KINH 81. TAM CHÁNH SỸ


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tinh xá Trúc viên, tại Chi-đề

Bấy giờ có ba vị chánh sĩ mới xuất gia. Đó là Tôn giả A-nậu-luật-đà , Tôn giả Nan-đề , Tôn giả Kim-tỳ-la .

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết trong tâm họ đang nghĩ những gì, nên răn dạy họ rằng:

“Tỳ-kheo, đây là tâm, đây là ý, đây là thức. Hãy tư duy điều này. Chớ tư duy điều này. Hãy đoạn trừ dục này, đoạn trừ sắc này, tự thân tác chứng, thành tựu và an trụ.

“Tỳ-kheo, có sắc nào là thường còn, không biến dịch, tồn tại mãi không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch không, Thế Tôn.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Sắc là vô thường, là pháp biến dịch, yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh. Sắc như vậy từ xưa tới nay, tất cả đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch. Khi đã biết như vậy rồi, tất cả các lậu, hại, xí nhiên, ưu não đã từng duyên vào sắc này mà sanh ra, thảy đều bị đoạn diệt. Khi đã đoạn diệt rồi, không còn gì để chấp trước. Khi đã không còn gì để chấp trước rồi, sống an lạc. Khi đã sống an lạc rồi, đạt được Bát Niết-bàn. Đối với thọ, tưởng, hành, và thức lại cũng như vậy.”

Khi đức Phật nói kinh này, ba vị chánh sĩ lậu hoặc không còn khởi lên nữa, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 82. THẬP LỤC TỲ KHEO

Tôi nghe như vầy:



Một thời, đức Phật ở trong vườn xoài Tán cái, bên bờ sông Bạt-đề, nước Ma-thâu-la

Bấy giờ đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy an trú nơi hòn đảo chính mình , an trú nơi nương tựa chính mình , an trú nơi hòn đảo pháp , an trú nơi nương tựa pháp , chứ đừng an trú nơi hòn đảo nào khác, hay nương tựa nơi nào khác.

“Tỳ-kheo hãy quán sát chân chánh, an trú nơi hòn đảo chính mình, an trú nơi nương tựa chính mình, an trú nơi hòn đảo pháp, an trú nơi nương tựa pháp, chứ đừng an trú nơi hòn đảo nào khác, hay nơi nương tựa nào khác.

“Do nhân gì mà ưu, bi, khổ, não sanh? Tại sao có bốn? Do bởi đâu, bị cái gì trói buộc? Làm sao tự quán sát, ưu, bi, khổ, não chưa sanh nay sanh; ưu, bi, khổ, não đã sanh nay lại tăng trưởng rộng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Cúi xin đức Thế Tôn vì chúng con mà nói, sau khi chúng con nghe xong, sẽ y như những lời dạy mà làm theo.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

[8b] “Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, có sắc, nhân sắc mà bị trói buộc vào sắc; tự quán sát ưu, bi, khổ, não chưa sanh nay sanh, đã sanh rồi nay lại tăng trưởng rộng. Đối với thọ, tưởng, hành, và thức cũng lại như vậy.

“Tỳ-kheo, có sắc nào là thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi không?”

Đáp:

“Bạch không, Thế Tôn.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, sắc là vô thường. Thiện nam tử biết sắc là vô thường rồi biến dịch, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh; từ xưa tới nay tất cả sắc đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch; biết vậy rồi, nếu sắc là nhân duyên sanh ra ưu, bi, não, khổ, hãy nên đoạn trừ chúng. Khi đã đoạn trừ rồi, không còn gì để chấp trước. Không chấp trước nên sống an vui. Sống an vui, đó gọi là Niết-bàn. Đối với thọ tưởng, hành, và thức lại cũng như vậy.”

Khi đức Phật nói kinh này, mười sáu Tỳ-kheo không sanh các lậu, tâm đạt được giải thoát.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt

Trúc viên, Tì-xá-li,

Thanh tịnh, chánh quán sát,

Vô thường, khổ, phi ngã,

Năm, ba và mười sáu.




Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Ba, 5 tháng 1, 2010
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.