KINH 101 UẨN


Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trụ xứ, nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay, Ta sẽ nói về uẩn, và thủ uẩn.

“Thế nào là uẩn? Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng được gọi chung là sắc uẩn.

“Tùy theo những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thức; tất cả được gọi chung là thọ, tưởng, hành, thức uẩn. Đó gọi là uẩn.

“Thế nào là thủ uẩn? Sắc hữu lậu, chấp thủ; sắc kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, phát sanh ra tham dục, sân nhuế, ngu si, và các thứ tâm pháp tùy phiền não khác. Thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là thủ uẩn.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 102. LẬU VÔ LẬU

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, Tiên nhơn trụ xứ, nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về pháp hữu lậu và vô lậu.

“Thế nào là pháp hữu lậu? Sắc là pháp hữu lậu, bị chấp thủ; sắc sanh ra ái và nhuế. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là pháp hữu lậu, bị chấp thủ; … thức kia sanh ra ái và nhuế. Đó gọi là pháp hữu lậu.

“Thế nào là pháp vô lậu? Những gì thuộc về sắc vô lậu, không bị chấp thủ ; sắc kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, sắc kia không [13c] sanh ái, nhuế. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô lậu, không chấp thủ; … thức kia hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai, không sanh ái, nhuế. Đó gọi là pháp vô lậu.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.



Bài kệ tóm tắt

Hai tín, hai A-nan,

Pháp hoại, Uất-để-ca,

Bà-la và thế gian,

Trừ pháp lậu, vô lậu.



KINH 103. TẬT LẬU TẬN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Sau đó, lại ôm y bát, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình, đến quốc độ phương Tây, du hành trong nhơn gian.

Bấy giờ, trong rừng An-đà có một Tỳ-kheo từ xa trông thấy Thế Tôn ra đi, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình. Sau khi thấy vậy, liền đến chỗ Tôn giả A-nan, bạch Tôn giả A-nan rằng:

“Tôn giả biết cho, đức Thế Tôn, không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình ra đi du hành.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nói với Tỳ-kheo kia:

“Nếu như đức Thế Tôn không nói với chúng, không bảo thị giả, một thân một mình ra đi du hành, thì chúng ta không nên đi theo. Vì sao? Ngày hôm nay đức Thế Tôn muốn ít bận rộn để an trụ tịch diệt .”

Bấy giờ đức Thế Tôn du hành về phương Bắc, đến trụ dưới tàn cây Bạt-đà-tát-la , trong rừng cây có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba-đà thuộc nước Bán-xà .

Sau khi đức Thế Tôn đi rồi, có một số đông Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả A-nan, thưa với Tôn giả A-nan rằng:

“Ngài có nghe hiện nay đức Thế Tôn đang ở nơi nào không?”

Tôn giả A-nan đáp:

“Tôi có nghe, hiện nay đức Thế Tôn đang ở về phương Bắc, dưới tàn cây Bạt-đà-tát-la, trong rừng cây có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba-đà thuộc nước Bán-xà.”

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nói với Tôn giả A-nan rằng:

“Tôn giả biết cho, đã lâu rồi chúng tôi không gặp đức Thế Tôn. Nếu ngài không ngại cực nhọc, có thể cùng chúng tôi đến chỗ đức Thế Tôn. Xin thương xót cho!”

Tôn giả A-nan biết đã đúng lúc, nên im lặng mà nhận lời.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan cùng số đông Tỳ-kheo chờ qua đêm, sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, sắp xếp ngọa cụ, họ mang y bát, đi về hướng Tây, du hành trong nhân gian, rồi quay về hướng Bắc, đến khu rừng có người giữ gìn, tại tụ lạc Ba-đà, thuộc nước Bán-xà.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan cùng số đông Tỳ-kheo sắp xếp y bát, rửa chân xong, đến chỗ đức [14a] Thế tôn, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi ngồi xuống một bên.

Bấy giờ, đức Thế Tôn vì số đông Tỳ-kheo nói pháp, khai thị, giáo giới, làm cho lợi ích, làm cho an lạc .

Vào lúc ấy, giữa chúng có một Tỳ-kheo nghĩ rằng: “Biết như thế nào, thấy như thế nào để nhanh chóng chứng đắc lậu tận?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết được những ý nghĩ của Tỳ-kheo kia, nên bảo các Tỳ-kheo:

“Có Tỳ-kheo đang ở trong chỗ ngồi này nghĩ rằng: ‘Biết như thế nào, thấy như thế nào để nhanh chóng chứng đắc lậu tận ?’ Ta đã từng nói pháp rằng: ‘Hãy khéo léo quán sát các uẩn; đó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám chi Thánh đạo.’ Ta đã từng nói những pháp như vậy để quán sát các uẩn. Thế mà hiện nay vẫn còn có thiện nam tử không muốn nổ lực siêng thực hành, không nổ lực siêng vui thích, không nổ lực siêng suy nghĩ, không nổ lực siêng tin tưởng, mà tự biếng lười, không nổ lực tăng tiến để diệt tận được các lậu.

“Lại nữa, nếu có thiện nam tử đối với những gì Ta đã nói, mà quán sát các uẩn, nổ lực siêng ham muốn, nổ lực siêng vui thích, nổ lực siêng suy nghĩ, nổ lực siêng tin tưởng, thì có thể nhanh chóng chứng đắc lậu tận.

“Phàm phu ngu si không học, ở nơi sắc thấy là ngã. Nếu thấy ngã, thì đó gọi là hành . Hành này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, và cái gì chuyển? Ái được sanh bởi vô minh xúc , và duyên vào ái nên khởi lên hành này.

“Ái này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? Ái này lấy thọ làm nhân, thọ là tập khởi; do thọ sanh, do thọ chuyển.

“Thọ này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? Thọ này lấy xúc làm nhân, xúc là tập khởi; do xúc sanh, do xúc chuyển.

“Xúc này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? Xúc này lấy sáu nhập xứ làm nhân, sáu nhập xứ là tập khởi; do sáu nhập xứ sanh, do sáu lục nhập xứ chuyển.

“Sáu nhập xứ này là pháp hữu vi vô thường, là pháp duyên khởi của tâm; xúc thọ, hành thọ này cũng là pháp hữu vi vô thường, là pháp duyên khởi của tâm .

“Người nào đã quán sát như vậy mà còn thấy sắc là ngã; hay không thấy sắc là ngã mà còn thấy sắc là ngã sở; hay không thấy sắc ngã sở mà còn thấy sắc ở trong ngã; hay không còn thấy sắc ở trong ngã mà thấy ngã ở trong sắc; hay không thấy ngã ở trong sắc mà còn thấy thọ là ngã; hay không thấy thọ là ngã mà còn thấy thọ là ngã sở; hay không thấy thọ là ngã sở mà còn thấy thọ ở trong ngã; hay không thấy thọ ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong thọ; hay không thấy ngã ở trong thọ mà còn thấy tưởng là ngã; hay không còn thấy tưởng là ngã mà còn thấy tưởng là ngã sở; hay không thấy tưởng ngã sở mà còn thấy tưởng ở trong ngã; hay không thấy tưởng ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong tưởng; hay không thấy ngã ở trong tưởng [14b] mà còn thấy hành là ngã; hay không thấy hành là ngã mà còn thấy hành là ngã sở; hay không thấy hành là ngã sở mà còn thấy hành ở trong ngã; hay không thấy hành ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong hành; hay không thấy ngã ở trong hành mà còn thấy thức là ngã; hay không thấy thức là ngã mà còn thấy thức là ngã sở; hay không còn thấy thức là ngã sở mà còn thấy thức ở trong ngã; hay không thấy thức ở trong ngã mà còn thấy ngã ở trong thức; hay không thấy ngã ở trong thức mà lại khởi lên đoạn kiến, hoại hữu kiến; hay không khởi đoạn kiến, hoại hữu kiến, nhưng không xa lìa ngã mạn. Người nào không xa lìa ngã mạn, thì lại thấy ngã. Thấy ngã, đó là hành. Hành này, cái gì làm nhân, cái gì là tập khởi; cái gì sanh, cái gì chuyển? Như trước đã nói, cho đến, ngã mạn.

“Người nào biết như vậy, thấy như vậy, nhanh chóng chứng đắc lậu tận.”

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 104. UẨN CĂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại giảng đường Lộc-mẫu, Đông viên, nước Xá-Vệ. Bấy giờ, vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh dậy , Thế Tôn đến trước các Tỳ-kheo, trải tòa ngồi, và bảo các Tỳ-kheo:

“Có năm thủ uẩn. Những gì là năm? Sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn.”

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai bên hữu, quỳ gối sát đất, chấp tay bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, có phải đây là năm thủ uẩn; sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Hãy trở lại chỗ ngồi mà hỏi. Ta sẽ vì ngươi mà nói.”

Tỳ-kheo kia sau khi lạy Phật rồi trở lại chỗ ngồi của mình, bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, năm thủ uẩn này, lấy gì làm gốc, do gì tập khởi, do cái gì mà sanh, do cái gì mà xúc ?

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Năm thủ uẩn này, lấy dục làm gốc, do dục tập khởi, vì dục sanh, vì dục mà xúc.”

Khi Tỳ-kheo kia nghe những gì đức Phật vừa nói, hoan hỷ tùy hỷ. Lại bạch Phật rằng:

“Thế Tôn đã vì chúng con nói, năm uẩn là thủ . Lành thay, những gì đã được nói! Nay con xin hỏi lại. Bạch Thế Tôn, uẩn là thủ hay năm uẩn khác thủ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Chẳng phải năm uẩn là thủ, cũng chẳng phải năm uẩn khác thủ. Ở nơi nào mà có dục tham, thì đó là năm thủ uẩn. ”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Hoan hỷ, tùy hỷ. Con xin hỏi nữa. Có hai uẩn tương quan chăng?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Đúng vậy! đúng vậy! Cũng như có một người suy nghĩ như vầy: ‘Ta ở [14c] đời vị lai sẽ được sắc như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy, thức như vậy.’ Đó gọi là uẩn uẩn tương quan.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Lành thay! những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ. Con xin hỏi nữa. Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là uẩn? ”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng gọi chung là uẩn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Như vậy, này Tỳ-kheo, đó gọi là uẩn.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Lành thay! những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ. Con xin hỏi nữa. Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì mà gọi là sắc uẩn? Do nhân gì, duyên gì mà gọi thọ, tưởng, hành, thức uẩn?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Bốn đại là nhân, bốn đại là duyên; đó gọi là sắc uẩn. Vì sao? Những gì thuộc về sắc uẩn, tất cả những cái đó đều là bốn đại, được tác thành do duyên bốn đại. Xúc là nhân, xúc là duyên sanh ra thọ, tưởng, hành; cho nên gọi là thọ, tưởng, hành uẩn. Vì sao? Nếu những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thì tất cả chúng đều lấy xúc làm duyên. Danh sắc là nhân, danh sắc là duyên, đó gọi là thức uẩn. Vì sao? Nếu những gì thuộc về thức, thì tất cả chúng đều lấy danh sắc làm duyên.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Lành thay! những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ. Con xin hỏi nữa. Thế nào là vị ngọt của sắc? Thế nào là sự tai hại của sắc? Thế nào là sự xuất ly sắc? Thế nào là vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức? Thế nào là sự tai hại của thức? Thế nào là sự xuất ly của thức?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Hỷ lạc duyên vào sắc sanh ra, đó gọi là vị ngọt của sắc. Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, đó gọi là sự tai hại của sắc. Đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham, đó gọi là sự xuất ly sắc. Hỷ lạc duyên vào thọ, tưởng, hành, thức sanh ra, đó gọi là vị ngọt của thức. Thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì đó gọi là sự tai hại của thức. Đối với thọ, tưởng, hành, thức mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham, thì đó gọi là sự xuất ly thức.

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Lành thay! những gì đã được. Hoan hỷ, tùy hỷ. Con xin hỏi nữa. Từ cái gì sanh ra ngã mạn ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Phàm phu ngu si không học, ở nơi sắc thấy là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Đối với thọ, tưởng, [15a] hành, thức là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Từ đây sanh ra ngã mạn.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Lành thay! những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ. Con xin hỏi nữa. Bạch Thế Tôn, làm thế nào để đạt được không ngã mạn?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức cũng không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau.”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Lành thay! những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ. Con xin hỏi nữa. Biết cái gì, cái gì nhanh chóng chứng đắc lậu tận?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Và thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Tỳ-kheo, biết như vậy, thấy như vậy, nhanh chóng chứng đắc lậu tận.”

Bấy giờ, trong chúng lại có một vị Tỳ-kheo khác căn trí đần độn, không hiểu biết, vì vô minh che lấp, nên khởi tà kiến ác, nghĩ rằng: “Nếu vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, vậy thì ai là người sẽ chịu quả báo trong đời vị lai?”

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết những ý nghĩ trong tâm của vị Tỳ-kheo kia, liền bảo các Tỳ-kheo:

“Ở trong chúng này, có người ngu si, vô trí, vô minh nghĩ rằng: ‘Nếu sắc là vô ngã, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, thì ai là người sẽ nhận quả báo?’ Những điều nghi ngờ như vậy, trước đây Ta đã giải thích. Thế nào Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”

Đáp: “Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Hỏi: “Vô thường, là khổ chăng?”

Đáp: “Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Hỏi: “Vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, ở trong nhau không?”

Đáp: “Bạch Thế Tôn, không.”

“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, này các Tỳ-kheo, những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, chẳng phải những gì thuộc về ngã, người thấy như vậy được gọi là thấy đúng. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử quán như vậy, thì liền tu tập tâm nhàm chán. Đã nhàm chán rồi, thì ly dục. Do ly dục mà giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng, ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Khi Phật nói kinh này xong, phần nhiều các Tỳ-kheo không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo nghe những điều đức Phật đã dạy, hoan [15b] hỷ phụng hành.



Bài kệ tóm tắt

Ấm căn, uẩn tức thọ,

Hai uẩn cùng tương quan,

Danh tự, nhân, hai vị,

Ngã mạn, chóng lậu tận.









[29c6] KINH 105 SAI-MA

Tôi nghe như vầy:

Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo Thượng tọa trú ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-xá-di . Lúc ấy cũng ở nước Câu-xá-di tại vườn Bạt-đà-lê có Tỳ-kheo Sai-ma thân mang trọng bệnh. Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa là người nuôi bệnh. Tỳ-kheo Đà-sa đến chỗ các Tỳ-kheo Thượng tọa, lễ sát chân các Tỳ-kheo Thượng tọa rồi đứng sang một bên. Các Tỳ-kheo Thượng tọa bảo Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Thầy trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma nói rằng: ‘Các Thượng tọa hỏi thăm thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn không tăng lắm chăng?’”

Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa, trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Các Thượng tọa hỏi thăm thầy, thân thể có an ổn chút nào không? Đau đớn không tăng lắm chăng?”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Bệnh của tôi không bớt. Thân không được an ổn. Các thứ khổ bức bách càng tăng thêm, không cứu nổi. Giống như người có nhiều sức mạnh bắt lấy người gầy yếu đuối, dùng dây trói chặt vào đầu cùng hai tay, rồi siết chặt làm cho đau đớn vô cùng. Hiện tại sự thống khổ của tôi còn hơn cả người kia nữa. Giống như tên đồ tể dùng dao bén mổ bụng bò lấy nội tạng nó ra; sự đau đớn bụng con bò như thế nào còn có thể chịu nổi, còn hiện tại sự đau đớn bụng của tôi, hơn cả sự đau của con bò kia. Như hai lực sĩ bắt một người yếu đuối treo lên trên lửa rồi đốt hai chân họ, hiện nay hai chân của tôi còn nóng hơn người kia.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-sa đến lại chỗ các Thượng tọa, đem những lời đã nói về bệnh trạng của Tỳ-kheo Sai-ma bạch lại đầy đủ cho các Thượng tọa. Các Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa trở về chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, và nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Đức Thế Tôn đã dạy có năm thủ uẩn, đó là: Sắc thủ uẩn, thọ, tưởng, hành, thức thủ uẩn. Tỳ-kheo Sai-ma, thầy có thể quán sát một chút về năm thủ uẩn này, không phải ngã, không phải ngã sở, được không?”

Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa dạy rồi trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:

“Các Thượng tọa nhắn lại thầy là: ‘Thế Tôn [30a] đã từng dạy năm thủ uẩn, thầy có thể quán sát một chút, không phải ngã, không ngã sở được không?’”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Đối với năm thủ uẩn này, tôi có thể quán sát không phải ngã, không phải ngã sở.”

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại bạch với các Thượng tọa rằng:

“Tỳ-kheo Sai-ma nói, ‘Đối với năm thủ uẩn này, tôi có thể quán sát không phải ngã, không phải ngã sở.’”

Các Tỳ-kheo Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng: “Thầy có thể đối với năm thủ uẩn quán sát không phải ngã, không phải những gì thuộc về ngã như các bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc được không?”

Tỳ-kheo Đà-sa vâng lời các Tỳ-kheo Thượng tọa dạy, lại đến chỗ Tỳ-kheo Sai-ma, nói với Sai-ma rằng: “Thầy có thể quán sát năm thủ uẩn như các bậc A-la-hán đã đoạn tận các lậu hoặc được không?”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Tôi có thể quán sát năm thủ uẩn là không phải ngã, không phải ngã sở được; nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc.”

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại chỗ các Thượng tọa, bạch với các Thượng tọa, “Tỳ-kheo Sai-ma nói, ‘Tôi có thể quán sát năm thủ uẩn là không phải ngã, không phải ngã sở được; nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc.’”

Bây giờ, các Thượng tọa bảo Tỳ-kheo Đà-sa: “Ngươi hãy trở về nói với Tỳ-kheo Sai-ma, ‘Thầy nói là thầy quán sát năm thủ uẩn không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.’”

Tỳ-kheo Đà-sa lại vâng lời dạy các Thượng tọa, đến nói với Tỳ-kheo Sai-ma là: “Thầy nói là Thầy quán sát năm thủ uẩn không phải là ngã, không phải là ngã sở, nhưng chẳng phải là A-la-hán đã đoạn tận lậu hoặc. Trước sau mâu thuẫn nhau.”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Đối với năm thủ uẩn tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.”

Tỳ-kheo Đà-sa trở lại chỗ các Thượng tọa, bạch với các Thượng tọa, là Tỳ-kheo Sai-ma xin thưa rằng: “Đối với năm thủ uẩn Tôi quán sát không phải là ngã, không phải là ngã sở. Nhưng chẳng phải là A-la-hán. Vì đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xả ly, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.”

Các Thượng tọa lại sai Tỳ-kheo Đà-sa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:

“Thầy nói có tôi. Vậy thì ở nơi nào có tôi? Sắc là tôi hay tôi khác sắc? Thọ, tưởng, hành, thức là tôi hay tôi khác … thức?”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Tôi không nói sắc là tôi hay tôi khác sắc; thọ, tưởng, hành, thức [30b] là tôi hay tôi khác … thức. Nhưng đối với năm thủ uẩn, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.”

Tỳ-kheo Sai-ma nói với Tỳ-kheo Đà-sa rằng:

“Sao dám làm phiền Thầy phải chạy qua chạy lại! Thầy mang giùm cây gậy đến đây, tôi sẽ tự chống gậy đến các Thượng tọa kia. Xin trao gậy cho tôi.”

Tỳ-kheo Sai-ma liền tự chống gậy đi đến chỗ các Thượng tọa. Từ xa các Thượng tọa nhìn thấy Tỳ-kheo Sai-ma chống gậy đi lại, họ liền trải tòa, sửa ghế ngồi, đích thân ra nghinh tiếp, vì thầy mang giúp y bát, và mời ngồi, cùng thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi các Thượng tọa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:

“Thầy nói tôi có ; vậy chỗ nào thấy tôi? Sắc là ngã chăng? Tôi khác sắc chăng? Thọ, tưởng, hành, thức là ngã chăng? Tôi khác … thức chăng?”

Tỳ-kheo Sai-ma bạch rằng:

“Chẳng phải sắc là ngã, chẳng phải ngã khác sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã, chẳng phải ngã khác … thức. Nhưng đối với năm thủ uẩn, ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi có thể chưa đoạn hết, chưa có thể biết rõ, chưa có thể xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết.

“Giống như hương thơm của hoa ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-mâu-đầu, phân-đà-lợi, có phải là mùi hương của rễ? hay hương khác rễ; là mùi hương tinh thô của thân, lá, cuống? là mùi hương khác tinh thô? hay là tất cả những thứ đó chăng?”

Các Thượng tọa đáp rằng:

“Không phải đâu, Tỳ-kheo Sai-ma, chẳng phải rễ của hoa ưu-bát-la, bát-đàm-ma, câu-mâu-đầu, phân-đà-lợi, là mùi hương, và chẳng phải mùi hương khác rễ; cũng chẳng phải thân, lá, cuống, tinh thô là mùi hương; cũng chẳng phải mùi hương khác tinh thô.”

Tỳ-kheo Sai-ma lại hỏi:

“Vậy đó là những thứ hương gì?”

Các Thượng tọa đáp rằng:

“Là mùi hương của hoa.”

Tỳ-kheo Sai-ma lại nói:

“Vậy thì ngã cũng như vậy. Chẳng phải sắc là ngã, ngã không lìa sắc; chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức là ngã, ngã không lìa thức; nhưng đối với năm thủ uẩn, tôi thấy không phải ngã, không phải ngã sở, mà đối với ngã mạn, ngã dục, ngã sử tôi chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm tởm, chưa nhổ ra hết. Các Thượng tọa hãy nghe tôi nói thí dụ, vì người trí nhờ thí dụ mà được hiểu rõ. Giống như chiếc áo của người nhũ mẫu giao cho người giặt. Họ giặt bằng nước tro, tuy có sạch bụi nhơ, nhưng vẫn còn có mùi. Nếu muốn hết mùi này thì cần phải dùng các thứ hương thơm xông ướp. Cũng vậy, đa văn Thánh đệ tử xa lìa năm thủ uẩn, quán sát chân chánh rằng không phải ngã, không phải ngã sở, có thể đối với năm thủ uẩn, ngã mạn, ngã dục, ngã sử chưa đoạn hết, chưa biết rõ, chưa xa lìa, chưa nhàm chán, nhưng đối với năm thủ uẩn sau đó vị ấy tư duy thêm nữa, [30c] quán sát sự sanh diệt của chúng, rằng: ‘Đây là sắc; Đây là sự tập khởi của sắc này, Đây là sự diệt tận của sắc này. Đây là thọ, tưởng, hành, thức này. Đây là sự tập khởi... thức này, và sự đoạn tận của... thức này cũng như vậy. Đối với năm thủ uẩn khi đã quán sát sự sanh diệt của chúng như vậy rồi, thì ngã mạn, ngã dục, ngã sử, tất cả đều được tiêu trừ. Đó gọi là quán sát chân chánh chân thật.”

Khi Tỳ-kheo Sai-ma nói pháp này, các vị Thượng tọa xa lìa được trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Tỳ-kheo Sai-ma nhờ không khởi các lậu hoặc, nên tâm được giải thoát; vì được an vui lợi ích nơi chánh pháp nên những bệnh của thân tất cả đều được tiêu trừ.

Bấy giờ, các Thượng tọa nói với Tỳ-kheo Sai-ma rằng:

“Lần đầu chúng tôi được nghe những gì Nhân giả nói đã hiểu rõ và mừng vui, huống chi là được lại nhiều lần. Sở dĩ chúng tôi hỏi nhiều là vì muốn phát khởi biện tài vi diệu của Nhân giả, chứ không phải có ý nhiễu loạn. Nhân giả là người có khả năng nói rộng chánh pháp của Như Lai, Ứng cúng, Đẳng Chánh Giác.”

Sau khi các Thượng tọa nghe những gì mà Tỳ-kheo Sai-ma nói xong, tất cả đều hoan hỷ phụng hành.

KINH 106 DIỆM-MA-CA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo tên là Diệm-ma-ca khởi tà kiến ác nói rằng: “Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.”

Lúc ấy, có số đông Tỳ-kheo nghe những lời này, liền đến đó nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca rằng:

“Có thật Thầy đã nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa’?”

Đáp rằng:

“Thưa các Tôn giả, thật sự như vậy.”

Các Tỳ-kheo nói với Diệm-ma-ca:

“Chớ nên hủy báng Thế Tôn, hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không hề nói những lời này. Thầy nên từ bỏ tà kiến ác này đi.”

Khi các Tỳ-kheo đã nói những lời này rồi, mà Tỳ-kheo Diệm-ma-ca vẫn còn ôm chặt tà kiến ác này, lại nói như vầy:

“Thưa các Tôn giả, chỉ có đây mới là sự thật. Nếu khác đi, đó là giả dối.”

Thầy nói ba lần như vậy.

Khi các Tỳ-kheo không thể khuất phục được Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, liền bỏ ra đi, đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, thưa Tôn giả Xá-lợi-phất rằng:

“Tôn giả biết cho, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca kia đã khởi lên tà kiến ác nói như vầy: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.’ Chúng tôi đã nghe những lời nói này, nên đến hỏi Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, có thật Thầy đã nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa?’ Thầy đáp, ‘Thưa các Tôn giả, chỉ có đây mới là sự thật, ngoài ra là lời ngu dốt.’ Chúng tôi [31a] liền bảo rằng: ‘Chớ nên hủy báng Thế Tôn, hủy báng Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không hề nói những lời này. Thầy nên từ bỏ tà kiến ác này đi.’ Qua ba lần can gián, Thầy vẫn ôm chặt tà kiến ác mà không bỏ, nên nay chúng tôi đến chỗ Tôn giả, xin Tôn giả thương xót Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, hãy làm cho Thầy dứt bỏ tà kiến ác.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Vâng, tôi sẽ làm cho Thầy này dứt bỏ tà kiến ác.”

Sau khi nghe những lời Tôn giả Xá-lợi-phất nói rồi, số đông Tỳ-kheo tùy hỷ vui mừng, trở về chỗ ở của mình.

Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, ngài ra khỏi thành, trở về tinh xá cất y bát, rồi đến chỗ Tỳ-kheo Diệm-ma-ca.

Tỳ-kheo Diệm-ma-ca từ xa trông thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đến, liền trải tòa, chuẩn bị nước rửa chân, sắp đặt ghế ngồi, ân cần nghinh tiếp, mang giúp y bát rồi mời ngồi. Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất vào chỗ ngồi và rửa chân xong, nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:

“Có thật Thầy đã nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa?’”

Tỳ-kheo Diệm-ma-ca bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, thật sự là như vậy.”

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:

“Bây giờ tôi hỏi Thầy, cứ theo ý Thầy mà đáp cho tôi. Thế nào, Diệm-ma-ca, sắc là thường hay là vô thường?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, là vô thường.”

Lại hỏi:

“Nếu là vô thường, thì là khổ chăng?”

Đáp:

“Là khổ.”

Lại hỏi:

“Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Vậy đa văn Thánh đệ tử

ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”

Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

Lại hỏi:

“Thế nào Diệm-ma-ca, sắc là Như Lai chăng?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”

Lại hỏi:

“Thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai chăng?

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”

Lại hỏi:

“Thế nào, Diệm-ma-ca, khác sắc là Như Lai chăng? Khác thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai chăng?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”

Lại hỏi:

“Như Lai có ở trong sắc chăng ? Như Lai có ở trong thọ, tưởng, hành, thức chăng?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”

Lại hỏi:

“Sắc ở trong Như Lai chăng? Thọ, tưởng, hành, thức ở trong Như Lai chăng?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”

Lại hỏi:

“Phi sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai chăng?”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.” [31b]

“Như vậy, này Diệm-ma-ca, Như Lai ngay trong hiện tại này là chân thật, như thật, thường trú, không thể nắm bắt, không thể giả thiết; sao Thầy lại có thể nói, ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa’? Nói như vậy đúng thời chăng”

Đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, không.”

Lại hỏi:

“Này Diệm-ma-ca, trước đây Thầy nói: ‘Theo chỗ hiểu của tôi về những pháp mà Phật đã thuyết giảng, thì vị A-la-hán lậu tận, sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn gì nữa.’ Tại sao nay lại nói là không phải?”

Tỳ-kheo Diệm-ma-ca nói:

“Trước đây, vì vô minh tôi không hiểu, nên có tà kiến ác như vậy. Nay tôi đã nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói rồi, nên những gì không hiểu do vô minh, tất cả đều dứt sạch.”

Lại hỏi:

“Nếu lại được hỏi: ‘Tỳ-kheo, tuyên bố tà kiến ác trước đây, nay do biết gì, thấy gì, mà tất cả đều bị loại bỏ?’ Thầy sẽ đáp như thế nào?”

Diệm-ma-ca đáp:

“Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, nếu có người đến hỏi thì tôi sẽ đáp như vầy, ‘A-la-hán lậu tận, sắc là vô thường; vô thường là khổ. Khổ dứt thì vắng lặng, mát mẻ, lặng im. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.’ Nếu có người nào đến hỏi thì tôi sẽ đáp như vậy.”

Xá-lợi-phất nói:

“Lành thay! Lành thay, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca! Thầy nên đáp như vậy. Vì sao? A-la-hán mà lậu đã hết, thấy sắc là vô thường. Cái gì vô thường, cái đó là khổ. Nếu vô thường, là khổ, đó là pháp sanh diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca xa lìa trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:

“Nay tôi sẽ nói thí dụ, mà người trí nhờ thí dụ thì sẽ hiểu rõ được. Thí như một gia chủ, hay con một gia chủ giàu có, nhiều của cải, rất mong được nhiều người giúp việc để khéo giữ gìn tài sản của họ. Lúc ấy có kẻ thù độc ác, giả đến gần gũi giúp đỡ, và xin làm tôi tớ, luôn luôn dò xét việc ngủ nghỉ sớm muộn của chủ nhân, mà nhân đó hầu hạ hai bên, kính cẩn phục vụ họ; luôn thuận theo lời chủ, khiến chủ nhân vừa lòng, xem như bạn thân, tưởng như con cháu, rất tin tưởng, không nghi ngờ, nên không bao giờ tự đề phòng giữ gìn. Sau đó tên này dùng dao bén, giết chết người chủ.

“Này Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, thầy nghĩ thế nào về kẻ thù độc ác kia, bạn thân gia chủ ấy, đó chẳng phải là phương tiện ban đầu, với tâm hại luôn luôn dò xét tìm cơ hội, để dẫn đến cái chung cuộc đối với người chủ sao? Trong khi gia chủ không hay biết gì về cái hậu quả tai hại mà mình phải gánh chịu hôm nay.”

Đáp:

“Thật như vậy.”

Tôn [31c] giả Xá-lợi-phất bảo Tỳ-kheo Diệm-ma-ca:

“Thầy nghĩ thế nào về gia chủ này, nếu biết người kia giả làm người thân để ám hại, ông ta đã khéo tự đề phòng giữ gìn, và sẽ không bị làm hại phải không?”

Đáp:

“Đúng vậy.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:

“Cũng vậy, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca, kẻ phàm phu ngu si không học, đối với năm thủ uẩn tưởng là thường, tưởng là an ổn, tưởng là không bệnh, tưởng là ngã, tưởng là ngã sở. Đối với năm thủ uẩn này giữ gìn, nuối tiếc, cuối cùng thì cũng bị năm thủ uẩn oan gia này làm hại, như gia chủ kia bị kẻ oan gia, giả làm người thân hại đi mà không hay biết.

“Này Diệm-ma-ca, đa văn Thánh đệ tử đối với năm thủ uẩn này phải quán sát như bệnh, như ung nhọt, như gai nhọn, như sát hại; là vô thường, khổ, không, chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Đối với năm thủ uẩn này vị ấy không thọ lãnh, không đắm trước. Vì không thọ lãnh nên không đắm trước; vì không đắm trước nên tự giác ngộ Niết-bàn: tự biết ‘Sự sanh của Ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói bài pháp này, Tỳ-kheo Diệm-ma-ca không khởi các lậu hoặc, tâm được giải thoát. Tôn giả Xá-lợi-phất vì Tỳ-kheo Diệm-ma-ca nói pháp sáng soi, chỉ bày làm cho vui vẻ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

KINH 107. TIÊN-NI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương Xá.

Bấy giờ có một ngoại đạo xuất gia tên là Tiên-ni đi đến chỗ Phật cung kính thăm hỏi, rồi ngồi xuống một bên bạch Phật:

“Ngày hôm qua, có các Sa-môn, Bà-la-môn, Giá-la-ca , cùng nhau tập trung tại giảng đường Hy hữu , khen ngợi như vầy: ‘Phú-lan-na Ca-diếp , là người lãnh đạo đồ chúng, có năm trăm đệ tử đang vây quanh trước sau. Trong số họ có người cực thông minh, có người đần độn, nhưng đến khi họ chết đi, không được xác nhận là họ sẽ tái sanh ở đâu. Lại có Mạc-ca-lê Cù-xá-lợi Tử là người lãnh đạo đồ chúng, có năm trăm đệ tử đang vây quanh trước sau. Trong số họ có người cực thông minh, có người đần độn, nhưng đến khi họ chết đi, không được xác nhận là họ sẽ tái sanh ở đâu. Cũng vậy, Tiên-xà-na-tỳ-la-chi Tử, A-kỳ-đa Xí-xá-khâm-bà-la, Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên, Ni-kiền-đà-nhã-đề Tử v.v… mỗi người đều có năm trăm đệ tử vây quanh trước sau, như đã nói trên.’

“Sa-môn Cù-đàm lúc bấy giờ cũng được thảo luận trong đó, rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm là thủ lãnh của đại chúng. Trong số đệ tử của Ngài nếu có ai mạng chung thì liền được ghi nhận là sẽ sanh vào chỗ này, [32a] sẽ sanh vào nơi kia. ‘Trước đây tôi có sanh nghi, vì sao Sa-môn Cù-đàm đạt được pháp như vậy?’”

Phật bảo Tiên-ni:

“Ông chớ sanh hoài nghi. Vì có mê lầm nên sanh ra nghi hoặc. Tiên-ni nên biết, có ba hạng tôn sư. Những gì là ba? Có một hạng tôn sư thấy ngã chân thật tồn tại trong đời hiện tại, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, nhưng không thể biết những việc sau khi chết. Đó là hạng thầy thứ nhất xuất hiện ở thế gian. Lại nữa, này Tiên-ni có một hạng tôn sư, thấy ngã chân thật tồn tại trong đời hiện tại, sau khi chết cũng thấy là ngã tồn tại, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết. Lại nữa, này Tiên-ni có một hạng tôn sư, không thấy đời hiện tại chân thật có ngã, sau khi mạng chung cũng lại không thấy chân thật có ngã.

“Này Tiên-ni, hạng tôn sư thứ nhất thấy ngã chân thật tồn tại trong đời hiện tại, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, đó gọi là đoạn kiến. Hạng tôn sư thứ hai, thấy đời hiện tại và đời vị lai chân thật có ngã, rồi theo chỗ biết ấy mà thuyết, thì đó gọi là thường kiến. Hạng tôn sư thứ ba, không thấy đời hiện tại chân thật có ngã, và sau khi chết cũng không thấy có ngã, đó là điều mà Như Lai, Ứng Đẳng Chánh Giác nói, hiện tại cắt đứt ái, ly dục, diệt tận chứng Niết-bàn.”

Tiên-ni bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, tôi nghe những gì đức Thế Tôn nói mà càng thêm nghi ngờ.”

Phật bảo Tiên-ni:

“Càng nghi ngờ thêm là đúng. Vì sao? Vì đây chính là chỗ sâu xa khó thấy khó biết, cần phải quán chiếu sâu xa, vi diệu mới thấu đáo được. Chỉ có bậc thông tuệ mới hiểu rõ, còn loại chúng sanh thường tình thì chưa có khả năng biết được. Vì sao? Chúng sanh lâu đời có những kiến giải dị biệt, nhẫn thọ dị biệt, mong cầu dị biệt, những ước muốn dị biệt.”

Tiên-ni bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đối với Thế Tôn có lòng tin thuần tịnh, xin đức Thế Tôn vì con mà nói pháp, để ngay nơi chỗ ngồi này tuệ nhãn của con được thanh tịnh.”

Phật bảo Tiên-ni:

“Nay Ta sẽ tùy thuộc vào chỗ ưa thích của Ông mà nói.”

Phật bảo Tiên-ni:

“Sắc là thường, hay là vô thường?”

Đáp:

“Là vô thường.”

Đức Thế Tôn lại hỏi:

“Này Tiên-ni, vô thường là khổ chăng?:

Đáp:

“Là khổ.”

Đức Thế Tôn lại hỏi Tiên-ni:

“Nếu vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Thưa Thế Tôn, không.”

“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”

Lại hỏi:

“Thế nào, Tiên-ni, sắc là Như Lai chăng?”

Đáp:

“Thưa Thế Tôn, không.”

“Thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai chăng?”

“Thưa Thế Tôn, không.”

Lại hỏi Tiên-ni:

“Như Lai [32b] khác sắc chăng? Như Lai khác thọ, tưởng, hành, thức chăng?”

Đáp:

“Thưa Thế Tôn, không.”

Lại hỏi Tiên-ni:

“Như Lai trong sắc chăng? Như Lai trong thọ, tưởng, hành, thức chăng?”

Đáp:

“Thưa Thế Tôn, không.”

Lại hỏi Tiên-ni:

“Sắc trong Như Lai chăng? Thọ, tưởng, hành, thức trong Như Lai chăng?”

Đáp:

“Thưa Thế Tôn, không.”

Lại hỏi Tiên-ni:

“Phi sắc, phi thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai chăng?”

Đáp:

“Thưa Thế Tôn, không.”

Phật bảo Tiên-ni:

“Các đệ tử của Ta nghe những gì Ta đã nói mà không hiểu nghĩa lý để khởi hiện quán đối với mạn. Vì phi hiện quán nên mạn không bị đoạn trừ. Vì không dứt trừ được mạn, nên khi bỏ uẩn này thì uẩn khác tiếp nối sinh. Do vậy, này Tiên-ni, Ta ký thuyết cho các đệ tử, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào chỗ này hay chỗ kia. Vì sao? Vì mạn còn sót lại.

“Này Tiên-ni, các đệ tử của Ta đối với những gì Ta đã nói mà có thể hiểu rõ, đối với các mạn mà đạt được hiện quán. Nhờ đạt được hiện quán nên các mạn dứt trừ; vì các mạn được dứt trừ nên sau khi thân hoại mạng chung sẽ không còn có tương tục. Này Tiên-ni, những người đệ tử này, Ta không bảo là họ khi bỏ uẩn này rồi, họ sẽ sinh vào chỗ này hay chỗ kia. Vì sao? Vì không có nhân duyên để có thể ký thuyết. Nếu muốn Ta ký thuyết, Ta sẽ ký thuyết rằng họ đã đoạn trừ các ái dục, vĩnh viễn xa lìa kết sử hữu, chân chánh tâm giải thoát, đoạn tận khổ biên. Từ xưa tới nay, và ngay trong hiện tại Ta thường nói mạn quá, mạn tập, mạn sanh, mạn khởi; nếu đối với mạn mà thường xuyên quán sát thì các khổ sẽ không sanh.”

Khi Phật nói pháp này, Tiên-ni Sa-môn ngoại đạo xa lìa trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Bấy giờ, Tiên-ni thấy pháp, đắc pháp, đoạn trừ các nghi hoặc, không do người khác mà biết, không do người khác để được độ thoát, ở trong chánh pháp, tâm đạt được vô sở úy. Ông từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con có được phép ở trong chánh pháp xuất gia tu phạm hạnh không?”

Phật bảo Tiên-ni:

“Ông có thể xuất gia, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ-kheo ở trong chánh pháp.”

Sau khi Tiên-ni đã được phép xuất gia rồi, một mình ở nơi vắng vẻ tu tập không buông lung, tự suy nghĩ về lý do thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, tu hành phạm hạnh, thấy pháp, tự biết đã chứng đắc, biết rằng ‘Sự sanh của ta đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa.’ Đã đạt được quả A-la-hán.

Sau khi đã nghe những điều đức Phật đã nói, [32c] (thiếu 1 câu ?) hoan hỷ phụng hành.

KINH 108 A-NẬU-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương Xá .

Bấy giờ có Tỳ-kheo tên là A-nậu-la-độ ở núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy, có số đông người xuất gia ngoại đạo đi đến chỗ A-nậu-la-độ. Sau khi chào hỏi thăm nhau, họ ngồi sang một bên và, bạch với A-nậu-la-độ:

“Chúng tôi có điều muốn hỏi. Ngài có rảnh mà giải thích cho chúng tôi không?”

A-nậu-la-độ nói với các ngoại đạo:

“Tùy theo điều muốn hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”

Các ngoại đạo lại hỏi:

“Thế nào, Tôn giả, Như Lai sau khi chết tồn tại chăng?”

A-nậu-la-độ nói:

“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký .”

Lại hỏi:

“Như Lai sau khi chết không tồn tại chăng?”

A-nậu-la-độ nói:

“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký.”

Lại hỏi:

“Như Lai sau khi chết tồn tại và không tồn tại; chẳng phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại chăng?”

A-nậu-la-độ nói:

“Như Thế Tôn đã nói, điều này thuộc vô ký.”

Lại hỏi A-nậu-la-độ:

“Thế nào, Tôn giả, Như Lai sau khi chết là tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Như Lai sau khi chết không tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Như Lai sau khi chết là cũng tồn tại, cũng không tồn tại; chẳng phải tồn tại, chẳng phải không tồn tại chăng? Bảo rằng vô ký. Thế nào, Tôn giả, Sa-môn Cù-đàm không biết, không thấy chăng?”

A-nậu-la-độ nói:

“Đức Thế Tôn chẳng phải không biết, chẳng phải không thấy.”

Bấy giờ, các ngoại đạo không vừa lòng về những gì mà Tôn giả A-nậu-la-độ đã nói, họ chỉ trích, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Tôn giả A-nậu-la-độ chờ cho các ngoại đạo đi rồi, đến chỗ đức Phật đảnh lễ sát chân, rồi đứng sang một bên, đem những gì các ngoại đạo đã hỏi trình lên tất cả cho Phật:

“Bạch Thế Tôn, họ đã hỏi như vậy, và con đáp như vậy, nói như vậy có phù hợp với chánh pháp không? Con không mắc vào tội hủy báng Thế Tôn chứ? Là thuận theo pháp hay là trái với pháp? Không khiến cho những ai đến cật vấn để rơi vào chỗ đáng chỉ trách chăng?

Phật bảo A-nậu-la-độ:

“Nay Ta hỏi ngươi, theo những gì Ta hỏi mà trả lời. Này A-nậu-la-độ, sắc là thường hay là vô thường?”

Đáp:

“Là vô thường.”

“Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay là vô thường?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn là vô thường.”

Nói chi tiết như kinh Diệm-ma-ca, … cho đến, thức là Như Lai chăng? Đáp là không.

Phật bảo A-nậu-la-độ:

“Nói như vậy là nói lời phù hợp, chẳng phải hủy báng Như Lai, chẳng phải vượt qua thứ lớp, mà nó như [33a] những lời nói pháp theo thứ lớp của Như Lai, không có một ai có thể đến mà cật vấn chê trách được. Vì sao? Vì đối với sắc Ta biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự đoạn tận của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc. Này A-nậu-la-độ, nếu bỏ qua những điều Như Lai giải thích mà bảo là Như Lai không biết, không thấy, thì đây chẳng phải là lời nói chính xác .”

Phật nói kinh này xong, A-nậu-la-độ nghe những điều đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.



KINH 109. TRƯỞNG GIẢ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong rừng sâu Lộc-dã, tại núi Thiết-thủ-bà-la , thuộc nước Bà-kỳ , bấy giờ có gia chủ Na-câu-la đã một trăm hai mươi tuổi, già nua, các căn suy nhược, yếu đuối bệnh khổ mà vẫn muốn diện kiến đức Thế Tôn, cùng các Tỳ-kheo thân quen đáng kính trước đây. Ông đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, rồi lui ngồi sanh một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay con đã già nua, yếu đuối, bệnh khổ, tự gắng sức đến yết kiến đức Thế Tôn cùng các vị Tỳ-kheo thân quen đáng kính trước đây. Xin đức Thế Tôn vì con mà nói pháp khiến cho con luôn luôn được an lạc.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo gia chủ Na-câu-la:

“Lành thay, Gia chủ! Thật sự Ông đã già nua, các căn suy nhược, yếu đuối bệnh hoạn, mà có thể tự mình đến diện kiến Như Lai cùng các Tỳ-kheo thân quen đáng kính khác. Gia chủ nên biết ở nơi cái thân khổ hoạn này mà tu học thân không khổ hoạn. ”

Bấy giờ, đức Thế Tôn vì gia chủ Na-câu-la, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi ngồi im lặng. Sau khi gia chủ Na-câu-la nghe những gì đức Phật đã dạy, tùy hỷ vui mừng, lễ Phật mà lui.

Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới một tàn cây cách Phật không xa. Gia chủ Na-câu-la đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, đảnh lễ sát chân, rồi lui ngồi sang một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi gia chủ:

“Hiện tại các căn của gia chủ vui vẻ, nhan sắc sáng tươi, có phải đã nghe pháp sâu xa từ nơi Thế Tôn rồi chăng?”

Gia chủ Na-câu-la bạch ngài Xá-lợi-phát:

“Hôm nay đức Thế Tôn vì tôi nói pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ; vì nước pháp cam lồ rưới vào thân tâm tôi, cho nên nay các căn của tôi vui vẻ, nhan sắc sáng tươi.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi gia chủ:

“Đức Thế Tôn đã vì Ông nói những pháp gì, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, nhuần thắm nước cam lồ?”

Gia chủ Na-câu-la bạch ngài Xá-lợi-phất:

“Con đến chỗ Thế Tôn, bạch Thế Tôn rằng: ‘Con đã già nua, yếu đuối, khổ hoạn, tự con đến diện kiến đức Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo thân quen đáng kính.’ Đức Phật bảo con: ‘Lành thay, Gia chủ! Ông thực sự đã già nua, [33b] yếu đuối, khổ hoạn, mà có thể tự nổ lực đến gặp Ta cùng các Tỳ-kheo thân quen đáng kính trước đây. Bây giờ đối với thân khổ hoạn này, Ông thường nên ở nơi cái thân khổ hoạn này mà tu học thân không khổ hoạn.’ Đức Thế Tôn đã vì con nói pháp như vậy, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, nước cam lồ nhuần thấm.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi gia chủ:

“Vừa rồi sao Ông không hỏi lại đức Thế Tôn, thế nào là thân bị bệnh khổ, là tâm bị bệnh khổ? Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ ?”

Gia chủ đáp:

“Vì lý do này nên con đến gặp Tôn giả, xin vì con nói tóm lược pháp yếu.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo gia chủ:

“Lành thay, Gia chủ! Nay Ông hãy lắng nghe, tôi sẽ vì Ông mà nói. Kẻ phàm phu ngu si không học, đối với sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, sự tai hại của sắc, về vị ngọt của sắc, sự xuất ly sắc không biết như thật. Vì không biết như thật nên ái lạc sắc, nói rằng sắc là ngã, là ngã sở rồi chấp thủ, nhiếp thủ. Khi sắc này hoặc bị hư hoại, hoặc bị biến đổi, tâm thức cũng tùy theo mà biến chuyển, khổ não liền sanh. Khi khổ não đã sanh thì sự sợ hãi, sự chướng ngại, sự hoài vọng, sự lo nghĩ buồn khổ tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là bệnh khổ của thân tâm.

“Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ? Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về xuất ly của sắc. Khi đã biết như thật rồi thì không sanh ra ái lạc, thấy sắc là ngã, hay ngã sở. Sắc này nếu biến dịch hay đổi khác đi nữa, tâm cũng không thay đổi theo mà sanh ra khổ não. Khi tâm đã không biến chuyển theo mà sanh ra khổ não rồi, thì được sự không sợ hãi, chướng ngại, tiếc nuối, lo nghĩ, buồn khổ, tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ.”

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, gia chủ Na-câu-la đạt được mắt pháp trong sạch. Bấy giờ, gia chủ Na-câu-la thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua được mọi sự hồ nghi mà không do ai khác, ở trong chánh pháp tâm đạt được vô sở úy, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy sửa lại y phục, chấp tay bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Con đã được vượt qua, đã được độ thoát. Nay con xin nương về Tam bảo Phật, pháp, tăng, làm người Ưu-bà-tắc; xin ngài chứng biết cho con. Nay con xin nguyện suốt đời nương về Tam bảo.”

Sau khi gia chủ Na-câu-la đã nghe những gì Tôn giả Xá-lợi-phất nói rồi, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ ra đi.

KINH 110. TÂY

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại tụ lạc Thiên hiện của dòng họ Thích .

Bấy giờ có số đông Tỳ-kheo người phương Tây muốn trở về phương Tây an cư. Họ đi đến [33c] chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn vì họ mà nói pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách được khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ rồi, số đông Tỳ-kheo phương Tây từ chỗ ngồi đứng dậy chấp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo phương Tây chúng con muốn trở về phương Tây an cư. Nay chúng con xin được từ giã.”

Phật bảo các Tỳ-kheo phương Tây:

“Các Ông đã từ giã Xá-lợi-phất chưa?”

Đáp:

“Bạch, chưa từ giã.”

Phật bảo các Tỳ-kheo phương Tây:

“Xá-lợi-phất thuần tu phạm hạnh, các Ông nên từ giã. Ông ấy có thể làm cho các Ông được lợi ích và an lạc lâu dài.”

Các Tỳ-kheo phương Tây từ tạ mà lui và chuẩn bị đi. Lúc ấy Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi dưới một bóng cây kiên cố cách Phật không xa. Các Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi lui sang một bên, bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Chúng tôi muốn trở về phương Tây an cư, nên đến đây xin từ giã.”

Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:

“Các Thầy đã từ giã đức Thế Tôn chưa?”

Đáp:

“Thưa đã từ giã rồi.”

Xá-lợi-phất bảo:

“Các Thầy trở về phương Tây, mỗi quốc độ mỗi khác nhau, mỗi chúng hội mỗi khác nhau, ắt sẽ có người hỏi các Thầy. Hiện tại các Thầy đang ở chỗ đức Thế Tôn nghe pháp được khéo giảng thuyết, hãy khéo lãnh thọ, khéo ghi nhớ, khéo quán sát, khéo thâm nhập, để đủ khả năng vì mọi người kia mà tuyên nói lại đầy đủ, không phải là hủy báng đức Phật chăng? Không để cho các chúng kia nạn vấn, gạn hỏi chê trách và bị bế tắc chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch ngài Xá-lợi-phất:

“Chúng tôi vì muốn nghe pháp, nên đến chỗ Tôn giả. Xin Tôn giả vì thương xót chúng tôi mà nói pháp đầy đủ.”

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

“Người Diêm-phù-đề lợi căn thông minh, hoặc Sát-lị, Sa-môn, Bà-la-môn, hay gia chủ, có thể họ sẽ hỏi các thầy rằng: ‘Đại sư của các ông nói pháp như thế nào? Bằng những pháp nào để truyền dạy cho các ông?’ Các Thầy nên đáp, ‘Đại sư chỉ nói điều phục dục tham, và chỉ đem pháp này để truyền dạy.’

“Họ sẽ hỏi lại các Thầy, ‘Ở trong pháp nào mà điều phục dục tham?’ Các Thầy nên đáp: ‘Đại sư chỉ nói ở trong sắc uẩn kia mà điều phục dục tham; ở trong thọ, tưởng, hành, thức uẩn kia mà điều phục dục tham. Đại sư của chúng tôi nói pháp như vậy.’

“Họ sẽ lại hỏi, ‘Dục tham có tai hại gì mà Đại sư lại nói ở ngay nơi sắc điều phục dục tham; nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?’ Các Thầy nên trả lời: ‘Nếu ở nơi sắc mà dục không đoạn trừ, tham không đoạn trừ, ái không đoạn trừ, niệm không đoạn trừ, khát không đoạn trừ, và khi sắc kia biến đổi, hoặc khác đi, thì sẽ sinh ra ưu, bi, [34a] não, khổ; đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Vì thấy dục tham có những tai hại như vậy, nên ở nơi sắc phải điều phục dục tham; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham.’

“Họ sẽ lại hỏi: ‘Thấy có lợi ích gì trong việc dứt trừ dục tham, mà Đại sư nói ở nơi sắc phải điều phục dục tham; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức điều phục dục tham?’ Các Thầy nên trả lời: ‘Nếu ở nơi sắc mà đoạn trừ dục, đoạn trừ tham, đoạn trừ niệm, đoạn trừ ái, đoạn trừ khát, thì đối với sắc nếu có biến đổi, hoặc khác đi, vẫn không khởi lên ưu, bi, não, khổ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Thưa các ngài, nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện mà khiến cho cuộc sống ngay trong hiện tại vẫn được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nóng bức, thân hoại mạng chung được sanh vào nơi tốt lành, thì đức Thế Tôn cuối cùng đã không dạy: Hãy đoạn trừ các pháp bất thiện. Và cũng không dạy người ở trong Phật pháp tu các phạm hạnh, để đạt được tận cùng khổ biên. Vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp bất thiện nên sẽ đưa đến một cuộc sống khổ đau ngay trong hiện tại, và chướng ngại, nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đọa vào trong đường ác. Cho nên đức Thế Tôn dạy, hãy đoạn trừ pháp bất thiện, và ở trong Phật pháp phải tu các phạm hạnh để đạt được tận cùng khổ biên, bình đẳng giải thoát hết khổ. Nếu vì nguyên nhân nhận lãnh các pháp thiện, mà ngay trong cuộc sống hiện tại chịu khổ, chướng ngại, nhiệt não, và sẽ đọa vào trong đường ác, Thế Tôn đã không dạy nên thọ trì pháp thiện, ở trong Phật pháp phải tu phạm hạnh để đạt được tận cùng khổ biên, bình đẳng giải thoát hết khổ. Vì thọ trì pháp thiện nên ngay trong cuộc sống hiện tại được an vui, không khổ, không chướng ngại, không phiền não, không nhiệt bức; sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào nơi tốt lành. Cho nên đức Thế Tôn khen ngợi việc dạy người lãnh thọ các pháp thiện, ở trong Phật pháp tu các phạm hạnh để đạt được rốt cùng của khổ biên, bình đẳng giải thoát hết khổ.”

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, các Tỳ-kheo phương Tây không khởi lên các lậu hoặc, tâm được giải thoát.

Sau khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này xong, các Tỳ-kheo tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Người đăng: Phổ Đồng on Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010
categories: | edit post

0 nhận xét

nhạc nền

VIDEO - PHIM ẢNH

About Me

Ảnh của tôi
Vietnam
Từ vô thỉ ta luân hồi cát bụi, Vẫn miệt mài bám lấy cõi trần gian; Vẫn hít thở âm thầm yêu cuộc sống, Trần gian ơi nghe cát bụi mơ màn. Theo khát vọng ta trầm luân gót mỏi, Đếm đường dài vết cũ bụi chưa tan; Ngoảnh mặt lại khói sương mờ phong kín, Đường qua đi mất dấu tự phương ngàn. Ta dong ruỗi lạc loài theo nắng sớm, Cùng mưa chiều tan nát mộng dưới chân; Đất khẽ gọi con gió chiều đi vắng, Về tự tình đưa tiễn mộng nghìn năm. Nghe tan vỡ từ vô thường hoa nở, Nắng nghìn năm trưa buồn lạ trong hồn; Chiều ủ rũ qua nắng tàn trăng hiện, Từng giọt vàng rơi cõi đất mông lung. Vẫn hiện thực qua sắc màu biến đổi, Chuyện trăng tàn nhớ bóng ráng chiều phong; Tựa hơi thở buồn vui nào biết nổi, Cả một đời qua sinh diệt thời gian. Chợt một sớm rảnh rang nhìn đất thở, Đá cựa mình nghe dao động không gian; Như hoa đớm hạt nắng vàng ảo hóa, Giọt mong manh từng giọt đẹp vô ngần. Theo duyên hiện hóa thân vào vô tận, Duyên trùng trùng cho đến mãi vô chung.