứt sạch hỷ tham được gọi là tâm giải thoát.

“Như vậy, Tỳ-kheo, nếu muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết không còn tái sanh đời sau nữa[6].’

“Cũng như quán sát vô thường, quán sát khổ, không, phi ngã cũng vậy.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 2. CHÁNH TƯ DUY[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sắc, các ông hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với sắc mà tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật sắc là vô thường, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức các ông hãy tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật... thức là vô thường. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo, đối với thức mà tư duy chân chánh, quán sát và biết một cách như thật... thức là vô thường, thì đối với thức, dục tham được đoạn trừ. Do dục tham được đoạn trừ mà nói là tâm giải thoát.

“Như vậy, Tỳ-kheo, nếu muốn tự chứng tâm giải thoát này thì có thể tự chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Cũng như tư duy chân chánh về vô thường, khổ, không, phi ngã cũng như vậy.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 3. VÔ TRI (1)[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sắc không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục[9] thì không thể đoạn trừ khổ não.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, thì không thể đoạn trừ khổ não.

“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ não.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành và thức, nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì có thể đoạn trừ khổ não.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 4. VÔ TRI (2)[10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sắc không biết, không rõ, không đoạn tận, không ly dục, tâm không giải thoát, thì không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà không biết, không rõ, không đoạn tận, không lìa tham dục[11], tâm không giải thoát, thì sẽ không thể nào vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

“Tỳ-kheo, đối với sắc nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu ly dục, thì sẽ vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

“Này các Tỳ-kheo, người nào nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, nếu lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu người nào nếu biết, nếu rõ, nếu đoạn tận, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 5. VÔ TRI (3)[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ai đối với sắc mà yêu thích[13], thì đối với khổ cũng yêu thích. Đối với khổ mà yêu thích, thì đối với khổ sẽ không được giải thoát, không rõ, không ly dục.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà yêu thích, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ, thì đối với khổ không được giải thoát.

“Này các Tỳ-kheo, ai đối với sắc không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.

“Cũng vậy, ai đối với thọ, tưởng, hành, thức không yêu thích, thì đối với khổ cũng không thích. Ai đối với khổ không thích, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.

“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát. Ai không giải thoát tâm tham, thì sẽ không thể đoạn trừ được khổ não.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức ai không biết, không rõ, không ly dục, tâm không giải thoát. Tham tâm không giải thoát, thì sẽ không đoạn trừ được khổ não.

“Đối với sắc, nếu người nào biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì sẽ có thể đoạn trừ được khổ não.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu biết, rõ, lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể đoạn trừ khổ não.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 6. VÔ TRI (4)[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sắc, không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát thì sẽ không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

“Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức nếu không biết, không rõ, không lìa tham dục, tâm không giải thoát, thì sẽ không vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.

“Này các Tỳ-kheo, đối với sắc nếu biết, nếu rõ, nếu lìa tham dục, tâm giải thoát, thì có thể vượt qua khỏi sự sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 7. HỶ LẠC SẮC[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ai yêu thích sắc, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ thì đối với khổ không được giải thoát.

“Cũng vậy, ai yêu thích thọ, tưởng, hành và thức, thì cũng yêu thích khổ. Ai yêu thích khổ thì đối với khổ không được giải thoát.

“Này các Tỳ-kheo, ai không yêu thích sắc, thì sẽ không thích khổ. Ai không yêu thích khổ, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.

“Cũng vậy, ai không yêu thích thọ, tưởng, hành, thức thì sẽ không thích khổ. Ai không thích khổ, thì đối với khổ sẽ được giải thoát.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Vô thường và khổ không,

Phi ngã, chánh tư duy.

Có bốn kinh vô tri,

Cùng hỷ lạc nơi sắc.



KINH 8. QUÁ KHỨ VÔ THƯỜNG[16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Sắc quá khứ, vị lai là vô thường huống chi là sắc hiện tại. Thánh đệ tử hãy quán sát như vầy: ‘Không hồi tưởng sắc quá khứ, không tìm cầu sắc vị lai, đối với sắc hiện tại thì nên nhàm tởm, ly dục, hướng thẳng đến diệt tận[17].’

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, vị lai là vô thường huống chi là... thức hiện tại. Thánh đệ tử hãy quán sát như vầy: ‘Không hồi tưởng thức quá khứ, không mong cầu thức vị lai và đối với thức hiện tại thì nên nhàm chán, ly dục, hướng thẳng đến diệt tận.’

“Vô thường, khổ, không, phi ngã cũng lại như vậy.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 9. YỂM LY[18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta[19]. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán[20].

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán.

“Thánh đệ tử quán sát như vậy thì sẽ nhàm tởm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm tởm nên không ham muốn[21], vì không ham muốn nên được giải thoát. Đối với giải thoát, trí chân thật phát sanh[22], biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 10. GIẢI THOÁT[23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức là chẳng phải ta. Cái gì chẳng phải ta thì cũng chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán.

“Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ tức chẳng phải ta. Chẳng phải ta tức chẳng phải sở hữu của ta. Quán sát như vậy gọi là chân thật chánh quán.

“Thánh đệ tử quán sát như vậy giải thoát khỏi sắc, giải thoát khỏi thọ, tưởng, hành, thức. Ta nói, đó cũng là sự giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.












________________________________________

[1]. Đại Chánh, quyển 1. Tham chiếu Pāli, S. 22. 12-14. Aniccam.

[2]. Sắc vô thường 色無常. Pāli: rūpaṃ aniccaṃ.

[3]. Hán: yểm ly 厭離. Pāli: nibbindati, chán ghét, ghét bỏ.

[4]. Hán: Hỷ tham tận 喜貪盡. Pāli: varajjati/ virāga, không còn mê đắm, ly nhiễm, ly tham.

[5]. Pāli: virāgā vimuccati. vimuttasmiṃ vimuttam iti ñāṇaṃ hoti, do ly tham mà được giải thoát. Khi giải thoát, có nhận thức là đã giải thoát.

[6]. Phát biểu của vị đã chứng quả A-la-hán: ngã sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, tự tri bất thọ hậu hữu 我生已盡, 梵行已立, 所作已辦, 自知不受後有. Pāli: khīṇā jāti vusitaṃ brahmacariyaṃ kataṃ karanīyaṃ nāparam itthatayāti pajānāti.

[7]. Tham chiếu, S. 22. 15-17. Yad aniccam.

[8]. Pāli, S. 22. 24. Parijānaṃ.

[9]. Hán: bất tri, bất minh, bất đoạn, bất ly dục 不知, 不明, 不斷, 不離欲. Pāli: anabhijānaṃ aprijānaṃ avirājayaṃ appajahaṃ, không thắng trí, không biến tri, không ly tham, không xả trừ.

[10]. S. 35. 27. Parijānanā.

[11]. Ly dục tham, các đoạn trên: ly dục. Pāli: viraja, ly nhiễm. Đồng nghĩa với virāga, ly tham.

[12]. S. 22. 29. Abhinandanaṃ (hoan hỷ), và phần cuối 22.24. Parijānaṃ (biến tri).

[13]. Hán: ái hỷ 愛喜. Pāli: abhinandati, hoan hỷ, chào mừng, hoan nghinh.

[14]. S. 35. 27, Parijānanā.

[15]. S. 22. 29 Abhinandanaṃ.

[16]. S. 22. 9-11. Atītānāgatapaccupanna

[17]. Hán: chánh hướng diệt tận 正向滅盡. Pāli: nirodhāya paṇipanno, tu tập hướng đến sự diệt tận (đối với sắc...).

[18]. Gần giống kinh số 2 trên, S. 22. 15. Yad aniccam.

[19]. Pāli: yad dukkhaṃ tad anattā; yad anattā tam netaṃ mama, nesoḥam asmi, na meso attāṭi, cái gì khổ cái đó không phải là tự ngã. Cái gì không phải là tự ngã, cái đó không phải là của tôi, cái đó, “nó không phải là tôi; nó không phải là tự ngã của tôi.”

[20]. Pāli: evam etam yathābhūtam sammappaññāya daṭṭhabbaṃ, điều đó cần được thấy rõ một cách như thực bằng trí tuệ chân chính như vậy.

[21]. Bất lạc 不樂; tức chỗ khác nói là ly dục, hay ly tham. Pāli: virāga.

[22]. Giải thoát giả chân thật trí sanh 解脫者真實智生. Pāli: vimuttasmiṃ vimuttam iti ñāṇaṃ hoti, trong sự giải thoát, biết rằng ta đã giải thoát. Xem cht. 5 kinh 1 trên.

[23]. Gần giống kinh số 2 và số 9. Pāli: S.22. 15 Yad aniccam.


Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.