KINH 71. PHÁP ẤN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Ta sẽ nói về Thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh. Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ.
“Nếu Tỳ-kheo nói như vầy, ‘Tôi đối với tam-muội Không chưa có sở đắc, mà khởi Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.’ Chớ nên nói như vậy. Vì sao? Vì nếu chưa [20b] đạt được Không, mà nói là ‘Tôi đã đạt được Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn’, thì việc này không xảy ra.
“Nếu Tỳ-kheo nói như vầy, ‘Tôi đã đạt được Không, có thể khởi lên Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn.’ Thì đây là lời nói chính xác. Vì sao? Nếu đã đạt được Không rồi, thì sẽ có thể khởi lên Vô tướng, Vô sở hữu, lìa được tri kiến kiêu mạn; điều này chắc chắn có thể xảy ra.
“Thế nào là đối với kiến thanh tịnh của Thánh Đệ tử?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Phật là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp. Cúi xin hãy vì chúng con mà nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe pháp xong, sẽ thực hành theo lời dạy.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo ngồi dưới bóng cây, chỗ trống vắng, khéo quán sát sắc là vô thường, là pháp hoại diệt, ly dục. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, là pháp hoại diệt, ly dục. Quán các thủ uẩn kia là vô thường, là pháp hoại diệt, không bền chắc, biến dịch, tâm sẽ được an lạc, thanh tịnh, giải thoát. Đó gọi là Không. Quán sát như vậy cũng không thể lìa kiêu mạn, có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn tận của tướng sắc, sự đoạn tận của tướng thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó gọi là vô tướng. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát sự đoạn trừ tướng tham, tướng sân nhuế, tướng ngu si. Đó gọi là Vô sở hữu. Quán sát như vậy cũng chưa lìa kiêu mạn, có tri kiến thanh tịnh.
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát ngã và ngã sở từ đâu sanh ra?
“Lại có tam-muội chánh tư duy, là quán sát về ngã, ngã sở từ thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, biết mà sanh ra.
“Lại quán sát, do nhân gì, duyên gì mà thức có nhận thức; nhân , duyên của thức kia là thường hay vô thường?
“Lại tư duy do nhân gì, duyên gì mà thức có nhận thức; nhân, duyên kia của thức đều là vô thường. Lại nữa, nhân kia, duyên kia tất cả đều là vô thường, thức được sanh bởi đó làm sao là thường được? Vô thường là hành của hữu vi, từ duyên khởi, là pháp tai hại, là pháp hoại diệt, là pháp ly dục, là pháp đoạn tri. Đó gọi là Thánh pháp ấn, tri kiến thanh tịnh.
“Điều đó nói rằng, ‘Tỳ-kheo, Ta sẽ nói về Thánh pháp ấn và kiến thanh tịnh.’ Được nói rộng như vậy.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 72. PHÚ-LAN-NA
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú Tỳ-da-ly, trong giảng đường Trùng-các, bên bờ ao Di-hầu.
Bấy giờ có người Li-xa tên là Ma-ha-nam , thường [20c] ngày hay du hành đến chỗ đức Phật. Li-xa này bấy giờ tự nghĩ: ‘Nếu ta đến sớm chỗ Phật, thì hiện giờ đức Thế Tôn và các Tỳ-kheo quen biết của ta đều đang thiền tư. Bây giờ ta nên đến chỗ ngoại đạo A-kì-tì nơi bảy cây yêm-la.’ Rồi ông đến chỗ ở của Phú-lan-na Ca-diếp này.
Hiện Phú-lan-na Ca-diếp đang là thủ lãnh chúng ngoại đạo gồm năm trăm người, đang vây quanh trước sau, tiếng cười đùa huyên náo, bàn luận việc thế gian. Bấy giờ, Ca-diếp từ xa nhìn thấy Li-xa Ma-ha-man đang đến, liền bảo các quyến thuộc của mình nên giữ yên tĩnh, “Các ông nên giữ yên lặng. Đó là Li-xa Ma-ha-man, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm. Trong hàng đệ tử áo trắng của Sa-môn Cù-đàm ở Tì-da-li, ông này là người thượng thủ. Ông ta luôn thích sự tĩnh lặng, và khen ngợi sự tĩnh lặng. Ông ta đến nơi nào mà đồ chúng tĩnh lặng, vì thế cho nên các ông hãy giữ sự yên lặng.”
Khi Ma-ha-nam đến chỗ đồ chúng Phú-lan-na, cùng với Phú-lan-na thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi xuống một bên. Bấy giờ, Ma-ha-nam hỏi Phú-lan-na rằng:
“Tôi nghe Phú-lan-na nói pháp cho các đệ tử rằng, không có nhân, không có duyên cho sự cấu uế của chúng sanh; không có nhân, không có duyên cho sự thanh tịnh của chúng sanh. Hiện thế gian đang truyền luận thuyết này. Ông nên xem xét lại, có phải đây là những lời hủy báng nhau của người ngoài, hay người đời bày đặt ra? Đó là pháp, hay phi pháp? Ông có cùng tranh luận với người đời, bị nạn vấn, bị chỉ trích không?”
Phú-lan-na Ca-diếp đáp:
“Thật sự, có luận thuyết này, chứ không phải là người đời ngoa truyền. Tôi đã lập ra luận thuyết này. Đó là luận như pháp. Tôi đã nói pháp này tất cả đều thuận theo pháp. Không có người thế gian nào đến đây nạn vấn và chỉ trích. Vì sao? Ma-ha-nam, tôi thấy như vậy, nói như vậy: ‘Không có nhân, không có duyên cho sự cấu uế của chúng sanh; không có nhân, không có duyên cho sự thanh tịnh của chúng sanh.’”
Ma-ha-nam nghe những gì Phú-lan-na đã nói, lòng không vui thích; ông chỉ trích, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy mà ra về. Ông đi đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên, đem tất cả mọi chuyện đã bàn luận cùng Phú-la-na trình hết lên Thế Tôn.
Phật bảo Li-xa Ma-ha-nam:
“Đó là nhừng lời nói không cân nhắc của Phú-lan-na, không đáng để ghi nhớ. Như vậy, Phú-lan-na là người ngu si, thiếu hiểu biết, không thiện xảo, khi chủ trương không nhân mà nói như vầy: ‘không có nhân, không có duyên cho sự cấu uế của chúng sanh; không có nhân, không có duyên cho sự thanh tịnh của chúng sanh.’ Vì sao? Có nhân, có duyên chúng sanh có cấu uế; có nhân, có duyên chúng sanh thanh tịnh.
“Ma-ha-nam, do nhân gì, duyên gì mà chúng sanh có [21a] cấu uế?
“Này Ma-ha-nam, nếu sắc chỉ một mực là khổ, không phải lạc, không phải tùy lạc, không được trưởng dưỡng bởi lạc, xa lìa lạc, thì chúng sanh đã không nhân đây mà sanh ra sự ái lạc đắm trước. Nhưng, này Ma-ha-nam, sắc chẳng phải chỉ một mực là khổ, không phải lạc, mà nó tùy lạc, được trưởng dưỡng bởi lạc, chẳng xa lìa lạc, cho nên chúng sanh nhiễm đắm sắc. Do nhiễm đắm nên bị trói buộc; vì bị trói buộc, nên có phiền não.
“Này Ma-ha-nam, nếu thọ, tưởng, hành, thức chỉ một mực là khổ, không phải lạc, không phải tùy lạc, không được trưởng dưỡng bởi lạc, xa lìa lạc, thì chúng sanh đã không nhân đây mà sanh ra sự ái lạc đắm trước. Nhưng, này Ma-ha-nam, vì… thức chẳng phải chỉ một mực là khổ, không phải lạc, mà nó tùy lạc, được trưởng dưỡng bởi lạc, chẳng xa lìa lạc, cho nên chúng sanh nhiễm đắm… thức. Vì đã bị nhiễm đắm nên bị trói buộc; vì bị trói buộc nên sanh ra phiền não.
“Đó gọi là có sự cấu uế của chúng sanh là có nhân, có duyên.
“Ma-ha-nam, vì nhân gì, duyên gì mà chúng sanh thanh tịnh?
“Này Ma-ha-nam, nếu sắc chỉ một mực là lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải tùy khổ, chẳng phải trưởng dưỡng ưu khổ, xa lìa khổ, thì chúng sanh không nên nhân sắc này mà sanh ra nhàm chán, xa lìa. Nhưng, này Ma-ha-nam, vì sắc chẳng phải chỉ một mực là lạc, mà nó là khổ, tùy khổ, nuôi lớn sầu khổ, chẳng xa lìa khổ, cho nên chúng sanh đối với sắc sanh ra nhàm chán, xa lìa. Vì nhàm chán nên không thích; vì không thích nên giải thoát.
“Này Ma-ha-nam, nếu thọ, tưởng, hành, thức chỉ một mực là lạc, chẳng phải khổ, chẳng phải tùy khổ, chẳng phải trưởng dưỡng ưu khổ, xa lìa khổ, thì chúng sanh không nên nhân nơi… thức mà sanh ra nhàm chán, xa lìa. Nhưng, này Ma-ha-nam, vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải chỉ một mực là lạc, mà nó là khổ, tùy khổ, nuôi lớn sầu khổ, chẳng xa lìa khổ, cho nên chúng sanh đối với sắc sanh ra nhàm chán, xa lìa. Vì nhàm chán nên không thích; vì không thích nên giải thoát.
“Này Ma-ha-nam, đó gọi là sự thanh tịnh của chúng sanh là có nhân, có duyên.”
Khi Ma-ha-nam nghe những lời đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Bài kệ tóm tắt
Tri pháp cùng trọng đảm,
Vãng nghệ, quán, dục tham.
Kinh sanh, và lược thuyết,
Pháp ấn, Phú-lan-na.
KINH 73. TRÚC VIÊN
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại Chi-đề, tinh xá Trúc viên.
Bấy giờ đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Đa văn Thánh đệ tử ở nơi cái gì mà thấy vô thường, khổ?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật rằng:
“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Sau khi nghe xong các Tỳ-kheo sẽ y như những lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Đa văn Thánh [21b] đệ tử ở nơi sắc thấy là vô thường, khổ; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là vô thường, khổ.
“Tỳ-kheo, sắc là thường hay là vô thường?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.”
“Tỳ-kheo, vô thường là khổ phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
“Tỳ-kheo, nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy thì là đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế ; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy mà nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, tưởng, hành, thức. Vì nhàm chán nên không còn thích; vì không thích nên được giải thoát; vì đã được giải thoát cho nên biết rằng, tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 74. TÌ-DA-LY
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú Tì-da-li, trong giảng đường Trùng-các, bên bờ ao Di-hầu.
Bấy giờ, đức Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
“Đa văn Thánh đệ tử ở nơi cái gì thấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, mà quán chánh xác bình đẳng như vậy, và tri kiến như thật?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Sau khi nghe xong các Tỳ-kheo sẽ y như những lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì các ngươi mà nói.
“Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc thấy chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là quán chánh xác như thật. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Sắc là thường hay là vô thường?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.”
Lại bảo các Tỳ-kheo:
“Vô thường là khổ chăng?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
“Tỳ-kheo, nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy thì là đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, không.”
“Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, những gì là các sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là quán chánh xác như thật. [21c] Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với sắc được giải thoát, đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng được giải thoát. Ta nói người này giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, cùng tụ khổ thuần lớn.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 75. THANH TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc là vô thường. Vô thường thì khổ. Khổ chẳng phải là ngã. Chẳng phải ngã, là tất cả kia chẳng phải ngã, chẳng khác ngã, chẳng ở trong nhau, biết như thật. Gọi đó là chánh quán. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử, đối với năm thủ uẩn này quán sát chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát như vậy, đối với các thế gian cũng đều không có gì để chấp thủ. Vì không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm nhiễm; vì không có gì để đắm nhiễn nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì can làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành
KINH 76. CHÁNH QUÁN SÁT
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo, ở nơi cái gì mà không thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, cúi xin vì chúng con mà nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ y theo những lời dạy mà thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ! Ta sẽ vì ngưới mà nói.
“Phải chăng ở nơi sắc không thấy có ngã, khác ngã, ở trong nhau? Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Tỳ-kheo, sắc có phải là vô thường?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Có phải vô thường là khổ?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
“Tỳ-kheo, nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, không.”
“Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, những gì thuộc sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử quán sát năm thủ uẩn là chẳng phải ngã, [22a] chẳng phải ngã sở. Khi quán sát như vậy, đối với các thế gian đều không có gì để chấp thủ. Không có gì để chấp thủ nên không có gì để đắm. Không có gì để đắm nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh cua Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 77. VÔ THƯỜNG
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu sắc vô thường mà có thường, thì sắc này không nên có bệnh, có khổ, và đối với sắc cũng không nên có những sự mong cầu phải như thế này hay không như thế này. Vì sắc là vô thường, nên đối với sắc có bệnh, có khổ sanh ra, và cũng không thể mong để được như thế này hay không như thế này. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.
“Tỳ-kheo, ý ngươi nghĩ sao? Sắc là thường hay là vô thường?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.”
Này các Tỳ-kheo:
“Vô thường có phải là khổ?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
Này các Tỳ-kheo:
“Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy Thánh đệ tử ở trong đó có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“ Thế Tôn, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong , hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở, biết như thật. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử quán sát chánh xác sắc. Do quán sát chánh xác sắc rồi mà sanh ra nhàm chán, ly dục, không ham thích, giải thoát. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng sanh ra nhàm chán, ly dục, không ham thích, giải thoát, biết rằng, tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 78. KHỔ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc là khổ. Nếu sắc không phải là khổ, nơi sắc sẽ không có bệnh, có khổ sanh ra, và cũng không nên muốn như thế này hay không thể như thế này. Vì sắc là khổ, và vì sắc là khổ nên bệnh sanh ra nơi sắc, đối với sắc cũng có thể muốn khiến [22b] như thế, hay không khiến như thế. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Tỳ-kheo, sắc là thường hay là vô thường?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là vô thường.”
Này các Tỳ-kheo:
“Vô thường có phải là khổ?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, là khổ.”
Này các Tỳ-kheo:
“Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch; vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, quán sát như thật. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử đối với sắc sẽ được giải thoát, đối với thọ, tưởng, hành, thức sẽ được giải thoát. Ta nói người này sẽ giải thoát sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, não, khổ, và tụ khổ thuần lớn.”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
[7b22] KINH 79. PHI NGÃ
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Sắc không phải là ngã. Nếu sắc là ngã, không nên ở nơi sắc mà bịnh, khổ sanh, và cũng có ước muốn khiến sắc là như vậy hay không như vậy. Vì sắc không phải là ngã cho nên ở nơi sắc có bệnh, khổ sanh, và cũng không thể có ước muốn khiến sắc như vậy, hay không như vậy. Thọ, tưởng, hành, và thức cũng lại như vậy.
“Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, sắc là thường hay là vô thường?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Là vô thường, bạch Thế Tôn.”
“Tỳ-kheo, nếu là vô thường, thì có phải là khổ?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Là [7c] khổ, bạch Thế Tôn.”
“Vậy, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có nên thấy là có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Không nên, bạchThế Tôn.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, và thức lại cũng như vậy. Cho nên, Tỳ-kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không phải là ngã, không phải khác ngã, hay không ở trong nhau. Hãy quán sát như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành, và thức lại cũng như vậy.
“Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử, đối với năm thủ uẩn này, hãy quán sát như thật chúng là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi quán sát như thật rồi, đối với thế gian không có gì phải chấp thủ. Vì đã không có gì để chấp thủ, nên cũng không có gì để đắm trước. Không có gì để đắm trước, nên tự giác ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 80. NGŨ TỲ KHEO
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, nơi Tiên nhơn trú xứ, nước Ba-la-nại.
Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo :
“Sắc không phải có ngã. Nếu sắc mà có ngã, thì bệnh, khổ không thể sanh nơi sắc được, cũng không thể ước muốn khiến cho sắc như vầy hay không như vầy được. Vì sắc là vô ngã, cho nên nơi sắc bệnh, khổ sanh, và cũng thể có ước muốn khiến cho sắc như vầy hay không như vầy được. Đối với thọ, tưởng, hành, và thức lại cũng như vậy.
“Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, sắc là thường hay là vô thường?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Là vô thường, bạchThế Tôn.”
“ Tỳ-kheo, vô thường là khổ chăng?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“ Là khổ, bạch Thế Tôn.”
“Tỳ-kheo, vô thường, là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc có nên thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Không nên, bạch Thế Tôn.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, và thức cũng lại như vậy.
“Cho nên, Tỳ-kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát như thật tất cả chúng chẳng phải là ngã, chẳng phải là ngã sở. Đối với thọ, tưởng, hành, và thức lại cũng như vậy.
“Này Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử đối với năm thủ uẩn này, hãy quán sát như thật thấy chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát như vậy, đối với thế gian đều không có gì để thủ. Không có gì để thủ, nên không có gì để đắm trước. Không có gì để [8a] đắm trước, cho nên tự giác ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, năm Tỳ-kheo này, không còn khởi các lậu nữa, tâm được giải thoát.
Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
0 nhận xét