KINH 61. THẬT GIÁC
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về biên tế của hữu thân , về biên tế tập khởi của hữu thân, về biên tế diệt tận của hữu thân . Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ nói cho các ngươi nghe.
“Thế nào là biên tế của hữu thân? Năm thủ uẩn; đó là: sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Đó gọi là biên tế của hữu thân.
“Thế nào là biên tế tập khởi của hữu thân? Đó là ái, ái hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia . Đó gọi là tập khởi của hữu thân.
“Thế nào là biên tế diệt tận của hữu thân? Tức là ái này, ái hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ. Đó là biên tế sự diệt tận của hữu thân. Đó là nói về biên tế hữu thân, về biên tế sự tập khởi của hữu thân, về biên tế sự đoạn diệt của hữu thân.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh Đương thuyết, 2 kinh Hữu và Đương tri cũng vậy.
KINH 62. HỮU THÂN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nay Ta nói về hữu thân , [18c] về sự tập khởi của hữu thân, về con đường dẫn đến sự diệt tận của hữu thân . Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Thế nào là hữu thân? Năm thủ uẩn; đó là: sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Đó gọi là hữu thân.
“Thế nào là sự tập khởi của hữu thân? Đó là ái, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia. Đó gọi là sự tập khởi của hữu thân.
“Thế nào là sự diệt tận của hữu thân? Tức là ái này, ái về hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ. Đó gọi là sự diệt tận của hữu thân.
“Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân? Là chỉ cho Bát thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.
“Đó là nói về hữu thân, về sự tập khởi của hữu thân, về sự diệt tận của hữu thân, về con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Như kinh Đương thuyết, 2 kinh Hữu và Đương tri cũng vậy.
Nhưng có sự sai biệt: “Tỳ-kheo biết hữu thân, đoạn tập khởi của hữu thân, chứng diệt của hữu thân, tu tập con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Đó là Tỳ-kheo đoạn trừ các kết sử, triền phược của ái dục, tu hiện quán, cứu cánh khổ biên.”
Lại có sự sai biệt: “Đó gọi là Tỳ-kheo đã cứu cánh khổ biên, cứu cánh ly cấu, cứu cánh phạm hạnh, là bậc thượng sĩ thuần tịnh.”
Lại có sự sai khác: “Đó gọi là Tỳ-kheo A-la-hán, sạch hết các lậu hoặc, những gì cần làm đã làm xong, đã trút bỏ gánh nặng, đã đạt được mục đích của mình, dứt sạch các kết sử, chánh trí tâm giải thoát.”
Lại có sự sai biệt: “Đó gọi là Tỳ-kheo đã phá sập quan ải, vượt hào, siêu việt cảnh giới, đã thoát tuần canh , dựng cờ Thánh pháp.”
Lại có sự sai biệt: “Thế nào là đã phá sập quan ải? Là đã dứt bỏ được năm hạ phần kết. Thế nào là vượt hào? Là vượt khỏi hào sâu vô minh. Thế nào là siêu việt khỏi cảnh giới? Là đến chỗ cùng tột không đầu mối của sanh tử. Thế nào là đã thóat tuần canh? Là ái đã hết sạch. Thế nào dựng cờ Thánh pháp? Là ngã mạn đã dứt sạch.”
Lại có sự sai biệt: “Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn năm chi, thành tựu sáu chi, thủ hộ một, y bốn thứ, xả các đế, lìa các thứ mong cầu, tịnh các giác, thân hành tịch tĩnh, tâm khéo [19a] giải thoát, tuệ khéo giải thoát, vô thượng sỹ, phạm hạnh thuần nhất đã lập.”
Kệ tóm tắt
Kỳ đạo, có ba kinh,
Thật giác cũng ba kinh,
Hữu thân kinh thuyết,
La-hán có sáu hạng.
(Hết quyển 2)
--------------------------------
0 nhận xét