[11b]KINH. 91. GIÁC


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Những gì là năm? Sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy có ngã, thì tất cả cũng đều ở nơi năm thủ uẩn này mà thấy có ngã. Các Sa-môn, Bà-la-môn thấy sắc là ngã, sắc là khác ngã, hay ngã ở trong sắc, sắc ở trong ngã ; thấy thọ, tưởng, hành, và thức là ngã, khác ngã, ngã ở trong thức, thức ở trong ngã.

“Phàm phu ngu si vô học vì vô minh nên thấy sắc là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau và, nói ngã là chân thật nên không xả. Vì không xả nên các căn tăng trưởng. Khi các căn đã tăng trưởng rồi, thì sẽ sanh ra các xúc. Do bị xúc chạm bởi sáu xúc nhập xứ , do đó phàm phu ngu si vô học khởi lên cảm giác khổ lạc, từ xúc mà nhập xứ khởi lên. Những gì là sáu? nhãn xúc nhập xứ, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, và ý xúc nhập xứ .

“Như vậy, Tỳ-kheo, có ý giới, pháp giới, vô minh giới. Kẻ phàm phu ngu si vô học, vì vô minh xúc cho nên khởi lên ý tưởng có, ý tưởng không, ý tưởng vừa có vừa không, ý tưởng ta hơn, ý tưởng ta bằng, ý tưởng ta kém, ý tưởng ta biết, ta thấy. Những ý tưởng biết như vậy, những ý tưởng thấy như vậy đều do sáu xúc nhập xứ mà phát sanh.

“Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu xúc-nhập xứ này xả bỏ vô minh mà sanh minh. Không sanh ra ý tưởng về có, ý tưởng về không, ý tưởng về vừa có vừa không, ý tưởng hơn, ý tưởng bằng, ý tưởng kém, ý tưởng ta biết, ta thấy. Khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy rồi, thì những gì do vô minh-xúc khởi lên trước kia sẽ bị diệt, và cảm thọ phát sanh do minh xúc sau đó sẽ khởi lên.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH.92 TAM THẾ ẤM THẾ THỰC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Những gì là năm? Sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.

“Sa-môn, Bà-la-môn nào nhờ trí túc mạng tự biết rõ những đời sống trước của mình, thì việc đã biết, đang biết, sẽ biết đều phát xuất từ năm thủ uẩn này. Việc đã biết đang biết, sẽ biết về đời quá khứ của ta đã từng trải qua, có sắc như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy, thức như vậy.

“Cái gì có thể phân tán, trở ngại , cái đó gọi là sắc thủ uẩn . Như bàn tay, đá, gậy, dao, bị trở ngại bởi ngón tay; hoặc do lạnh, nóng, khát, đói, hoặc do xúc bởi muỗi mòng, độc trùng, mưa gió; đó gọi là trở ngại do xúc . Cho nên, chướng ngại, đó là sắc thủ uẩn. [11c] Lại nữa, sắc thủ uẩn này là vô thường, khổ, biến dịch.

“Những tướng cảm nhận, đó là thọ thủ uẩn . Cảm nhận cái gì? Cảm nhận sự khổ, cảm nhận sự vui, cảm nhận sự không khổ không vui. Cho nên gọi tướng cảm nhận là thọ thủ uẩn. Lại nữa, thọ thủ uẩn này là vô thường, khổ, biến dịch.

“Các tưởng, là tưởng thủ uẩn . Tưởng cái gì? Tưởng ít, tưởng nhiều, tưởng vô lượng, hoàn toàn không có gì tưởng là không có gì. Đó gọi là tưởng thủ uẩn. Lại nữa, tưởng thủ uẩn này là vô thường, khổ, là pháp biến dịch.

“Tướng tạo tác hữu vi là hành thủ uẩn . Tạo tác cái gì? Tạo tác sắc, tạo tác thọ, tưởng, hành, và thức, cho nên tướng tạo tác hữu vi là hành thủ uẩn.

“Lại nữa, hành thủ uẩn này là pháp vô thường, khổ, biến dịch.

“Tướng phân biệt biết rõ là thức thủ uẩn . Biết rõ cái gì? là biết rõ sắc, biết rõ thinh, hương, vị, xúc, và pháp, cho nên gọi là thức thủ uẩn. Lại nữa, thức thủ uẩn là pháp vô thường, khổ, biến dịch.

“Này các Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử kia đối với sắc thủ uẩn kia phải học như vầy, ‘Ta nay bị sắc hiện tại ăn . Quá khứ đã từng bị sắc kia ăn, như trong hiện tại nay.’ Lại nghĩ như vầy, ‘Nay ta đang bị sắc hiện tại ăn, nếu mà ta ham muốn sắc vị lai, thì cũng sẽ bị sắc kia ăn như trong hiện tại.’ Biết như vậy rồi, người ấy không hoài niệm sắc quá khứ, không ham muốn sắc vị lai, đối với sắc hiện tại sanh yểm ly, lìa dục, diệt hết tai hại, hướng đến tịch diệt. Đa văn Thánh đệ tử đối với thọ, tưởng, hành, và thức thủ uẩn hãy học như vầy, ‘Ta nay bị thức hiện tại ăn. Quá khứ đã từng bị thức kia ăn, như trong hiện tại nay. Nếu mà ta ham muốn thức vị lai, thì cũng sẽ bị thức kia ăn như trong hiện tại.’ Biết như vậy rồi, người ấy không hoài niệm thức quá khứ, không ham muốn thức vị lai, đối với thức hiện tại sanh yểm ly, lìa dục, diệt tận , hướng đến tịch diệt. Ở đây, diệt chứ không tăng, lui chứ không tiến, diệt chứ không khởi, xả chứ không thủ.

“Ở nơi cái gì diệt mà không tăng? Sắc diệt mà không tăng. Thọ, tưởng, hành, thức diệt mà không tăng.

“Ở nơi cái gì lùi mà không tiến? Sắc lùi mà không tiến. Thọ, tưởng, hành, thức lùi mà không tiến.

“Ở nơi cái gì diệt mà không khởi? Sắc diệt mà không khởi. Thọ, tưởng, hành, thức diệt mà không khởi.

“Ở nơi cái gì xả mà không thủ? Sắc xả mà không thủ. Thọ, tưởng, hành, thức xả mà không thủ.

“Diệt chứ [12a] không tăng, tịch diệt mà an trụ. Lùi chứ không tiến, im lặng lui mà an trụ. Diệt chứ không khởi, tịch diệt mà an trụ. Xả chứ không thủ, không sanh ra sự trói buộc. Không bị trói buộc, nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những việc gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Khi đức Phật nói kinh này số đông các Tỳ-kheo không khởi các lậu, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Bài kệ tóm tắt

Ngã, ti hạ, chủng tử,

Phong trệ, ngũ chuyển, thất (xứ thiện)

Hai hệ trước và giác,

Tam thế uẩn thế thực.



KINH 93. TÍN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thiện nam có tín tâm cần suy nghĩ như vầy: ‘Ta nên thuận theo pháp. Ta hãy an trụ với sự tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức.’ Thiện nam tử có tín tâm bèn an trụ với sự tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức, nên đối với sắc sanh yểm ly; đối với thọ, tưởng, hành, thức sanh yểm ly. Do yểm ly mà ly dục, giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng: ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 94. A-NAN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thiện nam tử có tín tâm, chánh tín xuất gia, sống không gia đình, tự nghĩ: ‘Ta nên thuận theo pháp. Ta hãy an trụ với sự tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức.’ Thiện nam tử có tín tâm bèn an trụ với sự tu tập nhiều về yểm ly đối với sắc; an trụ với sự tu tập nhiều về yểm ly đối với thọ, tưởng, hành, thức, nên đối với sắc sanh yểm ly; đối với thọ, tưởng, hành, thức sanh yểm ly . Ta nói người ấy chắc chắn sẽ được thoát ly khỏi tất cả sanh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 95. A-NAN (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan rằng:

“Hoặc gia chủ hay con người gia chủ có tín tâm, đến hỏi ngươi rằng, ‘Ở nơi pháp nào mà biết rõ được sự sanh và [12b] diệt của nó?’ thì ngươi sẽ trả lời như thế nào?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu có gia chủ hay con gia chủ đến hỏi con như vậy, thì con sẽ đáp rằng, ‘Biết sắc là pháp sanh diệt; biết thọ, tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt.’ Bạch Thế Tôn, nếu có gia chủ hay con gia chủ hỏi như vậy, thì con sẽ trả lời như vậy.”

Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Lành thay! Lành thay! Nên đáp như vậy. Vì sao vậy? Sắc là pháp sanh diệt; thọ tưởng, hành, thức là pháp sanh diệt. Biết sắc là pháp sanh diệt, đó gọi là biết sắc. Biết thọ, tưởng, hành, thức cũng là pháp sanh diệt, đó gọi là biết… thức.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 96. A-NAN (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu có các ngoại đạo xuất gia đến hỏi ngươi rằng, ‘A-nan, vì sao Thế Tôn dạy người tu các phạm hạnh.’ Được hỏi như vậy, nên đáp thế nào?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu có người ngoại đạo xuất gia đến hỏi con rằng, ‘A-nan, vì sao Thế Tôn dạy người tu các phạm hạnh?’ thì con sẽ trả lời rằng, ‘Vì để đối với sắc, tu tập yểm ly, ly dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên đức Thế Tôn dạy tu các phạm hạnh. Vì để đối với thọ, tưởng, hành, thức, tu tập yểm ly, ly dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh.’ Bạch Thế Tôn, nếu có người ngoại đạo xuất gia hỏi như vậy, thì con cũng sẽ đáp như vậy.”

Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Lành thay! Lành thay! Nên đáp như vậy. Vì sao vậy? Thật vậy, Ta vì đối với sắc, tu tập yểm ly, lìa dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh. Vì đối với thọ, tưởng, hành, thức, tu tập yểm ly, ly dục, diệt tận, giải thoát, không sanh, nên dạy tu các phạm hạnh.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 97. HOẠI PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ vì các ngươi nói pháp hoại và bất hoại . Hãy lắng nghe, và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ngươi mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, sắc là pháp hoại. Sắc kia diệt, là Niết-bàn, là pháp bất hoại . Thọ, tưởng, hành, thức là pháp hoại. Thức kia diệt, là Niết-bàn, là pháp bất hoại.”

Phật nói kinh này xong, các [12c] Tỳ-kheo nghe những gì đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 98. UẤT-ĐÊ-CA

Như trong Tăng nhất A-hàm, phẩm Bốn pháp.

KINH 99. BÀ-LA-MÔN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân-thứ , phía bắc tụ lạc Tát-la thuộc nước Câu-tát-la .

Bấy giờ chủ tụ lạc Bà-la-môn Đại Tánh nghe đồn rằng, “Sa-môn dòng họ Thích, ở nơi dòng họ lớn Thích-ca mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia, học đạo, sống không gia đình, thành bậc Vô thượng Đẳng Chánh Giác, đang du hành trong nhơn gian, đến ở trong rừng Thân-thứ, phía bắc tụ lạc Tát-la thuộc nước Câu-tát-la này. Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm này, tướng mạo danh xưng, công đức chân thật như vậy được cả trời và người ca tụng, tiếng đồn bay khắp tám phương: Ngài là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài ở giữa các cõi, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, với trí tuệ rộng lớn có thể tự mình chứng biết rõ rằng: ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những điều gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ Ngài vì đời mà nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa, và khoảng cuối đều toàn thiện; có nghĩa, có vị đều thiện, thuần nhứt thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, diễn nói chánh pháp vi diệu. Lành thay, nên gặp! Lành thay, nên đi đến! Lành thay, nên cung kính thừa sự!”

Nghĩ như vậy rồi, ông liền sửa soạn xe cộ, đem theo nhiều tùy tùng, bưng bình vàng, người cầm lọng cán vàng, đi đến chỗ đức Phật, cung kính phụng sự. Khi đến cửa rừng, ông xuống xe đi bộ đến chỗ đức Thế Tôn. Sau khi hỏi thăm sức khỏe có an lành không, ông ngồi qua một bên, bạch đức Thế Tôn rằng:

“Thưa Sa-môn Cù-đàm, Ngài luận về cái gì? Thuyết về cái gì?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ta luận về nhân, và thuyết về nhân.”

Lại bạch Phật rằng:

“Thế nào là luận về nhân? Thế nào là thuyết về nhân?”

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

“Có nhân, có duyên để thế gian tập khởi; có nhân, có duyên để tập khởi thế gian. Có nhân, có duyên để thế gian diệt; có nhân, có duyên diệt thế gian.”

Bà-la-môn bạch Phật rằng:

“Thưa Thế Tôn, thế nào là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi? và có nhân, có duyên để tập khởi thế gian?”

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

“Phàm phu ngu si không học, nên không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật, nên ái lạc sắc, khen ngợi sắc, tâm nhiễm đắm mà trụ. Kia đối với sắc mà ái lạc nên sanh thủ. Duyên thủ [13a] nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, não, khổ. Đó chính là sự tập khởi của toàn bộ khối khổ lớn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức, lại cũng như vậy. Này Bà-la-môn, đó gọi là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi; có nhân, có duyên để tập khởi thế gian.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thế nào là có nhân, có duyên để thế gian diệt tận? và có nhân, có duyên để diệt tận thế gian?”

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

“Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Do biết như thật, đối với sắc không ái lạc, không khen ngợi, không nhiễm đắm, không lưu trú. Không ái lạc, không lưu trú, nên sắc ái bị diệt. Ái diệt nên thủ diệt; thủ diệt nên hữu diệt; hữu diệt nên sanh diệt; sanh diệt nên lão, tử, ưu, bi, não, khổ diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Này Bà-la-môn, đó gọi là có nhân, có duyên để thế gian diệt tận; cũng gọi là có nhân, có duyên để diệt tận thế gian.

“Này Bà-la-môn, đó gọi là luận nhân, đó gọi là thuyết nhân.

Bà-la-môn bạch Phật rằng:

“Thưa Cù-đàm, luận nhân là như vậy, thuyết nhân là như vậy. Tôi bận nhiều việc thế gian, nay xin từ giã ra về.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nên biết đúng thời.”

Phật nói kinh này xong, các Bà-la-môn nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, lễ sát chân rồi lui.

KINH 100 THẾ GIAN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trụ xứ, nước Ba-la-nại.

Bấy giờ có Bà-la-môn tại tụ lạc Tì-ca-đa-lỗ-ca đi đến chỗ đức Phật, cung kính thăm hỏi, lùi ngồi một bên, bạch đức Phật rằng:

“Thưa Cù-đàm, tôi có một đệ tử trẻ biết thiên văn, biết chủng tộc, xem tướng tốt, xấu cho mọi người; nói có, ắt là có; nói không, ắt là không; nói thành, ắt là thành; nói hoại, ắt là hoại. Thưa Cù-đàm, ý Ngài nghĩ sao?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Hãy gác qua việc đệ tử trẻ của Ông biết thiên văn, biết chủng tộc. Nay Ta hỏi Ông, tùy theo ý Ông mà trả lời.

“Này Bà-la-môn, ý ông nghĩ sao, sắc vốn không có chủng loại chăng?”

Đáp: “Đúng vậy, Thế Tôn.”

“Thọ, tưởng, hành, thức vốn không có chủng loại chăng?”

Đáp: “Đúng vậy, Thế Tôn.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ông bảo rằng đệ tử trẻ của Ông, biết thiên văn, biết chủng tộc, vì mọi người mà nói như vầy: nói có, ắt là có; nói không, ắt là không. Vậy cái biết cái thấy này không phải là không thật chăng?”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Đúng vậy, Thế Tôn.”

Phật bảo Bà-la-môn:

[13b]“Ý Ông nghĩ sao? Có loại sắc nào còn mãi trăm năm không? khác với sanh, khác với diệt chăng? Thọ, tưởng, hành, thức còn mãi trăm năm chăng? Hay khác với sanh, khác với diệt chăng?”

Đáp: “Đúng vậy, Thế Tôn.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ý Ông nghĩ sao? Đệ tử trẻ của Ông, biết thiên văn, biết chủng tộc, vì mọi người nói là thành chứ không hoại; vậy cái biết, cái thấy này không phải là không thay đổi chăng?”

Đáp: “Đúng vậy, Thế Tôn.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ý Ông nghĩ sao? Pháp này, và pháp kia; thuyết này, và thuyết kia, quan điểm nào hơn?”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thưa Thế Tôn, ở đây là nói như pháp, như những gì đức Phật đã nói, hiển bày, khai phát. Cũng như có người bị chìm xuống nước được cứu hộ, người bị tù tội được giải thoát ra, người lạc đường được chỉ nẻo đi, nơi tăm tối được đèn sáng. Hôm nay, đức Thế Tôn khéo nói pháp thù thắng, cũng lại hiển bày, khai phát như vậy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Tỳ-ca-đa-lỗ-ca nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ sát chân rồi lui.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.