KINH 63. TRI PHÁP


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ nói về các pháp sở tri, trí và trí giả. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Thế nào là các pháp sở tri? Năm thủ uẩn, đó là: Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Đó gọi là những pháp sở tri.

“Thế nào là trí? Sự điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, siêu việt dục tham. Đó gọi là trí.

“Thế nào gọi là trí giả? Đó là A-la-hán. A-la-hán chẳng phải tồn tại sau khi chết, chẳng phải không, chẳng phải có không tồn tại sau khi chết, chẳng phải chẳng có không tồn tại sau khi chết. Nói rộng ra vô lượng, các số đã vĩnh viễn dứt sạch. Đó gọi là nói về các pháp sở tri, trí và trí giả.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 64. TRỌNG ĐẢM

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về gánh nặng, thủ gánh nặng, xả gánh nặng, và người đang gánh nặng . Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì ngươi mà nói.

“Thế nào là gánh nặng? Năm thủ uẩn, đó là: Sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

“Thế nào là thủ gánh nặng? Đó là ái, ái hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia.

“Thế nào là xả gánh nặng? Tức là ái này, ái hữu đương lai đi đôi với tham hỷ, đắm trước cái này hay cái kia, tất cả đều được đoạn trừ, diệt tận khổ, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ.

“Thế nào là người đang gánh nặng? Chính là con người . Con người này có tên như vậy, thọ sanh như vậy, dòng họ như vậy, ăn uống như vậy, cảm thọ khổ lạc như vậy, tồn tại như vậy, thọ mạng như vậy, giới hạn thọ mạng sống như vậy. Đó gọi là gánh nặng, thủ gánh nặng, xả gánh nặng, và người đang gánh nặng.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Đã vứt bỏ gánh nặng,

Không nên nhận trở lại.

Gánh nặng là khổ lớn,

Trút gánh là lạc nhiều.

Đoạn trừ tất cả ái,

Thì sạch tất cả hành.

Thấu triệt mọi cảnh khác,

Không còn luân chuyển hữu.

[19b] Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 65. VÃNG NGHÊ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn đó là: sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Phàm phu ngu si không học, không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên đối với sắc có sự thích thú, ngợi khen, đắm trước, bị dính mắc mà trụ; bị trói buộc bởi dây trói của sắc, bị trói buộc bởi dây trói bên trong, không biết nguồn gốc, không biết biên tế, không biết xuất ly.

“Đó gọi là kẻ phàm phu ngu si không học, vì bị trói buộc nên sanh, vì bị trói buộc nên chết, vì bị trói buộc từ đời này sang đời khác, nên người này sanh ra cũng vì sự trói buộc mà chết đi cũng vì sự trói buộc.

“Đó gọi là kẻ phàm phu ngu si không học, bị Ma khống chế, vào trong lưới ma, bị Ma biến hóa , bị ma trói buộc, bị ma lôi kéo. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì đã biết như thật, nên không tham lạc sắc, không ngợi khen, không bị dính mắc mà trụ; không bị trói buộc bởi dây trói của sắc, không bị trói buộc bởi dây trói bên trong, biết nguồn gốc, biết biên tế, biết xuất ly.

“Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà sanh, không bị lệ thuộc vào sự trói buộc mà chết, từ đời này sang đời khác không bị lệ thuộc vào sự trói buộc; không bị Ma khống chế, không bị rơi vào tay Ma, không bị Ma tạo tác , không bị Ma trói buộc, giải thoát sự trói buộc của Ma, lìa khỏi sự dẫn dắt của Ma. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 66. QUÁN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Đó là, sắc thủ uẩn. Này Tỳ-kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Đó gọi là Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Đó gọi là Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác.

“Lại nữa, Tỳ-kheo, đối với sắc nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Đó gọi là A-la-hán tuệ giải thoát. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức; nhàm tởm, ly dục, tịch diệt, không làm sanh khởi, giải thoát. Đó gọi là A-la-hán tuệ giải thoát.

“Này Tỳ-kheo, Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác và A-la-hán tuệ giải thoát có sự sai biệt nào?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Như Lai là gốc của pháp, là con mắt của pháp, [19c] là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo mà nói rộng nghĩa này, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ thực hành theo.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác chưa từng nghe pháp nhưng có thể tự mình giác ngộ pháp, tự thông đạt Vô thượng Bồ-đề, rồi để giác ngộ cho hàng Thinh văn trong đời vị lai mà thuyết pháp. Đó là, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác, tám chi Thánh đạo. Này Tỳ-kheo, đó gọi là Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác đạt được những gì chưa đạt, được những cái lợi chưa từng được lợi, biết đạo, phân biệt đạo, nói đạo, thông suốt đạo; lại có thể thành tựu cho các Thinh văn, truyền dạy, răn bảo; như vậy mà thuận theo thiện pháp, hoan hỷ thiện pháp. Đó gọi là sự sai biệt giữa Như Lai và A-la-hán.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 67. DỤC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Đó là, sắc thủ uẩn; thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

“Này các Tỳ-kheo, hãy quán sát sắc. Sau khi quán sát sắc, thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thưa Không, Thế Tôn.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Sắc là vô ngã. Cái gì vô ngã thì vô thường, vô thường thì khổ. Nếu khổ thì kia tất cả đều chẳng phải ngã, không phải khác ngã, không ở trong nhau. Hãy quán sát như vậy.

“Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Đa văn Thánh đệ tử đối với năm thủ uẩn này quán sát là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi đã quán sát như vậy rồi, đối với thế gian không có gì để chấp thủ. Khi đã không có gì để chấp giữ thì sẽ không có gì để đắm trước. Khi đã không có gì để đắm trước thì sẽ tự giác ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 68. SANH (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Hãy đoạn trừ dục tham nơi sắc. Dục tham đã đoạn trừ rồi thì sắc đoạn. Khi sắc đoạn rồi, thì được đoạn tri . Khi được đoạn tri, thì gốc rễ bị đoạn. Như chặt ngọn cây ta-la, sau này không còn tái sanh được nữa. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức, dục tham đoạn… cho đến, đời sau [20a] không tái sanh được nữa.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 69.SANH (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu sắc khởi, trụ, xuất thì khổ ở đây khởi, bệnh ở đây trụ, già, chết ở đây xuất. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

“Tỳ-kheo, nếu sắc diệt, ngừng nghỉ, biến mất thì khổ ở đây diệt, bệnh ở đây dừng, già chết ở đây biến mất. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 70. SANH (3)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Sắc quá khứ, vị lai còn là vô thường, huống nữa là sắc hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy rồi, không nuối tiếc sắc quá khứ, không cầu mong sắc vị lai, và đối với sắc hiện tại nhàm chán, ly dục, diệt tận. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Tỳ-kheo, nếu không có sắc quá khứ, đa văn Thánh đệ tử không có việc không nuối tiếc sắc quá khứ; vì có sắc quá khứ cho nên đa văn Thánh đệ tử không nuối tiếc sắc quá khứ. Nếu không có sắc vị lai, đa văn Thánh đệ tử không có việc không cầu mong sắc vị lai rồi; vì có sắc vị lai cho nên đa văn Thánh đệ tử không cầu mong sắc vị lai. Nếu không có sắc hiện tại, đa văn Thánh đệ tử không có việc đối với sắc hiện tại mà nhàm chán, hướng đến lìa dục, diệt tận; vì có sắc hiện tại cho nên đa văn Thánh đệ tử đối với sắc hiện tại mà nhàm chán, hướng đến lìa dục, diệt tận. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Người đăng: Phổ Đồng on Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.